tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-09-2017

  • Cập nhật : 30/09/2017

Thái Lan cải cách kinh tế bằng tiền tươi thóc thật

Mặc cho những bộn bề của chính trường, nền kinh tế Thái Lan vẫn nổi bật hơn so với nhiều nước Đông Nam Á, đáng chú ý là sáng kiến kinh tế 45 tỉ USD mà chính quyền Bangkok đang gấp rút khởi động.

Thái Lan cải cách kinh tế bằng tiền tươi thóc thật - Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan (trái) thử lái máy cày tại một trường nông nghiệp ở tỉnh Suphan Buri ngày 18-9 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền quân sự Thái Lan muốn đẩy nhanh các dự án thuộc sáng kiến "Hành lang kinh tế phía đông" trị giá 1,5 ngàn tỉ baht (45 tỉ USD) trước thời điểm nước này tổ chức cuộc bầu cử dân sự vào năm sau.

Thái Lan đánh giá hành lang kinh tế ven biển chạy qua 3 tỉnh Rayong, Chachoengsao và Chonburi là rất quan trọng để thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến, và họ cụ thể hóa mục tiêu bằng cách đổ tiền nâng cấp đường sắt, sân bay, cảng biển... bên cạnh các chính sách giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân.

Với mục tiêu củng cố lòng tin nhà đầu tư, Bangkok khẳng định mọi cơ sở pháp lý cho kế hoạch kinh tế tham vọng này này sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2017, trong khi một số công trình hạ tầng sẽ bắt đầu thi công ngay năm sau.

Chúng tôi đang rất gấp rút. Chúng tôi muốn mọi thứ sẵn sàng khi chính quyền mới bắt đầu hoạt động"

Ông Kanit Sangsubhan, tổng thư ký phụ trách kế hoạch đổi mới kinh tế

Một số dự án thuộc hành lang kinh tế của Thái Lan bao gồm: 6 tỉ USD nâng cấp Sân bay quốc tế U-Tapao; 6,7 tỉ USD đầu tư vào đường sắt; 12 tỉ USD cho các đô thị mới và bệnh viện; 15 tỉ USD cho công nghiệp... 

Thái Lan kỳ vọng sẽ thu hút 80% tổng nguồn vốn đầu tư từ khối tư nhân. Nếu quá trình đấu thầu một số dự án hoàn thành kịp giữa năm 2018, việc xây dựng có thể bắt đầu ngay lập tức, tổng thư ký Kanit cho biết.

Đáng chú ý, chiến lược của Thái Lan không nhằm thu hút các ngành nghề sản xuất truyền thống với giá nhân công rẻ mạt như một số nước khác, họ chỉ quan tâm đến các ngành công nghiệp hiện đại như tự động hóa, bảo trì hàng không, công nghệ điện tử...

Để vượt qua thử thách về tay nghề công nhân, ông Kanit tuyên bố Thái Lan sẵn sàng nhập khẩu lao động tay nghề cao, song song đó là cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, Bangkok đã mời chào nhiều tên tuổi lớn của thế giới giới Airbus SE, Lockheed Martin Corp, Sikorsky Aircraft, Alibaba Group Holding Ltd... đến khảo sát tiềm năng của sáng kiến "Hành lang kinh tế phía đông".

Đầu tháng 9 này, Thái Lan cũng đón tiếp hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Giá cổ phiếu một số đại gia bất động sản Thái như Amata Corp và WHA Corp đã tăng vọt trong năm nay do thị trường kỳ vọng họ sẽ gặt hái nhiều lợi ích từ quyết tâm thúc đẩy hành lang kinh tế đông của chính phủ.(Tuoitre)
----------------------------

Hàng Việt muốn chinh phục thị trường Thái Lan

Hơn 30 doanh nghiệp Việt tranh thủ cơ hội để đăng ký tham gia sự kiện Kết nối kinh doanh 2017. Chương trình này được diễn ra trong hai ngày 28 - 29/9/2017 tại TP.HCM do Tổng Lãnh sự Quán Thái Lan tại TP.HCM và Ngân hàng KASIKORN (KBank) cùng với VCCI tại Tp.HCM và VietinBank đã phối hợp tổ chức.

Sự kiện thu hút 13 nhà sản xuất Thái Lan hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm & đồ uống, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, có hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam là các nhà phân phối, nhà bán lẻ và thương mại điện tử đã đăng ký tham gia nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác kinh doanh.

Tại sự kiện, hơn 115 cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp được thực hiện. Hoạt động này sẽ tạo đà cho nhiều giao dịch giữa doanh nghiệp 2 nước thành công trong tương lai gần.

Dù dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quyết tâm nỗ lực thâm nhập vào  thị trường Thái Lan, một mảnh đất dược đánh giá là vô cùng hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần chứng minh chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, không có lý do gì hàng Việt không thể vào Thái Lan.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết: "Nếu các doanh nghiệp Việt tự bươn trải để tìm kiếm đối tác nước ngoài thì vừa tốn kém về mặt chi phí, hơn nữa trong giai đoạn mới chân ướt chân ráo xâp nhập thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp Việt càng khó để tìm doanh nghiệp thực sự tốt. Thay vì để các doanh nghiệp phải tự tìm đến với nhau, dưới sự hậu thuẫn của ngân hàng thì mức độ tin cậy và cơ hội hợp tác sẽ đến nhanh hơn, hiệu quả hơn, độ tin cậy cao hơn".

Thông qua hệ thống khách hàng của hai ngân hàng, cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn Thái Lan đều dễ dàng xác định được đối tác của mình làm ăn ra sao, tiềm lực tài chính có mạnh không, xu hướng phát triển thế nào...

Thương mại song phương Việt Nam và Thái Lan đã đạt 13,84 tỷ USD vào năm 2016. Trong 8 tháng của năm 2017, con số này ước tính là 9,64 tỷ USD, tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Thawee Teerasoontornwong, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng KASIKORN: Tới đây, KBank cũng dự báo nhiều sản phẩm từ Việt Nam sẽ được đưa vào thị trường Thái Lan, nhờ nhận thức ngày càng tăng về sản phẩm Việt Nam của người tiêu dùng Thái.

Trước đó, báo của Vụ Thị trường châu Á-châu Phi Bộ Công Thương cho hay trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỉ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỉ USD. Như vậy Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, có năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là rau quả 618 triệu USD, ô tô nguyên chiếc 432 triệu USD, xăng dầu các loại 406 triệu USD…

Riêng rau quả, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại đậu hạt, nấm, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam… Trong khi đó, Thái Lan mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam vào thị trường Thái Lan.
-----------------------

Đến lượt Hàn Quốc cấm tất cả dự án gọi vốn cho tiền ảo

Giới chức tài chính Hàn Quốc hôm 29.9 tuyên bố họ sẽ cấm các đợt huy động tài chính cho các dự án tiền ảo và ngành công nghiệp blockchain, hay còn gọi là ICO.

TIN LIÊN QUAN

Theo Reuters và Yonhap, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) tuyên bố rằng lệnh cấm sẽ bao gồm “tất cả hình thức huy động vốn cho các dự án tiền ảo, bất kể công nghệ và tên gọi được sử dụng”. Lệnh cấm được đặt ra vì nỗi lo lừa đảo gia tăng trong ngành này. FSC cũng cho biết họ sẽ tăng cường kiềm chế bất cứ giao dịch bất hợp pháp nào về tiền ảo.

Động thái của Hàn Quốc theo sau làn sóng thận trọng chống lại tiền ảo của giới chức toàn cầu trong thời gian gần đây. Đầu tháng này, Trung Quốc cũng thông báo họ cấm tất cả ICO trước khi yêu cầu các sàn giao dịch tiền ảo trong nước ngừng dịch vụ giao dịch dành cho người Trung Quốc.

Ở Úc, giới quản lý vừa ban hành hướng dẫn riêng cho doanh nghiệp cân nhắc việc huy động tài chính thông qua ICO. Đến Mỹ, cơ quan quản lý chứng khoán cũng kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động ICO, nhưng không thực hiện các biện pháp mạnh tay.

Giá bitcoin giảm khoảng 2% sau khi có thông tin Hàn Quốc cấm ICO. Giá của ethereum, loại tiền ảo mà nhiều ICO sử dụng, hạ khoảng 4%. Tuần trước, Hàn Quốc vượt Trung Quốc trở thành thị trường giao dịch bitcoin lớn thứ ba thế giới. Theo dữ liệu từ CoinMarketcap, cặp tiền tệ ethereum - won Hàn Quốc chiếm 30% các giao dịch toàn cầu trong 24 giờ qua.(Thanhnien)
---------------------------

Số triệu phú ở Nga, Indonesia và Hà Lan tăng mạnh

Báo cáo World Wealth Report 2017 của hãng Capgemini cho biết số người sở hữu khối tài sản có thể đem đi đầu tư từ 1 triệu USD trở lên trên thế giới ngày càng tăng.

Bloomberg trích báo cáo cho hay, theo hãng tư vấn và dịch vụ công nghệ đến năm 2025, số tài sản được các nhà đầu tư giàu có nắm giữ sẽ vượt 100.000 tỉ USD, tăng từ mức 63.500 tỉ USD trong năm 2016. Thế giới có 16,5 triệu người có tài sản có thể đầu tư ít nhất 1 triệu USD.

Dù vậy, những người cực kỳ giàu cũng phải chịu bất bình đẳng thu nhập. Cụ thể, những triệu phú có từ 1 triệu USD đến 5 triệu USD tài sản có thể đầu tư tăng 7,4%, trong khi số người giàu thuộc top 1%, những người có ít nhất 30 triệu USD tài sản có thể đầu tư, tăng 8,3%.

Số triệu phú ở Nga, Indonesia và Hà Lan tăng mạnh  - ảnh 1

Phần nhiều số tài sản của những người giàu trên thế giới lần lượt nằm trong chứng khoán, tiền mặt, bất động sản, lương cứng và các loại đầu tư khác  ẢNH: BLOOMBERG

Báo cáo chỉ ra rằng số triệu phú ở Bắc Mỹ và châu Âu tăng vọt lần lượt ở mức 7,8% và 7,7%. Đây là sự gia tăng đáng kể từ mức 2% và 5% năm 2015. Tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản), nơi có nhiều triệu phú nhất thế giới, với số liệu hạ từ 9% xuống còn 7,4%. Các nước và vùng lãnh thổ có số triệu phú tăng đáng kể từ năm 2015 đến 2016 là: Nga, Indonesia, Hà La, Na Uy, Thái Lan, Thụy Điển, Đài Loan, Canada, Brazil, Pháp.

Chứng khoán tăng giúp số triệu phú ở Nga tăng 19,7% vì chứng khoán là loại tài sản lớn nhất của các nhà đầu tư giàu có. Dù vậy, số lượng triệu phú tổng thể ở Nga khá nhỏ khi chỉ có 182.000 người. Số triệu phú ở Brazil tăng 10,7% trong năm 2016, đáng kể so với mức giảm 7,8% trong năm 2015. Những người rất giàu sở hữu 87% tổng tài sản nằm trong tay giới đại gia. Ở Mỹ, số dân giàu có tăng 8% trong năm 2016.

Số triệu phú ở Nga, Indonesia và Hà Lan tăng mạnh  - ảnh 2

Các nước có số triệu phú tăng mạnh nhất từ năm 2015 đến năm 2016ẢNH: BLOOMBERG

Năm ngoái, thị trường chứng khoán giúp các nhà đầu tư giỏi ăn nên làm ra trên khắp thế giới. Trung bình, các nhà đầu tư giàu chỉ có 31,1% số tài sản đầu tư vào chứng khoán trong quý 2/2017, tăng từ mức 24,8% cuối năm 2016. Chứng khoán được hơn 90% nhà đầu tư xem là “phần quan trọng hoặc quan trọng nhất ảnh hưởng đến khoản đầu tư của họ”.

Miếng bánh lớn trong tài sản của giới đại gia là tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt, chiếm 27,3% trong năm nay, tăng từ mức 23,5% năm 2016. Bất động sản giảm xuống còn 14% hoặc tương đương trong một danh mục đầu tư điển hình của người giàu. Các loại tài sản khác như quỹ đầu tư, các loại hàng hóa, vốn tư nhân chỉ chiếm phần rất nhỏ.(Thanhnien)
--------------------------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục