tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-01-2018

  • Cập nhật : 06/01/2018

Ngành đóng tàu Việt Nam vẫn đang tìm cơ hội trong khủng hoảng

Ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC - tiền thân là Vinashin), cho biết thị trường vận tải biển, đóng tàu đang có dấu hiệu khởi sắc, là cơ hội cho các doanh nghiệp đóng tàu trong nước.

nganh dong tau viet nam van dang tim co hoi trong khung hoang

Ngành đóng tàu Việt Nam vẫn đang tìm cơ hội trong khủng hoảng

Trao đổi với báo chí ngày 5.1, ông Ngô Tùng Lâm cho biết, từ năm 2018 trở đi, hàng loạt công ước quốc tế lĩnh vực hàng hải áp dụng cho tàu biển sẽ quy định khắt khe hơn, theo hướng nâng cao an toàn, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải biển sẽ phải đầu tư, nâng cao năng lực, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cho đội tàu.

Cho rằng ngành đóng tàu Việt Nam vẫn đang tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng, nhưng ông Lâm cũng thừa nhận, sau tái cơ cấu Vinashin, việc thiếu vắng nhân lực chất lượng cao, kỹ sư lành nghề do chuyển đổi và tiết giảm nhân sự cũng là một khó khăn với SBIC hiện nay.

Đây là lý do nếu trước năm 2010, Vinashin từng là công trường với các dự án đóng tàu tải trọng hàng chục nghìn tấn, tàu chuyên dụng chở dầu… cho các đối tác trong và ngoài nước, thì từ năm 2010 trở lại đây, các đơn hàng đã giảm dần về số lượng và cả tải trọng tàu đóng mới.

Gần đây nhất, giữa tháng 10.2017, Công ty đóng tàu Phà Rừng đã hạ thuỷ chiếc tàu đầu tiên BS-01 mang tên YN YEOSU, nằm trong lô 4 chiếc tàu được Hàn Quốc đặt hàng. Đây cũng là đơn hàng lớn đầu tiên của doanh nghiệp này sau 6 năm đình trệ vì vận tải biển và đóng tàu gặp khủng hoảng.

Theo ông Ngô Tùng Lâm, sự phục hồi của thị trường dù đã có dấu hiệu khởi sắc vẫn chưa thể đạt được những bước phát triển lớn so với trước kia. (Thanhnien)
--------------------------

Giá trị thực tế của Vinalines là bao nhiêu?

Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tại tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ GTVT khẳng định thời điểm 31-12-2016, giá trị thực tế của Vinalines là trên 18.000 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp gần 12.000 tỉ đồng.

Vốn điều lệ của Vinalines gần 14.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 1,3 tỉ cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Vinalinesmuốn bán 30% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Giá trị thực tế của Vinalines là bao nhiêu? - ảnh 1
Vinalines từng thua lỗ nặng. Ảnh: Internet

Bộ GTVT khẳng định tại thời điểm trình phương án cổ phần hóa, chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Nên việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên Bộ GTVT xác định, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư trong và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, kinh doanh khai thác cảng biển, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ logistics, quản lý và khai thác cảng biển; hai năm trước liền kề thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế tại thời điểm gần nhất.

Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc tổ chức tài chính phải đảm bảo có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỉ đồng; 2 năm trước liền kề thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế tại thời điểm gần nhất.

Bộ GTVT đề nghị chi phí cổ phần hóa là trên 11 tỉ đồng. Dự toán này có thể thay đổi phụ thuộc vào kết quả bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, kết quả bán đấu giá cổ phần và chưa bao gồm thuế các loại.

Cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng trong nước bán thông qua phương thức bán đấu giá, được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc cổ phần hóa của Vinalines. Cụ thể, khi chuyển sang công ty cổ phần, đơn vị này phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỉ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên dẫn đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn nhà nước tại công ty mẹ - tổng công ty.

Lý giải về khoản tiền trên, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định việc phải trích lập dự phòng là do khi lập báo cáo tài chính tại thời điểm 31-12-2016, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập đầy đủ qua các năm (số tiền là 2.710 tỉ đồng).

Trong khi đó, giá trị các khoản đầu tư tài chính đã được xác định lại theo nguyên tắc thị trường, tăng thêm 573 tỉ đồng khi xác định giá trị doanh nghiệp (do bù trừ giá trị các khoản đầu tư tài chính tăng với các khoản đầu tư tài chính giảm). Nếu thực hiện theo Nghị định số 59/2011 của Chính phủ, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ không phải trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính này.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng lo ngại việc hạch toán không điều chỉnh lại giá trị tài sản theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (đã được đánh giá lại sát với giá trị thị trường) mà giữ nguyên giá trị tài sản theo sổ sách kế toán dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí kinh doanh tăng cao.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản của công ty mẹ - tổng công ty (chủ yếu là tàu biển) giảm khoảng 862 tỉ đồng so với giá trị sổ sách. Chi phí khấu hao tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các hãng tàu khác tại Việt Nam và quốc tế.

Hiện Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản đến các bộ, ngành để lấy ý kiến với những kiến nghị của Bộ GTVT. (PLO)
----------------------------

Xu hướng tăng chi tiêu của người tiêu dùng ASEAN

Khảo sát về tiêu dùng tại 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam do FTCR, bộ phận nghiên cứu của báo Financial Times (Anh) thực hiện, cho thấy, trong quý IV/2017, thu nhập của các hộ gia đình, chi tiêu cho các khoản ngoài các khoản chi thiết yếu và vay mượn của người tiêu dùng - ba yếu tố cấu thành chỉ số tiêu dùng - tăng nhanh hơn so với các quý trước.

Một phụ nữ mua sắm trong siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters

Phóng viên TTXVN tại London dẫn kết quả cuộc khảo sát được thực hiện dựa trên cuộc thăm dò ý kiến của 5.000 người tiêu dùng tại 5 nước ASEAN nói trên, cho thấy chỉ số tiêu dùng ASEAN do FTCR thực hiện tăng 1,5 điểm lên 69 điểm trong quý IV/2017. Trong quý cuối cùng của năm 2017, chi tiêu cho các khoản ngoài các khoản chi thiết yếu như hàng xa xỉ, cho các kỳ nghỉ ... đã tăng nhanh hơn thu nhập. Đây là yếu tố cơ bản dẫn đến sự gia tăng về mức tăng vay mượn của người tiêu dùng trong khu vực. Chỉ số tiêu dùng ASEAN gia tăng vào thời điểm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 5 nước ASEAN tăng trưởng mạnh hơn.

Chỉ số thu nhập của các hộ gia đình trong cùng thời gian này tăng 0,7 điểm lên 72,7 điểm. Người tiêu dùng Thái Lan là yếu tố lớn nhất đứng đằng sau sự cải thiện về chỉ số này, đóng góp trên một nửa vào mức tăng nói trên. Trong số 5 nước ASEAN, duy nhất có người tiêu dùng Malaysia thông báo mức tăng thu nhập thấp hơn trong quý này.

Trong quý IV/2017, chỉ số chi tiêu tiêu dùng ngoài các khoản chi tiêu thiết yếu tăng 3,1 điểm lên 69,3 điểm, cho thấy người tiêu dùng tại cả 5 nước ASEAN nói trên, đặc biệt là người tiêu dùng Thái Lan và Phillipines, chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mua sắm vật dụng đắt tiền, cho các kỳ nghỉ và các hàng hóa và dịch vụ phi thiết yếu.
Theo FTCR, sự gia tăng chi tiêu cho các khoản chi ngoài các khoản chi thiết yếu trong tương quan với mức tăng thu nhập của các hộ gia đình đã thúc đẩy nhu cầu vay mượn để chi tiêu tại 5 nước Đông Nam Á này, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Qua đó, chỉ số vay mượn của người tiêu dùng trong quý IV/2017 tăng 0,6 điểm lên 65 điểm.(TTXVN)
---------------------------

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2018, xuất khẩu nông nghiệp phải đạt 40 tỷ USD

Định hướng nhiệm vụ năm 2018 cho ngành NN&PTNT, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%, xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD.

Sáng nay, 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 của ngành NN&PTNT.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp, hiệp hội về nông nghiệp.

Cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng đã đến dự, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, Thủ tướng đã dự 17 hội nghị của ngành nông nghiệp, giúp ngành tháo gỡ khó khăn và truyền cảm hứng để ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Năm qua, ngành NN&PTNT đã đạt 7 kết quả nổi bật, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ngành cũng còn 5 tồn tại, hạn chế, như tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm (thịt lợn, dưa hấu), nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Năm 2018, ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD.

toan canh hoi nghi

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT đã nhìn thẳng sự thật, nói cả thành tích và tồn tại, hạn chế. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Một số lĩnh vực rất thành công, như lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ quả đã vượt cả lúa gạo, dầu thô. Thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngành đã tích cực tham gia công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh năm 2017 có nhiều đợt bão lũ.

Biểu dương nỗ lực của ngành NN&PTNT, Thủ tướng nhắc lại câu “mà báo chí gần đây nói nhiều, là đừng ngủ quên trên vòng quyệt quế”, thành tích trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều bất cập. Tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn. Năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp.

“Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp. Anh có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, nhưng cơ cấu lao động là vấn đề lớn hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được”, Thủ tướng nói.

Tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. Một số địa phương còn lơ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.

“Làm sao mà khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế, các đồng chí phải suy nghĩ, có đối thoại với dân không. Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi cái này, tự hỏi chúng ta, chứ không phải tự hỏi người dân đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn”.

thu tuong nguyen xuan phuc phat bieu tai hoi nghi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

An toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”. Nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tình trạng phá rừng, Thủ tướng nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm địa phương nào không quản lý tốt vấn đề này.

Định hướng nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt” như tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%. Xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD, Thủ tướng nêu rõ, chứ không phải 38 tỷ USD mà báo cáo của Bộ NN&PTNT đưa ra hôm nay.

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.

Các địa phương và ngành NN&PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Thủ tướng yêu cầu “phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung”, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Phải quan tâm xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc mà nông nghiệp, nông thôn đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”. Đầu vào nông nghiệp phải quản lý tốt, nâng cấp tốt, không để tình trạng phân bón giả tràn lan. Đầu ra là thị trường và tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm. Môi trường nông thôn phải được chú trọng khi mà mỗi năm, ở nông thôn có 13 triệu tấn rác.

Bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được năm 2017 là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nói, trong nông nghiệp, nông thôn thì vấn đề vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương rất quan trọng, không thì chủ trương nằm trên giấy. Chính phủ hành động thì Bộ NN&PTNT, các sở, viện, trường phải hành động.

Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn nữa cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân như mô hình hội quán ở Đồng Tháp, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Long An, An Giang… Quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý… để “chúng ta thoát thẻ vàng (của EU) ngay trong năm nay, ngay trong 6 tháng đầu năm, là rất quan trọng”.

Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác.

Chi phí vận chuyển, chi phí logistics còn nhiều vấn đề, cần được tổ chức lại. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT cùng Bộ NN&PTNT, các địa phương bàn kỹ, đề xuất giải pháp phù hợp, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”, Thủ tướng nói và nêu con số, năm 2018, Bộ phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Bộ đang có 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 50% để đạt con số 3.849 dòng hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng lưu ý việc chăm lo Tết cho nông dân.(Baodautu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục