tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-09-2018

  • Cập nhật : 20/09/2018

Trung Quốc bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ

Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng...

Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại song phương giữa hai nước ngày càng "nóng".

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/9 cho biết, lượng nắm giữ trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu Mỹ của Trung Quốc đã giảm còn 1,17 nghìn tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 1 - so với mức 1,18 nghìn tỷ USD trong tháng 6.

Trong khi đó, chủ nợ lớn thứ nhì của Mỹ là Nhật Bản đã nâng mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lên 1,04 nghìn tỷ USD trong tháng 7, tăng 5,1 tỷ USD so với tháng 6.

"Phát súng" đầu tiên trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được ghi nhận vào hôm 6/7, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi áp thuế quan bổ sung lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả tương xứng.

Cuộc chiến đã liên tục có những bước leo thang mới kể từ đó, khi mỗi nước áp thuế lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa của nhau. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ sẽ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 24/9, và Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trung Quốc bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ - Ảnh 1.

Mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc qua các tháng trong 1 năm qua. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

Xung đột căng thẳng này thu hút sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu đối với kho trái phiếu chính phủ Mỹ trong tay Trung Quốc - nước chủ nợ lớn nhất của Washington. Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ mà Trung Quốc nắm giữ được xem như một "vũ khí" mà Bắc Kinh có thể dùng để tấn công lại Washington trong cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, các chiến lược gia trái phiếu không cho rằng đây là cách mà Trung Quốc muốn dùng vào thời điểm này để gửi thông điệp đến Mỹ. Họ cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng những biện pháp như áp thuế quan hoặc giảm giá đồng Nhân dân tệ trước khi bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.

"Đến nay, phản ứng của Trung Quốc cho thấy họ chưa muốn đi xa đến như vậy. Chừng nào cuộc chiến này chưa trở thành một cuộc chiến tổng lực, thì Trung Quốc chưa có lý do gì để dùng hết những vũ khí mà họ có", chuyên gia kinh tế trưởng Ward McCarthy thuộc Jefferies nhận định với CNBC.

Trong tháng 7, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thậm chí tăng lên 3,12 nghìn tỷ USD dù đồng Nhân dân tệ giảm giá.

Nhân dân tệ đã giảm hơn 8% kể từ cuối tháng 3, còn thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt hơn 16%. Những mức giảm này khiến tài sản Trung Quốc lọt vào danh sách những tài sản mất giá mạnh nhất thế giới năm nay.(Vneconomy)
----------------------------

Doanh nghiệp Trung Quốc xin cấp “mỏ cát” trên vùng nuôi thủy sản

Nhiều ngày nay, thông tin một doanh nghiệp (DN) Trung Quốc liên tục làm tờ trình hối thúc tỉnh Quảng Ninh cấp mỏ đất cát để làm vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng khu công nghiệp (KCN) “chồng lấn” với khu vực quy hoạch vùng nuôi trồng thủy, hải sản của huyện Đầm Hà.

Khai thác 7 triệu mét khối đất cát vùng nuôi để san lấp mặt bằng

Trong những tháng gần đây, Cty TNHH KCN Texhong Việt Nam (Hồng Kông - Trung Quốc) đã liên tục làm văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh và các sở ngành liên quan sớm phê duyệt địa điểm khai thác vật liệu san lấp mặt bằng KCN cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) có phạm vi rộng 660ha. Tìm hiểu tại văn bản gửi Sở Xây dựng Quảng Ninh, DN này lý giải, nhu cầu mặt bằng cho KCN Texhong Hải Hà cần khoảng 12 triệu mét khối, trong đó tỉnh đã tạo điều kiện cho DN này khai thác đất làm vật liệu san lấp (Quyết định số 113/ QĐ-KKT ngày 30.6.2014) tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà với trữ lượng 5 triệu mét khối.

Và theo cũng lý giải của DN, hiện nay họ còn thiếu tới 7 triệu mét khối vật liệu san lấp mặt bằng KCN, đó là chưa kể khối lượng vật liệu dành cho san lấp mặt bằng Nhà máy nhiệt điện của DN này hình thành trong nay mai. Cũng theo đề nghị của Texhong, để bù đắp số lượng đất, cát khổng lồ để san lấp, đơn vị đề nghị được khai thác tại khu vực thuộc thôn Chương Đông, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà với diện tích trên 989.966,5m2, có trữ lượng dự kiến là 8 triệu mét khối.

Tuy nhiên, khu vực mà DN đề xuất đang “làm khó” các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, bởi theo tìm hiểu của Lao Động: Toàn bộ khu vực diện tích 989.966,5m2 nêu trên lại là vùng nước, bãi triều nằm vào vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được tỉnh Quảng Ninh và Bộ NNPTNT phê duyệt. Cụ thể, với 4 điểm do DN đề xuất, được xác định nằm vào Bản đồ quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt (Quyết định số 4209 ngày 15.12.2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh) về quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Đặc biệt hơn nữa, các khu vực nêu trên là bãi cát có diện tích khoảng 250ha, phân bố một số loài nhuyễn thể như: Ngao, sò và đặt biệt là có nguồn lợi sá sùng phong phú được xếp vào danh mục các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi phát triển.

Như vậy, vùng vật liệu mà Texhong đề xuất khai thác sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến khu vực nuôi trồng thủy sản của hàng chục hộ dân và những người đang sinh sống bằng nghề khai thác thủy hải sản tự nhiên.

Cấp “mỏ” sẽ hủy hoại sinh thái vùng trồng bảo tồn?

Chưa cần một đánh giá khoa học về tác động môi trường tổng thể nếu khu vực nêu trên được cấp cho DN khai thác vật liệu sẽ ảnh hưởng ra sao, chỉ nhìn qua báo cáo của các ngành đã cho thấy những tác hại ghê gớm, ảnh hưởng đến 50 cơ sở đang có hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hơn 200 người dân thường xuyên sinh sống bằng nghề khai thác sá sùng, bông thùa và các loài nhuyễn thể.

Theo một báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, khu vực Texhong xin khai thác nằm giáp địa điểm trong Quyết định số 4460/QD-BNN-TCTS ngày 28.10.2016 của Bộ NNPTNT phê duyệt “dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trông thủy sản tập trung trên biển tỉnh Quảng Ninh” dự kiến triển khai đầu tư vào năm 2019. Cụ thể, dự án sẽ có 4 vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô 640ha với 2.682 bè nuôi trồng và 57 bãi nuôi nhuyễn thể thủy sản cùng 1 khu vực hậu cần cho hoạt động này.

Ông H.M (76 tuổi, người dân xã Tân Lập) cho rằng: Chúng tôi rất bức xúc vì sao một DN TQ không mua cát, đất đá thải mỏ mà lại đi xin riêng một mỏ cát như vậy. Trong khi tỉnh Quảng Ninh thì đang có rất nhiều loại vật liệu để san lấp(?). Còn Ông T.V.X (60 tuổi, người dân thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập) tỏ ra rất lo lắng khi nghe tin này. “Nếu tỉnh mà cấp mỏ cát cho DN nước ngoài thì chúng tôi sẽ không có chỗ để nuôi trồng, khai thác thủy sản nữa. Việc khai thác cát ở gần như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước, gây ồn ào, ô nhiễm” - ông T.V.X băn khoăn.

Mặc dù địa điểm khai thác vật liệu san lấp chưa được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, nhưng Texhong tỏ ra khá cương quyết với đề nghị được sớm cấp “mỏ” ở những vị trí nêu trên. Theo một cán bộ cấp phòng (xin giấu tên) cho biết: Nếu tỉnh Quảng Ninh “ưu ái” phê duyệt cho DN sẽ là hệ lụy khôn lường, đi ngược lại với với tinh thần trong Kết luận 37 (ngày 28.12.2016) và Kết luận số 40 mới đây của Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo là: Dừng ngay dự án và có văn bản báo cáo cơ quan TƯ có liên quan đối với dự án nạo vét, tận thu cát, sỏi và các mỏ khai thác cát, sỏi cũng như cấp phép thăm dò tại các xã đảo ven biển; đồng thời không cấp phép các dự án thăm dò, khảo sát tiến tới chấm dứt việc khai thác cát, sỏi trên toàn bộ các xã, đảo nhằm hạn chế những bức xúc, kiến nghị của người dân bị nơi ảnh hưởng. (laodong)
----------------------

Những con số biết nói chứng minh "kiếp gia công" tại Việt Nam vẫn kéo dài

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu thực nhìn vào các con số, các doanh nghiệp trong nước không được thụ hưởng nhiều.

8,6 tỷ USD là tổng phí mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp cho hàng hoá nước ngoài trong năm 2016. Con số trên được Tổng cục Thống kê nêu ra tại Họp báo Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017, sáng 19/9.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, đây là nội dung mới, lần đầu được đưa vào cuộc tổng điều tra. 

Năm 2016, Việt Nam có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hoá với nước ngoài. Trong đó, 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hoá cho nước ngoài, 52 doanh nghiệp gửi nguyên liệu ra nước ngoài để gia công.

Nhóm hàng chính của hoạt động gia công bao gồm: dệt may, giày dép, điện tử máy tính, điện thoại và hàng hoá khác.

Trong số tổng phí gia công 8,6 tỷ USD đã nêu, phí từ hoạt động gia công dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cụ thể, ngoại tệ do nhóm dệt may thu về là 4,1 tỷ USD, chiếm 48%. Giày dép là 2,7 tỷ USD, chiếm 32%. Lắp ráp điện thoại máy tính chỉ thu về được 268 triệu USD, chiếm 3,1%, lắp ráp điện tử máy tính là 63 triệu USD, chiếm 0,7%.

Tổng cục Thống kê cho biết tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hoá sau gia công đạt 25,6 tỷ USD.

Như vậy, khối FDI chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hoá sau gia công. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của khối này là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.

Có thể thấy hoạt động gia công tại Việt Nam đang sử dụng đa phần nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ giá trị nguyên liêu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hoá sau gia công ở mức khá cao, lên đến 62,3%.

Trong đó, nhóm hàng điện thoại chiếm tỷ lệ cao nhất với 78,9%, hàng điện tử máy tính là 76,4%, dệt may là 67,1%, giày dép là 47%...

Số liệu cho thấy nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm hàng dệt may, giày dép thấp hơn cho thấy ngoài nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, Việt Nam có cung cấp thêm nguyên lệu đầu vào và sản xuất trong nước phụ vụ cho quá trình gia công.

Mặt khác, ở 2 nhóm hàng này ngoài khoản phí gia công, doanh nghiệp Việt còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục