tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-10-2017

  • Cập nhật : 01/10/2017

Ukraine đã hoàn tất kiện Nga vì xây cầu nối Crimea

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho phép kiện Nga vì xây cầu nối Crimea ảnh hưởng đến sinh thái.

Trang tin Kyiv Post của Ukraine thông tin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 29/9 đã ra lệnh đưa vụ kiện chống lại Nga vì phá hỏng hệ sinh thái khi xây dựng cầu Kerch, nối lục địa Nga và bán đảo Crimea qua eo biển kết nối Biển Đen và Biển Azov.

Tờ báo điện tử này dẫn thông báo trên trang Twitter cá nhân của Thư ký Tổng thống Poroshenko cho biết, và không đề cập tới nội dung xây dựng cầu Kerch phá hủy hệ sinh thái như thế nào.

tong thong ukraine petro poroshenko

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Các nhà hoạt động môi trường ở Ukraine cho rằng, việc xây dựng cầu Kerch tới bán đảo Crimea có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường biển và đề xuất các thủ tục tố tụng hình sự đối với đơn vị thực hiện xây dựng cây cầu này đã vi phạm vào Điều 236 Bộ Luật hình sự Ukraine quy định về an toàn môi trường.

Theo đó, các nhà hoạt động tin rằng, các tổn thất tương đối gây ra cho môi trường ở Biển Đen và Biển Azov trong việc xây dựng cầu Kerch sẽ cần phải sửa chữa bờ biển. Việc này sẽ tốn ít nhất là 10 tỉ USD.

Theo phân tích, sự thay đổi mạnh mẽ thành phần hóa học của nước sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều sinh vật sống, bao gồm cá heo, được liệt kê trong Sách Đỏ.

Tiến sĩ Khoa học Sinh học Igor Buzevich của Ukraine dự đoán rằng việc xây cầu Kerch sẽ dẫn tới các hậu quả không thể đảo ngược đối với các loài sinh vật biển.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine Yuri Lavrenyuk cũng thông tin về khả năng Kiev đang cân nhắc vụ kiện chống lại những hạn chế về việc vận chuyển hàng hải ở eo biển do việc xây cầu Kerch của Nga mang lại.

Chia sẻ với Interfax-Ukraine, ông Lavrenyuk cho biết, hoạt động vận chuyển và lắp đặt những kết cấu lớn nhất của cầu bắc qua eo biển Kerch khiến hạn chế hoạt động qua lại của tàu thuyến, kéo theo việc các cảng của Ukraine bị thất thu, do vậy Kiev sẽ phải đệ đơn kiện Nga lên tòa án.

"Trong khuôn khổ các hành động pháp lý chống lại Nga, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị đơn kiện và tính toán các tổn thất của hai cảng thương mại Mariupol và Berdyansk", ông Yuriy Lavrenyuk tiết lộ.

Công trình cầu Crimea dài 19km bắc qua eo biển Kerch là một trong những dự án hạ tầng quan trọng bậc nhất đối với nước Nga và dự án này có chi phí lên tới 4,5-5,5 tỷ USD.

Ukraine đã thực hiện nhiều vụ kiện nhằm chống lại Nga liên quan đến Crimea.

cong truong thi cong xay dung cau kerch sang crimea

Công trường thi công xây dựng cầu Kerch sang Crimea

Trước khi có 2 vụ kiện trên, Ukraine cũng đã thực hiện kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc Nga đã vi phạm Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố (ICSFT) và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).

Ukraine cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm đóng vùng Donbass , hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở đây, “thôn tính” Crimea và tiến hành chính sách phân biệt chủng tộc giữa các nhóm sắc tộc người Ukraine và Tatar tại bán đảo Crimea - nơi Nga đã sáp nhập hồi tháng 3/2014.

Ngày 19/4, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở La Haye (Hà Lan), với bồi thẩm đoàn gồm 16 thẩm phán, đã công bố các phán quyết tạm thời mà LB Nga buộc phải tuân thủ, đó là phải bảo vệ những quyền lợi của các nhóm sắc tộc người Ukraine và Tatar tại bán đảo Crimea.

Cụ thể, Nga buộc phải duy trì các tổ chức đại diện của cộng đồng này, bao gồm cơ quan lập pháp địa phương (Mejlis), cũng như phải đảm bảo hệ thống giáo dục bằng tiếng Ukraina tại bán đảo này.

Tuy nhiên, ICJ nêu rõ đây chỉ là các biện pháp tạm thời, cả Nga và Ukraine đều phải tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tình hình phức tạp thêm.(Baodatviet)
------------------------

Đắk Nông bác thông tin về sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông Đàm Quang Trung đã có thông tin về tin đồn sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông Đàm Quang Trung trước tin đồn sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo ông Đàm Quang Trung, khi nhận được thông tin cho rằng có sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ, Sở đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Kết quả xác minh khẳng định thông tin trên là không đúng sự thật. “Mấy ngày nay trên địa bàn có mưa lớn khiến nước trên suối Đắk Dao chạy qua địa bàn xã Nhân Cơ dâng cao.

Nước đã làm ngập một số tuyến đường khiến người dân không thể đi lại. Nước cũng làm ngập văn phòng làm việc của nhà máy”, ông Trung cho biết thêm.

Ông Ngô Tố Ninh - Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cũng khẳng định, thông tin sự cố vỡ hồ bùn đỏ là không chính xác. Do mưa to làm nước suối dâng cao, gây ngập tuyến đường dẫn vào bon Bù Dấp (xã Nhân Cơ) khiến người dân không thể qua lại.

Tuyến đường dẫn vào bon Bù Dấp quá thấp nên hễ có mưa to là ngập, gây khó khăn cho việc đi lại. Người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị Công ty cho nâng tuyến đường và lắp cống thoát nước; Công ty đã đồng ý. Khi nước ngập, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện chở người dân qua chỗ ngập để về nhà.

Theo phản ánh của người dân, ngày 29/9, nhiều tuyến đường quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị ngập nước, không thể đi lại. Đặc biệt, tuyến đường vào bon Bù Dấp nước ngập rất cao, nước chảy về đỏ ngầu nên người dân nghi ngờ có sự cố từ Nhà máy Alumin và đã báo chính quyền địa phương đi kiểm tra. Ngay trong ngày, lãnh đạo xã Nhân Cơ cùng người dân đã trực tiếp vào nhà máy kiểm tra và thực tế khẳng định không có chuyện vỡ hồ chứa bùn đỏ(TTXVN)
--------------------------

Ông Trầm Bê cho vay 1.800 tỷ với 6 công ty ‘2 không’

nguồn tin của Tiền Phong cho hay, Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank) và 21 bị can liên quan.

Liên quan tới ông Trầm Bê, theo Cơ quan điều tra, ông này cho ông Trần Công Danh (Chủ tịch VNCB) vay 1.800 tỷ đồng, thông qua 6 Cty con do ông Danh lập ra, trong khi tất cả 6 Cty này “Không hoạt động, không phát sinh thuế từ lúc thành lập đến ngày vụ án vỡ ra”.

Cụ thể là sau khi tiếp quản VNCB, ông Phạm Công Danh vào ngày 19/4/2013, cùng Phan Thành Mai (ngyên Tổng giám đốc VNCB), Nguyễn Quốc Viễn (Cán bộ VNCB), đến Trụ sở Sacombank (166-268, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) gặp trực tiếp ông Trầm Bê đề nghị cho vay tiền. Ông Trầm Bê chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục cho ông Danh vay số tiền này.

Ông Trầm Bê chỉ đạo 6 Cty con của VNCB do ông Danh lập ra để tiến hành việc vay mượn của Sacombank. Với thủ đoạn là lập và ký nhiều tài liệu giả, là bảng cân đối số phát sinh năm 2012; báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh; lưu chuyển tiền tệ; chi tiết tài sản cố định; tổng hợp nợ cuối kỳ…

Cty Nhất Nhất Vinh của ông Danh vay 250 tỷ đồng của Sacombank, mục đích sử dụng để kinh doanh bất động sản. Cụ thể là hợp tác Cty Quốc Thắng mua khu đất Khu du lịch Kỳ Vân Gold V – Long Hải, với diện tích 53.882m2, diện tích xây dựng là 9.550m2, giá gần 894 tỷ đồng.

Ông Danh chỉ đạo Cty Quốc Thắng vay Sacombank 350 tỷ đồng, cũng với Khu đất Kỳ Vân Gold V – Long Hải.

Cty Bảo Gia và Thành Thành Công sử dụng khu đất 209 Trường Chinh, phường Thanh Khuê, TP Đà Nẵng hợp thức hóa việc vay tiền và đã được ông Trầm Bê thông qua. Cụ thể, khu đất 209 Trường Chinh được phía ông Danh làm hồ sơ khai rằng có giá gầm 1.000 tỷ đồng, diện tích 22.697,2 m2. Hai Cty sân sau của ông Danh này đang mua và đã đặt cọc 363,483 tỷ đồng, ông Trầm Bê đồng ý cho vay 590 tỷ đồng.

Hai Cty còn lại trong số 6 Cty sân sau của ông Danh, được ông Trầm Bê cho vay 610 tỷ đồng là Cty Đại Long và Hương Việt. Để đủ hồ sơ vay, ông Danh chỉ đạo thuộc cấp làm hồ sơ, trong đó lấy việc mua khách sạn Green Plaza Đà Nẵng, kê giá mua khách sạn này là 987 tỷ đồng và khu đất Lô số 04 Khu phức hợp tại sân vận động Chi Lăng với giá 914 tỷ đồng.

Tổng cộng, ông Trầm Bê cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng pháp nhân 6 Cty con của ông Danh.(Tienphong)
-----------------------------

Vốn trái phiếu chính phủ huy động thành công tăng trưởng bình quân đạt 160%/năm

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động đấu thầu Trái phiếu Chính phủ đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

HNX cho biết, từ năm 2006 đến tháng 8/2017, tổng khối lượng gọi vốn qua kênh đấu thầu đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tổng khối lượng vốn huy động được đạt 1,47 triệu tỷ đồng, đạt tỷ trọng 64%.

Khối lượng vốn huy động thành công tăng trưởng mạnh hàng năm, với mức tăng trưởng bình quân đạt 160%/năm. Chi phí vay vốn cho Chính phủ ngày càng giảm do lãi suất huy động vốn qua đấu thầu giảm dần theo thời gian và thường thấp hơn từ 0,8-1,5%/năm so với lãi suất huy động của ngân hàng.

Từ năm 2014, hình thức đấu thầu trái phiếu đã trở thành kênh phát hành chủ đạo của các tổ chức phát hành, chiếm tỷ trọng trên 90% toàn thị trường so với các hình thức bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành trái phiếu.

Do tính hiệu quả của việc huy động vốn qua kênh đấu thầu, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã tăng cường sử dụng kênh này để huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

Thị trường đã ghi nhận mức vốn huy động thông qua đấu thầu từ năm 2009-2017 trung bình đạt 250.515 tỷ đồng/năm. Kỳ hạn phát hành bình quân qua các năm kể từ 2014 đến nay tăng trưởng rất ấn tượng. Từ năm 2013 đến 2017, kỳ hạn phát hành bình quân của Trái phiếu Kho bạc Nhà nước đã tăng lên tới hơn 10 năm.

Điều này rất có ý nghĩa trong việc làm giảm áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước những năm tiếp theo, đồng thời tạo nguồn vốn ổn định cho các dự án đầu tư dài hạn.

Tỷ trọng phát hành thành công trái phiếu các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên tăng trưởng mạnh, năm 2017 đã đạt 100%. Đặc biệt, tỷ trọng phát hành trái phiếu các kỳ hạn rất dài, từ 15 năm trở lên trong 2 năm 2016 và 2017 cũng rất khả quan khi chiếm tới 20% và 45% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường.

HNX cho rằng, đối với bất cứ thị trường nào thì việc đa dạng hóa sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thị trường. Sản phẩm đa dạng đồng nghĩa với việc đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư, từ đó thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Nếu như trước đây, sản phẩm cơ bản trên thị trường sơ cấp là Trái phiếu Chính Phủ trả lãi định kỳ (coupon bond) thì từ năm 2015, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đang dần lớn mạnh, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với HNX cho phát hành hai loại Trái phiếu Chính phủ mới là trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long-coupon bond) và trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon bond).

Đây là 2 sản phẩm hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Sản phẩm sau đó đã được đưa vào niêm yết, giao dịch ngay trong năm 2015, mang lại nguồn năng lượng mới cho thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, phương án phát hành thí điểm trái phiếu xanh cũng được HNX và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu xây dựng vào cuối năm 2015.

Năm 2016, HNX đã tổ chức các buổi giới thiệu về phát hành thí điểm trái phiếu xanh đến các tổ chức phát hành, tập trung vào các dự án xanh tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh và được các địa phương đón nhận, Bộ Tài chính hiện nay đang điều phối với các địa phương để việc phát hành thử nghiệm có thể thực hiện trong năm 2017.

Ngoài ra, Bộ Tài chính hiện đang có kế hoạch phát hành thí điểm Trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi.

Tại hội nghị thành viên thị trường Trái phiếu Chính phủ quý II/2017 do HNX tổ chức mới đây, Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) đã cho biết, Bộ đang có kế hoạch cho phát hành loại trái phiếu này trong tương lai gần. Hiện nay, HNX cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc phát hành loại Trái phiếu Chính phủ này.

HNX cho rằng, không chỉ đạt được sự tăng trưởng về quy mô vốn huy động, công tác tổ chức hoạt động đấu thầu Trái phiếu Chính Phủ cũng ghi nhận những thay đổi tích cực, theo đó hoạt động đấu thầu được tổ chức theo hướng tinh gọn nhưng chất lượng hơn.

Hệ thống đấu thầu điện tử có chức năng kết nối cơ quan quản lý, thành viên thị trường và nhà đầu tư , giúp các bên có thể tiếp cận được thông tin một cách nhanh chóng, chủ động, nhờ đó thông tin trên thị trường luôn được chia sẻ giữa các bên liên quan một cách hiệu quả.(TTVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục