tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-04-2017

  • Cập nhật : 24/04/2017

Thêm một doanh nghiệp dầu khí 'khủng' sắp lên sàn chứng khoán

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 8/2017.

nha may dien nhon trach 2 thuoc pv power. anh: huy hung/ttxvn

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thuộc PV Power. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

PV Power là doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại là 21.774 tỷ đồng. 

Theo đại diện của PV Power, Bộ Công Thương đã phê duyệt việc xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị này. Hiện Tổng Công ty đang tìm tư vấn xây dựng phương án cổ phần hoá cũng như tìm nhà đầu tư chiến lược để trong tháng 8 tới tiến hành IPO. 

Được thành lập vào ngày 17/5/2007, PV Power hiện đang quản lý và vận hành 8 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt hơn 4.208 MW, bao gồm các nhà máy điện khí, nhiệt điện than và thuỷ điện. Hàng năm, PV Power phát lên lưới quốc gia hơn 16 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. 

Với giá dầu thế giới trung bình ở vào mức 55 USD/thùng như hiện nay, PV Power, trong đó có nhiệt điện khí Cà Mau (công suất 1500 MW) đang bán buôn điện cho Công ty Mua bán điện EVN với giá cạnh tranh là 1.130 đồng/kWh. 

Đại diện của PV Power cũng cho biết, trong 10 năm hoạt động, PV Power đã cung cấp cho hệ thống quốc gia 136 tỷ kWh, đạt lợi nhuận thuế 8.600 tỷ đồng.(TTXVN)
--------------------------------------

Sản lượng tôm toàn cầu sụt giảm do bệnh dịch và giá thấp

Báo cáo mới nhất mang tên Globefish của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết sản lượng tôm nuôi trong năm 2016 đã không tăng trưởng, thậm chí là sụt giảm so với năm 2015 vì giá tôm trên thị trường thế giới giảm, cộng thêm sự bùng phát dịch bệnh ở một số nước sản xuất hàng đầu.

Theo báo cáo này, mùa vụ chính của tôm nuôi ở châu Á kết thúc vào tháng 11 với xu hướng sản xuất trì trệ. Điều này đã đi ngược lại dự báo trước đó là sản lượng tăng vào năm 2016.

Dữ liệu sản xuất sơ bộ năm 2016 về tôm nuôi cho thấy, sự phục hồi ở Thái Lan và sản lượng tăng mạnh ở Ecuador không đủ bù đắp cho sự suy giảm sản lượng tôm nuôi ở Trung Quốc và Việt Nam do dịch bệnh triền miên và các vấn đề liên quan. Sản lượng bình quân trên mỗi ha ở Việt Nam đã giảm 50% do chất lượng tôm thấp và mức tăng trưởng chậm. Do sản lượng trong nước thấp, cả Trung Quốc và Việt Nam đều phải nhập khẩu một lượng lớn tôm để tái chế và xuất khẩu.

Sản lượng ở Ấn Độ và Indonesia, hai nhà sản xuất tôm nuôi lớn khác ở châu Á, dự kiến ​​sẽ thấp hơn dự báo hồi đầu năm 2016. Ở Mỹ La-tinh, sản lượng tôm nuôi tại Ecuador đã tăng ở mức vừa phải, nhưng ở Mexico thì xảy ra dịch bệnh và việc phải thu hoạch sớm đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng sản lượng. Nguồn cung tôm nuôi cũng không được cải thiện ở các nước khác tại khu vực Trung và Nam Mỹ.

Do vậy, ngay cả khi ngành thủy sản nội địa của Ấn Độ tăng trưởng thấp hơn dự báo, nước này vẫn vươn lên thành nhà xuất khẩu tôm hàng đầu trong 9 tháng đầu năm 2016, tiếp theo là Ecuador, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu từ Ấn Độ tăng 11,6%, đạt tổng cộng 315.400 tấn. Xuất khẩu của Ecuador cũng tăng 7,5% (276.000 tấn) trong cùng thời gian, với doanh số bán vào thị trường Đông Á, Liên bang Nga và Mỹ La-tinh tăng lên.(NĐH)
--------------------------------

Morgan Stanley và Nomura: Cổ phiếu ASEAN sắp sửa hấp dẫn nhất châu Á

Sau khi tụt lại phía sau các khu vực khác của Châu Á từ năm 2013, chứng khoán Đông Nam Á đã sẵn sàng để tỏa sáng trở lại.

Đấy là quan điểm từ Morgan Stanley và Nomura Holdings, theo các báo cáo nghiên cứu mới được công bố vào Thứ Năm và Thứ Sáu.

Theo dữ liệu từ công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Nhật Bản là Nomura, sau khi hoàn tất một chu kì tăng trưởng về thu nhập của các công ty công nghệ và hàng hóa, cộng thêm đà suy yếu của USD so với các đồng tiền châu Á và việc kinh tế Trung Quốc chững lại, thị trường ASEAN sẽ được hưởng lợi trong vài tháng tới. Còn về phía Morgan Stanley thì cho biết việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) "thắt chặt tiền tệ dần dần” là một yếu tố hỗ trợ cho đồng tiền của các thị trường mới nổi nói chung, và đã cởi trói cho các cổ phiếu ở Đông Nam Á.

Ông Mixo Das, một nhà chiến lược cổ phiếu của Nomura tại Singapore, cho biết: "Về cơ cấu, các nền kinh tế của Asean có vẻ như sẽ có đà tăng trưởng mạnh hơn khu vực Bắc Á. Một sự chuyển dịch tới các thị trường mới nổi từ các thị trường phát triển, cộng thêm mức chênh lệch định giá giữa các thị trường mới nổi và phát triển, cũng tạo động lực cho cổ phiếu tại Đông Nam Á".

trong 4 nam qua, msci asean luon di sau msci chau a (khong tinh nhat). anh: bloomberg

Trong 4 năm qua, MSCI ASEAN luôn đi sau MSCI châu Á (không tính Nhật). Ảnh: Bloomberg

Chỉ số MSCI Asean đã tăng 9,7% trong năm nay, so với mức tăng 12% của chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản). Trước đó, chỉ số MSCI ASEAN đã giảm 22% trong bốn năm trước tính đến cuối năm 2016, so với mức giảm 8,5% của chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, không kể Nhật.

Cổ phiếu tại Philippines là "rẻ nhất" trong khu vực và dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2017 do triển vọng lợi nhuận cải thiện và sự rõ ràng trong việc cải cách thuế có thể giúp đẩy mạnh tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, theo ông Das của Nomura. Indonesia cũng được đánh giá tích cực, trong khi chứng khoán tại Malaysia và Singapore thì sẽ không lạc quan trong năm nay. Ông Das giữ nguyên đánh giá xếp hạng đối với Thái Lan.

Trong khi đó, các chiến lược gia chứng khoán là Sean Gardiner và Aarti Shah của Morgan Stanley cho biết rằng tiến trình nâng lãi suất hiện tại của Fed sẽ hỗ trợ các đồng tiền tại thị trường mới nổi, với Indonesia là đối tượng hưởng lợi chính. Malaysia là đối tượng hưởng lợi nhiều thứ 2, theo sau là Thái Lan, Singapore và Philippines.(NCĐT)
-----------------------------------

Thế Giới Di Động lãi 558 tỷ đồng trong quý I, tăng 34%

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2017 với doanh thu đạt 15.586 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Trong đó, chuỗi bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động góp hơn 9.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 28%. Chuỗi bán lẻ Điện máy Xanh trong quý này chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh 152% lên 6.395 tỷ đồng. Chuỗi Bách hóa Xanh đóng góp được 141 tỷ đồng vào doanh thu của MWG.

Doanh thu online 3 tháng đầu năm đạt 1.191 tỷ đồng, tăng 80%.

MWG cũng cho biết lợi nhuận sau thuế đạt 558 tỷ đồng trong quý I, tăng 34% so với cùng kỳ. Với kết quả này, sau 3 tháng đầu năm, MWG đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã mở thêm 107 siêu thị mới trên cả nước. Trong đó có 49 siêu thị Thế Giới Di Động và 59 siêu thị Điện máy Xanh.Đến nay, hệ thống bán lẻ của MWG có tổng cộng 1.381 siêu thị, bao gồm 1.000 siêu thị điện thoại, 314 siêu thị điện máy và 67 siêu thị bách hóa.

Trở về

Bài cùng chuyên mục