tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-09-2017

  • Cập nhật : 30/09/2017

Nhà Trắng xác nhận ông Trump sẽ đến Việt Nam vào tháng 11

Tối 29-9 (giờ Việt Nam), trong thông báo được phát đi từ Washington, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á từ ngày 3 đến ngày 14-11 tới.

 

thu tuong nguyen xuan phuc bat tay tong thong my donald trump trong chuyen cong du toi nha trang thang 5-2017 - anh: reuters

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du tới Nhà Trắng tháng 5-2017 - Ảnh: REUTERS

 

Cụ thể, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thăm một loạt các nước châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong thời gian trên. 

TTO - Việt Nam và Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Việt Nam vào tháng 11 tới và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Mục đích của chuyến công du là tham dự các diễn đàn khu vực và thảo luận về vấn đề thương mại cũng như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

"Sự can dự của Tổng thống Trump sẽ tăng cường hơn nữa vai trò quốc tế trong việc đối đầu với mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như đảm bảo một bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa hoàn toàn", Nhà Trắng nhấn mạnh trong thông báo.

Trước đó, vào ngày 14-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ có chuyến công du tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào tháng 11-2017. Bên cạnh đó, ông Trump cũng có thể sẽ tới Việt Nam để tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tổng thống Trump nói rằng ông đã được mời tới dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Philippines, tuy nhiên ông vẫn chưa chắc chắn sẽ tham dự.

Hồi tháng 4-2017, trong chuyến thăm Jakarta (Indonesia), Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố ông Trump sẽ tham dự các hội nghị khu vực tại Philippines và Việt Nam.(Tuoitre)
---------------------------

Cơ hội lớn cho thịt gà Việt Nam xuất sang EU

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có cuộc trao đổi, làm việc với ông Gabo, Giám đốc Công ty Jan Zandbergen (Hà Lan) và một số đối tác xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước thành viên thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Tại buổi làm việc, ông Gabo cho biết, EU với khoảng 500 triệu dân đang có nhu cầu sử dụng thịt gà nhiều và hiện đang có 3 nước xuất khẩu thịt gà chính vào thị trường EU là: Brazil, Thái Lan và Ucraina.

Thống kê mới nhất cho thấy, năm 2017 EU có nhu cầu nhập khẩu 950.000 tấn thịt gia cầm, trong đó 85% là ức gà. Riêng Công ty Jan Zandbergen, dự kiến năm 2017 nhập 85.000 tấn gia cầm, thịt lợn, bò (chủ yếu là gia cầm) với doanh thu khoảng 400 triệu Euro.

“Hiện 1 tuần Công ty chế biến sâu 250 tấn các sản phẩm của heo, gia cầm và nhập 500 tấn thịt mát từ Ucraina để phân phối cho các siêu thị, nhà hàng”, ông Gabo chia sẻ.

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thịt gà sang EU, ông Gabo cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu sản phẩm chế biễn sẵn sang EU, những sản phẩm này công ty ông hiện đang nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan.

Đối với mặt hàng này, Thái Lan đang bị giới hạn bởi một hạn mức quota và sản lượng nằm trong quota  đóng thuế nhập khẩu là 8%, nếu vượt thì phải đóng mức thuế cao hơn. Quy định này cũng áp dụng tương tự đối với Brazil và Ucraina.

Trong khi đó, khi Hiệp định  FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, theo lộ trình, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% và quan trọng hơn EU sẽ không bị áp dụng hạn mức quota đối với sản phẩm thịt gà của Việt Nam. Vì thế, ông Gabo cho rằng, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gà chế biến đi EU được thì sẽ tốt hơn xuất ức đông lạnh.

Tuy nhiên, để Việt Nam xuất khẩu được thịt gà vào EU thì phải đáp ứng các thủ tục: về thú y, nhất là những quy định về an toàn sản phẩm, thú y tại các trại nuôi, cơ sở giết mổ; truy suất nguồn gốc từ chăn nuôi, giết mổ; thực hiện các quy định của OIE  trong truy suất và giám sát dịch bệnh; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết Việt Nam đã có Luật Thú y và 13 văn bản hướng dẫn dưới Luật và năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các nước, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản.

Tuy nhiên, để cơ hội xuất khẩu thịt gà chế biến sang EU sớm thành hiện thực, ông Đông đề xuất Công ty Jan Zandbergen hoặc các đối tác của công ty xem xét đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo theo tiêu chuẩn của EU.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Việt Nam vừa xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là lô thịt gà được sản xuất từ chuỗi liên kết sạch và đã vượt qua hàng loạt rào cản kiểm soát khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm để được Nhật Bản chấp nhận.

Với thành công bước đầu này, Thứ trưởng mong muốn với sự quan tâm và hợp tác từ phía Công ty Jan Zandbergen, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều chuỗi xuất khẩu thịt gà sang EU và các thị trường khó tính khác.(PLO)
------------------------

Toronto, London và nhiều thành phố lớn khác đối mặt bong bóng bất động sản

Giá nhà đất đang tăng ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, trong đó Toronto là thành phố đứng đầu về “rủi ro bong bóng” bất động sản.

Theo Chỉ số Bong bóng Bất động sản toàn cầu của UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, có ít nhất bảy thành phố lớn trên thế giới đang nằm trong vùng rủi ro vì giá nhà đất quá cao so với các nguyên tắc cơ bản như thu nhập và việc làm. Cụ thể, Toronto, British Columbia (Canada), Stockholm (Thụy Điển), Munich (Đức), Sydney (Úc), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan) và Hồng Kông đều có nguy cơ phải đối mặt với bong bóng bất động sản. Giá nhà đất tại các thành phố này đã tăng gần 50% kể từ năm 2011, cao hơn rất nhiều so với trung bình tăng trưởng kinh tế địa phương trong cùng kỳ.

Mặc dù không có thành phố nào của Mỹ nằm trong danh sách xếp hạng rủi ro cao nhất trong báo cáo của UBS, nhưng giá bất động sản tại San Francisco và Los Angeles đang được cho là được “định giá quá cao”. Giá nhà đất ở San Francisco tăng gần 65% kể từ năm 2011, nhưng “rủi ro bong bóng bị giới hạn do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giữa sự bùng nổ đáng kinh ngạc của các công ty công nghệ tại đây”.

Nguyên nhân bất động sản tăng giá mạnh ở các thành phố kể trên là rất đa dạng. Tại Canada và châu Âu, giá nhà tăng lên nhanh chóng do lãi suất thế chấp ở vào mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi đó thanh toán hằng năm của chủ nhà thấp hơn mức trung bình 10 năm trở lại đây. Ở Mỹ, tỷ lệ vay thế chấp thấp cũng giúp người dân mua nhà nhiều hơn.

Theo các nhà nghiên cứu của UBS, tất nhiên không dễ dàng để chứng minh một “bong bóng” bất động sản tồn tại cho đến khi nó bùng nổ, nhưng lịch sử cho thấy rủi ro của thị trường nhà đất thường xảy ra khi giá nhà bị tách rời ra khỏi các nguyên tắc cơ bản về kinh tế của thị trường địa phương. “Sự thay đổi trong động thái kinh tế vĩ mô, sự thay đổi trong tâm lý các nhà đầu tư hoặc sự gia tăng nguồn cung lớn sẽ có thể dẫn tới tình trạng sụt giảm giá nhà đất”, các nhà nghiên cứu của UBS cho hay.

Và sau đó kịch bản “Siêu sao” sẽ xuất hiện. Lý thuyết này cho thấy rằng ngay cả khi giá cả không còn là nguyên nhân cơ bản thì một số thành phố siêu sao vẫn sẽ chiếm ưu thế, Hồng Kông, London và San Francisco là những “siêu sao” như thế. Các nhà đầu tư có giá trị ròng cao sẽ luôn luôn đổ xô về các thành phố này, và nếu cung không vượt quá cầu, giá bất động sản sẽ ít có nguy cơ bị suy yếu(Thanhnien)
-------------------------

Thái Lan khởi động chương trình cải cách kinh tế 45 tỉ USD

Chính phủ quân đội Thái Lan đang bắt đầu xây dựng các dự án theo kế hoạch đầu tư 1.500 tỉ bath (khoảng 45 tỉ USD) trước khi nền dân chủ có thể trở lại vào cuối năm sau.

thai lan khoi dong chuong trinh cai cach kinh te 45 ti usd

Thái Lan khởi động chương trình cải cách kinh tế 45 tỉ USD

Theo Bloomberg, chính phủ quân đội Thái Lan sẽ ban hành những luật lệ liên quan đến sáng kiến Hành lang Kinh tế phía đông được đưa ra vào cuối năm nay để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, cũng như xây dựng một số cơ sở hạ tầng vào năm tới, Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng giám sát kế hoạch trên, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn gấp rút. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ đã sẵn sàng vào thời điểm chính phủ mới xuất hiện”, ông Kanit nói.

Các tướng lĩnh quân đội nắm quyền ở Thái Lan vào năm 2014 xem dự án ở bờ biển phía đông là yếu tố quan trọng để lôi kéo đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, xây dựng thêm đường sắt, sân bay và cảng biển. Tuy nhiên, một trở ngại tiềm tàng là nguy cơ bất ổn chính trị và chính phủ mới sắp được bầu cử có thể sẽ loại bỏ các cố gắng của chính quyền quân đội nước này.

Hành lang Kinh tế phía đông là một phần của chiến lược quốc gia hai thập niên được Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha soạn thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Theo ông Prayuth nói hồi tháng 7.2017, sáng kiến sẽ cung cấp một kế hoạch tổng thể để các chính phủ trong tương lai theo đuổi. Ông Werachon Sukondhapatipak, phát ngôn viên của chính phủ, cho biết kế hoạch này là một phần của hiến pháp và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với chính quyền tương lai.

Theo kế hoạch, sáng kiến Hành lang Kinh tế phía đông yêu cầu nâng cấp sân bay quốc tế U-Tapao với khoản tiền trị giá 6 tỉ USD, đầu tư 6,7 tỉ USD vào đường sắt, 12 tỉ USD cho các thành phố và bệnh viện mới và 15 tỉ USD cho ngành công nghiệp. Trong đó, chính phủ hy vọng khoảng 80% tổng đầu tư đến từ khu vực tư nhân. Ngoài những lĩnh vực kể trên, việc phát triển các ngành công nghiệp tinh vi như robot học, bảo trì hàng không và công nghệ kỹ thuật số tại ba tỉnh phía đông Rayong, Chachoengsao và Chonburi cũng đang được chính phủ hết sức chú ý.

Được biết, chính quyền quân đội Thái Lan đã kêu gọi sự tham gia của các công ty quốc tế như Airbus và Alibaba. Đầu tháng này, một sự kiện dành cho hàng trăm công ty Nhật Bản ở Thái Lan cũng đã được tổ chức để giới thiệu các cơ hội đầu tư. Song, theo ông Kanit, tình trạng lực lượng lao động thiếu thốn kỹ năng đang là một thách thức không hề nhỏ cho việc phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến của quốc gia Đông Nam Á. Thái Lan có thể sẽ nhập khẩu lao động có kỹ năng trong giai đoạn đầu, trong khi cố gắng cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục