tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-08-2016

  • Cập nhật : 17/08/2016

Vụ VLXD dự báo lượng xi măng dư thừa khoảng 25 triệu tấn

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo, với mức tiêu thụ trong nước năm 2016 dự kiến tăng 4%, lượng xi măng dư thừa khoảng 25 triệu tấn. Còn trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 98,76 triệu tấn/năm. 

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công thương), tính đến hết 7 tháng đầu năm 2016, xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 8,97 triệu tấn, giá trị xuất khẩu xi măng thu về 335,12 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu Thế giới, khi 6 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động vị trí này có thể sẽ thay đổi lên vị trí thứ 3 hoặc 4.

Phân tích cụ thể về tình hình thị trường xi măng 7 tháng qua, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại cho biết, Philippines vượt qua thị trường Bangladesh trở thành thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu xi măng và clinker sang Bangladesh đạt 86,61 triệu USD, với lượng xuất 2,90 triệu tấn. Một số thị trường xuất khẩu xi măng tiềm năng của Việt Nam là Đài Loan, Mozambique, Peru cũng đạt trị giá khá cao.

 
Theo Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), trong tháng 7/2016, ước lượng sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành xi măng giảm nhẹ và giá bán lẻ xi măng cơ bản ổn định so với tháng 6/2016. Tổng sản lượng tiêu thụ toàn ngành xi măng tháng 7/2016 ước đạt khoảng 5,1 triệu tấn (Vicem: 1,4 triệu tấn), giảm khoảng 0,2 triệu tấn so với tháng 6/2016.

Cũng theo báo cáo của Vicem, giá xi măng trong nước tháng 7 và tháng 8/2016 ổn định so với tháng 6/2016. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cơ bản ổn định nên các nhà máy sản xuất kinh doanh xi măng cơ bản giữ ổn định giá bán. (ximang)


Cá ngừ Việt Nam hút khách Italy

6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng 98,6% so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 6 xuất khẩu cá ngừ sang Italy đạt hơn 2,9 triệu USD, nâng kim ngạch lên gần 12,9 triệu USD sau 6 tháng, tăng 98,6% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện, đây là quốc gia nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam nhiều nhất trong khối EU. Trong các dòng sản phẩm cá ngừ, Việt Nam đang cung cấp nhiều nhất cá ngừ vây vàng đông lạnh bỏ đầu. 

Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) cũng cho thấy, Việt Nam đang là nước ngoài khối EU xuất nhiều nhất các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh sang Italy trong 4 tháng đầu năm. Trong khi xuất khẩu dòng sản phẩm này của Việt Nam sang Italy đang tăng trưởng tốt hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái thì hàng của Thái Lan, Philippines và Indonesia lại giảm.

Các sản phẩm của Việt Nam đang có sức cạnh trạnh lớn tại thị trường này từ đầu năm, sau khi Philippines không còn được hưởng ưu đãi thuế quan từ GSP, và Thái Lan bị cảnh báo vì IUU. Mặc dù giá các sản phẩm này của Việt Nam cao hơn nhiều so với Philippines, nhưng do ảnh hưởng của Hiệp định thương mại tự do nên sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu Italy chọn nhiều hơn.

Hơn nữa, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam lại đang được chứng nhận An toàn cá heo của EII, một chứng nhận được đánh giá cao tại EU, khiến việc tiếp cận thị trường EU của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên thuận lợi hơn. Theo dự báo của Vasep, xuất khẩu cá ngừ sang Italy sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.(Vnexpress)


Kim ngạch hàng hóa XNK hết tháng 7 đạt gần 191,73 tỷ USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 7-2016 đạt gần 191,73 tỷ USD, tăng 2%, tương ứng tăng hơn 3,83 tỷ USD so với 7 tháng năm 2015.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 7-2016 đạt gần 123,14 tỷ USD, tăng 3,5% tương ứng tăng hơn 4,14 tỷ USD so với 7 tháng năm 2015 và chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 năm 2016 (từ 16-7-2016 đến 31-7-2016) đạt hơn 14,76 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 247 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7-2016. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 9,58 tỷ USD, tăng 3,8% tương ứng tăng 354 triệu USD so với nửa đầu tháng 7-2016.

Trong kỳ 2 tháng 7-2016 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 638 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 7-2016 thặng dư hơn 2,25 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trong kỳ 2 tháng 7/2016 đạt hơn 1,2 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 7-2016 đạt mức thặng dư hơn 12,06 tỷ USD.

 

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 486 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 7-2016.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 7 tăng so với kỳ 1 tháng 7-2016 chủ yếu do tăng/ giảm ở một số nhóm hàng sau: điện thoại và linh kiện tăng 23,9%, tương ứng tăng 286 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,5%, tương ứng 83 triệu USD; sắt thép các loại tăng mạnh 80%, tương ứng tăng 51 triệu USD; hàng thủy sản tăng 17,1%, tương ứng tăng 48 triệu USD; xơ, sợi dệt các loại tăng 30%, tương ứng tăng 33 triệu USD; máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng 5,5%, tương ứng tăng 24 triệu USD; hạt điều tăng 15,9%, tương ứng tăng 20 triệu USD; cao su tăng 13,1%, tương ứng tăng 10 triệu USD; ... Ở chiều ngược lại, hàng dệt may giảm 3,7%, tương ứng giảm 43 triệu USD; dầu thô giảm 32% tương ứng giảm 34 triệu USD; hàng rau quả giảm 25,3%, tương ứng giảm 29 triệu USD; giầy dép các loại giảm 4,8%, tương ứng giảm 29 triệu USD; ...

Như vậy, tính đến hết tháng 7-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 96,99 tỷ USD, tăng 5,4% tương ứng tăng hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt gần 5,39 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng 464 triệu USD so với kỳ 1 tháng 7-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2016 của nhóm các doanh nghiệp này lên gần 67,6 tỷ USD, tăng 8,6% tương ứng tăng hơn 5,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 69,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt hơn 7,06 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 239 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 7-2016.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 7-2016 so với kỳ 1 tháng 7-2016 chủ yếu tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 24,6%, tương ứng tăng 90 triệu USD; sắt thép các loại tăng 11,8%, tương ứng tăng 39 triệu USD; đậu tương tăng mạnh đến 3,2 lần so với kỳ trước, tương ứng tăng 33 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 17,1%, tương ứng tăng 28 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,3%, tương ứng tăng 28 triệu USD; ... Các nhóm hàng giảm so với kỳ trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,9%, tương ứng giảm 104 triệu USD; vải các loại giảm 10,8%, tương ứng giảm 51 triệu USD; hóa chất giảm 25,2%, tương ứng giảm 40 triệu USD; ....

Như vậy, tính đến hết tháng 7-2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 94,74 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 7 đạt gần 4,19 tỷ USD, giảm 2,5% tương ứng giảm 109 triệu USD so với kỳ 1 tháng 7-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 7-2016 đạt gần 55,54 tỷ USD, giảm 2,1% tương ứng giảm hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,6% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.(Baohaiquan)


Doanh nghiệp EU vẫn phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2016 do EuroCham công bố cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu vẫn phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, với 56,3% số doanh nghiệp phản hồi "ổn định và cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm.

Cũng theo EuroCham, khoảng 49% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo. 15,6% trong số họ thậm chí còn lạc quan hơn, mong đợi một sự gia tăng đáng kể trong doanh thu của quý tiếp theo.

Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi của các doanh nghiệp châu Âu cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng.

Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Thống kê từ Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến đầu tháng 7 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ và nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 10,28%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính.

Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như máy móc-thiết bị-dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu nhận định: Trong hơn một thập kỷ qua, quan hệ thương mại- đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có bước phát triển vượt bậc.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp cần trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng cũng như lắng nghe phản hồi để có điều kiện cải thiện sản phẩm giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

EU là thị trường tương đối đồng nhất đòi hỏi cao hơn thị trường khác về chất lượng từ trung bình trở lên. Do đó, muốn xâm nhập thị trường EU luôn phải đảm bảo chất lượng trong thời gian dài.

Cùng đó, người tiêu dùng khu vực này luôn quan tâm đến môi trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng nên doanh nghiệp cần nắm vững những quy tắc và tâm lý người dân bản địa để đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Cũng theo ông Trần Ngọc Quân, hiện tại trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định Việt Nam-EU mang lại, cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục