tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-06-2018

  • Cập nhật : 11/06/2018

Ông Dũng 'Lò Vôi' muốn xây dự án bất động sản hơn 100 ha

Đề nghị triển khai dự án nhà để ở của Đại Nam theo Bộ Tài nguyên & Môi trường là chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương.

UBND tỉnh Bình Dương vừa có đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam do Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư tại Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dự án có mục tiêu xây dựng nhà để ở với diện tích sử dụng hơn 105,8 ha. Khu đất trên trước đây là phần diện tích của Khu công nghiệp Sóng Thần 3 nhưng nay đã được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, đưa ra ý kiến về đề nghị này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng nhu cầu sử dụng đất của dự án không có trong danh mục thuộc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ xét duyệt. Cũng theo cơ quan này, dự án chưa được làm rõ sự phù hợp với phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của địa phương.

“Dự án chỉ được thực hiện sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc sử dụng đất để thực hiện dự án phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai”, Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo cơ quan này, để xem xét đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam cần đánh giá cụ thể khả năng đảm bảo cấp nước của Nhà máy nước Tân Hiệp cho dự án và đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của dự án vào trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Sóng Thần 3. Trong trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì Bộ cũng nhấn mạnh đây là dự án có quy mô nằm trong nhóm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, cơ quan này cho biết chủ dự án phải thực hiện lập và gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt.

Công ty cổ phần Đại Nam được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Công ty do ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng “Lò Vôi”) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.(Vnexpress)
---------------------

Thế mạnh du lịch: Mạnh ai nấy làm

"Ngăn sông cấm chợ" là chuyện của thời bao cấp, cứ tưởng đã lùi vào dĩ vãng nhưng thật ra vẫn tồn tại, chỉ khác là không trắng trợn mà biến tướng, núp dưới nhiều mỹ từ.

Vài năm trở lại đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh ban bố lệnh cấm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long đưa khách nghỉ qua đêm tại Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Ngược lại, tàu du lịch của Hải Phòng muốn đưa khách từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long cũng gặp khó khăn, cản trở từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, "các tàu du lịch của vịnh Hạ Long trước đây để xảy ra nhiều tai nạn thương tâm nên phải từng bước siết chặt, loại bỏ những tàu kém chất lượng". Tăng cường quản lý, loại bỏ tàu không bảo đảm an toàn nhưng tại sao lại cấm toàn bộ tàu từ Cát Bà qua Hạ Long? Lý do này khó thuyết phục bởi chẳng lẽ tàu nào từ Cát Bà qua cũng kém chất lượng?

Các tàu ra vào Hạ Long phải bảo đảm an toàn, phương tiện đang được phép lưu hành và chỉ cần thông báo với cảng vụ. Nếu vi phạm, tùy mức độ mà xử phạt, thậm chí giữ tàu.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thơm, Hội trưởng Hội Tàu du lịch Cát Bà, cho biết Công ty TNHH Du lịch Thương mại Trịnh Vũ do bà làm giám đốc có gần 10 tàu du lịch vỏ gỗ, được đóng mới từ năm 2017, rất hiện đại, sang trọng và đã được cơ quan chức năng của Hải Phòng thẩm định, cấp phép đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm PCCC, mua bảo hiểm… đầy đủ. Thế nhưng, chúng cũng bị "cấm cửa", không thể đưa khách tham quan vịnh Hạ Long hay Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh. Du khách muốn đi thăm hang động, đảo bên vịnh Hạ Long thì buộc phải sang Quảng Ninh rồi mới đi được.

Tàu du lịch của Hải Phòng bị làm khó dễ khi đưa khách tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Chưa hết, Quảng Ninh buộc các tàu ở Cát Bà hay bất cứ nơi nào khác vào vịnh Hạ Long phải mở đăng ký kinh doanh. Không hiểu tại sao Quảng Ninh lại đặt ra "luật" như vậy? Bỡi lẽ, tàu của các địa phương khác chỉ chở khách đến Quảng Ninh tham quan chứ không bán dịch vụ nên không thể yêu cầu mở đăng ký kinh doanh.

Trước tình trạng "ngăn sông cấm chợ" của Quảng Ninh, bà Hoàng Hồng Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết UBND huyện cùng các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã nhiều lần sang làm việc với UBND TP Hạ Long để tìm giải pháp tháo gỡ "thông tuyến" nhưng bất thành.

Nhân việc này, chúng tôi lại nhớ chuyện các tỉnh, thành nở rộ bộ quy tắc ứng xử cho du khách đến địa phương mình. Các nước khác chỉ có duy nhất "Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng" dành cho cả người dân lẫn du khách. Rồi chuyện vé tham quan các điểm du lịch và nhiều quy định khác của từng tỉnh, thậm chí từng huyện. "Phép vua, thua lệ làng" không còn là chuyện ngày xưa mà là việc rất phổ biến ngày nay.

Du lịch Việt Nam có nhiều thế mạnh nhưng có lẽ là mạnh ai nấy làm dù các khẩu hiệu "liên kết tỉnh, hợp tác vùng" suốt ngày được nêu ra rả... Nếu Tổng cục Du lịch không vào cuộc làm rõ và chấm dứt tình trạng này, vụ việc có thể lan rộng, các địa phương khác sẽ học tập để chứng tỏ quyền quản lý thì du lịch Việt Nam vốn là ngành mũi nhọn nhưng lại đâm tứ phía, trì kéo lẫn nhau đi xuống.

Không có chuyện "ngăn sông cấm chợ"

Trước một số thông tin cho rằng tỉnh Quảng Ninh không cho phép tàu du lịch xuất bến từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định không có sự "ngăn sông cấm chợ" này. Theo vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long chỉ cần bảo đảm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời việc xây dựng, kết nối các tuyến phải bảo đảm điều kiện về hạ tầng giao thông thủy.

Theo ông Huy, lượng khách tới vịnh Hạ Long liên tục tăng cao, năm 2017 đón 3,92 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 2,7 triệu lượt. Để cùng quản lý, bảo vệ di sản vịnh Hạ Long, thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và UBND huyện Cát Hải đã ký các quy chế phối hợp, cùng tham gia Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà.(NLĐ)
----------------------

OPEC và nguy cơ về hội nghị tệ nhất kể từ năm 2011

Theo nhiều chuyên gia về thị trường dầu mỏ, cuộc họp giữa các nước trong khối OPEC với những nước ngoài khối, bao gồm Nga, có thể trở thành cuộc họp tồi tệ nhất, trong bối cảnh cung cầu đang có nhiều thay đổi và cạnh tranh hơn.

Arab Saudi và Nga được cho là đã sẵn sàng tăng sản lượng dầu trong khi Iran và Iraq lại có động thái ngược lại. Do đó, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, Eugen Weinberg, nhận định không khí cuộc họp vào ngày 22/6 tới sẽ khá căng thẳng.

“Đây có thể sẽ là cuộc họp OPEC tệ nhất từ 2011 đến nay”. Eugen Weinberg giải thích rằng khác biệt quan điểm về sản lượng có thể dẫn tới nhiều vấn đề.

Hội nghị OPEC năm 2011 được nhớ tới bởi những đấu đá nảy lửa và bất đồng quan điểm về giải quyết giá dầu cao (lúc đó khoảng 118 USD/thùng) bằng biện pháp tăng sản lượng. Những quốc gia ở vùng Vịnh muốn tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá nhưng vấp phải quá nhiều phản đối từ thành viên OPEC, trong đó có Iran và Venezuela. Năm đó, Arab Saudi cũng mô tả hội nghị là “một trong những cuộc họp tồi tệ nhất" mà họ từng tham gia.

Weinberg nhận định OPEC sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp trong lần họp sắp tới nhưng không đơn giản do gặp phải nhiều ý kiến trái chiều cũng như khác biệt quan điểm và khả năng của các quốc gia.

Ví dụ, Iran và Iraq là hai trong số các nước bị hạn chế về năng suất nên không muốn tăng đầu ra. Ngược lại, Nga và Arab Saudi lại muốn tăng sản lượng vì họ tự tin về năng suất. Việc các quốc gia có đạt được thỏa thuận chung hay không sẽ là một dấu hỏi lớn.

Trấn an khách hàng

Cuộc gặp ngày 22/6 tới sẽ có sự tham gia của quan chức đến từ 14 nước thành viên OPEC và các nước không thuộc OPEC (một trong số đó là Nga). Hai bên sẽ đàm phán về các giải pháp kiểm soát sản lượng dầu nhẳm hạ nhiệt giá.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép lên Arab Saudi và các thành viên khác của OPEC để tăng sản lượng dầu. Tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích việc giá dầu tăng gây ảnh hưởng trực tiếp lên người dùng ở Mỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, tháng trước cho biết Washington đang đàm phán với bên sản xuất dầu để tăng nguồn cung và giảm tác động của lệnh trừng phạt sắp tới lên Iran.

Người ta cũng lo ngại về tình trạng thiếu hụt cung dầu từ Venezuela khi nước này đang hứng chịu nhiều bất ổn về kinh tế lẫn chính trị. Trong hoàn cảnh có nhiều lo sợ xảy ra thiếu hụt sản lượng từ những nhà sản xuất lớn, Arab Saudi và Nga đã đánh tiếng sẽ dần dần tăng đầu ra trong vòng nửa năm tới. Giá dầu do đó có thể sẽ giảm phần nào.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Khalid Al-Falih, tháng 5 cho biết nước này cũng rất quan tâm tới lo ngại của các nước tiêu thụ dầu mỏ. Quan điểm của ông nhận được sự ủng hộ của Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga và xứ sở Bạch Dương cũng sẽ sớm tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên Novak cảnh báo rằng quyết định trên nên được đưa ra tại hội nghị OPEC và không vấp phải sự phản đối nào.

Những chính sách liên quan và không liên quan đến OPEC đã được đưa vào thực hiện từ tháng 11/2016 rõ ràng đã phát huy tác dụng trong việc tăng giá dầu từ mức 25 USD/thùng năm 2014 đến mức hiện tại là 75 USD/thùng đối với dầu Brent và 65 USD/thùng đối với dầu WTI.

Weinberg cho rằng đa số các nước sản xuất dầu mỏ trong cuộc họp ngày 22/6 tới đây sẽ cố trấn an các nước tiêu thụ rằng họ sẽ tăng sản lượng nếu dầu của Iran bị loại bỏ khỏi thị trường, qua đó giảm bớt mối lo ngại giá dầu sẽ tăng.

“Nếu sản lượng không thể tăng lên ít nhất 500.000 thùng/ngày, tôi nghĩ thị trường sẽ rất thất vọng và sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng các quốc gia vùng Vịnh lẫn Nga sẽ tìm cách trấn an người tiêu thụ rằng cho dù khả năng xảy ra trừng phạt lên Iran là cao hay thấp thì họ cũng có thể đáp ứng được với nhu cầu của thị trường".(NDH)
----------------------

Nga, Trung Quốc cố đẩy USD ra khỏi thanh toán song phương

Moscow và Bắc Kinh vừa đồng ý tăng tỷ lệ thanh toán thương mại rúp Nga - nhân dân tệ trong thỏa thuận chung được ký giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8.6.

 /// Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Theo Russia Today, thỏa thuận dự kiến thúc đẩy sự hợp tác Nga - Trung trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy việc tăng tỷ lệ dùng nội tệ hai nước trong giao dịch thương mại, đầu tư và tài trợ tài chính, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như hệ thống thanh toán và bảo hiểm.

Lãnh đạo hai bên đồng ý tăng kim ngạch thương mại và tiếp tục cải thiện cấu trúc, tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới và hợp tác thương mại, hợp tác kinh tế. Tổng thống Putin cho biết kim ngạch thương mại Nga - Trung cuối năm nay có thể đạt 100 tỉ USD.

Theo tài liệu về thỏa thuận chung Nga - Trung Quốc, hai bên cũng có kế hoạch “tăng cường nỗ lực nhằm hài hòa các chiến lược, chương trình và biện pháp để phát triển kinh tế quốc gia và các lĩnh vực cụ thể”. Hai nước muốn “tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp của người Nga và người Trung Quốc, cùng nhau thúc đẩy các dự án lớn phù hợp với nguyên tắc của doanh nghiệp, cách tiếp cận theo định hướng thị trường, thực hiện công việc dựa trên quan điểm thương mại, tuân thủ thực tiễn hoạt động thế giới và tăng hợp tác đầu tư giữa Nga và Trung Quốc”. Ngoài ra, hai nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu xuyên biên giới.

Vấn đề “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, than, điện, năng lượng tái tạo, thiết bị năng lượng và hiệu quả năng lượng” cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 15% thương mại quốc tế của Nga vào năm ngoái. Thương mại song phương tăng 31,5% trong năm 2017 lên 87 tỉ USD. Khi thương mại phát triển, hai nước cố gắng thúc đẩy thanh toán bằng đồng rúp và nhân dân tệ, bỏ qua USD và các đồng tiền khác của phương Tây.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, cả doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Nga đều sẵn sàng chi trả bằng đồng rúp và nhân dân tệ. Điều này có thể được chứng minh bằng số liệu thực. Năm ngoái 9% các khoản thanh toán nguồn cung từ Nga đến Trung Quốc được thực hiện bằng rúp Nga. Công ty Nga chi trả tiền cho 15% số hàng nhập khẩu từ Đại lục bằng nhân dân tệ. Cách đây 3 năm, hai số liệu trên lần lượt chỉ là 2% và 9%. (Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục