Nghệ thuật - vui chơi giải trí, thông tin và truyền thông, tài chính, ... tiếp tục là những lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2016.
Việt Nam ở đâu trong khối TPP ?
- Cập nhật : 18/03/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam là nước yếu nhất nhưng lại đòi hỏi nhiều nhất trong các nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do TPP. Trong liên kết thương mại và đầu tư, tỷ lệ xuất khẩu vào các nước TPP của Việt Nam đang cao hơn so với nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank, ông Phạm Minh Đức cho biết TPP bao gồm 12 nước thành viên trong đó có hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quy mô kinh tế tương đương 28 ngàn tỷ USD chiếm khoảng 36% tổng GDP toàn cầu và chiếm hơn 1/4 thương mại toàn cầu.
Trong đó quy mô thị trường khoảng 800 triệu dân chiếm 11% dân số thế giới. Liệu vào TPP, Việt Nam có tận dụng được thị trường, mở rộng xuất khẩu với những ưu đãi đặc biệt. Dưới đây là bảng biểu đồ cho thấy Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khối TPP
Về GDP danh nghĩa năm 2014, Việt Nam đạt 186 tỷ USD, đứng ở gần vị trí cuối bảng, xếp thứ 11/12 nước và chỉ hơn Brunei (đạt 17 tỷ USD).
Thu nhập trung bình của người Việt năm 2014 đạt 2.052 USD và là nước có GDP đầu người thấp nhất. Trong khi đó thu nhập của người Úc gấp 30 lần người Việt, thu nhập của người người Mỹ, Canada gấp 25 lần, Nhật Bản gấp 13 lần. Nước ở vị trí gần cuối bảng như Peru cũng gấp Việt Nam hơn 3 lần với 6.551 USD/người.
Việt Nam chiếm 38,8% tỷ trọng xuất khẩu vào các nước TPP, trong đó xuất khẩu nhiều nhất ở thị trường Mỹ với 20,6%. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản 8,7%. Các thị trường còn lại, Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều, tỷ trọng xuất khẩu còn hạn chế. Trong đó với Brunei, chưa có sản phẩm nào của Việt Nam đặt chân tới thị trường này. Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam là có tận dụng được cơ hội để mở rộng thị trường trong TPP hay không. TPP chắc chắn thúc đẩy đầu tư và thương mại Việt Nam phát triển nhưng Việt Nam có thể rơi vào nguy cơ "bẫy giá trị gia tăng thấp" đang hiện hữu.
Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các nước TPP đạt 22,2% trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Nhật Bản với 8,7% và nhập khẩu 4,8% từ thị trường Mỹ. Tỷ lệ này sẽ thay đổi lớn khi TPP đi vào có hiệu lực với thuế suất ưu đãi về 0 ở nhiều mặt hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, TPP có thể trở thành mô hình quản trị thương mại toàn cầu của thế kỉ 21.
Để tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam cần nâng cao hạ tầng cơ sở, hạ tầng thương mại, các dịch vụ logistic, các dịch vụ cung ứng để hỗ trợ, phát huy đầu tư và tăng trưởng.
Chuyên gia cao cấp của World Bank nhấn mạnh, TPP thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thực dần qua các nước. Theo dự đoán, năm 2020 xuất khẩu thực của Việt Nam tăng trưởng hơn 5% nhờ TPP, và con số này sẽ tăng lên 17,1% vào năm 2030.
Nguồn: World Bank; WDI 2015; Hải quan Việt Nam
Theo Người Đồng Hành