tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-09-2018

  • Cập nhật : 03/09/2018

Khối ngoại bán ròng đã không còn tác động mạnh đến thị trường

Khác với giai đoạn nửa cuối quý II, áp lực bán của khối ngoại trong các tuần đầu tháng 8 không gây tác động đáng kể đến diễn biến thị trường nhờ lực cầu trong nước có chuyển biến tích cực.

thi truong chung khoan viet van co nhung cau chuyen rieng thu hut gioi dau tu

Thị trường chứng khoán Việt vẫn có những câu chuyện riêng thu hút giới đầu tư

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán KBSV, tháng 8 vừa qua, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng do ảnh hưởng xu hướngrút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Trên thực tế, tỷ trọng giao dịch khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không phải quá lớn và sức ảnh hưởng chủ yếu về mặt tâm lý.

Thời gian qua, với các thông tin hỗ trợ gần đây như kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức khả quan; lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại quen dần; các chỉ báo vĩ mô vẫn trong tầm kiểm soát…, tâm lý nhà đầu tư trong nước đã ổn định hơn trước và ít chịu tác động trước giao dịch tiêu cực của khối ngoại.

Thị trường chứng khoán Việt vẫn có những câu chuyện riêng thu hút giới đầu tư nước ngoài như chỉ số EPS (lợi nhuận/mỗi cổ phiếu) của TTCK Việt Nam luôn ở top đầu so với các thị trường trong khu vực trong nhiều quý liên tiếp; triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn đánh giá của MSCI.

Hiện, Việt Nam có cơ hội được vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE trong kỳ phân loại tháng 9/2018, khi thỏa mãn 8 trong 9 tiêu chí được đưa ra của FTSE.(TBKD)
----------------------

Vàng, chứng khoán hay bất động sản: Hàng nào nóng tháng 9?

Chứng khoán, vàng, bất động sản hay bất cứ công cụ đầu tư tài chính nào cũng có tính chu kỳ, trong khi dòng tiền luôn vận động để tìm kênh sinh lời hiệu quả nhất. Vậy ở giai đoạn này, nhà đầu tư tìm đến kênh nào?

Chứng khoán vẫn được đánh giá tích cực

Chỉ số VN-Index trong xu hướng hồi phục từ mức đáy hơn 890 điểm (trong phiên 11/7), thanh khoản tăng nhẹ so với giai đoạn quý II, song vẫn ở mức thấp so với hồi đầu năm.

Giá trị giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán trong nước hiện khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với giai đoạn thị trường hưng phấn trong quý I/2018 với thanh khoản nhiều phiên hơn 10.000 tỷ đồng.

Có hay không việc dòng tiền rút từ thị trường chứng khoán chuyển sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn?

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu khả quan trở lại, nhưng giao dịch vẫn chưa bùng nổ, một phần xuất phát từ việc khối ngoại đã giảm bớt giá trị giao dịch hơn 20% so với đầu năm.

Một lượng tiền đáng kể cũng đã rút ra khỏi thị trường cổ phiếu niêm yết để đi tìm cơ hội ở thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường bất động sản.

Ngoài ra, theo ông Khanh, một yếu tố quan trọng khiến thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn thấp là nhiều nhà đầu tư vừa trải qua giai đoạn thua lỗ nặng hồi tháng 4, 5, lượng tiền lớn đã mất đi.

Các nhà đầu tư cần có thời gian tích lũy lại lượng tiền và bản thân hoạt động chứng khoán sinh lợi trở lại mới thúc đẩy việc bơm thêm tiền vào thị trường cũng như mạnh dạn sử dụng margin nhiều hơn.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, khả năng dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang kênh đầu tư khác lúc này là không khả thi, bởi hầu hết các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện nay đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, với kênh bất động sản, thực tế nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng 4,12% và là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây.

Trước đà tăng này, Chính phủ đang kiểm soát rất chặt chẽ nguồn tín dụng vào kênh này để phòng ngừa hiện tượng “bong bóng” bất động sản. Trong khi đó, kênh đầu tư vàng, ngoại tệ hay tiền ảo… đều nằm trong diện bị kiểm soát, hoặc không khuyến khích nên về cơ bản sẽ gặp rủi ro về chính sách.

Thực tế, kênh đầu tư vàng đã chững lại trong nhiều năm gần đây và hầu hết người dân giữ vàng để dự phòng nhiều hơn là đầu tư, trong khi bất động sản vẫn là kênh đầu tư khá tách biệt với các kênh khác.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm, chứng khoán phái sinh khá mới mẻ tại Việt Nam và sử dụng tỷ lệ margin rất cao, nên dĩ nhiên rủi ro đi kèm cũng tương ứng. Ở kênh đầu tư này, nhà đầu tư cần sự tập trung cao độ, bên cạnh kiến thức đầu tư, kinh nghiệm và thời gian dành cho nó khá lớn.

Ngược lại, chứng khoán cơ sở không sử dụng đòn bẩy cao nên ít rủi ro hơn và nếu xét về dài hạn, thị trường chỉ mới ở mức khởi động tăng trưởng, cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường này vẫn còn nhiều.

Chứng khoán là thị trường trọng tâm được Chính phủ ưu tiên phát triển trong dài hạn, vì vậy, trong thời gian tới sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới cho nhà đầu tư, bên cạnh nhiều nguồn cung mới từ các doanh nghiệp niêm yết mới và thoái vốn nhà nước.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia nhìn nhận, chứng khoán vẫn đang là kênh được đánh giá tích cực hơn.

Dòng tiền vẫn chờ cơ hội

Gần đây, các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến con số ước tính khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân. Theo các chuyên gia, lượng vốn nhàn rỗi rất lớn trong dân này chủ yếu dưới dạng vàng. Câu chuyện làm thế nào để huy động nguồn tiền nhàn rỗi này vào đầu tư phát triển kinh tế đất nước đã được nhiều chuyên gia đưa ra và cho tới nay vẫn chưa có lời giải.

Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng và USD từ lâu do lịch sử biến động chiến tranh để lại và cả sự thiếu ổn định của VND với USD. Hiện nay, việc tích trữ vàng trong dân đã giảm bớt do không mang lại hiệu quả đầu tư cao trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc giữ USD lại thường rộ lên mỗi khi tình hình giá USD tăng mạnh như đợt vừa qua. Đặc tính chung của người dân là giữ một phần tiết kiệm và vì vậy, việc nắm giữ USD hay vàng là do muốn tìm sự trú ẩn an toàn trong dài hạn. Do đó, chỉ cần Chính phủ tạo ra các kênh đầu tư tốt và an toàn thì tự khắc sẽ huy động được nguồn lực lớn từ dân chúng.

Để bỏ đi thói quen tiết kiệm dưới dạng vàng và USD của người dân, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, cần xây dựng niềm tin về sự ổn định của giá trị tiền đồng trong dài hạn và điều này cần thời gian dài để chứng minh.

Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững tạo thành một kênh đầu tư hiệu quả và an toàn để người dân có thể lựa chọn và tin tưởng đồng tiền của mình có thể sinh lời. Ngoài ra, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh cần mở rộng và thu hút dòng tiền tiết kiệm của người dân bên cạnh việc gửi tiền vào ngân hàng.

Quay trở lại với câu chuyện dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh mạnh ở giai đoạn quý II/2018, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn vào nhịp hồi phục về vùng 970 - 1.000 điểm. Chỉ số VN-Index đang tiệm cận mốc 1.000 điểm, tăng 100 điểm (tương đương 11,5%) trong vòng 2 tháng là mức tăng khá tích cực.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán chưa bùng nổ khi dòng tiền vẫn đang nghe ngóng các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước như ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất USD.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ số liệu thống kê trên thị trường chứng khoán trong nước. Đó là, trong 5 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất năm 2017 duy trì được đà tăng trưởng mạnh của dòng tiền giai đoạn cuối năm, còn lại 4 năm (2013 – 2016), thị trường đều vận động theo hướng điều chỉnh và chỉ bứt phá vào khoảng giữa tháng 12 hay tháng 1 năm sau khi dòng vốn ngoại quay trở lại.

Từ thống kê này, các chuyên gia cho rằng, tháng 9, thị trường chứng khoán sẽ biến động theo hướng chờ tin và sự sôi động có lẽ chỉ xảy ra với những cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện mới.

Chọn chiến lược đầu tư nào?

Thực tế cho thấy, cơ hội kiếm được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán đang ngày càng ít, chưa nói đến nhiều nhà đầu tư còn thua lỗ.

Do vậy, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị, nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, trong giai đoạn này không nên mua đuổi do thị trường đang tiến gần đến các ngưỡng kháng cự mạnh, mà nên cân nhắc chốt lời dần danh mục đã mua trước đó.

Trong khi nhà đầu tư trung và dài hạn nên dành thời gian tìm kiếm các cổ phiếu đạt tiêu chuẩn mà bản thân đề ra trong giai đoạn thị trường tích lũy nhằm đón sóng tăng mới.

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn thị trường tăng trong nghi ngờ và giằng co này chính cơ hội để nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu chiến lược, đang được định giá hấp dẫn cho dài hạn.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng xu hướng tăng giá ngắn hạn luân phiên làm trụ đỡ thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng và có vốn hóa lớn.

Tỷ trọng danh mục đầu tư có thể duy trì ở mức 45 - 50% giá trị tài khoản và nên ưu tiên những cổ phiếu có thanh khoản cao cũng như đang thu hút được dòng tiền - Top 10 mã có vốn hóa lớn cũng như các ngân hàng hàng đầu như ACB, MBB hoặc các ngân hàng CTG, VCB, BID với “game” thoái vốn.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên mạnh dạn thực hiện cắt lỗ nếu VN-Index có dấu hiệu đảo chiều và thoái lui xuống dưới mức 970 điểm. Các nhà đầu tư dài hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại ở mức 40 - 45% giá trị tài khoản, đồng thời có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện có.(TNCK)
-----------------------

Hồ tiêu Việt Nam ngụp lặn giữa cơn bão rớt giá

Sau cơn giảm sốc, hiện nay hồ tiêu chỉ còn 47.000 - 48.000 đồng một kg, đang ở mức dưới giá thành. Người trồng tiêu không chỉ đối mặt với thua lỗ mà ngành hồ tiêu Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất vị trí số một thế giới.

Từ năm 2017 đến nay, ngành hồ tiêu Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, bão giá đang thực sự xảy ra với ngành tiêu Việt Nam khi hiện nay, giá tiêu đen nguyên liệu chỉ còn từ 47.000-48.000 đồng một kg, giảm tới 152.000 đồng một kg so với thời hoàng kim và đang ở mức dưới giá thành sản xuất (khoảng 50.000 đồng một kg).

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), việc xuất khẩu tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối thuận lợi, bằng chứng là khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7/2018 ước đạt 21.000 tấn, giá trị đạt 64 triệu USD, như vậy tổng khối lượng tiêu xuất khẩu trong 7 tháng qua ước đạt 153.000 tấn và 517 triệu USD, tăng 3,7% về khối lượng.

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 37,1% thị phần. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch mà ngành này thu về lại giảm tới 36,1% so với cùng kỳ năm 2017, tức mất gần 257 triệu USD.

Nguyên nhân là do giá xuất khẩu hồ tiêu sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017 do sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng chóng mặt trong 2 năm qua.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới chỉ vào khoảng 350.000 tấn/năm, tuy nhiên ước tính tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu hiện lên tới trên 547.000 tấn. Trong đó riêng Việt Nam đã cung ứng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

Nông dân trồng hồ tiêu. Ảnh: Dân Việt

Nông dân trồng hồ tiêu. Ảnh: Dân Việt

Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho thấy, nếu như năm 2016, tổng lượng hồ tiêu toàn cầu (số tròn) là 497.000 tấn thì đến năm 2017 tăng lên 547.000 tấn, tức tăng 50.000 tấn. Trong đó, lượng tồn kho mang sang từ các vụ cũ cứ mỗi năm tăng chừng 20.000 tấn.

Cụ thể, tồn kho mang sang đầu kỳ năm 2016 là 67.000 tấn, sang năm 2017 là 87.000 tấn. Dự kiến năm 2018, lượng tồn kho từ vụ cũ mang sang còn lớn hơn, khoảng 104.000 tấn. Những con số này cho thấy thế giới đang dư thừa rất nhiều hạt tiêu.

Chưa kể, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới là Việt Nam. Ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2017 của 3 nước này khoảng 40.000 tấn, dự kiến năm nay tiếp tục tăng thêm. Sản lượng dư thừa, đương nhiên giá bán sẽ phải giảm.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, trong 31 năm trồng tiêu, chưa bao giờ ông thấy hoa tiêu nở rộ như năm nay. Nếu 1 - 2 tháng tới, thời tiết tiếp tục thuận lợi thì khả năng vụ tiêu 2018 - 2019 sẽ trúng mùa, tiếp tục gây áp lực lên thị trường hồ tiêu. Nếu giá tiếp tục giảm, chắc chắn mọi người trồng tiêu hay doanh nghiệp đều gánh thua lỗ.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để vượt qua khó khăn hiện tại, ngành tiêu Việt Nam phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, ngừng bán khi giá giảm xuống và kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý.

Tổng Giám đốc điều hành Công ty Nedspice Việt Nam, Willem Van Walt Meijer dự báo, mặc dù giá hồ tiêu đã ở mức thấp nhưng với tình hình cung cầu hiện nay, giá hồ tiêu sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong vài năm tới.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Công ty Nedspice đã liên kết với hàng nghìn hộ nông dân trồng tiêu ở Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu để sản xuất tiêu sạch, có thể đáp ứng yêu cầu ở những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là những thị trường sẵn sàng trả giá mua cao hơn. Đồng thời, công ty thường xuyên rà soát quy trình sản xuất, các khâu trung gian để giảm chi phí thấp nhất có thể.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, hồ tiêu khô có thể bảo quản được lâu nên nhà nông có thể dự trữ sản phẩm lại, không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên giảm việc ký hợp đồng trước (hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước cả năm 2018 ở mức dưới giá thành).

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Nguyễn Nam Hải đánh giá, tìm giải pháp chặn đà giảm sâu của giá tiêu trong tình hình hiện nay là quá khó. Lúc này các doanh nghiệp trong Hiệp hội giữ được khách hàng, sản lượng bán hàng tăng đã là một sự nỗ lực lớn. "Còn chuyện tăng giá tiêu trở lại, gần như vô phương. Ít nhất đến hết năm nay. Thậm chí tình trạng giá thấp có thể sẽ kéo dài sang năm 2019 vì nguồn cung toàn cầu quá lớn", ông nói.

Cũng theo ông Hải, hiện các nước Brazil, Sri Lanka, Malaysia và Indonesia đã thu hái xong vụ mới, chuẩn bị tung hàng ra thị trường nên giá tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào vòng nguy hiểm. Đáng chú ý là nông dân một số nước không có thói quen trữ tiêu như nông dân Việt Nam, đơn cử như ở Brazil, nhiều hộ thấy được giá là họ bán ngay. Thực tế là trong lúc nhà vườn Brazil sẵn sàng bán 2.500 USD một tấn thì giá chào hồ tiêu cùng loại của Việt Nam là 3.200 USD một tấn.

Chuyên gia này thừa nhận, nếu thiên hạ đổ về mua hồ tiêu Brazil, Việt Nam sẽ mất thị phần. Và để giành được khách hàng, các doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm giá. "Với vòng luẩn quẩn, bế tắc đó, rất có thể sau 4 năm liền nằm trong nhóm hàng nông sản tỷ đô thì năm nay, hồ tiêu có thể không thể đạt kim ngạch một tỷ USD", ông Hải cho hay.(Danviet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục