tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 18-08-2016

  • Cập nhật : 18/08/2016

Một trật tự thế giới mới đang hình thành trong lĩnh vực công nghiệp

anh minh hoa. (nguon: cochawaii.org)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cochawaii.org)

Về kinh tế thế giới, tờ Le Monde có bài tổng quan "Trật tự thế giới mới trong lĩnh vực công nghiệp" với nhận định "sản xuất công nghiệp suy giảm tại Mỹ và Nhật Bản, và chững lại tại châu Âu."

Trong khi đó, ở một số nền kinh tế mới nổi lên như Indonesia, sản xuất công nghiệp tăng tới 7,5% và tại Việt Nam và Malaysia, con số tương ứng là 7% và 5%.

Theo một báo cáo tổng kết được công bố mới đây, sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, sản xuất công nghiệp toàn cầu đã bật mạnh trở lại, tăng đến 10%/năm, nhưng giai đoạn này đang chậm lại. 

Kể từ nhiều tháng nay, sản lượng công nghiệp chỉ còn tăng khoảng 1,5-2%/năm. Mức độ tăng trong lĩnh vực công nghiệp thấp hơn so với tăng trưởng nói chung cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang hướng về dịch vụ hơn là về công nghiệp.

Điều đáng chú ý là tăng trưởng công nghiệp tiếp tục mạnh tại nhiều quốc gia đang nổi lên. Ngay Trung Quốc, nơi đà tăng trưởng được coi là chững lại, sản lượng công nghiệp vẫn tiếp tục tăng 6% vào tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bài viết của Le Monde nêu một dự án xây dựng một nhà máy sản xuất xe ôtô điện tại tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, với khoảng 400.000 xe xuất xưởng/năm, như một ví dụ cho thấy đà gia tăng công nghiệp của khối các nền kinh tế mới nổi.

Theo Le Monde, rõ ràng đang có một sự sắp xếp lại trong ngành công nghiệp thế giới. Một số nước đang nổi lên như công xưởng mới của thế giới, như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam, và một số quốc gia Trung và Đông Âu, nơi giá thành sản xuất thấp.

Sản lượng công nghiệp tăng đến 40% tại Slovakia, khoảng 30% tại Romania, hơn 20% tại Ba Lan, Séc hay các nước vùng Bantic.(Vietnamplus)


Thủ tướng Anh gửi “tâm thư” cho Chủ tịch Trung Quốc

 thu tuong anh theresa may - anh: reuters. 

 Thủ tướng Anh Theresa May - Ảnh: Reuters. 

Thủ tướng Anh Theresa May đã viết thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác giữa hai nước.

Thông điệp này được gửi đi trong bối cảnh bất đồng song phương quanh việc Anh hoãn một dự án hạt nhân 24 tỷ USD, do những lo ngại liên quan đến vốn Trung Quốc.

Theo tin từ Reuters, Trung Quốc đã cảnh báo Anh về việc “đóng chặt cánh cửa” đối với nguồn vốn từ Trung Quốc, cảnh báo mối quan hệ giữa hai nước đang ở vào giai đoạn quan trọng. Lời cảnh báo của Bắc Kinh đưa ra sau khi Thủ tướng May vào tháng trước hoãn ký kết dự án điện hạt nhân Hinkley Point ở vùng Somerset của Anh.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời phái viên Alok Sharma của Anh nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng Anh đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước.

Phái viên này nói với ông Vương Nghị rằng Thủ tướng May đã viết thư cho ông Tập và ông Lý. Trong thư, bà May nói bà đang mong chờ tới lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới (G-20) dự kiến diễn ra vào tháng tới ở Trung Quốc.

Nước Anh “mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc về thương mại và kinh doanh, cũng như các vấn đề toàn cầu”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lá thư trên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Sharma rằng Trung Quốc tin tưởng Anh sẽ tiếp tục có chính sách cởi mở đối với nước này.

Người tiền nhiệm của bà May, cựu Thủ tướng Anh David Cameron, từng xem dự án Hinkley Point là một tín hiệu về sự cởi mở của Anh đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bà May lo ngại ảnh hưởng về an ninh của dự án, và đã kêu gọi rà soát lại.

Trung Quốc thì muốn Hinkley Point tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, công ty EDF của Pháp sẽ xây hai lò phản ứng, với một phần vốn từ Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc, một doanh nghiệp quốc doanh. Dự kiến, Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc sẽ nắm cổ phần 1/3 của dự án.

Anh và EDF đạt thỏa thuận về dự án trên vào năm 2013. Vào năm 2015, Trung Quốc tham gia dự án này sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Anh. Chuyến thăm này của ông Tập được coi là nhằm củng cố một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Trung-Anh. (VnEconomy)


Nhập khẩu than Trung Quốc tháng 8 có thể giảm, ảnh hưởng tới sự phục hồi giá

Nếu bạn tin tưởng sự phục hồi của than nhiệt trong năm nay phần lớn do sự tăng cường nhập khẩu của Trung Quốc thì bất cứ dấu hiệu nào trong nhu cầu tại nước nhập khẩu lớn nhất thế giới sẽ nâng mức cảnh báo đỏ.

Số liệu nhập khẩu cho thấy nhập khẩu nhiên liệu này trong tháng 8 chủ yếu cho các nhà máy phát điện có thể ở mức thấp nhất trong 6 tháng.

Số liệu theo dõi vận chuyển của Thomson Reuters Commodity Research and Forecasts ước tính rằng 13,07 triệu tấn than sẽ nhập vào Trung Quốc trong tháng 8, giảm đáng kể từ mức 18,92 triệu tấn trong tháng 7, mức mạnh nhất từ đầu năm tới nay.

Số liệu tháng 8 dường như tăng ở đâu đó trong vài ngày tới, do các tàu rời khỏi Indonesia sẽ vẫn có thời gian để cập bến Trung Quốc vào cuối tháng này.

Có khả năng một số tàu có thể vẫn khởi hành từ các cảng Australia và đến Trung Quốc vào cuối tháng 8, nhưng họ sẽ phải rời đi vào ngày hôm nay và cố gắng nhanh hơn bình thường, do thời gian chuyến đi bình thường từ cảng Newcastle, cảng xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới sang phía nam Trung Quốc mất khoảng 18 ngày.

Số liệu của Thomson Reuters không chính xác phù hợp với số liệu của hải quan Trung Quốc, phần lớn do số liệu của Thomson Reuters là nhập khẩu than đường biển và do đó không tính các chuyến hàng bằng đường sắt và xe tải từ các nước như Mông Cổ và Triều Tiên.

Nhưng ngay cả cho phép bổ sung thêm một số lô hàng trong tháng 8, dường như nhập khẩu bằng đường biển của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong tháng 8, có thể khoảng 5 triệu tấn so với số liệu tháng 7. Nếu xảy ra trường hợp này, thì số liệu này sẽ hầu như không tích cực cho giá than chuẩn châu Á, mà đã tăng mạnh trong năm nay.

Chỉ số hàng tuần Newcastle đã tăng gần 42% kể từ mức thấp trong cuối tháng 1 lên 67,13 USD/tấn vào cuối tuần trước, trong khi chỉ số Newcastle kỳ hạn trên sàn ICE tăng 41% trong cùng giai đoạn đó.

Các đồ thị tương lai cho phiếu ICE cũng cho thấy rằng than Newcastle sẽ không bị sụt giảm mạnh, với hợp đồng tháng 12 ở mức 63,15 USD/tấn và hợp đồng tháng 8/2017 ở mức 64,7 USD/tấn, cả hai giảm nhẹ so với mức đóng của hôm 12/8 tại 68,30 USD/tấn.

Nhập khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục gây bất ngờ?

Tuy nhiên giá sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu nhập khẩu than của Trung Quốc có tiếp tục bất ngờ theo chiều tăng như đã thực hiện từ đầu năm tới nay không.

Số liệu hải quan cho thấy tổng nhập khẩu than của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm là 129,2 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thomson Reuters đã đưa ra mức nhập khẩu đường biển là 123,6 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 3,2% so với 119,8 triệu tấn đã ghi nhận trong cùng kỳ năm 2015.

Mức độ tăng trưởng này, trong khi vẫn tích cực, sẽ giảm từ mức tăng trưởng 5,2% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù còn quá sớm để kêu gọi một xu hướng chung cuộc, nếu số lượng cuối cùng khẳng định sự suy yếu trong nhập khẩu than tháng 8 của nước này, họ sẽ đưa ra câu hỏi về tính bền vững của sự phục hồi giá than.

Ấn Độ, nước nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới, dường như cũng không tăng nhập khẩu trong tháng 8, với số liệu theo dõi các tàu dự báo nước này nhập khẩu 13,96 triệu tấn trong tháng 8, giảm từ 17,14 triệu trong tháng 7.

Một lần nữa số liệu tháng 8 có thể tăng nhẹ trong những ngày tới do các lô hàng rời Indonesia và Nam Phi có thể vẫn tới quốc gia Nam Á này vào cuối tháng này nếu họ rời bến vào cuối tuần này.

Nhưng nếu các lô hàng vọt trở thành hiện thực trong vài ngày tới, thì nhập khẩu than của Ấn Độ trong tháng 8 không thể tăng so với tháng 7.

Nhập khẩu than của Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm nay cũng dường như thấp hơn cùng kỳ năm 2015, với khối lượng là 134 triệu tấn, giảm 3,8% so với 139,3 triệu tấn ghi nhận trong 8 tháng năm trước.(VITIC/Reuters)


Trung Quốc gặp khó với tham vọng mua cả thế giới

CNBC cho rằng vì cả lý do chính trị và kinh tế, thời mà các công ty Trung Quốc coi tài sản toàn cầu là một bữa buffet có thể lấy gì tùy thích đã chấm dứt.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang trong giai đoạn chuyển dịch, từ dựa vào sản xuất và xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ. Vài năm gần đây, với tham vọng mở rộng ra toàn cầu, các công ty nước này đã tích cực gom tài sản ở nước ngoài.

Cơn sốt mua sắm này thể hiện qua việc các công ty Trung Quốc đã bơm 111,6 tỷ USD vào các thương vụ nước ngoài, chỉ trong năm nay. Con số này cả năm 2015 mới là 111,5 tỷ USD, theo Reuters.Tuy nhiên, các quốc gia đang ngày càng thận trọng. Họ đã dùng cả lý do chính trị và kinh tế để kiềm chế làn sóng mua sắm từ Trung Quốc.

cac cong ty trung quoc dang do tien lam m&a khap the gioi. anh: telegraph

Các công ty Trung Quốc đang đổ tiền làm M&A khắp thế giới. Ảnh: Telegraph

Thomas Byrne - cựu giám đốc rủi ro quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody’s cho biết mối lo ngại đến từ khả năng tham gia của Chính phủ Trung Quốc.

"Hầu hết thương vụ đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ các công ty quốc doanh. Vì thế, chúng luôn làm dấy lên mối lo Chính phủ Trung Quốc sẽ tác động vào hoạt động của các công ty này tại nước ngoài. Kể cả các doanh nghiệp tư nhân cũng bị nghi ngờ, do cấu trúc sở hữu mập mờ và có thể liên quan gián tiếp đến Chính phủ", Byrne cho biết.

Tháng trước, Chính phủ Anh thông báo sẽ xem xét lại dự án hạt nhân đầy tranh cãi - Hinkley Point, do lo ngại sự tham gia của một trong các đối tác - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc. Việc này càng khiến quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng và làm dấy lên đồn đoán "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung Quốc đã chấm dứt.

Dù vậy, tân Thủ tướng Anh - Theresa May gần đây cho biết muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao và hợp tác với Trung Quốc. Bà cũng xác nhận kế hoạch ghé thăm nước này sớm. Động thái này cho thấy thế khó của Anh - phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích thương mại - khi hợp tác với gã khổng lồ Đông Á.

Anh không phải quốc gia duy nhất muốn chống lại tham vọng thâu tóm của Trung Quốc. Tuần trước, Australia cũng chặn thương vụ bán cổ phần trong hãng điện lớn nhất nước - Ausgrid cho Tập đoàn Điện lực Trung Quốc và Cheung Kong Infrastructure Holdings của Hong Kong (Trung Quốc) do lo ngại an ninh quốc gia.

"Có 3 lý do là các tranh chấp tại biển Đông, Trung Quốc độc đoán hơn nhiều so với tưởng tượng và phải làm việc với một doanh nghiệp nhà nước. Chúng sẽ hạn chế khả năng thương mại tự do của tất cả các bên", một thành viên cấp cao thuộc liên minh cầm quyền Australia cho biết trênReuters.

Với nhiều thương vụ tỷ USD vẫn còn đang xếp hàng, giới quan sát cho biết những thương vụ dính đến các lĩnh vực chiến lược, như năng lượng, điện và cơ sở hạ tầng sẽ bị kiểm duyệt gắt gao.

Dù vậy, Trung Quốc dường như chưa tìm được cách xoa dịu những lo ngại này. Tờ Xinhua thậm chí gọi động thái của Anh và Australia là "bị Trung Quốc ám ảnh". "Nói rằng Trung Quốc muốn chiếm mạng lưới điện vì động cơ bí mật là quá nực cười. Vì cả thế giới đều biết uy tín là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp. Nói rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mạo hiểm cả uy tín của mình bằng cách đe dọa mạng lưới điện của Anh và Australia lại càng buồn cười hơn", Xinhua cho biết.

Tuy nhiên, dù chính trị có thể cản bước nhiều thương vụ của Trung Quốc, lĩnh vực tư nhân lại không quá lo lắng. "Họ là doanh nhân mà. Họ sẽ vẫn tìm được cách để kiếm tiền thôi", Chong Ja Ian - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore kết luận.(Vnexpress)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục