tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-09-2018

  • Cập nhật : 02/09/2018

Chiến tranh thương mại dồn hàng từ Trung Quốc về Đông Nam Á, Việt Nam?

Là trung tâm gia công cho các mặt hàng Mỹ, thuế nhập khẩu từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty Trung Quốc phải chuyển hướng xuất khẩu.

Tuần qua, 400 doanh nghiệp đã làm chứng trước Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Họ cố gắng bảo vệ sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc của mình khỏi mức thuế quan 25% khi nhập khẩu về nước. Trung Quốc là nơi gia công phần lớn các mặt hàng tiêu dùng, trong số đó có rất nhiều thiết bị thông minh. Những sản phẩm này không chỉ gắn bó với việc xây dựng những thành phố thông minh, mà còn giải quyết nhiều vấn đề về môi trường.

Tại thời điểm này, hàng hoá công nghiệp Trung Quốc vẫn là đối tượng hứng chịu các hành vi, biện pháp (hoặc hành động) trả đũa từ Mỹ. Theo Forbes, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp mức thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một động thái có nguy cơ làm tổn thương ngành hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử của chính quốc gia này.

Phân tích của tạp chí kinh tế trên cho thấy việc tăng giá nhân công tại Trung Quốc đang khiến các công ty chuyển hướng đến các quốc gia Đông Nam Á. Ông Nathan Resnick - Giám đốc điều hành Sourcify - nhận định ông Trump sẽ phải lưu ý vấn đề này, bởi việc doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc thì quyền lực của ông cũng sẽ ảnh hưởng.

Theo Resnick, một chuyên gia về các hoạt động kinh doanh trực tiếp giữa doanh nghiệp với nhau (B2B), chi phí nhân công tại Trung Quốc đang theo đà tăng lên, và các công ty ở đây đang tìm cách hướng nguồn hàng về các nước như Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Ví dụ đơn cử là Freitos, một công ty công nghệ có trụ sở tại Hong Kong, cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hoá cho hàng trăm hãng tàu trên toàn thế giới. Theo giám đốc tiếp thị Etan Efrati, Freitos không có nhiều quan hệ gắn bó với Trung Quốc, nên nếu giá tại thị trường này tăng, công ty ông sẽ di dời đến nơi khác. Và với Efrati, Đông Nam Á sẽ là lựa chọn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thuế quan gây ảnh hưởng tới hàng tiêu dùng.

Ông đặc biệt nhấn mạnh: "Các dạng thuế quan này sẽ làm tăng nhu cầu ở những nơi như Việt Nam và Philippines".

Tính tới nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu lạc quan hay hướng giải quyết khả thi nào. Việc này dĩ nhiên làm xáo trộn hoạt động, chuỗi cung ứng của rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng không thể giải quyết vấn đề bằng cách chuyển toàn bộ nhà máy của họ khỏi Trung Quốc. Họ cần thời gian và tiền bạc để làm điều đó. Đối với số khác, họ hướng đến việc xây dựng một bộ máy vận hành linh hoạt hơn.(CafeF)
---------------------

Giá vàng có chuỗi thời gian giảm dài nhất 5 năm

Trong tháng 9/2018, dựa trên các số liệu lịch sử, giá vàng sẽ có triển vọng sáng sủa hơn. Các số liệu từ thập niên 1970 cho thấy giá vàng tăng được trung bình 2,1% trong các tháng 9.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng tăng, như vậy giá vàng lấy lại được phần nào mức sụt giảm trong tuần. Dù vậy nếu tính cả tháng, giá vàng vẫn giảm đến 5 tháng liên tiếp - chuỗi thời gian giảm giá dài nhất của vàng trong hơn 5 năm.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2018, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 1,70USD/ounce tương đương 0,1% lên 1.206,70USD/ounce. 

Tính cả tuần, giá vàng giảm khoảng 0,5%. Tính cả tháng 8/2018, giá vàng giảm 2,2% và như vậy có tháng giảm thứ 5 liên tiếp, chuỗi thời gian giảm giá dài nhất của vàng tính từ tháng 2/2013, theo số liệu của FactSet.

Giá vàng và đồng USD hiện đang biến động trong biên độ hẹp, trong khi đó thị trường tài sản rủi ro đang suy giảm khi các thành viên thị trường lo lắng về căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa chính quyền Tổng thống Trump và một số nước đối tác lớn trong đó bao gồm Trung Quốc. 

 Diễn biến giá vàng trong tháng 8/2018

Tổng thống Trump mới đây tuyên bố với các trợ lý rằng ông sẵn sàng áp thuế với thêm khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc ngay khi quá trình lấy ý kiến công chúng kết thúc vào tuần sau, theo Bloomberg đưa tin. 

Chuyên gia phân tích đầu tư tại tổ chức môi giới XM, ông Andreas Georgiou, nhận xét: “Dường như căng thẳng thương mại sẽ vẫn tiếp diễn”. Tổng thống Mỹ mới đây đã từ chối miễn thuế ô tô cho Liên minh châu Âu (EU), ông cho rằng trong vấn đề thương mại, EU cũng đáng chán như Trung Quốc vậy. Ông đồng thời dọa sẽ rút khỏi WTO từ khi tổ chức này thay đổi.

Chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng tiền này với khoảng 6 loại tiền tệ lớn khác trên thế giới, tăng 0,4% trong phiên ngày thứ Sáu. Tính cả tuần, chỉ số đồng USD không thay đổi và tính cả tháng, chỉ số tăng được 0,7%. 

Vàng được định giá bằng đồng USD, giá vàng thường biến động ngược chiều với đồng USD, biến động của đồng USD tác động đến sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.

Theo dự báo cho tháng 9/2018, dựa trên các số liệu lịch sử, giá vàng sẽ có triển vọng sáng sủa hơn. Các số liệu từ thập niên 1970 cho thấy giá vàng tăng được trung bình 2,1% trong các tháng 9. 

Tuy nhiên, triển vọng lãi suất cơ bản đồng USD tăng trong tháng tới và thêm một lần nữa trước thời điểm cuối năm nay không khỏi ám ảnh thị trường vàng. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 25 và 26/9/2018 và tiếp tục họp trong tháng 11 và tháng 12/2018.(Bizlive)
----------------------

Nông sản Việt tìm cách giữ thị trường

Với thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhau, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý sát nhau, lại chung đường biên giới khá dài nên vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Với thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhau, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý sát nhau, lại chung đường biên giới khá dài nên vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ cao.

Tuy nhiên, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng nâng lên và đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới mà các nước xuất khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giữ vững thị trường. 

Cụ thể nhu cầu về tiêu dùng cũng như nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản để tiêu dùng và làm nguyên liệu phục vụ sản xuất của Trung Quốc rất lớn và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc đạt 46,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, hàng Việt Nam gặp cạnh tranh với các nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... thậm chí là nguồn cung nội địa của Trung Quốc, bởi phía bạn hiện cũng đã sản xuất một số loại cây như thanh long, chuối, dưa hấu….

Trong khi đó, một số loại nông, thủy sản Việt Nam có thế mạnh lại chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu như măng cụt, sầu riêng, chanh leo, lợn sống, sản phẩm sữa, cá đồng, nghêu... 

Theo ông La Đình Tuyến, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Theo đó, nước này đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại, năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... 

Với xu hướng quản lý hiện nay của phía bạn, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN. 

“Chúng ta cần tiếp tục duy trì địa bàn truyền thống như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và thâm nhập địa bàn tiềm năng như Tứ Xuyên, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến. Đồng thời tiếp tục cải tiến cách thức thông quan hàng nông thủy sản qua cửa khẩu một các thuận thiện nhất để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng Trung Quốc sao cho nhanh nhất, giảm giá thành, chi phí”, ông La Đình Tuyến nhấn mạnh. 

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật và những quy định khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.

Do đó, để giữ vững uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt qui định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc; thay đổi phương thức bảo quản; cam kết khắc phục không để vi phạm đối với những lô hàng tiếp theo… 

Đồng thời, phối hợp với các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu tăng cường kiểm tra lấy mẫu đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng thanh long, nhãn và chuối xanh. 

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch, kiểm nghiệm của Trung Quốc dần tháo gỡ những rào cản về kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu chính ngạch nhiều loại quả tươi của Việt Nam hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ. 

Sở hữu vị trí địa lý là “cầu nối” quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên sản phẩm lâm nghiệp (hồi, cây gỗ lớn), chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp (trái cây, rau…) theo hướng tập trung.

Bên cạnh đó, sản xuất hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, dần hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất sạch, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và thân thiện với môi trường để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. 

Ông Vị Hiện Cường, Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) đánh giá, hoa quả là sản phẩm thế mạnh của hai nước nên việc tăng cường thương mại là rất quan trọng. Quảng Tây thực thi những chính sách tích cực nhằm khuyến khích xuất nhập khẩu, nhất là những mặt hàng đặc sắc của nông sản. Trong danh mục hỗ trợ nhập khẩu có nhiều loại trái cây của Việt Nam như: thanh long, nhãn… 

"Hai bên sẽ tiếp tục cải thiện vật chất tại khu vực cửa khẩu, trao đổi tin tức về tình hình hoa quả theo mùa, số lượng xe vận chuyển, tình trạng thông quan để cùng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận tiện hơn", ông Vị Hiện Cường nói. 

Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng trong thời gian tới. Những ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường này. 

Vấn đề là các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì các địa bàn truyền thống và thâm nhập địa bàn tiềm năng; các lực lượng chức năng cửa khẩu tiếp tục cải thiện cách thức thông quan hàng hóa nông sản Việt một cách thuận lợi nhất để tận dụng kết cấu hạ tầng thương mại biên giới, giảm giá thành, chi phí trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa qua biên giới. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Thương mại nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần nhận ra rằng Trung Quốc là một thị trường bậc cao có sức lan tỏa, quy mô thị trường ngày càng lớn.

Do vậy, ngay bản thân từng chủ thể sản xuất từ khi gieo trồng, canh tác, chế biến… phải hướng đến các tiêu chuẩn trong sản xuất. Đây cũng là yêu cầu của bất kỳ thị trường nào đối với sản phẩm nông sản Việt Nam. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn hóa các tiêu tiêu chuẩn, quy chuẩn từng nhóm mặt hàng nông sản; cùng với đó là nâng cao khâu sơ chế, bảo quản; tổ chức phân phối sao cho bài bản, nhất là những nông sản có tính thời vụ cao như na, vải…

Bởi, nếu như không có hệ thống phân phối chuẩn thì ngay cả thị trường gần như Trung Quốc cũng rất khó có thể chinh phục.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục