tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-04-2017

  • Cập nhật : 24/04/2017

Phú Quốc đầu tư gần 70 tỷ đồng để "xây" Thành phố thông minh

 Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt Đề án xây dựng "thành phố thông minh" Phú Quốc giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn thực hiện 67 tỷ đồng do Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư. 

trung tam he thong giao thong thong minh singapore (itsc) chiu trach nhiem quan ly tu xa he thong giao thong cua singapore va la mo hinh hay cho nhieu thanh pho tham khao. anh: duhocvietsing.edu.

Trung tâm Hệ thống giao thông thông minh Singapore (ITSC) chịu trách nhiệm quản lý từ xa hệ thống giao thông của Singapore và là mô hình hay cho nhiều thành phố tham khảo. Ảnh: duhocvietsing.edu.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết, mục tiêu của đề án là xây dựng "thành phố thông minh" Phú Quốc dựa trên mô hình khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của VNPT và kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Kiên Giang, phát triển Phú Quốc trở thành thành phố du lịch, hấp dẫn khách du lịch bởi sự thông minh, thân thiện và an toàn; nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và quản lý đô thị hiệu quả theo định hướng Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, là trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực. 

Theo đề án, điều kiện cần thiết để khởi động "thành phố thông minh" Phú Quốc trên cơ sở hoàn thiện hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin, cung cấp đầy đủ các chức năng của chính quyền điện tử và các dịch vụ, tiện ích thông minh như du lịch, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, tài chính… Các dự án đầu tư bao gồm: cáp quang hóa hệ thống kết nối toàn bộ trên đảo, phát triển và mở rộng mạng 4G, triển khai mạng internet wifi công cộng, cổng thông tin du lịch-xã hội; triển khai chính quyền điện tử; quản lý lưu trú trực tuyến; quản lý, giám sát chất lượng môi trường; lắp đặt hệ thống camera giám sát; quản lý y tế, giáo dục, du lịch; quản lý, giám sát cháy rừng. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh xây dựng "thành phố thông minh" Phú Quốc góp phần cho mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước và khu vực, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, với các tiện ích mang lại như nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí trong công tác quản lý; cung cấp các dịch vụ tiện ích và đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân, du khách đến Phú Quốc… Qua đó, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội đảo ngọc Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung, hướng đến phát triển nhanh và bền vững. 

Để Đề án xây dựng "thành phố thông minh" Phú Quốc giai đoạn 2016-2020 thành công, chất lượng và hiệu quả, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo tài chính; tổ chức chỉ đạo, điều hành; môi trường pháp lý; khoa học-công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; giám sát, đánh giá; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế… (Viettimes)
-----------------------------------

Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

chinh phu yeu cau day nhanh tien do co phan hoa doanh nghiep nha nuoc. anh: ttxvn.

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. ảnh: TTXVN.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục bám sát Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước dự kiến trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng lưu ý hoàn thiện đề án cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ về thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định về nội dung liên quan đến đất đai của doanh nghiệp khi cổ phần hóa để phù hợp với Luật Đất đai.

Phó Thủ tướng yêu cầu trước ngày 29/4/2017, Bộ Tài chính trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.(GD)
----------------------------------------------

Nền tảng thanh toán của Lazada sáp nhập với Alibaba

helloPay - nền tảng thanh toán các dịch vụ của Lazada đổi tên thành Alipay, nằm dưới sự quản lý của Alibaba. 

helloPay Group hợp nhất với Ant Financial, nền tảng thanh toán trực tuyến và qua di động sở hữu bởi gã khổng lồ Alibaba. Kể từ nay, helloPay đổi tên thành Alipay Singapore, Alipay Malaysia, Alipay Indonesia và Alipay Philippines trên thị trường tương ứng đang hoạt động.

Các tính năng và dịch vụ của helloPay không có gì thay đổi so với trước đây. Sau sáp nhập, đội ngũ helloPay trở thành một phần của Ant Financial và công ty này điều hành helloPay.“Sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào đến người dùng và đối tác thanh toán của helloPay. Chúng tôi vẫn tiếp tục đổi mới và cung cấp dịch vụ cho người dùng với mức độ an toàn, nhanh chóng và tiện lợi nhất”, ông Douglas Feagin, Phó Chủ tịch Ant Financial, chia sẻ.

viec sap nhap voi ant financial hua hen mang den nhieu buoc tien moi cho hellopay cung nhu lazada. 

Việc sáp nhập với Ant Financial hứa hẹn mang đến nhiều bước tiến mới cho helloPay cũng như Lazada. 

helloPay thành lập vào tháng 11/2014 bởi tập đoàn Lazada. Công ty này cung cấp các giải pháp thanh toán cho các nền tảng của trang thương mại điện tử nổi tiếng Đông Nam Á, hoạt động tại Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Alipay là nền tảng thanh toán và phong cách sống do Ant Financial Services Group điều hành. Ứng dụng này có 450 triệu người dùng thường xuyên tại Trung Quốc. Đây cũng là cũng công cụ thanh toán trực tuyến phổ biến nhất tại quốc gia này.

Qua ứng dụng Alipay, người dùng có thể gọi taxi, đặt phòng khách sạn, mua vé xem phim, trả hóa đơn điện nước, đặt hẹn với bác sĩ hay mua các sản phẩm quản lý tài sản.(Vnexpress)
-----------------------------

Masan muốn người Việt chi gấp 5 lần cho sản phẩm của mình

Hiện có 98% người Việt Nam hiện đang sử dụng sản phẩm của Masan, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết.

Sáng nay (24/4), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Mở đầu phiên họp, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, khẳng định nhu cầu thiết yếu là nguồn cảm hứng lớn nhất cho tập đoàn này.

Theo ông Quang, 26 triệu hộ gia đình Việt Nam dành gần một nửa ngân sách chi tiêu hằng ngày cho các nhu cầu thiết yếu - đây là lĩnh vực mà Masan đang hướng đến. Ông Quang cũng cho hay có 98% người Việt Nam hiện đang sử dụng sản phẩm của Masan.

Từ mức chi tiêu 0,2 USD/tháng của người tiêu dùng Việt Nam cho các sản phẩm Masan năm 2009, đến năm 2016 đã tăng lên 2 USD/tháng. Masan đang hướng đến mục tiêu mỗi người Việt sẽ chi 9-10 USD cho tập đoàn này vào năm 2020, gấp 5 lần hiện tại, nhờ đó góp 9-10 tỷ USD vào doanh số.

Năm 2017, Masan lên kế hoạch đạt 50.000 - 52.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15-20% so với năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận thuần sau thuế theo chuẩn kế toán Việt Nam đạt từ 3.200 - 3.400 tỷ đồng, tăng 15-22%.

Để đạt được kế hoạch này, trong năm 2017, Masan kỳ vọng công ty phụ trách mảng đạm động vật Masan Nutri-Science (MNS) tăng trưởng doanh thu 20-30% trong khi lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn hơn. Mới đây, KKR đã giải ngân khoản đầu tư 150 triệu USD vào ngành hàng thịt của Masan.

Lãnh đạo Masan cho biết rằng, thương hiệu Bio-zeem của tập đoàn này hiện đóng góp 60% tổng doanh số thức ăn chăn nuôi heo của MNS, thị phần cũng tăng từ 20% cuối năm 2015 lên 30% năm 2016.

"Người Việt Nam đang trả giá cao hơn cho mỗi kg thịt họ mua ở chợ nhưng chưa biết thịt đó được nuôi ở đâu, giết mổ thế nào... Với mức giá 150.000/kg thịt heo sạch hiện nay, chỉ có dưới 1% dân số Việt Nam có thể chi trả được. Masan đặt mục tiêu sẽ đưa ra thị trường thịt sạch với giá 65-70.000 đồng/kg để tiếp cận được với 90 triệu người Việt Nam", ông Quang nói với các cổ đông.

Trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, bằng việc tung ra nhãn hiệu gia vị đầu tiên ở Thái Lan, Chin-su Yod Thong, Masan đã mở rộng thị trường ra khu vực. Tập đoàn kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 5-10% và lợi nhuận ổn định do chi phí nguyên liệu cao hơn và thu nhập tài chính thấp hơn. Masan Consumer hiện có kế hoạch chi trả cổ tức trị giá 2.341 tỷ đồng trong năm nay.

Về mảng khoáng sản, giá cả hàng hóa suy giảm trong năm qua song doanh thu thuần của Masan Resources đã tăng trên 50%. Hiện, Masan đang nắm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc. Năm 2017, Masan Resources dự kiến sẽ tăng doanh thu thuần 22-27% và tăng lợi nhuận 36-164% tùy tình hình giá cả hàng hóa.

Trong mảng ngân hàng, Masan dự kiến Techcombank sẽ tiếp tục trích lập dự phòng để cấu trúc tài sản "sạch" nhất trong ngành ngân hàng.

HĐQT Masan trình cổ đông thông qua việc hủy phát hành 9 triệu cổ phần để tất toán nghĩa vụ nợ liên quan đến khoản vay chuyển đổi có số nợ gốc là 30 triệu USD; đồng thời phương án mới sẽ phát hành hơn 13,68 triệu cổ phần để thể hiện các điều khoản chống pha loãng của khoản vay, tờ trình cho biết. Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành cổ phần ESOP tối đa 0,9% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty.

Theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 4/12, Masan đã lần đầu tiên trong lịch sử tập đoàn chia cổ tức cho năm 2015 với tỷ lệ 19% và tạm ứng cổ tức 11% cho năm 2016. Nay, HĐQT Masan trình Đại hội phê chuẩn mức cổ tức bằng tiền 11% cho năm 2016.

Năm 2016, doanh thu thuần của Masan đã tăng 41% lên mức 43.297 tỷ đồng. Biên lợi nhuận EBITDA tăng 45% từ 6.687 trong năm 2015 lên 9.670 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng 89% lên 2.791 tỷ đồng, vượt 16% so với mục tiêu lợi nhuận đã điều chỉnh (2.400 tỷ đồng).(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục