tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-07-2018

  • Cập nhật : 22/07/2018

Nga bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ làm gì?

Nga không còn là một trong 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ, liên tục bán nợ Mỹ trong vài tháng qua với con số rất lớn.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, Nga đã ra khỏi danh sách các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Dòng cuối cùng trong danh sách 33 chủ nợ là Chile với 30 tỷ USD.

bo tai chinh my. anh : reuters

Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh : Reuters

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 5 cho thấy, Nga đã giảm ít nhất 1/3 trái phiếu chính phủ mà họ nắm giữ ở Mỹ.

Vào tháng 4, Nga đứng thứ 22 trong danh sách quốc gia sở hữu trái phiếu lớn nhất của Mỹ với 48,7 tỷ USD.

Trong khi vào tháng 3, số lượng trái phiếu Mỹ mà Nga nắm giữ ở con số gấp đôi và xếp hạng thứ 16.  Tại thời điểm đó, tổng số nợ mà Nga nắm giữ của Mỹ lên tới 96 tỷ USD.

Dẫu có sự thay đổi này, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ là có tính thanh khoản lớn nhất trên thế giới và nhu cầu vẫn ở mức mạnh.

Trước đó người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã trả lời câu hỏi của đại biểu Duma (Quốc hội Nga) về việc bán gần một nửa số nợ quốc gia của Mỹ vào tháng 3 và nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương theo đuổi chính sách đa dạng hóa dự trữ quốc tế.

Nga đã xem xét tất cả các rủi ro, bao gồm rủi ro tài chính, kinh tế và địa chính trị khi ra quyết định này.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi tháng 4 cho hay, Nga không bám vào nợ Mỹ và có thể thay thế phương án nếu tìm được khoản đầu tư tương xứng ở chỗ khác.

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán phát hành bởi các quốc gia, điều quan trọng là nó phải có rủi ro thấp và mang lại thu nhập” - ông Siluanov nói.

Việc Nga bán tháo nợ Mỹ có thể do họ đang cần tiền mặt để trang trải cho các chi phí và tiếp tục đầu tư vào kinh tế.

Theo bản tin Bình luận về nhà nước và doanh nghiệp của Trường kinh tế cao cấp Nga, do trang Gazeta.ru tóm lược, nếu không có những cú sốc mới, các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ sẽ ngưng tác động đến Nga trong vòng 1-2 năm, song chúng vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của kinh tế Nga, hạn chế dòng đầu tư nước ngoài, cản trở nước này tiếp cận các thị trường bên ngoài và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của đất nước.

Vì lẽ đó, Nga phải tính toán hỗ trợ tài chính cho các công ty bị trừng phạt, cũng như cho các mục tiêu dài hạn là phát triển hạ tầng và nhân lực.

Chưa kể, nước này cũng đang trong quá trình bổ sung các nguồn lực nhằm tái thiết Syria. Đây là một công tác cần những khoản tài chính khổng lồ mà theo tính toán sơ bộ của LHQ cách đây 2 năm là vào khoảng 2.000 tỷ USD.(Baodatviet)
--------------------------

1,5 triệu người Singapore, bao gồm Thủ tướng Lý Hiển Long vừa bị đánh cắp thông tin cá nhân

Một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở dữ liệu y tế quốc gia Singapore vừa đánh cắp thông tin cá nhân của 1,5 triệu công dân, trong đó có cả Thủ tướng Lý Hiển Long, Chính phủ nước này vừa loan báo.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa bị hack thông tin cá nhân

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa bị hack thông tin cá nhân

Trong tuyên bố phát đi, Bộ Y tế nước này cho biết đây là cuộc tấn công có chủ đích có mục tiêu và được chuẩn bị công phu, đích nhắm của nó là những công dân từng khám chữa bệnh trong giai đoạn từ tháng 5/2015 đến ngày 4/7/2018.

“Đó không phải là cuộc tấn công của giới hacker bình thường hay của những nhóm tội phạm phổ thông,” Bộ này cho biết.

Nhóm tấn công nhắm vào những thông tin chi tiết về cá nhân Thủ tướng Lý và chi tiết những thứ thuốc ông dùng khi điều trị ngoại trú, một phát ngôn viên bổ sung.

Nhà chức trách nước này từ chối nói kỹ hơn về danh tính của nhóm tấn công, vì “lý do an ninh công vụ”.

Singapore là quốc gia kết nối mạng ở mức cao và có động lực mạnh mẽ trong hoạt động số hóa cơ sở dữ liệu chính phủ cũng như số hóa thông tin về những dịch vụ thiết yếu.

Quốc gia này có những khí tài quân sự thuộc hàng tân tiến nhất khu vực nhưng từ lâu giới chức đã cảnh báo về nguy cơ bị tấn công mạng, mà thủ phạm có thể là học sinh phổ thông hay giới tội phạm chuyên nghiệp, thậm chí là những chính khách.

Năm 2017, tin tặc đã đột nhập cơ sở dữ liệu Bộ Quốc phòng đánh cắp thông tin của khoảng 850 người sắp nhập ngũ và nhân viên bộ quốc phòng.

Còn ở lần tấn công mới này, quy mô bị ảnh hưởng là 1,5 triệu người, gần bằng 1/3 tổng dân số toàn Singapore.(Viettimes)
----------------------

Chiến tranh tiền tệ quy mô toàn cầu thực sự bắt đầu?

Khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng mở ra một mặt trận mới trong trò chơi hủy diệt - hậu quả chắc chắn vô cùng tồi tệ và có khả năng tác động đến không chỉ đồng tiền của Mỹ và Trung Quốc.

Thị trường ngoại hối thế giới với giá trị giao dịch 5,1 nghìn tỷ USD trong những ngày gần đây đã chứng kiến nhiều biến động, theo bài báo trên Bloomberg. Trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump lên Twitter buộc tội Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) thao túng tỷ giá đồng tiền và hạ lãi suất xuống thấp. 

Những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra khi đồng nhân dân tệ rớt xuống dưới mức 6,80 nhân dân tệ/USD lần đầu tiên trong 1 năm và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát đi rất ít tín hiệu về việc sẽ can thiệp nhằm ngăn đồng nhân dân tệ xuống giá. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định rằng chính phủ đang theo dõi trực tiếp xem liệu Trung Quốc có thao túng đồng nhân dân tệ, theo Reuters.

Khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng mở ra một mặt trận mới trong trò chơi hủy diệt - hậu quả chắc chắn vô cùng tồi tệ và có khả năng tác động đến không chỉ đồng tiền của Mỹ và Trung Quốc. 

Tất cả các thị trường, từ chứng khoán cho đến dầu hay tài sản của các thị trường mới nổi chịu rủi ro bị tác động nặng nề khi mà Bắc Kinh và Washington đe dọa tác động đến trật tự tài chính toàn cầu.

Việc Trung Quốc giảm giá sốc đồng nhân dân tệ vào năm 2015 có thể giúp người ta hiểu được sự lây lan sẽ diễn ra như thế nào, theo khẳng định của chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế (IIF), ông Robin Brooks. 

Giá trị của các tài sản rủi ro và dầu sẽ giảm sâu khi mà lo lắng về tăng trưởng lên cao, tác động xấu đến đồng tiền của các nước xuất khẩu hàng hóa, có thể kể đến đồng ruble của Nga, đồng peso của Columbia và đồng ringgit của Malaysia cũng như nhiều đồng tiền còn lại ở châu Á. 

Việc liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có cố gắng neo tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức 6,80 nhân dân tệ/USD hay không là vô cùng quan trọng, theo ông Jens Nordvig, chiến lược gia thị trường tiền tệ tại Exante Data LLC. Ông dự báo ECB nhiều khả năng sẽ can thiệp trong buổi họp chính sách của ECB vào ngày 26/6/2018.(Bizlive)
-----------------------

Năm 2017, kinh tế Triều Tiên suy giảm tồi tệ khi chịu trừng phạt từ Mỹ?

Thu nhập bình quân đầu người ở Triều Tiên được ước tính ở mức 1,46 triệu won tương đương 1.285 USD ở thời điểm năm 2017, mức này tương đương 4,4% thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc.

Nếu như năm 2016, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng tốt bất ngờ, sang đến năm 2017, kinh tế Triều Tiên đảo chiều suy giảm mạnh, và có thể điều tồi tệ hơn chưa đến, theo khẳng định của Bloomberg trong bài báo mới đây. 

Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, GDP tại Triều Tiên trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến hết tháng 12/2017 suy giảm 3,5%, mức giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ. 

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, vốn được coi như bên cung cấp nguồn thông tin chuẩn xác nhất nhất về kinh tế Triều Tiên, khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt được áp dụng vào năm 2017 sẽ chỉ thể hiện rõ ràng nhất các tác động trong năm 2018.

Tình trạng tồi tệ của kinh tế Triều Tiên có thể sẽ giúp cho Tổng thống Donald Trump có thêm đối trọng trong nỗ lực thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân.

Thu nhập bình quân đầu người ở Triều Tiên được ước tính ở mức 1,46 triệu won tương đương 1.285 USD ở thời điểm năm 2017, mức này tương đương 4,4% thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau để thu thập số liệu, trong đó có các cơ quan chính phủ cũng như cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Người đứng đầu nhóm điều phối của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, ông Shin Seung-cheol, nhận xét: “Tác động của các biện pháp trừng phạt còn khá yếu trong năm 2016 thế nhưng sang đến năm 2017 đã rõ ràng hơn nhiều. Việc Triều Tiên bị cấm xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực như than đá, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may khiến cho khối lượng thương mại giảm”.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên năm 2017 giảm 37% xuống 1,77 tỷ USD. Thương mại với Trung Quốc, vốn chiếm khoảng hơn 94% tổng hoạt động thương mại của Triều Tiên, trong năm ngoái giảm 13% xuống 5,26 tỷ USD.

Khối lượng giao dịch thương mại giảm có nguyên nhân từ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 8/2017.

Liên hợp quốc đồng thời đã đóng băng tài sản và cấm đi lại với một số cá nhân và tổ chức của Triều Tiên và yêu cầu tất cả những người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài phải trở về nhà trước thời điểm cuối năm 2019. Mỹ cũng áp dụng biện pháp trừng phạt riêng. Trong năm 2017, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt về thương mại, tài chính đối với các ngân hàng ngoài Mỹ, công ty và cá nhân có làm ăn với Triều Tiên.

Giá trị giao dịch thương mại của Triều Tiên với Hàn Quốc trong năm 2017 giảm xuống 900.000USD từ mức 333 triệu USD trong năm 2016, cũng theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Khối lượng giao dịch giữa hai miền Triều Tiên giảm sâu sau khi khu công nghiệp Gaeseong đóng cửa vào năm 2016.

Tính toán của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có nhiều hạn chế, ngân hàng sử dụng dữ liệu của Hàn Quốc như giá cả để bù cho những thông tin còn thiếu. (bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục