tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-01-2018

  • Cập nhật : 07/01/2018

Thêm 2 doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ được cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.

nha may thuoc tap doan hoa chat viet nam - vinachem

nhà máy thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem

Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020 vừa được phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng, tăng 70% so với mức vốn điều lệ hiện tại (11.659 tỉ đồng).

Vinachem xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ giai đoạn 2018-2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, đề án tái cơ cấu Vinachem cũng đặt kế hoạch sắp xếp các công ty do Tập đoàn sở hữu vốn.

Ngoài Vinachem, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 13.916 tỉ đồng (tương đương 1,391 tỉ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng), trong đó cổ đông Nhà nước sở hữu 904,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên, Vinalines sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 30% vốn điều lệ. Phần số cổ phần còn lại khoảng 67,324 triệu cổ phần, tương đương 4,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Trước đó, vào đầu tháng 12.2017, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm 31.12.2016 là 18.094,9 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 11.946 tỉ đồng.(Thanhnien)
-----------------------

Quý I/2018, thị trường biệt thự, nhà liền kề sẽ rất sôi động

Theo CBRE, với nhiều dự án quy mô lớn sẽ được mở bán, bao gồm một số dự án như: Starlake giai đoạn 2, Gamuda giai đoạn 4 – Dahlia Homes, Him Lam Shophouse... dự báo thị trường biệt thự, nhà liền kề trong quý I/2018 sẽ rất sôi động.

Quý I/2018, thị trường biệt thự, nhà liền kề sẽ rất sôi động

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của CBRE, quý IV/2017, thị trường nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội đã được bổ sung 444 căn, trong đó 73% số căn là nhà liền kề. Tính chung cả năm 2017, thị trường Hà Nội ghi nhận tổng số 4.178 tổng số căn biệt thự, liền kề và nhà phố mở bán; trong đó khu vực phía Tây và phía Nam có nguồn cung mới nhiều nhất, chiếm 72% toàn thị trường tính đến thời điểm hiện tại. 

Thị trường nhà đất trong quý IV ghi nhận số căn bán được đạt 1.142 căn, tăng 48% so với quý trước và giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do nguồn cung mới tăng đáng kể trong quý III. 

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thị trường nhà ở gắn liền với đất đã bán được hơn 4.800 căn; trong đó khu vực phía Tây chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 64%. Phía Đông đứng thứ hai về số căn bán được, chiếm khoảng 1/5 tổng số căn bán được trên thị trường. 

Theo tính toán, kết thúc năm 2017, giá sơ cấp trung bình thị trường biệt thự, nhà liền kề đạt 3.600 USD/m2, giảm nhẹ 2% so với quý trước. Trong khi đó, giá thứ cấp trung bình trên thị trường đạt 3.778 USD/ m2 đất, tăng 3,5% so với năm trước. 

Theo CBRE, việc cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn trong bán kính 10km, được xem là chìa khóa giúp thúc đẩy phát triển các dự án khu đô thị ở các khu vực này.  

Thị trường nhà ở gắn liền với đất Hà Nội, giá thứ cấp theo khu vực (USD/m2). Nguồn: CBRE Việt Nam, Q4 2017  

“Quý I/2018 được kỳ vọng sẽ rất sôi động trên thị trường nhà biệt thự, liền kề với nhiều dự án quy mô lớn được mở bán, bao gồm một số dự án như: Starlake giai đoạn 2, Gamuda Giai đoạn 4 – Dahlia Homes, Him Lam Shophouse...”, CBRE cho biết.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, tương lai dự kiến sẽ có thêm các dự án mới tại khu vực phía Đông, nhất là theo quy hoạch sẽ có thêm các cây cầu mới qua sông Hồng (Tứ Liên và Trần Hưng Đạo), được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện giao thông và cơ sở hạ tầng cho khu vực phía Đông, thu hút thêm sự chú ý của các nhà đầu tư và người mua nhà để ở.  (bizlive)
--------------------------

Nhiều khác biệt trong vòng đầu tiên đàm phán lại FTA Mỹ​-Hàn

FTA Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Sáng 6/1 (theo giờ Hà Nội), tại Washington, Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng đầu tiên của cuộc đàm phán xem xét những thay đổi đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã được hai nước ký từ 6 năm trước, trong bối cảnh Mỹ muốn tìm cách giảm thâm hụt thương mại với quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong một tuyên bố đưa ra sau các cuộc họp kín giữa phái đoàn hai bên, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã kêu gọi Seoul cần tạo điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường nước này, cũng như những cải thiện các rào cản thương mại.

Washington đã thảo luận các đề xuất hướng đến thương mại hai chiều và công bằng trong các lĩnh vực chủ chốt như ô tô, phụ tùng ô tô cũng như giải quyết các rào cản xuyên suốt và cụ thể phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định "vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể đạt được một thỏa thuận phục vụ lợi ích kinh tế của người dân Mỹ."

Theo ông, Washington mong muốn thương mại hai chiều công bằng giữa Mỹ và Hàn Quốc và sẽ nhanh chóng thúc đẩy các nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu này.

Về phần mình, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết Seoul đã thể hiện quan điểm của mình một cách tích cực đối với các vấn đề mà phía Mỹ nêu, song không cho biết thông tin chi tiết.

Theo bộ trên, hai bên đã nêu các vấn đề liên quan đến việc sửa đổi cũng như việc thực thi FTA song phương, trong đó có cả các lĩnh vực nhạy cảm. Hàn Quốc đã nhấn mạnh sự quan tâm đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-quốc gia (ISDS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Với điều khoản ISDS, nhà đầu tư có thể kiện các nước có hành vi phân biệt đối xử thông qua các tổ chức quốc tế.

Hai bên đã nhất trí tiếp tục các vòng đàm phán dựa trên kết quả vòng đầu tiên lần này và sẽ sớm ấn định thời gian tiến hành vòng đàm phán lại thứ 2.

FTA Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiệp định này là nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu đàm phán lại bất chấp Seoul đã chỉ ra rằng Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc.

Kim ngạch thương mại song phương Hàn-Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 109,6 tỷ USD năm 2016, theo đó thặng dư thương mại của Hàn Quốc tăng từ 11,6 tỷ USD lên khoảng 27,7 tỷ USD.

Giới chức Hàn Quốc cho biết thỏa thuận này có lợi cho cả hai bên. Mỹ thâm hụt về thương mại hàng hóa nhưng lại thặng dư về thương mại dịch vụ với Hàn Quốc tới 10 tỷ USD.

Từ khi FTA có hiệu lực, đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 5,8 tỷ USD và tạo ra 45.000 việc làm (Vietnam+)
--------------------

Brookfield mua lại mảng điện hạt nhân sắp phá sản của Toshiba giá 4,6 tỉ USD

Tương lai của Westinghouse Electric, mảng kinh doanh hạt nhân của Toshiba tại Mỹ, giờ đây đã nằm trong tay của nhà quản lý tài sản lớn nhất Canada Brookfiled Asset Management.

Theo Bloomberg, Brookfield hôm 4.1 đã đồng ý mua lại mảng kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ và phần kinh doanh nằm ngoài phạm vi bảo hộ phá sản của Westinghouse tại châu Âu với giá 4,6 tỉ USD. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào lĩnh vực hạt nhân của nhà quản lý tài sản Canada như một đơn vị công khai. Thương vụ này cũng đánh dấu sự trở lại tích cực của “đại gia” điện tử Nhật Bản sau một loạt tai ương tài chính.

“Việc mua lại Westinghouse của Brookfiled đã khẳng định vị thế của chúng tôi với tư cách là nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ chuyển đổi kinh doanh của công ty theo hướng mãnh mẽ hơn, hợp lý hơn”, Jose Emeterio Gutierrez, giám đốc điều hành Westinghouse, nói.

Trong khi đó, ông Cyrus Madon, giám đốc điều hành Brookfield đánh giá Westinghouse là “một doanh nghiệp chất lượng cao và đã trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực hạt nhân với cơ sở khách hàng lâu dài và có tiếng về sự đổi mới”.

Theo một báo cáo từ tòa án, Westinghouse là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân hàng đầu thế giới và cung cấp một số loại hình dịch vụ cho 80% trong tổng số 450 lò phản ứng hạt nhân thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, công ty đã phải chịu đựng khoản thua lỗ nặng lên tới hơn 6 tỉ USD sau khi đồng ý xây dựng hai nhà máy phản ứng hạt nhân ở Nam Carolina (Mỹ). Kết quả là Toshiba đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản mảng kinh doanh hạt nhân Westinghouse tại Mỹ hồi tháng 3.2017.

Theo một tuyên bố của Brookfield, giao dịch dự kiến sẽ bao gồm khoảng 1 tỉ USD vốn chủ sở hữu, 3 tỉ USD vay nợ dài hạn và phần còn lại dành cho các nghĩa vụ về môi trường cũng như các hoạt động khác. Hiện thỏa thuận vẫn đang chờ phê duyệt của tòa án về phá sản tại Mỹ. Đây là hợp đồng lớn nhất của Brookfield cho đến thời điểm này.

Được biết, trước khi mua lại Westinghouse, Brookfield cũng đã từng tiếp quản những tài sản quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng gió và năng lượng mặt trời của SunEdison. Hiện Brookfield đang quản lý 265 tỉ USD tài sản ổn định bao gồm bất động sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục