tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-09-2018

  • Cập nhật : 03/09/2018

Cổ phần hóa mang lại động lực mới cho doanh nghiệp phát triển

Trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

co phan hoa se dem lai xu huong moi, dong luc moi cho doanh nghiep phat trien. nguon: internet

Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Nguồn: internet

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động… Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã đổi mới được quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai minh bạch thông tin.

Ông Tiến dẫn chứng, một trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá cuối năm 2017 đầu năm 2018 là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), sau khi cổ phần hóa, khả năng huy động vốn của PVPower đã thay đổi rõ rệt theo nhiều kênh nhờ quản trị có sự đổi mới, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh khả quan. Đó là một trong những động lực làm cho doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Bên cạnh PVPower, có rất nhiều mô hình doanh nghiệp hoạt động tốt sau cổ phần hóa như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airline là minh chứng rõ rệt nhất, hiệu quả từ chủ trương cổ phần hóa là không thể phủ nhận. “Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.” – Ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, vấn đề cổ phần hóa chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi được thực hiện quyết liệt, triệt để, thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới”. Đồng thời, cần có sự giám sát, kiểm tra, công khai minh bạch trước, trong và sau cổ phần hóa; Kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường sau cổ phần hóa để đem lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Với vai trò là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, thời gian qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản đầy đủ khung khổ pháp lý về vấn đề này. Đối với những vấn đề mang tính đặc thù, Bộ Tài chính đã cử cán bộ thường xuyên nắm bắt, kịp thời lắng nghe khó khăn để tháo gỡ vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương trong thời gian nhanh nhất. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có chế tài đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu doanh nghiệp chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Trong trường hợp doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn đăng ký năm 2017, 2018 chưa thực hiện được cần mạnh dạn chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - doanh nghiệp thoái vốn chuyên nghiệp.

Một trong những giải pháp quan trọng khác sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong Hội nghị đổi mới cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tới đây là tập trung mạnh hơn ở khâu tổ chức thực hiện gắn với các chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch về lộ trình, tiến độ, kết quả và trách nhiệm người thực hiện, đảm bảo tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.(TCTC)
-----------------------------

Đề cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý nợ công

Theo Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH 14 ngày 23/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quản lý nợ công; bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công…

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công là: vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công. Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công.

 

Đáng chú ý, theo Điều 9 quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, theo Điều 23 của Nghị định 94/2018/NĐ-CP, ngày 30-6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công, các cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật nếu sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định làm phát sinh rủi ro nợ công. Nhận diện rủi ro quy định trong Điều 24 bao gồm: rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ do biến động trên thị trường tài chính; rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; rủi ro do biến động thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn, dẫn đến phải đảo nợ với chi phí cao hoặc mất khả năng đảo nợ; rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; các loại rủi ro khác có thể ảnh hưởng an toàn nợ công.

Đáng lưu ý, nợ công ở Việt Nam đang bước đầu được cải thiện, giảm từ mức khoảng 64,8% GDP năm 2015 xuống khoảng 61,3% hiện nay; nhưng thực tế, nước ta (giống như 40 quốc gia khác) chưa đưa vào nợ công những khoản nợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự vay tự trả. Thực tiễn thế giới và trong nước cho thấy, khi phát sinh bất ổn trên thị trường tài chính, việc DNNN mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài dù là tự vay tự trả, vẫn có thể trực tiếp hay gián tiếp làm tăng những khoản chi ngân sách nhà nước để “trả nợ đậy” hoặc để triển khai các gói kích cầu và giữ ổn định vĩ mô nền kinh tế, tức tạo áp lực làm tăng gánh nặng nợ công. Vì vậy, cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện những quy định, thể chế nghiêm khắc cần thiết gắn với trách nhiệm cá nhân, nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi lạm quyền và tham nhũng trong quản lý nợ của DNNN nói riêng và nợ công nói chung.

Có thể nói, cùng với các giải pháp đồng bộ khác, việc hạn chế thẩm quyền và tăng trách nhiệm của cá nhân, không ngoại trừ ai, một cách rõ ràng và nghiêm khắc, bao quát toàn bộ quá trình và nội dung quản lý nhà nước về nợ công là nét mới quan trọng, mang tính đột phá tích cực trong sự phát triển nhận thức, thể chế quản lý nợ công ở nước ta; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và kiến tạo, góp phần bảo đảm an toàn nợ công…(Nhandan)
--------------------------------

Chính thức cắt giảm được 968 điều kiện và gần 1.700 dòng hàng

Các bộ ngành dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 3.807 điều kiện kinh doanh và 6.003 dòng hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chỉ một phần trong số này có văn bản pháp quy chính thức.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa báo cáo các kết quả cập nhật về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và quy định về điều kiện kinh doanh. Theo đó, các bộ ngành dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 3.807 điều kiện kinh doanh và 6.003 dòng hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, 3.807/6.213 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện. Kết quả này đạt 61,3% kế hoạch cả năm và vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương có nhiều điều kiện kinh doanh và cũng có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất (1.216 điều kiện, đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện, đạt 55,5%); tiếp đến là Bộ Y tế (1.871 điều kiện, dự kiến cắt 1.363 điều kiện, đạt 72,85%); Bộ Tài chính (370 điều kiện, dự kiến cắt giảm 190 điều kiện, đạt 51,35%)…

Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VHTT&DL... Còn 2.839 điều kiện đã có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ.

Hiện có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, các Bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiều dòng hàng và cũng có kế hoạch cắt giảm nhiều nhất với 7.698 dòng hàng, dự kiến cắt giảm 5.206 dòng hàng). Bộ Y tế có 5 mặt hàng được cắt giảm với 815 dòng hàng áp mã HS, kế hoạch cắt giảm toàn bộ 815 dòng hàng - chuyển sang hậu kiểm. Bộ Công Thương sẽ cắt giảm 702 dòng hàng, đã ban hành 02 Thông tư, cắt giảm 402 dòng hàng, đạt 57,3%.

Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng, đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 28,1% so với dự kiến. Cùng đó, 30 thủ tục cũng đã được giảm, đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 40,5% so với dự kiến.

Còn 4.314 dòng hàng (chiếm 66%) đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 03 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an.

Dù tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành nhìn chung cải thiện hơn so với tháng trước, Chính phủ vẫn đánh giá tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-11-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-11-2015

    Được phép kinh doanh casino tại sân bay quốc tế Việt Nam
    Chưa sửa đổi cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu
    Gần 1.350 tỉ đồng đầu tư hai dự án giao thông lớn tại Thái Bình, Hải Phòng
    Nhật viện trợ ODA 172 tỉ yen cho 3 dự án của Việt Nam
    25% doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc đã chọn VN

  • Tin kinh tế đọc nhanh 22-11-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh 22-11-2015

    Việt Nam nhập siêu 3,58 tỉ USD
    Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng tới 115%
    Dự án đường sắt ga Hà Nội - Nhổn đội vốn 400 triệu Euro
    Thế giới di động: Bình quân 3 ngày khai trương 2 siêu thị, 10 tháng lãi 846 tỷ đồng
    Hà Nội: Tín dụng 11 tháng tăng trưởng ước đạt 18%

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-11-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-11-2015

    Phải đổi mới tư duy để phát triển kinh tế
    Cộng đồng kinh tế ASEAN là thị trường lớn thứ tư thế giới
    Giảm chi phí thông quan hàng hóa bằng quản lý rủi ro
    Xuất khẩu cá cảnh chưa xứng tiềm năng
    Phải đấu thầu lại những gói thầu vượt giá trần

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-11-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-11-2015

    Công ty nông nghiệp Mỹ đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam
    Các nhà nhập khẩu ôtô xin lùi áp thuế kiểu mới nửa năm
    'Vua tôm' Minh Phú sa sút
    ​Thị phần nội địa Vietnam Airlines giảm 9%
    9 tháng, Petrolimex lãi hơn 2.100 tỉ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-11-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-11-2015

    NHNN khẳng định đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ
    Santomas Việt Nam dự kiến đầu tư nhà máy 20 triệu USD tại KCN VSIP Bắc Ninh
    Kiểm tra 5 doanh nghiệp nhập khẩu thép hợp kim
    8 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lại "than trời" vì cách tính thuế
    Tái khởi động Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-11-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-11-2015

    Việt Nam xếp nhì top 10 điểm đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp APEC
    Sắp sửa đấu giá cổ phiếu “vàng” của ngành hàng không
    Hồng Đà Lạt khan hiếm, giá tăng hàng chục lần
    Con gái ông Chuang ‘biến mất’ ngay khi nữ doanh nhân Hà Linh bị sát hại
    Xây nhà máy phân đoạn huyết tương đầu tiên tại Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh 20-11-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh 20-11-2015

    Nợ xấu Agribank bất ngờ giảm về dưới 3%
    Không giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế
    Rơm Sông Hậu sang Nhật 250.000 tấn/năm
    TPP sẽ chính thức ký vào năm 2016
    Sản xuất thành công phụ gia tạo hạt phân đạm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-11-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-11-2015

    Chung cư cho thuê tại TP.HCM chiếm 80% thị trường
    Vietjet Air muốn thuê Cảng hàng không Phú Quốc 30 năm
    Kiểm tra nhập phôi thép hợp kim Trung Quốc lách thuế
    35 món hàng được miễn thuế toàn bộ
    Bạch tuộc Việt bán được giá tại Mỹ

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-11-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-11-2015

    ​Lào khởi công tuyến đường sắt nối Vientiane với Trung Quốc
    Bộ Xây dựng: Gói 30.000 tỷ sẽ hết vào tháng 4/2016
    Giá vàng tạo đáy 6 năm
    Giá dầu lao dốc, Petrolimex tăng lãi 1.000 tỷ đồng
    Bình Dương kêu gọi Hà Lan đầu tư vào nông nghiệp, logistics

  • Tin kinh tế đọc nhanh 19-11-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh 19-11-2015

    SAM mua lại hãng phân phối độc quyền Bia Sài Gòn tại Bắc Mỹ
    Nhập khẩu bông phải qua nhiều bước trung gian
    Lào bãi bỏ thuế nhập khẩu xe ôtô có nguồn gốc xuất xứ tại ASEAN
    Lần đầu tiên xuất khẩu rơm sang Nhật
    Đề xuất giảm thuế nhập linh kiện, phụ tùng xe con về 0%