tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-07-2018

  • Cập nhật : 23/07/2018

"Con bài dầu mỏ" của Mỹ: Một mũi tên trúng nhiều đích

Việc Mỹ sử dụng thuế quan phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc có mang lại hiệu quả hay không và ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh này vẫn cần phải tiếp tục theo dõi.

my phong toa hoat dong xuat khau dau mo cua iran

Mỹ phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran

Tuy nhiên, ngoài thuế quan, Mỹ còn sở hữu nhiều “vũ khí” khác, trong đó đáng chú ý là dầu mỏ. Theo một quan chức cao cấp giấu tên thuộc chính phủ Mỹ cho biết Washington đã yêu cầu các nước phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trước ngày 4/11 tới, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ Mỹ. Các nhà phân tích nhận định yêu cầu này đã khiến giá dầu liên tục leo thang, giúp Mỹ hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu mỏ, song có thể ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc phát triển của Trung Quốc.

Sau khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5 vừa qua, Mỹ đã khởi động lại việc trừng phạt Iran. Ngoài ảnh hưởng từ lập trường thiên vị Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump, động thái này còn nhằm kiềm chế Iran và thông qua đó kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Washington có thể sẽ sử dụng sức mạnh quyền bá chủ để ảnh hưởng tới cung-cầu dầu mỏ, trực tiếp tác động tới cạnh tranh Mỹ-Trung. Tuy nhiên, cuộc chiến dầu mỏ có bùng phát sau chiến tranh thương mại hay không cần phải xem xét tới một số nhân tố và bối cảnh sau:

Thứ nhất, bề ngoài, Mỹ trừng phạt Iran, phong tỏa không cho nước này xuất khẩu dầu mỏ là nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, chặt đứt huyết mạch kinh tế của của nước này và buộc Tehran phải khuất phục và từ bỏ việc theo đuổi chương trình hạt nhân. Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng mỗi ngày khoảng 3,8 triệu thùng, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu thùng. Nếu Mỹ phong tỏa việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran thành công, thị trường quốc tế sẽ thiếu 2,5 triệu thùng dầu từ nguồn cung của nước này, giá dầu tất nhiên sẽ tăng cao. Trên thực tế, từ tháng 5 tới nay, giá dầu đã tăng từ 50 USD lên 70 USD/thùng.

Thứ hai, Mỹ có thể sẽ phối hợp với một số nước như Saudi Arabia khống chế giá dầu mỏ ở mức cao hợp lý và hiệu ứng xảy ra là: Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ không còn phải lo giá bán thấp hơn giá thành, phù hợp với lập trường nghiêng về lợi ích ngành dầu mỏ của Donald Trump và đảng Cộng hòa; Từ nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng, tới năm 2020 có thể trở thành nước xuất khẩu ròng về năng lượng lớn nhất thế giới. Giá dầu cao sẽ có lợi cho sự phát triển ngành dầu mỏ cũng như lợi ích quốc gia của Mỹ.

 Thứ ba, năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới. Sự lệ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng nhập khẩu ngày một nghiêm trọng, một khi giá năng lượng tăng, Trung Quốc lập tức phải chịu áp lực. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 400 triệu tấn dầu thô (khoảng 3 tỷ thùng), nếu giá dầu quốc tế tăng thêm 1 USD/thùng thì Trung Quốc phải "chi" thêm 3 tỷ USD. Tuy nhiên, những kinh nghiệm quá khứ cho thấy ảnh hưởng của giá dầu cao nhiều nhất chỉ khoảng 0,5% tăng trưởng của Trung Quốc, không phải là đòn chí mạng.

Thứ tư, Mỹ và Iran đối địch, trong khi đó Iran lại là thị trường lớn cho hàng hóa, đầu tư của Trung Quốc. Iran hiện là nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ 6 của Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu từ Iran 31,15 triệu tấn dầu thô, chiếm khoảng 7,4% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc; Các dự án Trung Quốc đầu tư tại Iran tới nay đạt 150 tỷ USD; Ngoài ra, Iran là thị trường quan trọng cho sản phẩm cơ điện của Trung Quốc và có khoảng 25% lượng ô tô do Trung Quốc chế tạo được tiêu thụ tại Iran. Vì vậy, việc Mỹ “ra đòn” nhằm vào Iran thì cũng là để gây sức ép với Trung Quốc.

 Do vậy, giới phân tích cho rằng “con bài dầu mỏ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa gây sức ép với nền kinh tế vốn đã có nhiều vấn đề của Iran, vừa đặt Trung Quốc trước tình thế khó khăn mới, nhưng lại giúp Mỹ củng cố tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.(Baohaiquan)
---------------------

Mỗi ngày ngành Thuế sẽ phải thu 4.000 tỷ đồng tiền thuế

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Thuế sáng ngày 20/7.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành Thuế. Ảnh TL.

6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Thuế đã thu ước đạt hơn 531 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán. Trước kết quả này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao và ghi nhận thành tích của Tổng cục Thuế cũng như của lãnh đạo các cục thuế địa phương 6 tháng qua. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc cân đối ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, kết quả này dù khá cao tuy nhiên xét về cơ cấu có thể thấy rằng một số khoản thu có tỷ lệ thấp, chưa đạt mức 50% dự toán, nhất là các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh. Hiện vẫn còn 19 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán. Do vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, ngành Thuế cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung các nguồn thu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Ngành Thuế cũng đã triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên một số thủ tục hành chính liên quan đến quản lý thuế còn chậm bổ sung sửa đổi và rà soát. Một số quy trình nghiệp vụ vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thực thi. 

Trước những nhóm giải pháp mà Tổng cục Thuế đã đề ra để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng thống nhất với những giải pháp đó và đề nghị ngành Thuế cũng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện dự toán thu mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã giao. 

“Ngành Thuế cần phấn đấu mỗi ngày làm việc phải thu được khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương. Đây là nhiệm vụ nặng nề nên ngành Thuế phải triển khai quyết liệt, đôn đốc thu nộp ngay từ bây giờ chứ không để đến cuối năm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về công tác giải quyết nợ đọng thuế, Thứ trưởng yêu cầu ngành Thuế phải tích cực giải quyết số nợ đọng thuế. Hiện nay, số nợ đọng tuyệt đối và số nợ tương đối tăng nên việc giải quyết nợ đọng là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan Thuế. Các cục Thuế cần có đề án xử lý nợ đọng thuế, thống nhất với lãnh đạo cấp uỷ ở địa phương thông qua để từ đó triển khai thực hiện. 

Ông Trần Xuân Hà cũng đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung đẩy mạnh kế hoạch thanh tra kiểm tra, phấn đấu tối thiểu 18% DN đang hoạt động được thanh tra kiểm tra theo kế hoạch. Phối hợp với quản lý thị trường, công an để chống gian lận về thuế. 

“Ngành Thuế cũng phải tập trung rà soát các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thông tư cũng như các quy trình nghiệp vụ để một mặt giải quyết khó khăn vướng mắc ở các địa phương cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho người nộp thuế, mặt khác cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

“Để giải quyết căn bản những vấn đề này thì phải đi từ Luật Quản lý thuế. Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thuế phải tập trung xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, trình Chính phủ sớm trong tháng 8 để đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội trong tháng 10.

"Tổng cục Thuế phải nghiên cứu thấu đáo để có chỉnh sửa toàn diện những vấn đề như: Quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế, công tác kê khai, hành thu, cưỡng chế thuế, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thuế… Phải có nhiều cuộc hội thảo để hoàn thiện văn bản Luật này trên tinh thần có khả năng thực thi cao, minh bạch, rõ ràng, phòng chống những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý thuế”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Về dự toán thu ngân sách năm 2019, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế trên cơ sở rà soát đánh giá tiến độ thực hiện của năm 2018 để xây dựng dự toán của năm 2019 chính xác, tránh tình trạng có địa phương nhiều năm không hoàn thành dự toán. 

Riêng đối với Đề án sáp nhập các chi cuc thuế, Tổng cục Thuế cũng cần xem xét lại quy hoạch khu vực để chống việc đầu tư lãng phí trong bối cảnh thay đổi về tổ chức bộ máy. Việc sắp xếp này là cần thiết để khắc phục sự cồng kềnh nhiều tầng lớp và chồng chéo trong tổ chức bộ máy của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của nhiều địa phương là phải tuân thủ quy định của pháp luật, chặt chẽ có lộ trình không để ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính kêu gọi thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị ngành Thuế phải triển khai, đánh giá kết quả công việc một cách thường xuyên, liên tục để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao. (Baohaiquan)
-----------------------

Xuất khẩu dệt may thẳng tiến 35 tỷ USD

Trên đà tăng trưởng ấn tượng nửa đầu năm, dự báo xuất khẩu (XK) dệt may cả năm có thể cán đích 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch đặt ra.

Cắt giảm chi phí logistics là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao giá trị XK cho dệt may. Ảnh: N.Thanh.

Tăng trưởng cao nhất trong 5 năm

Theo thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố ngày 18/7 tại Hội thảo Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết: Về thị trường XK, những thị trường XK trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Xét ở khía cạnh mặt hàng, trong nửa đầu năm, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị XK tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: Váy, quần áo trẻ em, vải, quần soóc… "Đáng chú ý, tình hình đơn hàng của các DN XK cũng khá khả quan. Nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kết quả XK điển hình là: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty CP may Việt Tiến, Công ty TNHH Worldon (Việt Nam)…", ông Cẩm nói.

Đánh giá về tăng trưởng XK dệt may đạt được trong nửa đầu năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, đây là con số khá ấn tượng, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm trở lại đây. Kết quả này không tự nhiên mà có. Theo ông Giang, đó là nhờ cộng đồng DN đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. Kết cấu thị trường XK dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ thuộc vào 1 thị trường. Bên cạnh đó, cộng đồng DN đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh XK mặt hàng giá trị gia tăng cao, chịu được áp lực đòi hỏi của thị trường. Nhờ vậy, giá trị gia tăng trong XK dệt may nói chung được nâng lên.

"Ngoài các yếu tố trên, yếu tố tác động đến XK dệt may nửa đầu năm là giải pháp về công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá nhanh. Ví dụ, hiện đã có nhiều nhà máy dệt may đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư vào robot", ông Giang nhấn mạnh.

Xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD

Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, trong năm nay, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...

Bên cạnh những khó khăn trên thì ngành dệt may cũng có một số thuận lợi khá điển hình. Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện  và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3/2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019 đặt ra kỳ vọng thúc đẩy XK vào 6 nước NK dệt may trong CPTPP (trong năm 2017, XK dệt may của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt trên 950 triệu USD). Bên cạnh đó, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có triển vọng được ký kết trong năm nay sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Ngoài ra, khả năng Hoa Kỳ cũng sẽ tăng mức thuế NK đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần XK sang Hoa Kỳ...

Cuối năm trước, khi đánh giá về triển vọng XK dệt may trong năm 2018, Vitas nêu ra kế hoạch XK cả năm sẽ đạt 34 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Cẩm cho hay: Với tốc độ tăng trưởng XK cao trong nửa đầu năm cũng như tiến độ NK nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, dự kiến XK hàng dệt may nửa cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, kim ngạch XK nửa cuối năm ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch XK cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.

Xung quanh câu chuyện XK ngành dệt may, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) bày tỏ mong muốn DN dệt may chủ động hơn nữa trong nắm bắt thời cơ, thuận lợi từ các FTA để thúc đẩy XK, đồng thời để ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường, trước hết là xu hướng bảo hộ. Yếu tố điển hình mà ông Hải lưu ý các DN phải đáp ứng được chính là vấn đề quy tắc xuất xứ.

"Chính phủ nỗ lực đàm phán các FTA song lợi ích lại là của DN. Nếu DN không nỗ lực tận dụng được thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa", ông Hải nói. 

Để XK dệt may tăng trưởng bền vững, theo ông Hải, vấn đề cần giải quyết còn là câu chuyện logistics. Dệt may có khối lượng và giá trị XK đều lớn. Khối lượng lớn thì tác động của chi phí logistics càng lớn. DN cũng nên chú ý hơn tới vấn đề này để cắt giảm chi phí. Ví dụ, hiện nay các lô hàng vận chuyển sang EU 100% đi bằng đường biển, chỉ một ít lô hàng đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, đã có đường sắt đi sang Nga, Belarus…, sau đó đi sang EU với chi phí thấp hơn. (Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục