tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-08-2016

  • Cập nhật : 16/08/2016

Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của DN Mỹ tại ASEAN

Theo kết quả khảo sát mới nhất về triển vọng kinh doanh năm 2017 tại các nước Đông Nam Á vừa được Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) công bố, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN mà doanh nghiệp Mỹ đánh giá là thị trường mục tiêu để mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm tới.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo Amcham tại Singapore, kết quả khảo sát cho thấy một bức tranh khả quan về triển vọng tăng trưởng và cơ hội kinh doanh và đầu tư trong ASEAN. Theo đó, 53% doanh nghiệp được hỏi tin rằng các thị trường ASEAN đã trở nên quan trọng hơn đối với doanh thu toàn cầu của họ trong hai năm qua, 78% số lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán lợi nhuận năm 2017 của doanh nghiệp sẽ tăng so với năm trước và 49% cho biết sẽ tăng lực lượng lao động của doanh nghiệp tại ASEAN vào cuối năm 2016, trong khi đa số người được khảo sát (87%) dự đoán mức độ đầu tư và giao thương của doanh nghiệp vào ASEAN sẽ tăng trong vòng năm năm tới.

 Đáng chú ý, 40% doanh nghiệp Mỹ cho rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong kế hoạch mở rộng kinh doanh và đầu tư của họ ở ASEAN trong năm tới, xếp thứ hai là Indonesia và tiếp theo là Myanmar, Thái Lan, Phillipines.

Việt Nam cũng đứng đầu ở ASEAN về thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch chuyển dần đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong vòng hai năm tới, tiếp đến là Campuchia, Malaysia và Lào.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam là giá thuê nhân công cạnh tranh (65%); bảo mật thông tin cá nhân (65%); hệ thống chính trị ổn định (64%); cơ sở hạ tầng (61%); sự ổn định của hệ thống pháp luật (54%).

Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên một số thách thức của đất nước trong những năm vừa qua cũng như trong năm tới vẫn là tham nhũng (71%); thiếu sự đảm bảo của địa phương (46%)...

Khảo sát cũng chỉ ra rằng khoảng 50% doanh nghiệp Mỹ cho rằng hội nhập ASEAN có tác động tích cực tới đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, tại Lào con số này là 83%, Campuchia là 58%; còn đối với các nước như Singapore, Indonesia chỉ 35%.

Bên cạnh đó, hơn một nửa số doanh nghiệp Mỹ cùng nhìn nhận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của họ vào Việt Nam và đối với cả ASEAN nói chung.

Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tác động tích cực đối với các công ty mở rộng thị trường xuất khẩu đến các nước thứ ba, cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động, chiến lược marketing, hay giảm chi phí giao dịch, đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, những quan ngại chủ yếu của các doanh nghiệp Mỹ vẫn là vấn đề tham nhũng, thiếu minh bạch và các rào cản thương mại.


Nhu cầu vàng toàn cầu tăng 15% trong quý 2/2016

Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu tăng 15% trong quý thứ 2/2016 so với một năm trước chủ yếu do nhu cầu đầu tư của các quỹ ETF đã bù đắp sự giảm sút về nhu cầu vàng trang sức.

 
anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đạt tới 1.050,2 tấn trong quý 2/2016, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015; qua đó nâng tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong nửa đầu năm lên 2.335 tấn – mức cao thứ hai trong lịch sử.

Trong đó, nhu cầu vàng đầu tư đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội trong năm nay. Theo đó nhu cầu vàng đầu tư quý 2 đạt 448,4 tấn, tăng mạnh tới 141% so với cùng kỳ; nâng tổng nhu cầu vàng đầu tư trong nửa đầu năm lên 1.063,9 tấn, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2009 – vốn là mức đỉnh kể từ đó cho đến trước thời điểm này khi mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đẩy nhu cầu vàng tăng cao.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nhu cầu vàng đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nhu cầu vàng toàn cầu 2 quý liên tiếp chủ yếu nhờ nhu cầu từ các nhà đầu tư phương Tây tăng mạnh trong bối cảnh các bất ổn và rủi ro toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sự kiện cử tri Anh bỏ phiế chia tay EU (Brexit).

Theo đó nhu cầu đầu tư vàng của các quỹ ETF sau khi đạt tới 342,5 tấn trong quý 1, tiếp tục đạt 236,8 tấn trong quý 2; trong khi các con số tương ứng của cùng kỳ năm 2015 chỉ là 25,6 tấn và -23 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu vàng miếng và đồng tiền vàng chi đạt 323 tấn trong quý 2, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức chỉ đạt 444,1 tấn trong quý 2, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng trang sức quý 1 năm nay cũng chỉ đạt 481,2 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ.

Theo WGC, nguyên nhân chủ yếu khiến nhu cầu vàng trang sức giảm là do giá vàng tăng đã tăng 25% trong nửa đầu năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1980. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ vàng của quốc gia này...

Nhu cầu vàng của các NHTW cũng chỉ đạt 76,9 tấn, giảm mạnh tới 40% so với cùng kỳ. Tính chung trong nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng của các NHTW chỉ đạt 185,1 tấn, giảm 22,8% so với cùng kỳ.

Xét về quốc gia, mặc dù nhu cầu vàng giảm tới 14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 251,3 tấn trong quý 2, song Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Tính chung nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng của Trung Quốc đạt 492,6 tấn.

Ấn độ đứng thứ 2 về nhu cầu vàng trong quý 2 với 218,7 tấn dù con số này cũng giảm tới 18% so với cùng kỳ. Tính chung nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng của Ấn Độ đạt 446,3 tấn.

Cũng theo WGC, tổng nguồn cung vàng quý 2 đạt 1.144,6 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; nâng tổng nguồn cung vàng trong 6 tháng đầu năm lên 2.279,5 tấn. Trong đó nguồn cung khai thác đạt 816,9 tấn trong quý 2 và 1590,9 tấn trong nửa đầu năm; nguồn cung vàng tái chế đạt 327,7 tấn và 688,6 tấn (TBNH)


Thương mại với Trung Quốc có “cứu rỗi” Anh hậu Brexit?

Thương mại với Trung Quốc nhiều khả năng gây thất vọng cho những người dân đã bỏ phiếu để Anh rời EU, một báo cáo mới đây cho hay.

Sau phút hoan hỉ là tỉ thứ lo

Nhiều người dân Anh ủng hộ Brexit đã tỏ ra hoan hỉ khi lá phiếu của mình đã giúp cho Brexit xảy ra thực sự. Nhưng sau những vui mừng khi kết quả được công bố, nhiều mối lo đang ập đến với họ, với nền kinh tế Anh. Một trong những điều khiến nhiều người ủng hộ việc ra đi của Anh là nhờ đó, Anh có thể tự mình đàm phán các hiệp định thương mại (HĐTM) riêng rẽ với các nền kinh tế khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Xứ sở xương mù này.

Tuy nhiên, ngay cả khi có được những HĐTM với những nền kinh tế lớn nhất thế giới thì cũng khó kỳ vọng, đây sẽ như “viên đạn thương mại thần kỳ” giúp đẩy nền kinh tế Anh tiến lên.

kinh te anh du bao gap kho khan sau brexit

Kinh tế Anh dự báo gặp khó khăn sau Brexit

Đơn cử, quan hệ thương mại của Anh với Trung Quốc sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những gì mọi người kỳ vọng. Theo một báo cáo vừa công bố của Viện Nghiên cứu tài chính (IFS – cơ quan nghiên cứu độc lập rất có uy tín ở Anh), việc ký kết được một HĐTM tốt chưa chắc sẽ giúp kinh tế Anh chuyển đổi theo cách mà những người dân ủng hộ Brexit đã mong đợi.

“Ngay cả khi xuất khẩu của Anh sang Trung Quốc tăng trung bình 10% mỗi năm trong vòng 15 năm tới thì điều này vẫn sẽ không giúp Anh đạt tới các mức lớn như với các đối tác thương mại hàng đầu của Anh là Mỹ và EU. Do đó, việc mở rộng thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc sẽ không đủ để bù đắp cho mất mát dù nhỏ trong thương mại với EU” – báo cáo của IFS cho biết và lý giải thêm: “GDP của một quốc gia không nhất thiết phải là chỉ dẫn tốt về một đối tác khách hàng thương mại tiềm năng, nhất là khi mà vấn đề khoảng cách địa lý, ngôn ngữ và các rào cản khác là hiện hữu”.

Thế nên sau những vui mừng cho rằng kết quả bỏ phiếu Brexit vừa qua sẽ giúp Anh quyền độc lập trong triển khai các HĐTM với nhiều quốc gia bên ngoài khối EU thì giờ là lúc kết quả bỏ phiếu này lại đang đặt mối quan hệ quan trọng Anh – EU vào tình thế nguy hiểm.

Các nước trong EU hiện là thị trường cho 44% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Anh, đồng thời là nơi cung cấp tới 53% các hàng hóa nhập khẩu của quốc gia này. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 3% hàng xuất khẩu của Anh và 7% tổng hàng hóa nhập khẩu của nước này.

Dù IFS ghi nhận rằng, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể giúp loại bỏ thuế đối với hàng hóa của Anh vào nước này nhưng mức thuế trung bình hiện chỉ là 10% nên việc có được loại bỏ đi cũng không đủ lớn để thực sự khuyến khích tiêu dùng của người Trung Quốc với hàng hóa của Anh.

Trong khi đó, việc mở rộng thương mại trong các ngành dịch vụ giữa Trung Quốc và Anh sẽ rất khó khăn vì đòi hỏi phải hài hoà được các quy định giữa hai bên. Không chỉ có vậy, những khác biệt về văn hóa, múi giờ cũng là những cản trở không nhỏ. Điều này cũng lý giải vì sao, các thỏa thuận thương mại về dịch vụ thường rất hiếm và bao giờ cũng khó khăn.

Giao dịch bất động sản sụt giảm

Anh hiện cung cấp các dịch vụ trị giá khoảng 3,6 tỷ Bảng (4,7 tỷ USD) cho Trung Quốc hàng năm, rất thấp so với mức 53 tỷ Bảng đến thị trường Mỹ và 14,3 tỷ Bảng vào thị trường Đức. Và cũng cần lưu ý là hiện mảng dịch vụ đóng góp trên 3/4 sản lượng kinh tế của Anh, với nòng cốt là các dịch vụ về tài chính, bất động sản (BĐS) và chăm sóc y tế.

Theo giới phân tích, báo cáo này của IFS được công bố vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với chính phủ Vương quốc Anh. Bởi mới đây, tân Thủ tướng Anh Theresa May cũng vừa tuyên bố việc đang xem xét lại một thỏa thuận hợp đồng trước đây với một DN nhà nước Trung Quốc trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 23 tỷ USD tại vùng Tây Nam nước này.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming trong tuần này đã đưa ra một cảnh báo trên tờ Financial Times rằng, "mối quan hệ Trung Quốc - Anh đang ở một thời khắc lịch sử quan trọng". Và thông điệp ấy có vẻ rất rõ ràng là, việc “phế bỏ” dự án điện hạt nhân này sẽ khiến nước Anh phải trả giá.

Trong khi đó ngay ở trong nước, hậu Brexit là doanh số bán BĐS tại Anh đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Theo Viện Thẩm định giá Hoàng gia Anh (RICS), Brexit đang làm suy yếu triển vọng ngắn hạn của thị trường BĐS Anh, thể hiện ở cả nhu cầu và doanh thu đều sụt giảm trong tháng 7 vừa qua.

Theo đó, lượng BĐS được mua mới giảm trong tháng này và đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số bán BĐS cũng cho thấy sự sụt giảm nhanh nhất trong các giao dịch kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008.

Theo RICS, Brexit đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng ở Anh, đồng thời làm gia tăng những quan ngại về tài chính cũng như giá trị tài sản BĐS mà NĐT nắm giữ. Điều này đã khiến cho nhu cầu về BĐS giảm cho dù bức tranh tối hơn về nguồn cung khiến giá BĐS vẫn có được sự tăng giá nhẹ.

Trong một nhận định độc lập khác của tổ chức dịch vụ BĐS Acadata và LSL, tăng trưởng giá nhà hàng năm đã giảm xuống mức 5,5% trong tháng 7, từ mức 8,9% của tháng 2 năm nay. Tổ chức này cũng cho biết, tổng lượng giao dịch BĐS quý II vừa qua đã giảm khoảng 20% so với quý II/2015.

Sự sụt giảm gần đây trong chỉ số bán BĐS của RICS cũng liên quan đến sự điều chỉnh thuế của chính phủ Anh vào tháng 4 vừa qua, thể hiện ở việc các chủ BĐS đã vội vàng đẩy hàng ra thị trường trong quý I vừa qua để tránh phải trả thuế cao hơn đối với các BĐS đầu tư. RICS cho biết, giá nhà tại London đã có xu hướng giảm sau điều chỉnh này.

Các NĐT tiềm năng phần nào lấy lại được hứng khởi hơn với thị trường BĐS Anh vì vào tuần trước, NHTW Anh đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% (lần đầu tiên sau 7 năm), qua đó giúp chi phí vay mua BĐS sẽ được cắt giảm bớt. RICS cho rằng, triển vọng thị trường BĐS Anh sẽ sáng sủa hơn. "Niềm tin thị trường có thể sẽ tốt hơn dự báo" - kinh tế trưởng Simon Rubinsohn của RICS nhìn nhận.(TBNH)


Tại sao vẫn cần lo lắng về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc?

Nhưng giờ đây, Trung Quốc đang kẹt trong cái bẫy chính sách khi mở rộng nguồn cung tiền nội địa nhằm rót thanh khoản vào hệ thống ngân hàng để xử lý vấn đề nợ xấu.

Số liệu công bố hồi tháng 7/2016 cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong khi nguồn cung tiền nội địa tăng - Bắc Kinh có thể không còn đủ nguồn lực trong cuộc chiến chống lại đà tháo chạy của dòng vốn.
Nhìn qua, dự đoán bi quan này nghe có vẻ bất thường.
Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc luôn có xu hướng giảm, xuống còn 3,2 nghìn tỷ USD trong tháng 7/2016, thấp hơn 4,1 tỷ USD so với tháng 6/2016. Tuy nhiên, số liệu về dự trữ ngoại hối gần đây lại tích cực hơn dự đoán và có vẻ khá khỏe mạnh trong mối tương quan với GDP và cán cân thanh toán.
Nhưng đừng để điều đó đánh lừa bạn, Worth Wray, kinh tế trưởng tại STA Wealth Management - hãng tư vấn tại Houston, cảnh báo.
Ông Wray tỏ ra lo ngại về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong mối tương quan với nguồn cung tiền M2*. Nguồn cung tiền M2 tăng trong những tháng gần đây khi Trung Quốc nỗ lực kích thích tăng trưởng và cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng cũng như người vay là các công ty nhà nước để trả lãi nợ.
Nói đơn giản, nếu M2 cho thấy dòng vốn có khả năng rời khỏi Trung Quốc, thì dự trữ ngoại hối cho thấy nguồn lực của Bắc Kinh trong việc quản lý dòng chảy này.
Theo số liệu tháng 7, tỷ lệ dự trữ ngoại hối/M2 (FX/M2) đang đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2003, theo số liệu của Bloomberg.
Ông Wray coi tỷ lệ này là đáng báo động. Năm 2014, tỷ lệ này là 27% khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt hơn 4 nghìn tỷ USD, nhưng giờ đây giảm xuống sát 14%, thấp hơn so với ngưỡng khuyến nghị của IMF là 20%.
Giới phân tích dự đoán dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Morgan Stanley cho rằng, tỷ lệ hoàn vốn (ROI) yếu ớt, năng suất giảm và triển vọng lãi suất thực ở mức thấp hơn sẽ thúc đẩy dòng vốn tháo chạy trong những tháng tới.
Nếu Bắc Kinh cố gắng kiềm chế tình trạng này bằng cách bào mòn dự trữ ngoại hối nhưng vẫn duy trì đà tăng nguồn cung tiền, tỷ lệ FX/M2 sẽ giảm hơn nữa.
Nếu tỷ lệ FX/M2 tiếp tục giảm, Trung Quốc có lẽ phải nhẫn nhục chịu đựng và đưa ra lựa chọn khó khăn về chính sách tiền tệ.
Trung Quốc đang nỗ lực tránh phải phá giá nội tệ vì việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dòng vốn tháo chạy và kết quả là thanh khoản nội địa thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, sức mạnh của nhân dân tệ đối với USD đang phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Cung ứng tiền tệ chỉ lượng cung cấp tiền tệ trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản, v.v... của các cá nhân (hộ gia đình) và doanh nghiệp (không kể các tổ chức tín dụng).
Quy mô cung tiền được phân chia theo các cấp độ M0, M1, M2, M3, (M4):
• M0 = Tổng lượng tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành đang được lưu thông (Tiền cơ sở; Tiền hẹp; Tiền mặt có thể chi tiêu ngay lập tức).
• M1 = M0 + Tiền mà các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương (Đồng tiền mạnh)
• M2 = M1 + Chuẩn tệ (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn… tại các tổ chức tín dụng) (Tiền rộng; Tiền gửi tiết kiệm không thể tiêu ngay được)
• M3 = M2 + tất cả các khoản tiết kiệm khác gửi tại các tổ chức tín dụng (Trái phiếu quốc gia, tín phiếu, …).
• M4 (ở Anh) = M0 + Tiền trong tài khoản các loại.

• Tính thanh khoản theo nghĩa rộng = M3 + Các trái phiếu + Các khoản đầu tư tín thác.](nhipcaudautu)


Khối Trung Mỹ và Hàn Quốc tiến gần tới đàm phán FTA chung

Nhóm đàm phán của các quốc gia Trung Mỹ - gồm Honduras, Panama, Costa Rica, El Salvador và Nicaragua - và Hàn Quốc vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 5 về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, mới diễn ra tại Seoul. 
Trong thời gian 5 ngày, hai bên đã thống nhất bốn chương liên quan đến các quy định về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, quy tắc xuất xứ sản phẩm và cạnh tranh. 
Ngoài ra, các chuyên gia đàm phán cũng đã thảo luận và đạt được những bước tiến quan trọng trong các chương trình cắt giảm thuế quan và trao đổi sản phẩm. Theo lộ trình, hai bên sẽ tiến hành hai vòng đàm phán tiếp theo tại Nicaragua và Hàn Quốc để đi đến ký FTA chung. 
Theo đánh giá của Thứ trưởng Kinh tế Guatemala Enrique Lacs, FTA mới sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận các mặt hàng tốt với giá cả hợp lý, tạo thêm các nguồn việc làm mới và thúc đẩy xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ sang Hàn Quốc, nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á. 
Số liệu thống kê cho hay kim ngạch trao đổi thương mại song phương tăng trung bình 16%/năm trong vòng 2 thập niên qua. 
Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa các nước Trung Mỹ và Hàn Quốc đạt 1,742 tỷ USD, với thặng dư 1,058 tỷ USD nghiêng về phía Seoul. Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 10 thế giới của Trung Mỹ và xếp 5 về cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khu vực.

Khối các nước Trung Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán về một FTA chung kể từ tháng 9/2015 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2016.(Vietnamplus)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục