tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bình Thuận lo cứu thanh long

  • Cập nhật : 26/12/2015

(Tin Kinh Te)

Ông Ngô Minh Hùng, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho biết diện tích cây thanh long của tỉnh hiện lên đến hơn 26.000 ha, vượt xa con số 15.000 ha theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2010 - 2015. Hệ quả, đầu ra cho trái thanh long trở nên nan giải.

dien tich thanh long binh thuan phat trien qua nong de lai he qua kho khan trong tieu thu - anh: do huu tuan

Diện tích thanh long Bình Thuận phát triển quá nóng để lại hệ quả khó khăn trong tiêu thụ - Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn


Thương lái Trung Quốc thâu tóm thu mua
 

Không chỉ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn mà còn phải làm chủ việc bán hàng hóa bằng liên kết với nhau, chia vùng sản xuất và thay phiên nhau xuất hàng thì mới bảo vệ được chính mình


Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận 
 

Theo Sở Công thương Bình Thuận, riêng năm 2014 sản lượng trái thanh long của tỉnh nhập vào Trung Quốc (TQ) bằng đường tiểu ngạch lên đến 603.000 tấn. Đó là chưa kể nhập chính ngạch và đi bằng đường biển. Năm 2015, con số này dự kiến còn tăng hơn rất nhiều. Hiện có khoảng 450 doanh nghiệp (DN) và cơ sở thu mua thanh long có quan hệ buôn bán tiểu ngạch với các DN TQ. Tuy nhiên, theo chị Minh Ng., chủ một DN chuyên xuất thanh long tiểu ngạch (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), số DN hoặc các vựa trực tiếp xuất hàng đi TQ đang có xu hướng giảm dần do “xuất tiểu ngạch rất nhiêu khê”. “Thay vào đó, các chủ vựa, DN nhỏ chuyển giao cơ sở kinh doanh thu mua của mình cho các thương lái TQ tự đứng ra thu mua, hoặc điều hành việc thu mua. Anh đi quan sát sẽ thấy, nhiều điểm thu mua, nhất là những điểm mới mọc lên đều có bàn tay điều hành của thương nhân TQ. Do hiện nay bị tỉnh đi kiểm tra nên họ núp sau lưng một người VN đứng tên”, chị Minh Ng. tiết lộ.
Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng nhìn nhận có tình trạng các thương nhân TQ rất “tích cực” sang VN thu mua hàng, thay vì phải mua qua trung gian là các chủ vựa ở Bình Thuận. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng nêu cảnh báo: “Chỉ cần một ngày thị trường TQ không ăn thanh long VN là mình đã chết rồi. Lúc đó thanh long Bình Thuận đổ đi đâu?”.
Theo một cán bộ xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam - “thủ phủ” thanh long của Bình Thuận, do đua phát triển “nóng” nên xảy ra tình trạng nhiều hộ nông dân nợ ngân hàng chồng chất mà không có cách gì trả nợ. “Khi vay ngân hàng, khế ước ghi là dùng vào kinh doanh, mua bán, nhưng thực chất đồng tiền được đầu tư vào trồng thanh long. Đối với những hộ dân có đất, chỉ vay tiền để trồng thì còn đỡ. Còn những hộ vay tiền rồi mua đất đầu tư từ đầu thì khó mà có lãi, biết bao giờ trả hết nợ, trong khi giá thanh long cứ đi xuống từng ngày”, cán bộ xã này nói.
Không chỉ nông dân, nhiều DN xuất thanh long hiện cũng “phá sản” vì thiếu vốn. Lý do, theo chị Minh Ng.: “DN ứng trước tiền từ các thương nhân TQ để thu mua giá cao, nhưng giá giảm dần nên... lỗ nặng. Đi vay ngân hàng để trả nợ thì không ngân hàng nào cho vay. Vậy là phải thế cả cơ sở, kho bãi, nhà vườn trừ nợ”. Còn ông Trương Lương, Giám đốc DN Phan Long (TP.Phan Thiết), chuyên sấy khô thanh long, kể suốt 6 tháng qua ông đi vay nhiều ngân hàng nhưng không được. “Tôi có đơn hàng từ Hàn Quốc đặt hàng vài tấn thanh long sấy khô. Nhưng khó khăn về vốn nên không có cách nào dám ký hợp đồng. Cái khó về vốn đã khóa tay DN chúng tôi lại”, ông Lương cho hay.
 
Liên kết để “thoát Trung”
 
 
Giá thanh long giảm sâu
Theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện ngoài Bình Thuận, Long An và Tiền Giang (3 tỉnh trồng thanh long nhiều nhất VN) thì còn 47 tỉnh thành khác cũng trồng thanh long. Các thị trường truyền thống như TQ, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Philippines... hiện đều trồng thanh long. Giá mua thanh long (hàng xuất đi TQ) tại H.Hàm Thuận Nam ngày 18.12 là 12.000 đồng/kg. Bây giờ đang là mùa thanh long trái vụ (chong điện), nhưng so với cùng kỳ năm trước giá thanh long thấp hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Các DN xuất và nông dân đều “than” không có lãi.

Theo ông Bùi Đăng Hưng, việc phát triển cây thanh long, trong đó có hoạt động buôn bán, đang đi “trật lất”, không theo quy luật, cung - cầu không gặp nhau. Ông Hưng cho rằng thị trường TQ là thị trường quá lớn và tiềm năng, nhưng các DN buôn bán thanh long chưa khai thác hết. “Bình thường mỗi ngày mình xuất sang 10 xe. Nhưng phát triển diện tích ồ ạt, sản lượng tăng cao nên giờ xuất sang cả trăm xe thì giá phải giảm thôi. Cái đó là do mình, chứ không thể chỉ nói bị họ ép giá”, ông Hưng phân tích.
“Ở các nước phát triển, người ta sản xuất ra hàng hóa theo quy mô hợp tác xã. Còn ở mình thì làm ngược lại, mạnh ai nấy làm, thậm chí tranh giành nhau mua bán. Làm ăn kiểu này nên bị phía thương nhân TQ bắt bài. Ngay từ bây giờ phải tái cơ cấu quy mô sản xuất thanh long. Không chỉ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn mà còn phải làm chủ việc bán hàng hóa bằng liên kết với nhau, chia vùng sản xuất và thay phiên nhau xuất hàng thì mới bảo vệ được chính mình”, ông Hưng đề xuất.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cũng nhìn nhận TQ là thị trường truyền thống nhưng hiện họ đã trồng được thanh long với diện tích rất lớn. “Trước tình hình này, chúng tôi đang phát triển mô hình hợp tác xã để bà con liên kết với nhau từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Dự án CVED của Canada đang giúp Bình Thuận xây dựng mô hình hợp tác xã thanh long kiểu mới. Qua đó giúp bà con sản xuất thanh long sạch và trực tiếp xuất hàng chứ không qua trung gian nào hết”, ông Kiều thông tin. Mặt khác, theo ông Kiều, cũng phải tính đến thị trường nội địa. “Tâm lý nội địa hiện nay là sợ thanh long có xịt thuốc. Nếu có thanh long sạch theo quy trình, tôi nghĩ tiêu thụ trong nước sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Mai Kiều nói.


Quế Hà - H.Linh
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục