tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-09-2017

  • Cập nhật : 25/09/2017

Singapore hướng đến không xài tiền mặt

Thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số sẽ là ưu tiên của Singapore, khi nước này giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018.

thuong mai dien tu dang bung no va tao thoi co lon cho tien trinh hop tac va hoi nhap cua cac nuoc asean - anh: afp

Thương mại điện tử đang bùng nổ và tạo thời cơ lớn cho tiến trình hợp tác và hội nhập của các nước ASEAN - Ảnh: AFP

 

Giữa tuần qua, thư ký Quốc hội Singapore Lưu Yến Linh đã tham dự một cuộc họp cấp cao ASEAN tại Singapore. Nước này đang có những bước chuẩn bị tích cực cho vai trò chủ tịch ASEAN năm sau, trong bối cảnh rào cản thuế quan trong khối sẽ được tháo gỡ và sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (e-commerce).

“Doanh nghiệp cần tiếp tục linh hoạt, thích nghi và bắt nhịp với những xu hướng mới từ đột phá về công nghệ và sự phát triển toàn cầu

Thư ký Quốc hội Singapore Lưu Yến Linh

Chủ động phát triển thương mại điện tử

Phát biểu tại sự kiện trên, bà Lưu Yến Linh cho biết trong nhiệm kỳ của mình, Singapore sẽ nỗ lực cải cách chính sách thương mại để giúp các công ty mở rộng thị trường quốc tế. Và trước hết, ASEAN chính là thị trường đầy tiềm năng của Singapore.

Từ khi thành lập năm 1967, thị phần của ASEAN trong tổng sản phẩm toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 3,3% lên 6,2% tính tới cuối năm ngoái. Bản thân ASEAN cũng là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với GDP đạt 2,55 ngàn tỉ USD. Đặc biệt, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất đối với Singapore, chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại quốc tế của nước này, theo The Straits Times.

Trong đường hướng phát triển của Singapore, thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số được đặt làm trọng tâm. Điều này được Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc tới trong bài diễn văn mừng Quốc khánh Singapore hồi tháng 8, trong đó nhấn mạnh Singapore đang phấn đấu thành quốc gia không tiền mặt. Hiện nay, 6/10 giao dịch tại Singapore vẫn là tiền mặt hoặc séc. Đây là tỉ lệ còn thấp so với các nước phát triển khác, theo nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Bà Lưu Yến Linh cho biết Singapore, trong tư thế đã chủ động phát triển thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số, sẽ nỗ lực cùng các thành viên ASEAN khác trong việc đẩy mạnh sáng kiến, xây dựng cầu nối kỹ thuật số và nền tảng thương mại điện tử để đạt kết quả phát triển chung đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đòn bẩy cho ASEAN

Sự phát triển về công nghệ là nòng cốt giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể đột phá trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tại một phần trong chuỗi sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở TP.HCM tháng 9 này, các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử, vì kinh doanh trực tuyến tháo gỡ được gánh nặng tài chính, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp nhỏ vươn tầm quốc tế.

Tính kết nối cao của thương mại kỹ thuật số cũng là chất xúc tác để triển khai những kế hoạch hợp tác chiến lược của ASEAN, đơn cử là một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến nay vẫn chưa có đột phá đặc biệt nào. "Doanh nghiệp ở ASEAN sẽ dẫn dắt AEC, trong lúc chính phủ các nước thành viên ASEAN đóng vai trò chất xúc tác để hỗ trợ hội nhập quốc tế" - bà Lưu nói.

Năm 2018 cũng là thời điểm rào cản thuế quan trong khu vực ASEAN được tháo gỡ. Chính phủ các thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện sáng kiến Cửa sổ ASEAN (ASEAN Single Window - ASW), thông qua Cửa sổ Quốc gia (National Single Windows - NSWs), một cách thức để các doanh nghiệp giải quyết vấn đề liên quan tới quản trị hành chính và biên giới. Cam kết của sáng kiến này từng gặp trục trặc về thời gian thực hiện, nhưng sẽ tái sinh mạnh mẽ trong năm 2018.

"Trong thời gian tới, các thành viên ASEAN phải nâng cao nhận thức về ASW và NSWs, tăng cường năng lực của các cơ quan hữu trách ở quốc gia và xem xét thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong nền kinh tế của mình để thực hiện chức năng của NSWs. Họ cũng nên đảm bảo đào tạo nhân lực và nguồn tài chính tương xứng cho ASW được hoạt động trôi chảy trong Ban thư ký ASEAN" - theo bà Sanchita Basu Das, nhà nghiên cứu về quan hệ kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu và hợp tác ASEAN, Singapore.(Tuoitre)
--------------------

Có nên sợ hàng Thái?

Hỏi là để hỏi bởi câu trả lời đã có sẵn: Sợ nhưng càng sợ mình càng phải mạnh lên để "chiến đấu"

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi các thương vụ mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp (DN) Thái Lan và Việt Nam trong các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, nhựa... rầm rộ diễn ra, không ít người đã chủ quan cho rằng không nên có cái nhìn quá bi quan về cơn lốc tấn công của người Thái bởi hàng Thái và hàng Việt đã cạnh tranh sòng phẳng hơn 10 năm nay. 

Trước đó, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị thành lập, hàng Thái đến sát biên giới Việt Nam chờ tới thời điểm là tiến vào thì các cơ quan chức năng và DN Việt còn lúng túng bàn thảo xem chúng ta được và mất gì. Hội chợ hàng Thái thì vẫn tổ chức liên tục ở 2 thành phố lớn, âm thầm lấn mặt bằng tại các trung tâm thương mại do người Thái làm chủ và cả những trung tâm, siêu thị 100% vốn Việt Nam.

doanh nghiep thai lien tuc to chuc nhung hoi cho hang thai de tiep can nguoi tieu dung viet nam anh: hoang trieu

Doanh nghiệp Thái liên tục tổ chức những hội chợ hàng Thái để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Một cách âm thầm và bền bỉ, hàng Thái len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống người Việt, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng, từng bước lấn át hàng Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường. Chủ tịch HĐQT một công ty thực phẩm có tiếng trong nước từng cho biết ông giận run người khi cầm trên tay bịch trái cây sấy có in dòng chữ Việt "Trái cây Thái càng ăn càng khoái". 

Theo vị chủ tịch này, người Thái làm thị trường rất chuyên nghiệp, có cả chiến dịch bài bản để quảng bá sản phẩm. Bằng nhiều cách khác nhau, người Thái khiến dân Việt tin rằng thương hiệu Thái Lan đi liền với tiêu chuẩn chất lượng. Và thực tế là rất nhiều người tiêu dùng Việt có niềm tin rằng hàng Thái chất lượng hơn hàng Việt Nam, Trung Quốc, giá cả phù hợp. Trong khi đó, rất nhiều hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là bánh kẹo, đồ hộp, nhựa gia dụng... chất lượng không thua kém gì nhưng vẫn bị người tiêu dùng chê không bằng hàng Thái.

Và kết quả tất yếu là 8 tháng của năm 2017, nhập siêu từ Thái Lan lên tới 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan, có đến 22 mặt hàng trong nước có thể sản xuất được. Bộ Công Thương "giật mình" đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan, khắc phục thực trạng này và hướng tới mục tiêu cân bằng hơn trao đổi thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý nhận ra thì mạng lưới DN Thái, hàng Thái đã được tổ chức dày đặc, ngày càng chặt chẽ nên "bắt" gọn khách hàng Việt. Thậm chí, đã có một số DN Việt cho biết bị làm khó, cản trở đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ của Thái tại Việt Nam. Tại một số tỉnh, thành như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, thị phần của DN Thái chiếm trên 40%. Sự gia tăng này đến từ việc các DN Thái mua lại DN nội địa Việt Nam.

Vấn đề ở thời điểm "muộn còn hơn không" là Chính phủ và DN Việt làm gì để vực dậy sức cạnh tranh của DN trên sân nhà. Không thể dựng lên rào cản kỹ thuật một cách cực đoan mà phải làm sao nâng được chất lượng hàng Việt. Động thái gần đây nhất khi đề nghị cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh dù chưa thật đầy đủ nhưng đã cho thấy quyết tâm của Bộ Công Thương nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Việc còn lại thuộc trách nhiệm chính của các DN nội.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, Chính phủ đang khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp và có chính sách cho hoạt động này. Trong khi đó, phần lớn DN trong lĩnh vực sản xuất đang rất èo uột và cần hỗ trợ để tái khởi nghiệp, dốc toàn lực đầu tư vào đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm và tái cấu trúc lại hoạt động quản trị, kinh doanh. Bản thân DN phải mạnh lên thì mới cạnh tranh được. (NLĐ)
----------------------------

Ông chủ Facebook định bán 18% cổ phần

Tỉ phú Mỹ Mark Zuckerberg, người giàu thứ 5 trên thế giới, có kế hoạch bán 18% cổ phần của Hãng Facebook Inc. trong 18 tháng tới.

Theo Bloomberg, Zuckerberg đã thông báo kế hoạch bán 35 - 75 triệu cổ phiếu của Facebook. Trong phiên giao dịch ngày 22.9, giá cổ phiếu của Facebook chốt ở mức 170,54 USD.

Như vậy nếu bán tối đa 75 triệu cổ phiếu, ông chủ Facebook sẽ thu về 12,8 tỉ USD. Ước tính tổng giá trị tài sản của Zuckerberg, 33 tuổi và vợ Priscilla Chan, 32 tuổi hiện là 72,4 tỉ USD.

Vợ chồng Zuckerberg hồi tháng 12.2015 từng cam kết sẽ bán phần lớn cổ phần của họ tại Facebook để đầu tư vào các hoạt động từ thiện.(Thanhnien)
-------------------

Cơ sở hạ tầng: Điểm yếu của kinh tế Đức

Kinh tế Đức như một cỗ máy mạnh mẽ được tiếp nhiên liệu từ sức cạnh tranh và sự hiệu quả. Song nếu xem xét kỹ, có một khía cạnh trọng yếu trong kinh tế nước này đang lao dốc.

Theo CNN, đó chính là cơ sở hạ tầng. Tốc độ băng thông rộng ở Đức chậm hơn so với nhiều nước láng giềng vốn kém phát triển hơn và nhiều trường học ở Đức sẽ hưởng lợi từ việc nâng cấp công nghệ và kết cấu hạ tầng.

Đường sá Đức cũng là một ví dụ. Năm 2017, hệ thống đường sá nước này trượt xuống hạng 16 trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là lần hạ mới nhất trong chuỗi bị hạ bậc xếp hạng của Đức.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng Đức đang có nguy cơ bị tuột lại phía sau nếu không đầu tư nhiều hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang vận động để giành chiến thắng lần thứ tư trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này, cho hay bà ghi nhớ lời khuyên này từ giới chuyên gia. Dù vậy, những người chỉ trích bà Merkel cả trong nước lẫn quốc tế đều cho rằng Thủ tướng Đức có thể làm được nhiều hơn nữa.

Đức từ lâu bị các nước láng giềng chỉ trích vì xuất khẩu nhiều hơn là nhập khẩu, động thái khiến các nước châu Âu khác khó kiểm soát thâm hụt thương mại mà vẫn có thể duy trì cạnh tranh.

Việc chính phủ Đức chi tiêu nhiều hơn, chẳng hạn như vào cơ sở hạ tầng, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và tăng chi tiêu doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng Đức chi nhiều hơn cho các dịch vụ nước ngoài và sản phẩm nhập khẩu, từ đó, làm giảm thặng dư thương mại của đất nước.

Nhà kinh tế Stephen Brown tại Capital Economics cho hay: “Đầu tư chính phủ là cách tốt để kích thích nhu cầu. Đức không nhận ra rằng có thể có mối liên kết giữa đầu tư khu vực nhà nước và đầu tư khu vực tư nhân”. Chính phủ Đức đã và đang miễn cưỡng tăng chi tiêu quá nhiều vì muốn tránh thâm hụt ngân sách.

Chính phủ quốc gia châu Âu chỉ đầu tư hơn 66 tỉ EUR, tương đương 79 tỉ USD, vào đường sá, cơ sở chăm sóc trẻ em, các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng và giao thông công cộng trong năm 2016, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Đức. Con số này là rất nhỏ. Đơn cử, Nga đã phải chi khoảng 50 tỉ USD chỉ để chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Sochi.

Đầu tư ở Đức tăng trung bình 4,5% trong hai năm qua, song tỷ lệ chi tiêu cơ sở hạ tầng so với GDP chỉ là 2,1%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Thụy Điển.

Chiến dịch vận động tranh cử của bà Merkel có hứa nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện tốc độ internet. Tốc độ mạng của Đức đang đứng thứ 25 thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện vì chính quyền địa phương, nơi chịu trách nhiệm đầu tư cho các dự án như nâng cấp trường học, nổi tiếng với cách làm việc ì ạch.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục