tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-05-2017

  • Cập nhật : 11/05/2017

Trung Quốc - rủi ro lớn nhất của thị trường toàn cầu

Số liệu kinh tế đi xuống, mối quan hệ khó đoán với Mỹ và vai trò then chốt trong vấn đề Triều Tiên khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm của giới đầu tư.

Giá cổ phiếu toàn cầu đang cao kỷ lục. Chỉ số đo biến động - VIX đang ở đáy 10 năm. Nhưng trong khi nhà đầu tư đang thở phào vì kết quả bầu cử Tổng thống Pháp, những rủi ro mới lại bắt đầu xuất hiện.

Đứng đầu danh sách là các mối lo từ Trung Quốc. Hàng loạt số liệu yếu hơn dự báo gần đây đã biến kinh tế Trung Quốc thành tâm điểm chú ý của thế giới.Cuối tuần trước, số liệu sản xuất của Trung Quốc (PMI) phát tín hiệu chậm lại. Thương mại cũng yếu hơn dự báo, với cả xuất khẩu và nhập khẩu. Hôm nay, Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát.

thuong mai cua trung quoc da di xuong trong thang 4. anh: reuters

Thương mại của Trung Quốc đã đi xuống trong tháng 4. Ảnh: Reuters

“Tôi đang ngày càng lo ngại rủi ro từ sự chậm lại của Trung Quốc”, Jeff Kleintop - chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab nhận xét.

Hàng hóa toàn cầu đang bị bán tháo vì mối lo này. Giá đồng tuần trước đã mất 3% và hôm qua giảm tới 1,4%.

“Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc sẽ là yếu tố có tác động lớn lên thị trường thời gian tới”, ông nhận xét. Nếu nền kinh tế mất đà quá mạnh, khiến tiền tệ nước này yếu đi đáng kể, và giá hàng hóa tiếp tục lao dốc, nó sẽ tác động tiêu cực lên các thị trường khác.

“Chính phủ đã giảm chi cho cơ sở hạ tầng. Họ cho rằng chi tiêu trong lĩnh vực tư nhân sẽ tăng lên để bù đắp. Nhưng tôi cho rằng khi lãi suất toàn cầu tăng lên, điều kiện tài chính thắt chặt và các điều kiện thanh toán mới nảy sinh, kế hoạch này sẽ chết yểu”, Kleintop lo ngại.

“Rủi ro hiện tại với thế giới vẫn là giảm phát, chứ không phải lạm phát. Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể chính là một nguồn rủi ro”, Paul Christopher - chiến lược gia đầu tư quốc tế tại Wells Fargo Investment Institute cảnh báo.

Dù vậy, Christopher cho rằng nếu nhận thấy các dấu hiệu yếu đi và thị trường bán tháo, Trung Quốc sẽ phản ứng lại bằng cách nới lỏng tín dụng và ngừng cải tổ khi cần thiết, như hồi tháng 8/2015.

Chứng khoán Trung Quốc đã đi xuống hôm qua, trong khi hầu hết thị trường châu Á tăng điểm. Nhiều nguồn tin cho biết giới chức đang tìm cách kìm hãm đầu cơ trên thị trường, và bàn cách cải tổ các thị trường tài chính, nhằm ngăn rủi ro chéo.

Dù vậy, một số rủi ro liên quan đến Trung Quốc cũng đã giảm nhẹ phần nào. Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho biết ông sẽ không gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ nữa.

“Tôi cho rằng ông Tập rất thận trọng khi phản ứng với các phát ngôn của ông Trump. Trung Quốc có lẽ đã giành phần thắng trong các cuộc họp với quan chức Mỹ”, Kleintop nhận xét.

Christopher thì cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ là một mối lo lớn, nếu Mỹ không theo đúng chính sách nhằm thúc đẩy lạm phát đã được ông Trump đề ra. Thị trường gần đây còn nghi ngờ việc ông có thể thực hiện các cam kết cải tổ thuế.

Một lý do khác khiến Trung Quốc được chú ý, là nước này còn đóng vai trò trung tâm trong khả năng giải quyết căng thẳng với Triều Tiên. Do họ là láng giềng và đối tác thương mại thân cận nhất của nước này.

Nhà đầu tư đang theo dõi sát hoạt động của Triều Tiên trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Hàn Quốc. Ứng cử viên đang dẫn đầu - Moon Jae-In đã ra tín hiệu sẽ có quan điểm hòa nhã hơn với Triều Tiên và ít thân thiện hơn với Mỹ.

“Rủi ro địa chính trị là thứ không thể dự báo được, mà chỉ quan sát thôi. Trong trường hợp của Triều Tiên, đó là việc liệu có vụ thử hạt nhân nào nữa hay không. Đây là giới hạn Tổng thống Trump đã vạch ra. Chúng ta không biết ông ấy đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc. Nhưng tôi thực sự cho rằng họ đã nghĩ ra kế hoạch hành động rồi”, Christopher kết luận.(Vnexpress)
----------------------------------------

AMRO: Việt Nam và Philippines giúp kinh tế Đông Nam Á tăng tốc

Tăng trưởng chung của Đông Nam Á sẽ vào khoảng 5% trong năm nay và các năm tiếp theo nhờ vào sự phát triển nhanh của các nước như Việt Nam và Philippines, theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO).

Báo cáo cho biết GDP thực tế sẽ tăng 4,9% vào năm 2017 và 5,1% vào năm 2018 trong khối Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2014 đến năm 2016 là 4,2%.

Hoạt động mua sắm hàng hoá lâu bền như ô tô dự kiến sẽ tăng khi tầng lớp trung lưu mở rộng, tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sá và bến cảng, đầu tư vẫn chỉ ở mức 1%.

Tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế như Việt Nam và Philippines nổi bật trong nhóm. AMRO dự báo tăng trưởng hàng năm trên 6% ở Việt Nam, trong bối cảnh mức lương thấp và người lao động có trình độ học vấn cao thu hút các công ty toàn cầu như Intel. Một số nhà đầu tư thị trường chứng khoán dự kiến tăng trưởng sẽ kéo dài khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cắt giảm thuế đối với hàng Việt Nam vào đầu năm 2018.

uy ban van phong nghien cuu kinh te vi mo asean +3 (amro)

Ủy ban văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO)

AMRO dự báo rằng tăng trưởng Philippines sẽ tăng lên 7% vào năm 2018. Nền kinh tế Myanmar cũng dự kiến sẽ tăng hơn 7% trong năm 2017 và 2018. Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm, xuống mức thấp 6%, và Nhật Bản chỉ có thể đạt đến mức 1%.

AMRO cũng nhận thấy khả năng khó khăn trước mắt, bao gồm chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) tăng lãi suất cũng như lạm phát tăng.

20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, AMRO cho biết khu vực đã phát triển vượt bậc về tài chính, với dự trữ ngoại hối sâu hơn và cơ chế cho vay mới.

AMRO là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Singapore và có vai trò tương tự như Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF trong khu vực.(NDH)
---------------------------

Campuchia tịch thu gần 70 tấn mỹ phẩm giả trị giá hàng ngàn tỉ đồng

Theo Ủy ban chống hàng giả Campuchia, trong số sản phẩm bị thu giữ có 30 tấn mỹ phẩm giả thương hiệu Shiseido.

Tờ Khmer Times ngày 9.5 đưa tin Ủy ban chống hàng giả thuộc Bộ Nội vụ Campuchia đã tịch thu tổng cộng gần 70 tấn mỹ phẩm trong chiến dịch truy quét hàng giả đang được triển khai.

Ông Meach Sophanna, chủ tịch Ủy ban chống hàng giả, cho biết cảnh sát đã bắt giữ nhiều nghi phạm trong “chiến dịch lịch sử” và tịch thu lượng hàng giả “khổng lồ” mà giá trị có thể lên đến 100 triệu USD (2.273 tỉ đồng) nếu được bán trót lọt.

“Chiến dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước những sản phẩm độc hại”, ông nói.

Cảnh sát đã tạm giữ một người đàn ông Trung Quốc tên Mao Lê Quân tại tỉnh Kandal hôm 31.3 và tịch thu 30 tấn mỹ phẩm giả thương hiệu Shiseido. Ông Mao sau đó bị khởi tố vào ngày 5.4 về tội buôn bán hàng giả.

Trong một vụ khác, cảnh sát bắt giữ doanh nhân quốc tịch Việt Nam tên Chen Sokha (52 tuổi) và người vợ quốc tịch Trung Quốc tên Trần Cẩm Hoa (42 tuổi). Hai nghi phạm này bị khởi tố về tội buôn lậu vào tuần rồi.

Cảnh sát cũng tịch thu 38 tấn mỹ phẩm giả của ông Chen tại quận Chamkarmon ở thủ đô Phnom Penh.

Theo ông Sophana, số hàng giả trên được sản xuất tại tỉnh Kandal và cảnh sát đã điều tra suốt 3 tháng trước khi bắt giữ các nghi phạm. Mẫu mỹ phẩm Shiseido giả đã được gửi đến công ty của Nhật để kiểm tra thêm.

“Mỹ phẩm giả có nhiều nguy cơ gây hại từ làm tổn thương da cho tới tử vong”, ông Sophana cảnh báo.

Ủy ban chống hàng giả cho biết nhiều công ty Mỹ và Đức đang khiếu nại về tình trạng sản phẩm của họ bị làm giả ở Campuchia. “Chúng ta không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn bảo vệ lợi ích chính đáng của các sản phẩm hợp pháp”, ông Sophana nói.(Thanhnien)
------------------------------------------

VinaCapital đã bán hết cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai

Các quỹ thuộc VinaCapital đã bán toàn bộ hơn 29 triệu cổ phiếu QCG khi giá cổ phiếu này lên cao nhất ba năm.

Nhóm nhà đầu tư thuộc quỹ đầu tư VinaCapital mới đây đã bán hết cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG).

Cụ thể, VOF Investment Limited đã bán hơn 9,489 triệu cổ phiếu QCG (tương đương tỷ lệ sở hữu 3,45%), quỹ Asia Investment & Finance Limited bán hơn 2,869 triệu cổ phiếu (1,04%), còn quỹ VOF PE Holding 5 Limited bán hơn 17 triệu cổ phiếu (6,2%).

Như vậy, tổng cộng nhóm nhà đầu tư của VinaCapital đã bán ra hơn 29,421 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 10,69%. Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu vượt quá ngưỡng 1% của các nhà đầu tư này là 5/5/2017.

Trước đó vào cuối tháng 3/2017, quỹ VOF Investment Limited của VinaCapital cũng đã bán bớt 1 triệu cổ phiếu QCG để giảm sở hữu từ 11,05% xuống còn 10,69%.

Cổ phiếu QCG hôm nay chứng kiến phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp. Chốt phiên 9/5, QCG chốt phiên đứng ở 11.650 đồng/cổ phiếu, cao nhất 3 năm qua.

Giá cổ phiếu tăng mạnh khi báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2016 công bố hồi cuối tháng Tư của QCG cho biết, công ty đang đàm phán với đối tác để chuyển nhượng lại toàn bộ dự án Phước Kiển. QCG cũng đã nhận số tiền tạm ứng 50 triệu USD từ việc chuyển nhượng dự án cho đối tác nhằm tất toán nợ vay với BIDV, theo báo cáo tài chính của QCG.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục