tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-09-2017

  • Cập nhật : 25/09/2017

Bà Merkel thắng thế nhờ thành tựu kinh tế

Thủ tướng Merkel cầm quyền từ năm 2005 trong bối cảnh xảy ra nhiều đảo lộn. Quan hệ Nga-EU rơi vào khủng hoảng do Nga sáp nhập Crimea. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đe dọa đồng euro. Làn sóng dân túy bùng nổ và Anh quyết định rời EU. Uy tín chính trị của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bà ủng hộ người tị nạn nhập cư ồ ạt vào Đức. Vậy vì sao bà Merkel vẫn giữ được uy tín?

ba merkel thang the nho thanh tuu kinh te

Bà Merkel thắng thế nhờ thành tựu kinh tế

Nhiều chuyên gia cho rằng bà Merkel vẫn đứng vững có thể do nhân cách của bà hoặc phe đối lập ở Đức thiếu tin cậy. Song theo nhà kinh tế học Sylvie Matelly, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), điểm mạnh của bà Merkel là thành tựu kinh tế đạt được.

Đầu thập niên 2000, nước Đức phải đương đầu với mức tăng trưởng kinh tế ì ạch, lương đình đốn, thất nghiệp gia tăng (11%), nợ công rất đáng quan ngại. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường xã hội (chú trọng cân bằng xã hội) sang mô hình tư bản chủ nghĩa kiểu Anglo-Saxon tại Đức trầy trật hơn các nước châu Âu khác. Sức mua của người dân ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha gia tăng thấy rõ, còn ở Đức thì không. Năm 2009, Ngân hàng Deutsche Bank (một trong hai ngân hàng lớn nhất nước Đức)lại gặp khó khăn về tài chính cộng với tai tiếng về tham nhũng, rửa tiền và là tác nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Từ năm 2010-2011, bà Merkel đã đưa ra nhiều quyết định chính trị tạo bước ngoặt trong xử lý khó khăn, từ đó kinh tế phục hồi và phát triển ngoạn mục. Cuối năm ngoái, mọi chỉ số kinh tế đều tốt. Đức đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục với hơn 297 tỉ USD, vượt qua cả Trung Quốc (294 tỉ USD). Mức thặng dư chiếm 8,5% GDP so với 4,5% vào năm 2005.

Một kết quả không thể phản bác của bà Merkel là vực dậy sức mua. Điểm yếu lưu cữu của kinh tế Đức là quá lệ thuộc vào xuất khẩu dẫn đến tăng trưởng sụp đổ. Sức mua kém cũng là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi lan ra toàn châu Âu. Chính vì sức mua thấp nên các doanh nghiệp Đức mới đổ xô xuất khẩu. Để cứu sức mua, bà Merkel đã không chấp nhận bỏ tiền ra giải cứu Hy Lạp. Nhờ đầu tư công gia tăng rồi ngân sách thặng dư từ năm 2014, công sức vực dậy sức mua của bà Merkel từ năm 2011 đã thành công. Kết quả: Sức mua tăng dẫn đến tăng trưởng gia tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 4,2%.

Dù vậy, bà Merkel vẫn phải đương đầu với một số thách thức sắp tới. Tăng trưởng của Đức từ năm 2012 vẫn thấp hơn Mỹ và Anh do đầu tư yếu kém. Thu nhập bình quân đầu người có tăng nhưng kém bền vững. Mức thu nhập này trong năm 2016 đạt 41.902 USD/năm/người, thấp hơn so với năm 2008 (46.890 USD) và so với Mỹ (57.436 USD năm 2016). Song tình hình vẫn đang trong vòng kiểm soát. Kế hoạch kinh tế của bà Merkel sẽ chỉ gặp rắc rối nếu giá cả tăng kéo theo sức mua giảm.(PLO)
----------------------------

Trung Quốc dừng nhập khẩu hàng dệt may Triều Tiên

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố chính thức áp lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên và cấm nhập khẩu hàng dệt may của nước này.

 

cac binh lon chua dau tai nha may sinopec o hop phi, tinh an huy, trung quoc - anh: reuters

Các bình lớn chứa dầu tại nhà máy Sinopec ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

 

Cùng với đó Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo trên trang web của Bộ này cho biết kể từ 1-10 Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu đã tinh chế sang Triều Tiên. Những sản phẩm khí gas tự nhiên ngưng tụ hoặc hóa lỏng sẽ bị cấm xuất khẩu ngay lập tức.

Cũng theo hãng tin AP, kể từ 1-1-2018 Bắc Kinh sẽ giới hạn mức trần về sản lượng xăng dầu tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên giới hạn ở mức 2 triệu thùng mỗi năm.

Do Bắc Kinh không công khai chi tiết về quy mô giao dịch thương mại giữa họ với Bình Nhưỡng nên chưa thể biết với lệnh hạn chế xuất khẩu này, mức độ sụt giảm hàng hóa là bao nhiêu.

Hàng dệt may là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng sau một loạt các loạt trừng phạt của LHQ mà Bắc Kinh đã triển khai khi ngừng mua than đá, quặng sắt, hải sản và các mặt hàng khác của Triều Tiên.

Ngày 22-9 tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp hạn chế tài chính với Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép với quốc gia láng giềng.(Tuoitre)
------------------------------

Cuối năm, tỷ giá lại tăng?

Những năm trước đây, tỷ giá USD/ VND thường tăng vào quý IV, chủ yếu do cung cầu ngoại tệ mất cân đối và áp lực từ giới đầu cơ. Liệu những tháng cuối năm nay, tình trạng ấy có lặp lại?

nhu cau ngoai te de hoan tra cac khoan vay von bang ngoai te trong nhung thang dau nam thong thuong tang cao vao cuoi nam. nguon: doanhnhansaigon.vn

Nhu cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay vốn bằng ngoại tệ trong những tháng đầu năm thông thường tăng cao vào cuối năm. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Diễn biến bất thường

Tỷ giá trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tăng 1,2% trong cả năm 2016. Nhưng trên thị trường tự do, ba tháng cuối năm 2016, đồng USD tăng giá mạnh hơn khi tăng gần 4%.

Trong gần ba quý vừa qua, NHNN đã quản lý tỷ giá trung tâm linh hoạt hơn, theo hướng điều chỉnh tăng dần nhằm phân bổ, dàn trải sự mất giá của VND. Điều này cũng tránh dồn áp lực tang giá USD vào những tháng cuối năm. Cụ thể tính đến ngày 15/9, tỷ giá trung tâm USD/VND tăng 282 đồng, tương ứng 1,3% so với đầu năm, trong khi mức phá giá dự báo cho năm nay là 2%.

Ngược lại, trên thị trường tự do tiền đồng lại tăng giá gần 1,6% so với đô la Mỹ, trong khi tỷ giá niêm yết mua bán tại các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ, hơn 0,1% so với đầu năm. Những diễn biến trên trong năm nay được đánh giá là khá bất thường, do giai đoạn trước đây tỷ giá trên thị trường tự do thường tăng mạnh so với tỷ giá niêm yết của NHNN.

Như đã nói, cung cầu ngoại tệ trong nước thường mất cân đối trong quý IV, cộng thêm nhu cầu lướt sóng từ giới đầu tư và đầu cơ càng gây áp lực lên tỷ giá. Trong 8 tháng vừa qua, thâm hụt thương mại đã ở mức hơn 2,1 tỷ USD và dự báo có thể tiếp tục tăng trong bốn tháng cuối năm, do nhu cầu nhập khẩu thường tăng mạnh.

Nhu cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay vốn bằng ngoại tệ trong những tháng đầu năm thông thường tăng cao vào cuối năm. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 8 đã tăng đột biến, đến 11,5%, trong khi cùng kỳ 2016 chỉ tăng 1,7%. Đáng lưu ý là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sau khi tất toán khoản vay sẽ không được vay lại theo quy định của Thông tư 31/2016/TT-NHNN của NHNN. Như vậy, cầu ngoại tệ cao sẽ đến từ cả các doanh nghiệp nhập khẩu lẫn xuất khẩu.

Các ngân hàng cũng đang duy trì trạng thái dương ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá hoặc thậm chí là kỳ vọng kiếm lời khi tỷ giá tăng. Những tháng cuối năm cũng là thời điểm các ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ để hoàn thành kế hoạch lãi từ hoạt động ngoại hối đã đặt ra trong năm. Việc các ngân hàng duy trì trạng thái ngoại hối dương cũng góp phần khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trở nên khan hiếm.

Và lực cầu cuối cùng là đến từ các tổ chức, cá nhân muốn lướt sóng ngoại tệ nhằm kiếm lời ngắn hạn. Dù áp lực từ những đối tượng này đã giảm dần trong hai năm trở lại đây nhờ vào chính sách kiểm soát tốt thị trường và hạn chế tình trạng đô la hóa, tuy nhiên nếu chỉ cần thị trường có dấu hiệu bứt phá khỏi sự kiểm soát thì tình trạng này có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Chủ động kiểm soát

Ngày 13/9 vừa qua, NHNN ban hành văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ.

Sự mất cân đối giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng ngoại tệ suốt từ năm ngoái đến nay có thể tích lũy tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng, tuy nhiên việc tiền gửi ngoại tệ nếu càng về cuối năm càng tăng mạnh cũng gây ra mối lo không kém, vì cho thấy đang có sự chuyển dịch từ VND sang nắm giữ ngoại tệ trở lại và điều này có thể làm tăng cầu ngoại tệ.

Chính vì vậy, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ, tránh các hình thức chăm sóc hoặc vượt trần lãi suất đã quy định. Việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng để nhằm tránh gây áp lực quá lớn lên phía cầu vay ngoại tệ trong những tháng cuối năm mà từ đó có thể tác động tiêu cực đến tỷ giá.

Với việc NHNN chủ động giám sát cung cầu ngoại tệ, kỳ vọng thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục được quản lý tốt trong giai đoạn còn lại của năm. Dù vậy, áp lực lớn nhất lên thị trường ngoại hối có thể đến từ sự phục hồi của đồng USD trên thị trường thế giới. Chỉ số USD Index sau khi rơi về mức thấp nhất tại vùng 91 điểm kể từ tháng 1/2015 đến nay, ttuần qua có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Cần biết rằng trong 8 tháng qua, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã giảm 11%, trong khi đồng USD tại Việt Nam lại tăng 1,3%. Do đó, khi đồng USD tăng mạnh trở lại trên thị trường thế giới thì áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước là không hề nhỏ.(DNSG)
-----------------------

Nhiều cơ hội để TP.HCM hợp tác với Hàn Quốc

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang khẳng định giữa yêu cầu phát triển của TP và thế mạnh đang có của Hàn Quốc, hai bên có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác mạnh mẽ.

 

pho bi thu thuong truc thanh uy tp.hcm tat thanh cang tang qua luu niem cho chu tich nhom nghi si huu nghi han quoc - viet nam - anh: n.binh

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang tặng quà lưu niệm cho chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam - Ảnh: N.Bình

 

Ngày 24-9, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã tiếp ông Kim Hack Yong, chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc đang đến thăm và làm việc tại TP.HCM.

Theo ông Tất Thành Cang, trong chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao, TP.HCM chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc, đặc biệt là nhà sản xuất công nghiệp lớn. 

Hiện nay, TP.HCM đang tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong một số lĩnh vực như điện điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp hóa ứng dụng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến thực phẩm… Đây đều là những lĩnh vực thế mạnh của nhà đầu tư Hàn Quốc.

"TP.HCM đang nỗ lực để trở thành trung tâm dịch vụ về văn hoá, y tế, giáo dục không chỉ cho VN mà còn phục vụ các nước trong khu vực ASEAN. Giữa yêu cầu phát triển của thành phố và thế mạnh đang có của Hàn Quốc, hai bên có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác mạnh mẽ", Phó bí thư Tất Thành Cang nhấn mạnh. 

Ngoài ra, TP.HCM cũng rất quan tâm đến kinh nghiệm phát triển kinh tế thần tốc của Hàn Quốc trong quá khứ, và mong muốn được phía Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, lèo lái trong quá trình đó.

Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam Kim Hack Yong cho rằng quan hệ Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển, trong 25 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước trưởng thành tích cực, phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.

Về lĩnh vực kinh tế, hiện VN là một trong những quốc gia mà doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên khi đầu tư ra bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ VN và khi về nước họ cũng truyền thông điệp này đến các doanh nghiệp Hàn Quốc khác. 

Với tinh thần đó, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam mong muốn TP.HCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn đến tìm hiểu và đầu tư tại đây cũng như hỗ trợ kiều bào Hàn Quốc đang sinh sống học tập tại Việt Nam.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục