tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-10-2017

  • Cập nhật : 01/10/2017

HSBC bị phạt nặng vì tội quản lý lỏng lẻo

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã yêu cầu HSBC sửa đổi các biện pháp giám sát nội bộ theo hướng nghiêm ngặt hơn và tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro trong giao dịch ngoại hối.

hsbc bi phat nang vi toi quan ly long leo

HSBC bị phạt nặng vì tội quản lý lỏng lẻo

Theo thông báo ngày 29/9 của Fed, trong thời gian từ năm 2008-2013, HSBC đã không biết gì về các hành vi sai trái của các giao dịch viên chính, trong đó có người đứng đầu bộ phận buôn bán hối đoái bằng tiền mặt.

Các nhân viên giao dịch này đã sử dụng "thông tin nội bộ mật" để thực hiện các giao dịch có lợi cho ngân hàng nhưng gây hại cho khách hàng, dẫn tới hậu quả là bị truy tố tại New York (Mỹ) với các cáo buộc gian lận.

Một báo cáo nội bộ của ngân hàng HSBC cũng đã phát hiện những nhân viên giao dịch có ý định thao túng tỷ giá ngoại tệ bằng cách cấu kết với giao dịch viên của các ngân hàng khác.

FED đã yêu cầu HSBC sửa đổi các biện pháp giám sát nội bộ theo hướng nghiêm ngặt hơn và tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro trong giao dịch ngoại hối, đồng thời hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để tránh các vi phạm sau này.

Trong những năm qua, nhà chức trách Mỹ liên tục nhắm tới các hành vi thao túng lãi suất và tỷ giá hối đoái tại các thể chế tài chính lớn. Hồi tháng 4, FED đã phạt ngân hàng Deutsche Bank của Đức hơn 150 triệu USD vì những hoạt động giao dịch ngoại hối "thiếu an toàn và thiếu chặt chẽ".

Cách đây hai tháng, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã phạt ngân hàng BNP Paribas của Pháp 246 triệu USD vì các sai phạm tương tự.

HSBC là một trong 6 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu bị các cơ quan quản lý phạt, với số tiền lên tới tổng cộng 4,2 tỷ USD, sau một cuộc điều tra được tiến hành tháng 11/2014 liên quan tới hành vi thao túng thị trường ngoại hối.

Năm 2012, ngân hàng này đã đồng ý nộp phạt 1,9 tỷ USD sau khi bị cơ quan công tố Mỹ cáo buộc thực hiện các giao dịch liên quan tới các đối tượng khách hàng đặc biệt là các tổ chức tội phạm ma túy, các tổ chức khủng bố và các nước đang bị trừng phạt, hoặc giám sát lỏng lẻo dẫn tới tình trạng này.(TTXVN)
-----------------------

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh về hưu từ 1/10

Trong thời gian làm Phó Thống đốc, ông Nguyễn Phước Thanh phụ trách công tác thanh tra ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu cùng nhiều công việc khác.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định liên quan đến nhân sự ngành ngân hàng.

Theo đó ông Trần Bá Huấn, Ủy viên Hội đồng quản lý, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10/2017.

Hiện Chủ tịch Hội đồng Quản trị VDB đang là ông Phạm Quang Tùng. Ngân hàng có 4 Phó tổng giám đốc là các ông: Nguyễn Chi Trang, Đào Văn Chiến, Trần Phú Minh và Đào Quang Trường.

Tại Ngân hàng Nhà nước, Ban lãnh đạo gồm Thống đốc Lê Minh Hưng cùng các Phó thống đốc là ông Nguyễn Đồng Tiến, ông Đào Minh Tú, bà Nguyễn Thị Hồng và ông Nguyễn Kim Anh.

Ông Nguyễn Phước Thanh sinh ngày 23/09/1957, quê ở An Giang. Trước khi về Ngân hàng Nhà nước làm Phó Thống đốc vào tháng 7/2013, ông Thanh là Tổng giám đốc Vietcombank từ năm 2007 tới 2013.

Tại Ngân hàng Nhà nước, ông Thanh được phân công các công việc:

Giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (mảng công việc liên quan đến công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng); Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:

+ Thường xuyên theo dõi, nắm bắt các diễn biến kinh tế, tài chính và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo (hoặc báo cáo Thống đốc chỉ đạo) xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn về công tác tiền tệ, tín dụng, thanh tra, giám sát và đảm bảo khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

+ Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ hoặc đột xuất họp giao ban để kiểm điểm và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. (Tri Thức Trẻ)
--------------------------

Volkswagen mất 30 tỉ USD trong vụ bê bối khí thải

Nhà sản xuất ô tô Đức hôm 29.9 đã phải chi thêm 2,5 tỉ euro (khoảng 2,95 tỉ USD) để mua lại những chiếc xe chạy bằng diesel có liên quan đến gian lận khí thải tại Bắc Mỹ, nâng tổng chi phí thiệt hại của VW lên tới 30 tỉ USD.

Đây là mức thống kê tổn thất tài chính mới nhất từ vụ bê bối khí thải của VW. Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013 khi một nhóm giáo sư và sinh viên Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ những chiếc xe chạy bằng diesel do VW sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu công bố chính thức. Sau đó nhóm này cùng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra rằng VW đã cố tình đánh lừa các phép đo về khí thải trong thiết kế động cơ diesel.

Năm ngoái VW đồng ý một thỏa thuận trị giá 15 tỉ USD với Mỹ, theo đó VW phải mua lại những chiếc ô tô diesel nằm trong danh sách gian lận khí thải đã được bán ra tại Mỹ hoặc trả tiền mặt cho chủ sở hữu nếu họ muốn được sửa chữa xe. VW cho biết kế hoạch mua lại “phức tạp và tốn nhiều thời gian” hơn dự kiến. Hiện công ty vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi những hậu quả từ cuộc khủng hoảng này.

Doanh số bán ô tô diesel của VW sụt giảm đáng kể tại Đức trong năm nay và các thương hiệu đối thủ nước ngoài đang nỗ lực để chiếm thị phần từ nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu. Tại một số thành phố lớn của Đức, các cuộc biểu tình kêu gọi ra lệnh cấm ô tô chạy hoàn toàn bằng diesel ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

VW hiện đổ tiền đầu tư vào dòng xe hybrid và xe điện. Hồi đầu tháng này công ty cho biết họ sẽ chi hơn 50 tỉ euro để điện khí hóa tất cả 300 mẫu xe của hãng trước năm 2030.(Thanhnien)
------------------------

Từng gọi bitcoin là bong bóng, giờ đây lại hi vọng sẽ tận dụng đồng tiền số để kiếm bộn tiền

Vốn có lịch sử chuyên quản lý các kim loại quý, Goldmoney hiện cung cấp cả dịch vụ cất giữ bitcoin và ether trong các hầm chứa trên toàn cầu.

Mùa xuân 2017, quỹ đầu tư chuyên tập trung vào các kim loại quý Goldmoney của Roy Sebag đã quyết định bán ra số bitcoin có giá trị lên tới hàng triệu USD vì cho rằng đồng tiền số này là 1 quả bong bóng sắp phát nổ. Thế nhưng giờ đây anh lại muốn cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao dịch và lưu trữ bitcoin.

Sebag – người đã lập ra quỹ đầu tư có trụ sở ở Toronto từ năm 2014 – vẫn cho rằng mình không phải là người nói một đằng làm một nẻo. Anh đặt cược giá sẽ giảm mạnh vì khi thị trường này tăng trưởng quá nhanh thì các cơ quan quản lý sẽ có động thái siết chặt và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến giá. Mới đây nhất, ngay sau khi Hàn Quốc ban hành lệnh cấm các vụ ICO (phát hành tiền số lần đầu ra công chúng), các đồng tiền số đã đồng loạt giảm mạnh.

“Để thành công, 1 thị trường cần phải được kiểm soát và khi đó thì giá không thể tăng mạnh như bây giờ”, Sebag từng phát biểu trong 1 cuộc phỏng vấn. “Các bạn có muốn ngành công nghiệp tiền số lớn mạnh hơn? Điều đó đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn, các giao dịch có thể kiểm toán được và được đảm bảo chắc chắn. Điều khiến tôi cảm thấy hứng thú là hãy để ngành này phát triển đúng hướng”.

Với đà tăng trưởng lên tới hàng trăm phần trăm kể từ đầu năm đến nay, thị trường tiền số thu hút được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết. Tuy nhiên những nhà đầu tư định chế vẫn đứng ngoài cuộc vì tiền số là tài sản biến động quá mạnh và không có những hệ thống bảo vệ chặt chẽ như hầu hết các tài sản tài chính khác. Dẫu vậy đã có một số công ty đang nỗ lực đưa thị trường tiền số thành kênh chính thống bằng cách mở ra những sàn giao dịch được quản lý tốt, xây dựng hợp đồng tương lai hay cho ra mắt các ETF. Và Goldmoney là cái tên mới nhất trong số những công ty như vậy.

Vốn có lịch sử chuyên quản lý các kim loại quý, Goldmoney hiện cung cấp cả dịch vụ cất giữ bitcoin và ether trong các hầm chứa trên toàn cầu. Có tên gọi cold block, Có thể gọi đó là dịch vụ lưu trữ ví lạnh, với cơ chế hoạt động khá giống với những gì bạn thấy trong các tập phim Điệp viên 007: họ tách chữ ký được mã hóa – thứ được sử dụng để ràng buộc giá trị của đồng tiền số và chính là mật mã để có thể tiêu được bitcoin – thành 3 phần và khắc chúng lên những 3 thỏi vàng khác nhau được cất giữ ở 3 hầm chứa khác nhau. Sebag giải thích rằng chúng giống như việc bạn có 3 chiếc chìa khóa thật bằng vàng.

Một chiếc sẽ được giữ bởi người cung cấp dịch vụ bảo hiểm, 1 chiếc do người kiểm toán nắm giữ và 1 chiếc do bên cung cấp hầm chứa nắm giữ. Bằng cách đó, các báo cáo tài chính của Goldmoney có thể được kiểm toán và khách hàng cũng được bảo hiểm chống trộm. Nhà đầu tư có thể mua đi bán lại quyền sở hữu chìa khóa.

Mặc dù liệu 1 đồng tiền số được giao dịch trên mạng lưới ngang hàng P2P có cần đến 1 nơi lưu trữ vật lý như vậy hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, cổ phiếu của Goldmoney đã tăng vọt gần 20% sau khi thông báo về dịch vụ hôm thứ 5 vừa qua. Tương tự, cổ phiếu của Overstock.com cũng tăng 23% trong phiên thứ tư sau khi công ty thông báo đang bắt đầu triển khai kế hoạch về 1 sàn giao dịch tiền số chính thức.

Cổ phiếu của Goldmoney tăng vọt.

Thực ra Goldmoney đã cung cấp cho khách hàng lựa chọn đổi bitcoin ra kim loại quý từ năm 2014. Trong quý II năm đó, khi Sebag quyết định bán tất cả số bitcoin đang nắm giữ, Goldmoney có số bitcoin trị giá khoảng 10 triệu USD bitcoin. Lúc đó giá 1 bitcoin là 3.000 USD và kể từ đó đến nay công ty lại tích lũy được khoảng 5 triệu USD.

Về dài hạn, Sebag tin rằng hàng nghìn tỷ USD sẽ được các nhà đầu tư định chế đổ vào thị trường tiền số. Hiện nay họ đang đứng ngoài vì thị trường này thiếu sự minh bạc, không có chế độ bảo hiểm đáng tin cậy và những bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán cũng như các tiêu chuẩn về chống rửa tiền.

“Nếu cold block hoạt động, đó sẽ là 1 chuyển biến lớn”, anh nói.(trithuctre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục