tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-09-2017

  • Cập nhật : 30/09/2017

Được người Việt chuộng, hàng Thái liên tục chiếm thị trường

Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến chính của hàng Thái khi nhiều công ty nước này đang tìm cách mở rộng kinh doanh sau thời gian dài "nằm vùng"

 

cac doanh nghiep thai lan va viet nam tim hieu va trao doi co hoi kinh doanh sang 29-9: anh: n.binh

Các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam tìm hiểu và trao đổi cơ hội kinh doanh sáng 29-9: Ảnh: N.BÌNH

 

Ông Thawee Teerasoontornwong, Phó tổng giám đốc Ngân hàng KASIKORN (Thái Lan), cho biết như vậy tại buổi Kết nối kinh doanh 2017 diễn ra ngày 29-9 ở TP.HCM.

Theo ông TeerasoontornwongChính phủ Thái đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này mở rộng kinh doanh và đầu tư ra bên ngoài, Việt Nam là thị trường trọng tâm của doanh nghiệp Thái Lan. 

Quan trọng hơn, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan và nhiều công ty Thái Lan đang tìm cách mở rộng kinh doanh sang thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi cũng dự báo nhiều sản phẩm từ Việt Nam sẽ được đưa vào thị trường Thái Lan nhờ nhận thức ngày càng tăng về sản phẩm Việt của người tiêu dùng Thái", ông Thawee Teerasoontornwong kỳ vọng.

Sự kiện ngày 29-9 đã thu hút 13 nhà sản xuất Thái Lan hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe với hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam là các nhà phân phối, nhà bán lẻ và thương mại điện tử. 

Các mặt hàng tham gia lần này khá gần gũi khẩu vị tiêu dùng của người Việt như gia vị tương ớt, cơm đóng hộp, kem, các thức uống dinh dưỡng, một số cũng đã vào Việt Nam nhưng nay muốn mở rộng thêm thị trường.

Theo bà Ureerat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, người Thái rất kỹ lưỡng trong phát triển thị trường bên ngoài. 

Khi nhận thấy người Việt Nam chào đón với hàng Thái khá tốt, các doanh nghiệp Thái đã liên tục đẩy mạnh đưa hàng sang. 

Thương mại song phương Việt Nam và Thái Lan đã đạt 13,84 tỉ USD vào năm 2016.

Trong 8 tháng của năm 2017, con số này ước tính là 9,64 tỉ USD, tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay Việt Nam đang nhập siêu với Thái Lan khoảng 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Mục tiêu của chính phủ hai nước là đưa thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2020.(Tuoitre)
------------------------

GDP quý III-2017 tăng đột biến 7,46%: Vì đâu?

Sáng 29-9, Tổng cục Thống kê Bộ KH&ĐT tổ chức công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 9-2017 và chín tháng kể từ đầu năm 2017. Nhiều con số tích cực đã được đưa ra mặc dù Tổng cục Thống kê vẫn ghi nhận những thiệt hại lớn do thiên tai, bão lũ và tác động tiêu cực của khai khoáng sụt giảm, giá cả nông sản giảm.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%.

Điều đáng chú ý, theo ông Nguyễn Bích Lâm, GDP ước tính của quý III/2017 tăng 7,46%.

GDP quý III-2017 tăng đột biến 7,46%: Vì đâu? - ảnh 1
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: những giải pháp kịp thời và hiệu quả của Chính phủ đã có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Ảnh: CHÂN LUẬN

So với cùng kỳ năm 2016, mức tăng trưởng của 9 tháng năm 2017 cao hơn mức tăng 5,99%.  

“Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Như vậy, sau khi tỷ lệ tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt mức rất thấp là 5,15%, thì quý III/2017 GDP đã có sự đột biến, đạt mức 7,46%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu.

Hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

“Tuy nhiên, việc gia tăng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng với những điều chỉnh chính sách của Mỹ và một số nước lớn đã tác động đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và một số nước trong khu vực”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Ở trong nước, bên cạnh kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài, kinh tế nước ta đối mặt với những khó khăn như: Sự sụt giảm của ngành khai khoáng; giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực đến chăn nuôi; thiên tai, bão, lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

“Chính phủ đã ban hành kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực”, ông Nguyễn Bích Lâm lý giải.(PLO)
-----------------------------

Mỹ chuyển hướng đánh vào thương mại Canada thay vì Mexico và Trung Quốc

Mặc dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần dành những lời cảnh báo cứng rắn nhất về thương mại cho Mexico và Trung Quốc, nhưng thực tế Canada mới là nước phải chịu áp lực lớn từ những rào cản của Mỹ.

thu tuong canada justin trudeau (trai) va tong thong my donald trump anh: reuters

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump ẢNH: REUTERS

Theo The New York Times, trong động thái mới đây nhất, chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất áp đặt mức thuế lớn, trên 200%, đối với những chiếc máy bay mới CSeries của Bombardier, hãng sản xuất máy bay lớn nhất Canada, nhằm bù đắp cho những khoản trợ cấp được cho là không công bằng của chính phủ Canada. Song, không chỉ có máy bay, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đưa ra những rào cản buôn bán về gỗ, các sản phẩm từ sữa và cả giấy in tạp chí đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của mình.

Các chuyên gia đánh giá việc chuyển hướng dồn trọng tâm gây sức ép lên Canada phản ánh sự phức tạp mà Tổng thống Trump phải đối mặt trong việc thiết lập lại các quy tắc thương mại toàn cầu. Trong thời gian tranh cử và ngay khi vừa nhậm chức, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico, đồng thời hứa sẽ đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Nhưng sự tấn công mạnh mẽ vào Đại lục có thể làm gián đoạn chuỗi cung cấp toàn cầu, tăng chi phí cho các nhà sản xuất Mỹ và nhiều khả năng gây căng thẳng địa chính trị vào thời điểm Washington đang cần sự trợ giúp của Bắc Kinh để đối phó với Triều Tiên. Đối với quốc gia Trung Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Mexico phần nhiều thường đụng độ lẫn nhau vì vấn đề nhập cư, còn về quan hệ thương mại, nếu Mỹ gây áp lực cho Mexico thì cũng đồng nghĩa với việc khối lượng xuất khẩu của nhiều nhà máy thuộc sở hữu của các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó khối lượng giao dịch thương mại với Canada lại là một mục tiêu dễ dàng cho Mỹ hành động chống lại các công ty hoặc ngành công nghiệp riêng lẻ. Hơn nữa, quy mô cùng sự phụ thuộc về kinh tế của Canada đối với Mỹ tương đối nhỏ khiến Canada ít có sức mạnh để đánh trả lại nước láng giềng. Vụ kiện Bombardier chỉ là một trong một loạt các động thái liên quan đến mâu thuẫn thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, Mỹ còn áp dụng thuế gỗ xẻ mềm, một trong những mặt hàng xuất khẩu mang tính biểu tượng của Canada, đồng thời cân nhắc thêm các biện pháp để kiềm chế xuất khẩu thép, nhôm và tấm pin năng lượng mặt trời của đồng minh thân cận.

“Canada nhìn nhận vấn đề này như một cú đánh vào mặt. Những người Canada xem Mỹ như một đồng minh thân cận bây giờ đang tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra”, Jerry Dias, người đứng đầu Unifor, liên minh khu vực tư nhân lớn của Canada, cơ quan đại diện cho một số công nhân của Bombardier, nói. Tuy nhiên, để trả lời cho những thắc mắc về sự việc này nhiều ý kiến cho rằng bây giờ thương mại chỉ đơn giản là câu chuyện chính trị có tính phí.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã yêu cầu Tổng thống Trump can thiệp để thuyết phục Boeing bỏ vụ kiện chống lại Bombardier. Thủ tướng Anh Theresa May cũng vào cuộc chỉ trích chống lại vụ kiện này vì một số bộ phận cánh của máy bay CSeries được sản xuất ở Bắc Ireland.

Chrystia Freeland, Bộ trưởng ngoại giao Canada kiêm trưởng bộ phận về các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho biết Canada sẽ “chiến đấu mạnh mẽ” khi nói đến Bombardier. “Tôi muốn nhắc nhở người dân Canada rằng các quyết định thương mại mang tính hiếu chiến không phải là điều mới mẻ. Mỹ chắc chắn đã quen với cách chúng tôi phản ứng từ tranh chấp gỗ xẻ mềm”, bà Freeland nói.

Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói với một nhóm phóng viên hôm 27.9 rằng, Boeing là đơn vị đã khởi xướng vụ kiện chứ không phải là chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, ông Ross cũng nhấn mạnh rằng sự việc này là biểu tượng cho thái độ của Tổng thống Trump trong thương mại và chính quyền mới đã “thực hiện theo hướng cứng rắn hơn” so với chính quyền tiền nhiệm. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu xu hướng này tiếp tục”, ông Ross cho biết.

Đối với Bombardier, đề xuất áp đặt mức thuế trên 200% vào dòng máy bay CSeries tạo ra một tương lai không chắc chắn đối với một công ty đã đặt cược vào sản phẩm để cải thiện vận may của mình. Chưa kể động thái này còn ảnh hưởng qua một số nơi khác. Bombardier sử dụng 4.300 công nhân ở Bắc Ireland và 17.000 công nhân ở Canada. Bombardier ước tính các công việc liên quan đến sản xuất CSeries có thể tạo ra 22.000 việc làm tại các nhà cung cấp Mỹ, trọng tâm là ở tiểu bang Kansas và West Virginia.

“Tôi không hiểu tại sao họ lại hành động như thế, nhưng tôi lo lắng chúng tôi ở đây sẽ bị ảnh hưởng vì Bombardier có thể sẽ cắt giảm việc làm”, Nathalie Leclerc, một nhân công tại Montreal, quê hương của Bombardier, nói.

Bất chấp các quy tắc thương mại quốc tế hạn chế khả năng trả đũa của Canada, Thủ tướng Trudeau đã cố gắng dùng hợp đồng quân sự để gây ảnh hưởng tới Boeing. Ông Trudeau đã nhiều lần cảnh báo sẽ hủy hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-18 của Boeing, trị giá khoảng 5,2 tỉ USD, nếu nhà sản xuất máy bay Mỹ vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện Bombardier.(Thanhnien)
--------------------------

Lạm phát Nhật Bản không tăng vì 'nặng gánh' an sinh xã hội

Khoản đóng góp bắt buộc vào chương trình bảo hiểm xã hội dành cho nhân viên của các doanh nghiệp đang ngày càng tăng ở Nhật Bản, xét theo cả khía cạnh danh nghĩa lẫn tỷ lệ phần trăm sản lượng kinh tế.

TIN LIÊN QUAN

  • Dịch vụ cho thuê bố, mẹ, người thân độc đáo tại Nhật Bản
  • Lý do lao động Nhật Bản khó được tăng lương
  • Người trẻ Nhật Bản 'làm khó' kinh tế đất nước vì lười nhảy việc

Theo Bloomberg, giới doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho người lao động. Song vấn đề ở đây là số tiền trả thêm lại đi về các khoản thuế thu cho an sinh xã hội thay vì thực lương nhân viên nhận được. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực kéo cao lạm phát.

Các doanh nghiệp lo ngại rằng họ sẽ phải gánh thêm phần lớn gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu của chính phủ trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt tình trạng dân số thì già đi nhanh chóng, còn chính phủ thì chật vật xoay sở gánh nặng nợ lớn nhất thế giới.

Kenji Yumoto, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản kiêm cựu chuyên gia kinh tế tại Văn phòng nội các cho hay: “Chi phí lao động gia tăng đang ngày càng là nỗi lo của các doanh nghiệp. Nhân khẩu học đang lão hóa sẽ chỉ khiến chi phí vận hành doanh nghiệp đi lên trong lúc giới doanh nghiệp thiếu chắc chắn về triển vọng kinh tế nước nhà”.

Lạm phát Nhật Bản không tăng vì 'nặng gánh' an sinh xã hội - ảnh 1

Giới doanh nghiệp Nhật Bản chi tiền cho an sinh xã hội nhiều hơn là đóng thuế thu nhập doanh nghiệpẢNH: BLOOMBERG

Tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là thiếu sót lớn trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế, ngay cả khi chương trình kích thích kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã và đang giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận kỷ lục. Đôi khi, ông Abe buộc một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trả lương lao động cao hơn song ông không thành công. Hiện tại, trước cuộc bầu cử sắp diễn ra, Thủ tướng Nhật cho hay ông dự định chuyển một phần khoản tiền thuế dành cho an sinh xã hội sang mảng giáo dục. Điều này làm dấy lên câu hỏi về nghĩa vụ an sinh xã hội trong tương lai sẽ được xoay sở ra sao.

Dù lương bổng ở Nhật trì trệ trong nhiều năm, đôi khi còn sụt giảm, khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi trả cho an sinh xã hội lại tăng 11% trong thập niên tính đến năm tài khóa 2015, theo hãng vận động hành lang doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản Keidanren. Theo Viện Nghiên cứu Daiwa, khoản thanh toán cho an sinh xã hội chiếm một phần trong nền kinh tế suốt nhiều thập kỷ và gần đây vượt quá số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì lợi nhuận hiện thời, giới doanh nghiệp Nhật Bản có lẽ đang quá thận trọng trong việc tăng lương. Phí bảo hiểm xã hội là lý do lớn khiến các hãng Nhật muốn tuyển lao động không thường xuyên, tạm thời.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu NLI, chi phí dành cho một nhân viên thường xuyên cao gấp 2,4 lần so với chi phí trả cho một nhân viên không thường xuyên. Hiện số lao động không thường xuyên chiếm 38% lực lượng lao động, hưởng lương và mức độ bảo đảm trong nghề nghiệp thấp hơn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tiêu dùng và lạm phát.(NDH)
----------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục