tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-04-2017

  • Cập nhật : 24/04/2017

Kido tham vọng vào ngành thực phẩm đông lạnh

Thông qua việc tận dụng ưu thế hệ thống phân phối lạnh sẵn có, Kido phát triển thêm ngành hàng mới là thực phẩm đông lạnh và rau, củ quả đông lạnh.

Theo báo cáo quý I hợp nhất của Tập đoàn Kido, doanh thu thuần đạt 1.250 tỉ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 245 tỉ đồng, tăng trưởng trên 50%. Riêng ngành hàng lạnh (kem, sữa chua, sản phẩm từ sữa…) đạt trên 260 tỉ đồng, tiếp tục tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Ban lãnh đạo Kido cho biết có kết quả trên nhờ sự tăng trưởng ngành hàng lạnh và hợp nhất Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC).

doanh thu kido tang hon 200% nho thau tom dau an tuong an.

Doanh thu Kido tăng hơn 200% nhờ thâu tóm dầu ăn Tường An.

Kết quả quý I cho thấy chi phí hoạt động tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước đến từ việc hợp nhất TAC. Tuy nhiên tỉ suất chi phí hoạt động trên doanh thu thuần đạt 19,3% giảm so với quý I-2016 (45%). Do đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Ban lãnh đạo Kido cho biết năm 2017 sẽ là năm thực hiện chiến lược mở rộng của ngành hàng lạnh. Theo đó thông qua việc tận dụng ưu thế hệ thống phân phối lạnh sẵn có phát triển thêm ngành hàng mới là thực phẩm đông lạnh và rau, củ quả đông lạnh.(PLO)
--------------------------------------

Vay nước ngoài làm ăn thua lỗ: Món nợ Xi măng Hạ Long

Bộ Tài chính muốn xử lý dứt điểm các khoản vay vốn của Tổng công ty Sông Đà cho Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long khi Tổng công ty Sông Đà cổ phần hóa.

Tham gia vào phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Sông Đà tiếp tục quản lý, theo dõi, hạch toán các khoản công nợ và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ liên quan đến khoản vay Chính phủ bảo lãnh đối với Dự án Xi măng Hạ Long cho đến khi phương án tài chính (bao gồm nghĩa vụ nợ kèm theo) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở dĩ, Bộ Tài chính phải đề cập đến vấn đề này bởi sau một thời gian thua lỗ, dự án xi măng Hạ Long đã được giao về cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) quản lý. Điều này làm phát sinh những rắc rối về chủ thể trả nợ cho dự án xi măng Hạ Long mà Bộ này từng phải đứng ra trả nợ thay.

 Dự án xi măng Hạ Long vốn hơn 6.400 tỷ từng thua lỗ nặng dưới thời Sông Đà.

Dự án xi măng Hạ Long vốn hơn 6.400 tỷ từng thua lỗ nặng dưới thời Sông Đà.

Cho nên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các bên (VICEM, Sông Đà và Xi măng Hạ Long) cần ký thỏa thuận 3 bên về việc đảm bảo nguồn trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay nước ngoài và khoản vay lại đối với Bộ Tài chính mà Tổng công ty Sông Đà là bên vay.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty VICEM xử lý dứt điểm các khoản vay Bộ Tài chính và khoản vay bảo lãnh Chính phủ trước khi Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chuyển thành công ty cổ phần.

Mặt khác, các khoản vay vốn của Tổng công ty Sông Đà cho Dự án Xi măng Hạ Long phải ghi cụ thể trong cáo bạch khi bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà.

Trước ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cho biết: Từ khi VICEM thực hiện tiếp nhận chuyển giao vốn từ Tổng công ty Sông Đà và tiến hành tái cơ cấu dự án xi măng Hạ Long, bước đầu, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đã có chuyển biến rõ rệt, giảm lỗ gần 100 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2015.

“Công ty bắt đầu bố trí được nguồn trả nợ các khoản vay đến hạn trong năm 2016, lần đầu tiên tự trả nợ được Ngân hàng NATIXIS khoảng 14 triệu EURO, những tháng gần đây chấm dứt lỗ. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc vẫn đang được tháo gỡ”, Bộ Xây dựng cho biết.

Đối với các khoản vay nước ngoài của Ngân hàng NATIXIS, vay lại khoản vay NIB, ADB và vay Quỹ tích lũy trả nợ để trả cho khoản vay nước ngoài của Ngân hàng NATIXIS, Bộ Xây dựng cho hay đến thời điểm này, Tổng công ty Sông Đà vẫn đang thực hiện quản lý, theo dõi, hạch toán các khoản công nợ phải thu, phải trả và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ liên quan đến các khoản vay này theo quy định của pháp luật và các hợp đồng vay.

Bộ Xây dựng cho biết đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, chỉ đạo Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty VICEM và Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long thực hiện tái cơ cấu Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng phương án khả thi để trả nợ các khoản vay Bộ Tài chính và khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

Đồng thời làm các thủ tục chuyển giao chủ thể nhận các khoản nợ vay mà Tổng công ty Sông Đà đứng tên hợp đồng vay để xử lý dứt điểm các khoản vay trên trước khi Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chuyển thành công ty cổ phần.(Vietnamnet)
------------------------------------

Chỉ 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang tồn đọng lớn do mới chỉ trợ cấp học nghề, chuyển đổi nghề cho khoảng 4,9% người thất nghiệp.

Tại buổi “Gặp gỡ công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm miền trung” diễn ra ngày 22/4, Thủ tướng giải đáp câu hỏi của công nhân về vấn đề sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện tồn dư lớn, chủ yếu là do quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Hiện mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển trong nghiệp, trong đó chỉ rõ cần “đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao”. Trong thời gian tới, thực hiện quy định tại Luật Việc làm, Chính phủ sẽ chỉ đạo dùng Quỹ này chi cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN.(CafeF)
--------------------------------------

Phó Thủ tướng yêu cầu công khai 578 DN cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN yêu cầu các cơ quan công khai danh sách 578 doanh nghiệp (DN) đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 703/VPCP-ĐMDN ngày 24/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước báo cáo về việc DN đã cổ phần hóa đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến ngày 31/12/2016.

Theo Bộ Tài chính, tới ngày 4/4/2017 đã có 14 bộ, 41 địa phương, 29 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Tổng hợp các báo cáo này, Bộ Tài chính xác định có 578 DN đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và gửi báo cáo số 4601/BTC-TCDN và danh sách này tới lãnh đạo Chính phủ.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty có tên trong danh sách chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu DN khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo đúng Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính công khai danh sách 578 DN này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các DN đã cổ phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 31/12/2016, trong đó tách riêng số lượng, danh sách DN đủ điều kiện nhưng không niêm yết để báo cáo Thủ tướng.

Trong danh sách 578 DN cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết có 301 DN chưa đăng ký giao dịch, 205 DN chưa đủ điều kiện đăng ký niêm yết và 72 DN đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa thực hiện niêm yết.

Với các công ty con của Tập đoàn EVN và TKV thì nguyên nhân phổ biến là không đủ điều kiện về số lượng cổ đông. Các công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Với các DN chưa đủ điều kiện niêm yết, tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, công ty mẹ có tỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền kề trước năm 2015 là dưới 5%, còn Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài đã đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa niêm yết vì Đại hội cổ đông thông qua việc đăng ký giao dịch Upcom, còn việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp…

Việc DN cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ gây ra nhiều tiêu cực tới thị trường như phát sinh tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong khi theo quy định không được phép chuyển nhượng.

DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn còn khiến việc đấu giá cổ phần của DNNN cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước. Ngoài ra, còn ảnh hưởng xấu đến mức độ thành công của các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng do số lượng nhà đầu tư tham gia thấp, giá đấu thành công thấp. Đối với bản thân DN, chậm giao dịch, niêm yết sẽ không minh bạch được tình hình tài chính và không có cơ chế giám sát hiệu quả việc quản tri và hoạt động của DN.

Để xử lý việc chậm trễ này, Nghị định 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 quy định phạt tiền từ mức thấp nhất là 10-30 triệu đồng đối với hành vi chậm đăng ký giao dịch, niêm yết đến 1 tháng và cao nhất là 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.(chinhphu)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục