tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-06-2018

  • Cập nhật : 10/06/2018

Thiếu vật liệu, Bình Dương đề xuất gia hạn nhiều cụm mỏ đá 'khủng'

Hai cụm mỏ đá thuộc “top” lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương được đề xuất gia hạn khai thác sâu tới 130-150m để lấy đá làm vật liệu xây dựng, trong khi có những lo ngại về môi trường.

mo da tan dong hiep nam ke khu dan cu duoc de xuat gia han khai thac toi cote -150 (tuong duong do sau lon nhat tu mat dat tu nhien xuong khoang 170m) - anh: b.son

Mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm kế khu dân cư được đề xuất gia hạn khai thác tới cote -150 (tương đương độ sâu lớn nhất từ mặt đất tự nhiên xuống khoảng 170m) - Ảnh: B.SƠN

Ngày 9-6, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn tới 2030.

Quy hoạch này dù mới được tỉnh Bình Dương thông qua năm 2016 nhưng tới nay lại đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh vì nhận được đề nghị của các doanh nghiệp khai thác đá.

Đáng chú ý, theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, có hai cụm mỏ đá được đánh giá là thuộc nhóm các mỏ đá lớn và tốt nhất Đông Nam Bộ được đề xuất gia hạn là: cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, diện tích gần 45ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -150m (cũ là -120m); cụm mỏ đá Núi Nhỏ, diện tích hơn 27ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -130m (cũ là -100m).

Thời gian gia hạn khai thác với cả hai cụm mỏ đá này là tới hết 31-12-2019 (cũ là tới hết năm 2017).

Có nhiều ý kiến cử tri băn khoăn việc gia hạn khai thác mỏ đá sâu như vậy có thể ảnh hưởng tới môi trường, an toàn và cuộc sống của người dân. Cả hai cụm mỏ đá đều nằm tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - là khu vực gần với TP.HCM đã phát triển đô thị khá mạnh.

Thiếu vật liệu, Bình Dương đề xuất gia hạn nhiều cụm mỏ đá khủng - Ảnh 2.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp đã khai thác sâu tới cote -120m, nay đề xuất khai thác sâu thêm tới cote -150m. Ảnh: B.SƠN

Ví dụ như đối với cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp chỉ nằm cách tuyến đường sắt Bắc - Nam vài trăm mét. Còn tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ nằm kế bên cụm mỏ đá này đã phải "nắn" tuyến để né mỏ đá, dẫn tới phải giải tỏa lần 2 nhiều hộ dân...

UBND tỉnh Bình Dương cho rằng mặc dù có những lo ngại nhất định nhưng việc khai thác thêm độ sâu của hai cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, Núi Nhỏ sẽ tận dụng được nguồn vật liệu đá xây dựng có chất lượng cao, trong khi không mở rộng diện tích mỏ, giảm suất đầu tư so với mở mỏ mới, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. 

Vì vậy, UBND tỉnh vẫn trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh gia hạn các mỏ đá trong kỳ họp sẽ diễn ra trong tháng 6-2018. (Tuoitre)
------------------------

Hải Phòng và Liên bang Micronesia tăng cường hợp tác lĩnh vực kinh tế biển

Ngày 9/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang Micronesia do Ngài Wesley W.Simina, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu và Phu nhân đã tới thăm, làm việc tại thành phố Hải Phòng.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia Wesley W.Simina cùng trao tặng phẩm.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn, đồng thời giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của thành phố. Hải Phòng là thành phố Cảng biển, có tuổi đời trên 100 năm; hiện có hơn 2 triệu dân sinh sống với mức thu nhập bình quân đầu người là 3.500 đô-la Mỹ/năm. Ngành kinh tế chủ lực của thành phố là cảng biển, đóng tàu, công nghiệp dịch vụ. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trung bình 15%/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn cảng Hải Phòng ước đạt 41,9 triệu tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ.

Với thế mạnh có 5 loại hình giao thông gồm đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, đường sông, Hải Phòng trở thành địa phương trong tốp đầu cả nước có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút các nhà đầu tư lớn. Hiện, Hải Phòng hợp tác với 36 quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng mong muốn Liên bang Micronesia tăng cường hợp tác với thành phố về lĩnh vực kinh tế biển như: đóng tàu, phát triển y học biển, kinh nghiệm xử lý nước sinh hoạt. Hai bên nên trao đổi các đoàn hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm để có chương trình phối hợp cụ thể và hiệu quả.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang Micronesia, Ngài Wesley W.Simina, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng - thành phố có những điểm tương đồng với Liên bang Micronesia và cảm kích trước sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp của Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia Wesley W.Simina đề nghị Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm để Liên bang Micronesia đạt được thành tựu cao hơn trong lĩnh vực này.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang Micronesia do Ngài Wesley W.Simina, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu và Phu nhân đã đến thăm và làm việc tại Công ty đóng tàu Phà Rừng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên); thăm quan khu di tích Bạch Đằng Giang. (TTXVN)
-----------------------

Hơn 26 tỷ USD nợ Chính phủ bảo lãnh

Nhiều khoản nợ Chính phủ bảo lãnh chưa ký hợp đồng thế chấp tài sản, đặc biệt là những dự án của Tập đoàn Điện lực, theo Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh Chính phủ, trong đó cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh Chính phủ quy đổi ước vào khoảng hơn 26 tỷ USD.Trong số này, giá trị bảo lãnh nước ngoài chiếm hơn 84%.Tổng dư nợ gốc ước là 12,5 tỷ USD, giảm so với cuối năm 2016. Trong năm qua số rút vốn mới thấp hơn so với số trả nợ gốc.

Năm vừa qua, Bộ Tài chính không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài cho dự án đầu tư nào.

Có 4 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 4 khoản vay đã trả trước hạn với tổng giá trị 104 triệu USD. Tuy nhiên, năm qua, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy hơn 8 triệu USD, nâng tổng trị giá ứng trả lên gần 89 triệu USD.

Nguồn thu hồi cho Quỹ dự kiến từ việc bán thanh lý tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện chưa xử lý xong tài sản này. Bộ Tài chính cho biết tới nay chưa có kết quả xử lý nên chưa có nguồn để trả một phần nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, cơ quan này đã làm việc với ngân hàng cho vay nước ngoài nhưng nhà băng này từ chối hỗ trợ tài chính cho dự án.

Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam trước đây do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nay đã chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam. Dự án có khó khăn về tài chính không trả nợ các kỳ từ 2008 đến nay. Đến cuối 2017, dự án vay 75 triệu USD từ Quỹ Tích lũy để trả nợ và hiện nợ quá hạn với Quỹ. Thủ tướng đã dừng đầu tư dự án và giao Bộ Công Thương bán thanh lý tài sản nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Bộ Tài chính cũng cho biết có 31 trong tổng số 53 dự án chưa ký kết hợp đồng thế chấp tài sản. Trong đó như Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới ký thế chấp 2 trong tổng số 20 dự án. Cơ quan này nhận định việc triển khai thế chấp tài sản vẫn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ do các doanh nghiệp chưa tích cực trao đổi, thống nhất nội dung hợp đồng thế chấp, kê khai danh mục tài sản thế chấp, đặc biệt trong trường hợp thế chấp tài sản dự án cho nhiều bên, trong đó Bộ Tài chính chỉ là một bên nhận thế chấp.

Bộ cho biết đã trao đổi với các bên yêu cầu thúc đẩy hoàn tất việc thế chấp tài sản trước ngày 30/6. Sau thời hạn này, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng áp dụng chế tài xử lý.

Bộ cũng cho biết chưa thu được 90 tỷ đồng phí bảo lãnh quá hạn của một số đơn vị, tập trung ở 3 dự án xi măng (Hạ Long, Thái Nguyên, Đồng Bành) và 2 dự án thủy điện (Xekaman 1 và Xekaman 3) đang phải tái cơ cấu nợ.

Dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh Chính phủ (khoảng 64%) do dư nợ các lĩnh vực khác đang giảm dần và không có cấp mới như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí…

Theo Bộ Tài chính, dự án ngành điện gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ như dự án Xekaman 3 của Công ty cổ phần Điện Việt Lào bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn cho việc khắc phục, cũng như trả dần các khoản vay quá hạn. Quá trình tái cơ cấu các khoản vay sẽ bị ảnh hưởng nếu việc khắc phục sự cố không đảm bảo tiến độ và kết quả dự kiến.

3 dự án xi măng đã được Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu gồm Hạ Long, Thái Nguyên, Đồng Bành đã thu xếp tự trả nợ được Chính phủ bảo lãnh, đang tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay. Đến cuối năm 2017, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực xi măng là 180 triệu USD. (Vnexpress)
-----------------------

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, thuế chống bán phá giá cao và Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP) là những rào cản lớn đang khiến doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian gần đây.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng 13,8% so với cùng kỳ, đạt trên 1 tỷ USD nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam riêng trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ, đạt trên 275 triệu USD. Ngoài nguyên nhân giá tôm sụt giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng cao thì việc xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc sụt giảm cũng đã khiến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành giảm theo. 

Trước đó, năm 2017 trong khi xuất khẩu tôm sang các thị trường đều tăng mạnh, thì ở thị trường Mỹ lại sụt giảm đến 8% so với năm 2016. Việc thuế chống bán phá giá tăng cao được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm mạnh. 

Đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1/2/2016- 31/1/2017 lên tới 25,39%. Mức thuế lần này được cho là quá cao so với những lần công bố trước đó. Dù các luật sư đã phát hiện có sự nhầm lẫn trong cách tính của DOC và kết quả sơ bộ chỉ có tính chất tham khảo, tuy nhiên phán quyết này ít nhiều cũng gây tâm lý lo lắng cho cả bên mua lẫn bên bán tôm hiện nay. 

Không những vậy, cuối tháng 4/2018, tôm chính thức được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa vào Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ. Theo đó, đến ngày 31/12/2018, các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP. 

Cụ thể, nhà nhập khẩu phải là công dân Mỹ; đảm bảo và duy trì Giấy phép Thương mại thủy sản quốc tế (IFTP) từ NOAA; Khai báo một loạt các yếu tố dữ liệu cần thiết để khi nhập khẩu vào Mỹ xác nhận các sản phẩm được mua lại hợp pháp tại thời điểm thu hoạch. Đồng thời, trong 2 năm, phải lưu giữ hồ sơ của dữ liệu đó, cũng như ghi lại trung thực toàn bộ chuỗi hành trình sản phẩm từ lúc thu hoạch tới khi nhập khẩu vào Mỹ. 

Các doanh nghiệp cho rằng, với mức thuế chống bán phá giá cao, kèm theo sự giám sát của SIMP, xuất khẩu tôm sang Mỹ rất khó tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. 

Trong khi đó, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Mỹ là một thị trường có nhu cầu rất lớn về thủy sản, đặc biệt là tôm. Trung bình mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 600.000 tấn tôm phục vụ tiêu dùng, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này mới chiếm 10%/năm (khoảng 60.000 tấn), trong khi năng lực xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt tới 150.000 tấn. Do vậy, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh để có thể mở rộng thị phần tại đây. 

Để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá tôm sụt giảm sâu, mới đây, VASEP đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị một số giải pháp để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu tôm Việt. Trong đó, VASEP kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm các hoạt động ngoại giao cấp cao để Hoa Kỳ tháo gỡ nhanh các rào cản thương mại, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá tôm. 

Theo VASEP, mặc dù hiện nay đã có Công ty Minh Phú không bị áp thuế và đang chiếm gần 50% lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây vẫn là một trở ngại lớn cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam. Hiện tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ, do những rào cản về áp thuế chống bán phá giá trong khi Ấn Độ đang chiếm tới 32% thị phần ở thị trường này, tiếp đó là Thái Lan và Indonesia.(TTXVN)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục