tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 20-09-2018

  • Cập nhật : 20/09/2018

Đường đua thị phần tín dụng tiêu dùng ngày càng khốc liệt

Các công ty tài chính tiêu dùng không phải là những doanh nghiệp duy nhất áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm để cạnh tranh trên đường đua thị phần. Cuộc cạnh tranh còn ngày càng khốc liệt hơn khi các Fintech và ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào số hóa quy trình cho vay.

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Stockplus cho biết, năm 2017, ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước có quy mô khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%), qua đó nâng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% của năm 2015 lên 17% vào cuối năm 2017.

Còn theo tính toán của Công ty chứng khoán Bản Việt VDSC, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính có thể tăng trưởng 30% mỗi năm trong hai năm tới, dự đoán đạt khoảng 1.000 nghìn tỷ đồng (44 tỷ USD) vào năm 2019.

Các chuyên gia cho rằng, tuy thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh trong những năm trở lại đây nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit cho hay, nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ thì  ở Việt Nam trong năm 2017, tài chính tiêu dùng mới đóng góp 17% tổng dư nợ cả nước.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính giải thích việc tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn ít đến từ nhiều nguyên nhân như nhận thức, thói quen của người dân vay tiêu dùng còn hạn chế; sản phẩm chưa đa dạng, thủ tục phức tạp, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ,….Khái niệm tín dụng tiêu dùng hiện nay thậm chí vẫn chưa được nhất quán, chấm điểm tín dụng cho khách hàng còn khó khăn do thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác,..

Dù vậy, tiềm năng và cơ hội tăng trưởng của thị trường này tại Việt Nam vẫn còn rất lớn khi dân số trẻ, thu nhập bình quân tăng nhanh và tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính còn thấp.

Ông Nguyễn Thiện Tâm cho biết, 48% dân số có thu nhập thấp khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống sẽ trở thành những khách hàng tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng. Đồng thời thị trường nông thôn, vùng ven vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các công ty tài chính vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.

Ông Tâm cho rằng, các công ty tài chính hàng đầu hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nắm bắt thị phần và bước vào giai đoạn "chuyên nghiệp hóa". Trong giai đoạn này, việc số hóa quy trình cũng như áp dụng các công nghệ 4.0 là chiến lược để bứt phá và duy trì vị thế.

Đáng chú ý, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính, đặc biệt là cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Do đó, nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại đây (chiếm tới 60% dân số cả nước).

Trên đường đua thị phần, theo ông Tâm, yếu tố quan trọng nữa là phải kiểm soát rủi ro và giảm thiểu chi phí. Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay truyền thống tại các ngân hàng do sự chênh lệch từ chi phí đầu vào cao, chi phí vận hành và tính chất rủi ro từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – thấp. Muốn giảm lãi suất tiêu dùng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người dùng và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả tốt cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay và chi phí vận hành của doanh nghiệp.

Trên thị trường nhiều tiềm năng đó, không chỉ công ty tài chính tiêu dùng áp dụng công nghệ cao để tranh giành thị phần mà cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các Fintech và ngân hàng cũng đang đẩy mạnh công nghệ vào số hóa quy trình cho vay. Sự khuyến khích từ Ngân hàng Nhà nước cũng đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham vọng gia nhập thị trường tiềm năng này.(CafeF)
-------------------------

Việt Nam thu 8,6 tỷ USD từ nhận gia công, lắp ráp hàng hoá cho nước ngoài

Lần đầu tiên công bố số liệu thu từ gia công hàng hoá cho nước ngoài của Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2016, số thu được là 8,6 tỷ USD.

Ngày 19/9, Tổng cục Thống kê công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam thu được 8,6 tỷ USD từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016. Đây là năm đầu tiên số liệu về thu từ gia công hàng hoá được Tổng cục Thống kê công bố.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, giá trị hàng hóa sau gia công tập trung chính vào các doanh nghiệp FDI với con số 25,6 tỷ USD, tỷ trọng 78,9%. Cùng với đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các doanh nghiệp FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.

Ảnh: VnExpress.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động gia công hàng hóa của Việt Nam với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu. Đây là lý do tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%.

Tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng điện thoại vởi 78,9%, hàng điện tử máy tính 76,4%, dệt may 67,1%, giầy dép 47% và hàng hóa khác là 74,7%.

Trong khi đó, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2016 cả nước có 1.740 doanh nghiệp có hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài.

Trong đó, 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài. Trong khi đó, chỉ có 52 doanh nghiệp Việt Nam gửi nguyên liệu ra nước ngoài thuê gia công.

Xét về khía cạnh thu được từ hoạt động gia công, nhóm lắp ráp điện thoại thu được 268 triệu USD, chiếm 3,1%. Lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7%.

Nhóm hàng hóa dệt may cao hơn ở mức 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công. Giầy dép thu về 2, 7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công.

Việt Nam chủ yếu thu được phí gia công

Số liệu cho thấy, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối vởi 2 nhóm hàng này.

Ở nhóm hàng dệt may, da giầy, tỷ lệ này thấp hơn. Điều đó cho thấy ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, doanh nghiệp Việt Nam có cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công. Như vậy, ngoài thu phí gia công, doanh nghiệp Việt còn thu được khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp với 3,9%.

Hai ngành lớn là điện thoại và dệt may, tỷ lệ để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng chỉ chiếm 0,2% và 1%.(NDH)
------------------------------

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, tăng trưởng của Việt Nam 2018 sẽ bị tác động như thế nào?

"Xuất khẩu có thể tăng cao, tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá từ giờ đến cuối năm đang tăng lên, ảnh hưởng đến lạm phát", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT nói với Trí Thức Trẻ.

Washington vừa qua đã phát đi thông điệp cứng rắn của Thổng thống Donald Trump với thương mại Trung Quốc khi chính thức áp thuế suất 10% với số lượng hàng hoá lên đến 200 tỷ USD. Động thái này đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nước này leo thêm nấc thang căng thẳng mới.

Con số 200 tỷ USD lần này lớn hơn rất nhiều so với 2 lần trước (lần lượt là 34 và 16 tỷ USD), danh mục hàng hoá bị đánh thuế cũng rộng hơn đáng kể.

"Lần đánh thuế này đã bao gồm hầu hết các nhóm ngành tiêu dùng cuối cùng", ông Trần Toàn Thắng nói và cho biết điều này sẽ tác động ngay và trực tiếp đến số đông người Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, tăng trưởng của Việt Nam 2018 sẽ bị tác động như thế nào? - Ảnh 1.

TS. Trần Toàn Thắng

"Như vậy, không chỉ một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào bị ảnh hưởng như đợt trước mà còn là người tiêu dùng cuối cùng", ông Thắng nhận xét.

Do đó, sức ép trong nội bộ nước Mỹ lên chính quyền Donald Trump sẽ rất khác so với trước đây. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng tới Trung Quốc và các nước khác cũng sẽ lớn hơn và nhanh hơn.

Việt Nam, với độ mở nền kinh tế lớn, sẽ không nằm ngoài vòng xoáy tác động. Với kịch bản lượng hàng hoá lên đến 200 tỷ USD, có thể nói sẽ bao gồm rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Ở chiều tích cực, đây là cơ hội xuất khẩu của Việt Nam do sức cạnh tranh về giá tăng lên. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể được hưởng lợi ích từ đầu vào giá thấp hơn nếu nhập từ Trung Quốc.

Nhưng ở chiều ngược lại, nền kinh tế 90 triệu dân cũng cần chú ý hai vấn đề. Thứ nhất, những mặt hàng mà Việt Nam đang lợi thế xuất khẩu là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, có độ co giãn về giá thấp.

Thứ hai, Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất nhận ra cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. "Rất nhiều nước khác cũng xuất vào Mỹ các mặt hàng này", ông Thắng nói.

Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam, dù có nhưng không phải là quá lớn. Theo tính toán, cuộc chiến có tác động tiêu cực tới GDP của Việt Nam.

Cụ thể, chiến tranh thương mại làm giảm khoảng -0.3% tăng trưởng thời điểm cao nhất (năm 2022, 2023) sau đó tác động giảm dần.

"Tác động này không tính đến vấn đề biến động tỷ giá cũng như các đối sách tức thời của các đối tác của Việt Nam", ông nói.

Về tăng trưởng trong năm 2018, chuyên gia này cho rằng có thể xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng cần chú ý từ giờ tới cuối năm khi rủi ro tỷ giá đang tăng lên khiến chi phí cho cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tăng vì khoản dự phòng rủi ro.

"Điều này có thể ảnh hưởng tới lạm phát do chi phí đẩy", ông nói và cho biết mục tiêu tăng trưởng 6,8% thì vẫn có thể đạt được, nhưng tiềm năng cho tăng trưởng như vậy ở các năm tiếp theo sẽ khó khăn hơn.

Lý do chính là bất ổn thương mại có nguy cơ lan rộng, giá dầu đang tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại của các đối tác lớn bị ảnh hưởng vì vậy ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam trong trung hạn. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm cho VNĐ giảm giá tương đối vì vậy làm tăng nợ nước ngoài của Việt Nam.

"Tuy nhiên cũng cần chú ý về tính toán cơ cấu nợ của Việt Nam", ông nói thêm. Nguyên nhân Việt Nam nợ bằng đồng USD chỉ chiếm hơn một nửa, ngoài ra còn là nợ bằng đồng yên Nhật, SDR (giỏ tiền tệ của IMF mà các nước có quyền rút đặc biệt, đồng NDT cũng nằm trong rổ này) và các đồng tiền khác.

"Vì vậy cần phải có con số cụ thể để xem biến động tỷ giá của các đồng tiền khác như thế nào mới kết luận được", ông Trần Toàn Thắng cho biết. (CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục