tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-08-2016

  • Cập nhật : 18/08/2016

Săm lốp xe đạp Việt Nam tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Đài Loan, Srilanka và Việt Nam với mức thuế từ 0,73-2,02 USD/kg. 

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 16-8 thông báo đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ về việc Tổng vụ nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Đài Loan, Srilanka và Việt Nam.

Cụ thể, đối với mặt hàng thuộc mã HS 4011.50 mức thuế là 0,73 USD/kg. Đối với mặt hàng thuộc mã HS 4013.20 có mức thuế là 2,02 USD/kg.

Đồng thời, mức thuế chống bán phá giá được áp bổ sung đối với phụ kiện săm lốp xe đạp thuộc mã HS 8714.99.90 của các sản phẩm thuộc 2 mã HS nêu trên cũng ở mức tương ứng với các mức nêu trên.

Trước đó, năm 2004 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam; năm 2010 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành rà soát và tiếp tục áp thuế với mức 30%-44%.(NDH)


7-Eleven và tham vọng “tấn công” thị trường Việt Nam

Tập đoàn Seven & Holdings đã tỏ rõ tham vọng muốn “tấn công” thị trường Việt Nam bằng việc ký phiếu chuyển nhượng độc quyền và dự định sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng tiện ích 7-Eleven trong 10 năm tới.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng chuyên bán hàng tạp hóa, được cho là thành công nhất trong lịch sử thế giới. Khởi nguồn là một doanh nghiệp sản xuất nước đá, đến nay chuỗi 7-Eleven đã có mặt tại 17 quốc gia trên toàn thế giới với 56.400 cửa hàng, riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng.

Tại châu Á, thương hiệu này hiện có mặt tại các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Macau, Singapore, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc.

Ông Toshifumi Suzuki – Giám đốc điều hành Tập đoàn Seven & I Holdings (công ty mẹ của 7-Eleven) cho biết dự kiến cửa hàng 7-Eleven sẽ có mặt ở Việt Nam vào năm 2017 theo thỏa thuận được ký kết giữa Công ty & I Holdings (Mỹ) và công ty Seven System Việt Nam (chủ chuỗi cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam).

Theo kế hoạch, cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương tại TP.HCM với mục tiêu 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

Chuỗi cửa hàng 7-Eleven ở Việt Nam sẽ có các sản phẩm quốc tế nổi tiếng như đồ uống có ga Slurpee ướp lạnh và nước giải khát Big Gulp, kèm theo các loại thực phẩm tươi sống và một số món ăn có các công thức nấu ăn được phát triển theo khẩu vị của khu vực.

Tại thị trường Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên có thông tin 7-Eleven sẽ có mặt tại đây. Trước đó, vào giữa năm 2013 cũng đã có thông tin chủ đầu tư – Tập đoàn CP All (Thái Lan) sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven trước khi nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này sau đó nhanh chóng bị phủ nhận.

Đến năm 2015, đại diện của 7-Eleven cho biết, 7-Eleven vào Việt Nam nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm mua sắm thuận tiện cho khách hàng Việt Nam và đóng góp vào việc hiện đại hóa các nhà bán lẻ nhỏ ở đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới này. Đối tác phía Việt Nam, Công ty Seven System Việt Nam cho biết công ty đã có kế hoạch xây dựng các chuỗi cửa hàng 7 – Eleven và nhượng quyền thương mại cho các doanh nhân địa phương.

Nếu đúng như kế hoạch, việc 7-Eleven gia nhập thị trường Việt Nam có thể khiến chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam mang tên Vinmart có thể sẽ gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh gay gắt về thương hiệu cũng như cách tiếp cận thị trường khá chuyên nghiệp từ “người khổng lồ” 7-Eleven.(DDDN)


Xuất khẩu thép tăng 80% trong tháng 7

Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 7/2016 đạt gần 191,73 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu sắt thép các loại tăng mạnh 80%, tương ứng tăng 51 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng năm 2016 tăng 2%, tương ứng tăng hơn 3,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước với 64,2%. Tính đến hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 123,14 tỷ USD, tăng 3,5% tương ứng tăng 4,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 năm 2016 (từ 16/7/2016 đến 31/7/2016) đạt hơn 14,76 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 247 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2016.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 9,58 tỷ USD, tăng 3,8% tương ứng tăng 354 triệu USD so với nửa đầu tháng 7/2016.

Xuất khẩu sắt thép tăng mạnh 80%

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 7 tăng so với kỳ 1 tháng 7/2016 chủ yếu do tăng/giảm ở một số nhóm hàng sau: điện thoại và linh kiện tăng 23,9%, tương ứng tăng 286 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,5%, tương ứng 83 triệu USD; sắt thép các loại tăng mạnh 80%, tương ứng tăng 51 triệu USD; hàng thủy sản tăng 17,1%, tương ứng tăng 48 triệu USD; …

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7/2016 đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 6,7%, tương ứng tăng 486 triệu USD so với kỳ 1 tháng 7/2016.

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 96,99 tỷ USD, tăng 5,4% tương ứng tăng hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7/2016 đạt hơn 7,06 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 239 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 7/2016.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 7/2016 so với kỳ 1 tháng 7/2016 chủ yếu tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 24,6%, tương ứng tăng 90 triệu USD; sắt thép các loại tăng 11,8%, tương ứng tăng 39 triệu USD…

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 94,74 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.(NDH)


Apple xây trung tâm R&D đầu tiên ở Trung Quốc

Táo Khuyết đang ngày càng đổ nhiều tiền vào Trung Quốc, bất chấp hàng loạt bước lùi tại thị trường lớn nhưng nhiều thách thức này.

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần này, CEO Apple - Tim Cook thông báo đại gia công nghệ dự kiến mở trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) đầu tiên tại đây trong năm nay.Doanh số bán sản phẩm của Apple tại Trung Quốc giảm tới một phần ba trong quý trước. Tuy nhiên, Cook vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại đây. Trước đó, Apple đã đầu tư tới 1 tỷ USD vào ứng dụng đi chung xe hàng đầu nước này - Didi Chuxing.

apple dang di lui so voi cac doi thu tai trung quoc. anh: reuters

Apple đang đi lùi so với các đối thủ tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung tâm nghiên cứu mới sẽ kết hợp "các nhóm kỹ sư và nhân viên của Apple tại Trung Quốc, để phát triển các công nghệ và dịch vụ tiên tiến hơn cho sản phẩm của mình", Apple cho biết trong một thông báo. Thông báo này không cung cấp chính xác trung tâm R&D sẽ đặt tại đâu, tuyển bao nhiêu người hay quy mô đầu tư thế nào.

Cook công bố việc này trong một cuộc họp hôm qua với Phó thủ tướng Trung Quốc - Zhang Gaoli, Xinhua cho biết. Ông Zhang đã "kêu gọi các công ty Mỹ tăng đầu tư và mở rộng chuỗi sản xuất tại Trung Quốc".

Lời kêu gọi này lại được đưa ra trong bối cảnh các tổ chức doanh nghiệp toàn cầu cảnh báo luật pháp nước này có thể đe dọa đến bảo mật thông tin, đồng thời khiến Trung Quốc bị cô lập trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Bản thân Apple cũng đang gặp rất nhiều thách thức tại thị trường này. Đầu năm nay, họ phải đóng cửa dịch vụ iBooks và iTunes Movies sau gần 7 tháng hoạt động, do áp lực từ giới chức. Họ cũng thua 2 vụ kiện liên quan đến iPhone, một về tên sử dụng và một về bằng sáng chế. Trong khi đó, các đối thủ địa phương như Huawei và Oppo đang ngày càng chiếm thị phần lớn tại đây.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục