tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần tư duy theo hướng thị trường

  • Cập nhật : 04/11/2017

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lí Kinh tế Trung ương cho rằng, để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thành công, một trong những yếu tố tiên quyết là phải tư duy theo hướng thị trường.

ts nguyen dinh cung.

TS Nguyễn Đình Cung.

 

Dưới góc nhìn chuyên gia, theo ông, còn điều gì phải lưu ý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Trong cổ phần, một số doanh nghiệp chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Điều này dễ dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước và không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường trong quá trình cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, việc công khai thông tin doanh nghiệp, về chính sách sở hữu tại doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được triển khai mạnh như luật định. Điều này càng làm cho các nhà đầu tư bên ngoài ngại mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư e ngại.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần, việc công khai minh bạch thông tin cũng thường chậm, bị trì hoãn hoặc không đảm bảo chất lượng.

Theo Bộ Tài chính, tính tới tháng 4/2017, có tới 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Tới hết quý II/2017, thống kê đầy đủ hơn của Bộ Tài Chính cho thấy có tới 730 DNNN cổ phần hóa nhưng không niêm yết.

Nhiều người cho rằng, trên thực tế chúng ta vẫn chưa thu hút được các cổ đông chiến lược vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vì sao vậy, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Trong đó có việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực.

Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư e ngại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn; thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quyết định không tham gia vào quá trình này.

Đâu sẽ là giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?

Yếu tố đầu tiên để có thể giúp thay đổi căn bản thực trạng này chính là chúng ta phải có tư duy bởi muốn làm bất cứ điều gì thì cũng cần một hệ tư tưởng, cái tư duy đi trước, tư duy mở đường giúp chúng ta tiến theo. 

Hiện nay, tư duy trong cổ phần hóa nói chung và trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nói riêng vẫn thiên về quản lí nhà nước. Theo tôi, phải có một tư duy thị trường hơn, có nghĩa là tư duy này phải tiếp cận theo cách nhìn của một nhà đầu tư hơn là một cơ quan quản lí hành chính của nhà nước.

Tư duy thiếu thị trường chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến vấn đề là chúng ta chưa thành công trong việc khắc phục cuộc khủng khoảng doanh nghiệp nhà nước.

Yếu tố thứ 2 là phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế.

Bởi, các nhà đầu tư chiến lược không chỉ đem lại nguồn tài chính mới mà còn có những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước và cho sự phát triển của ngành công nghiệp có liên quan.

Yếu tối thứ 3 là các thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa cần được công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của doanh nghiệp trước khi tham gia đấu thầu.

Trong quá trình cổ phần hóa ông nhấn mạnh rất nhiều về vai trò quan trọng của cổ đông chiến lược, vì sao vậy, thưa ông?

Thêm vào đó, chúng ta phải xác định lại thế nào là cổ đông chiến lược, vai trò của họ ra sao và họ vào đây để làm gì? Cổ phần hóa là cả quá trình, phía trước chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Chúng ta đã xác định được 2 chỗ là “việc phải làm, làm như thế nào” rồi còn “ai làm, làm gì và khi nào làm” là 3 yếu tố chưa ai biết được và quy cho ai.

Vì vậy, theo tôi, cần có quy định rõ ràng và minh bạch về những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ những nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại những giá trị gia tăng thực chất, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, việc định giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lập, giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp.

Vậy, theo ông,nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến điều gì nhất khi đầu tư vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam?

Một nhà đầu tư bao giờ cũng tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận ấy phải dựa trên sự phát triển của doanh nghiệp.

Đối với nhà đầu từ nước ngoài thì bao giờ người ta cũng nhìn thị trường Việt Nam như là yếu tố quan trọng nhất bởi khi đã trở thành cổ đông chiến lược thì nhiệm vụ của họ là làm tăng thêm giá trị của công ty, tìm kiếm tăng thêm lợi nhuận của công ty… và để làm được điều đó thì họ phải tìm hiểu thị trường Việt Nam thật tốt.

Câu chuyện về cổ phần hóa hãng phim truyện gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào về quá trình cổ phần hóa và chọn cổ đông chiến lược của hãng, thưa ông?

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thiếu đi những yếu tố rất căn bản. Sự việc vừa qua phải trách nhiều bên. Nhưng có lẽ hãng phim phải tự trách mình đầu tiên.

Để cổ phần hóa, trước tiên, hãng phim truyện Việt Nam phải đưa ra phương án phát triển của mình. Bản thân hãng phim phải định hướng mình sẽ phát triển theo hướng nào và định vị trí hiện tại của hãng phim.

Từ đó, hãng phim sẽ nhận định được họ cần những nhà đầu tư, cổ đông đáp ứng được điều kiện như thế nào, mang tới giá trị gì để phục vụ chiến lược phát triển của hãng phim.

Tới nay, không biết mấy ai có thông tin về phương án phát triển hãng phim không, riêng tôi thì không có. Trong khi đây là thông tin quan trọng trước tiên. Hãng phim muốn phát triển như thế nào? Họ mong muốn nhà đầu tư mang tới gì cho họ?

Trả lời được hai câu hỏi đó, mới có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và nắm rõ nhà đầu tư này sẽ được lợi gì từ mình, nhà đầu tư kia sẽ mang lại cho mình những giá trị gia tăng nào. Cái quan trọng là phải định hình được cổ đông chiến lược là gì, không phải ai đến cũng là chiến lược.

Vậy nên nếu nói hãng phim có thương hiệu, lịch sử thì chúng cũng không có giá trị nhiều lắm khi bàn về tương lai phát triển của hãng.

Xin cảm ơn ông !

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở về

Bài cùng chuyên mục