tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-06-2018

  • Cập nhật : 11/06/2018

Hải quan Quảng Ninh: Tìm giải pháp phát triển kinh tế cảng biển

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩuhàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải qua cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngày 7/6/2018, Cục Hải quan Quảng Ninh và Cảng vụ Quảng Ninh đã họp bàn tìm giải pháp.

trong 5 thang dau nam 2018, so luong doanh nghiep tham gia xnk hang hoa qua cang bien cua tinh quang ninh tang 41% so voi cung ky nam 2017 (dat 286 doanh nghiep)

Trong 5 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp tham gia XNK hàng hóa qua cảng biển của tỉnh Quảng Ninh tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 286 doanh nghiệp)

Theo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng: Một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh là cảng nước sâu, có thể tiếp cận những tàu có trọng tải lớn vào giao nhận hàng hóa. Phát triển kinh tế cảng biển nằm trong những ưu tiên chiến lược của Tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua cảng biển Quảng Ninh những năm trở lại đây không ổn định và có xu hướng giảm.

“Cần tăng cường phối hợp giữa Cục Hải quan tỉnh và Cảng vụ Quảng Ninh để đánh giá đúng thực trạng hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện vận tải qua các cảng biển. Từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút hãng tàu, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển…”- Ông Khắng nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng tình hình XNK qua các cảng biển, ông Nguyễn Văn Hường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, năm 2017, số lượng doanh nghiệp có hoạt động XNK qua các cảng biển là 408 doanh nghiệp, giảm 10% so với năm 2016; kim ngạch XNK qua các cảng biển đạt 5,45 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2016; số thu nộp NSNN qua cảng biển năm 2017 đạt 10.300,3 tỷ đồng (chiếm 94,15% tổng thu NSNN do Hải quan Quảng Ninh thực hiện), giảm 17% so với năm 2016.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhờ những nỗ lực cải cách, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh nói chung, Hải quan Quảng Ninh nói riêng, số lượng doanh nghiệp tham gia XNK hàng hóa qua cảng biển của tỉnh tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 286 doanh nghiệp); Lượng phương tiện tàu thuyền XNK cũng tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 6.738 phương tiện); Kim ngạch XNK qua cảng biển Quảng Ninh đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, số thu nộp NSNN giảm 2,9% (đạt 3.085 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2017.

Số thu NSNN từ hoạt động XNK qua cảng biển có xu hướng giảm do một số nguyên nhân như: Mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tại cảng Cái Lân tăng mạnh trong các năm 2015, 2016 nhưng giảm mạnh (hầu như không phát sinh) trong năm 2017, 2018; mặt hàng máy móc, thiết bị phục vụ cho dự án tại cảng Cái Lân và Cẩm Phả giảm do các dự án Nhà máy nhiệt điện đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, đến năm 2018 cơ bản đã hoàn thành; Mặt hàng than nhập khẩu tại cảng Cẩm Phả giảm; Xăng dầu nhập khẩu qua cảng Hòn Gai năm 2018 có xu hướng giảm và sẽ giảm mạnh khi dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất đi vào hoạt động…

Trong khi đó, ngoài các mặt hàng XNK truyền thống (xăng dầu, than, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, máy móc thiết bị NK phục vụ dự án đầu tư…) thì các cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thu hút được những nhóm hàng hóa mới như hàng bách hóa, ô tô, phụ tùng linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất lắp ráp về làm thủ tục hải quan tại cảng.

Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề cần khắc phục để thu hút các hãng tàu, hàng hóa về làm thủ tục tại các cảng của tỉnh Quảng Ninh như: nguồn hàng XK để cung cấp cho hãng tàu quay vòng; giá cước vận tải, xếp dỡ, phí lai dắt; cơ sở hạ tầng tại các cảng; hoạt động logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển…

Đại diện Cảng vụ Quảng Ninh cho rằng, liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển Quảng Ninh, tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: hiện nay, đoạn luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân có độ sâu không đều, đây là điểm hạn chế trong tiếp nhận các tàu container cỡ lớn ra, vào cảng Quảng Ninh; việc xây dựng cảng biển Quảng Ninh thành đầu mối XNK hàng hóa đi các tỉnh phía Bắc cũng bị hạn chế khi dự án đường sắt từ Cái Lân đi Kép bị dừng, tuyến đường dang dở; hoạt động đại lý hàng hải yếu kém đặc biệt là dịch vụ đại lý hàng hải cho tàu khách quốc tế; hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh của các cảng biển Quảng Ninh còn hạn chế...

Để khắc phục những tồn tại trên, cần phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp cảng Cái Lân, đồng thời cần có những kênh thông tin, xúc tiến để chủ tàu và chủ hàng có thể dễ dàng tiếp cận được nhau.

Cùng với đó, cần làm việc với các hãng tàu để giảm chi phí cho doanh nghiệp gửi hàng qua 2 hãng tàu lớn (Zim, Huyndai) khi hàng hóa làm thủ tục tại cảng Cái Lân; làm việc với Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh và Công ty TNHH container quốc tế Cái Lân xem xét giảm giá các dịch vụ xếp dỡ tại cảng biển Quảng Ninh; tạm dừng không thu phí hạ tầng cảng biển tại cảng Vạn Gia….

Đồng  thời, UBND Tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp Cái Lân như sửa chữa tuyến đường nội bộ khu công nghiệp; làm lại hệ thống cống rãnh thoát nước đặc biệt tại các vị trí hay bị lụt úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng từ cầu vượt đến khu vực cảng; đầu tư bãi đỗ xe chờ làm hàng rộng rãi, thuận tiện, giao cho cảng quản lý, không thu phí để không làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong khu công nghiệp nói chung và khu vực cảng nói riêng…

Về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ về thủ tục kêu gọi nhà đầu tư lớn về tỉnh Quảng Ninh để đầu tư hoạt động và là lực hút cho các nhà đầu tư vệ tinh.

Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách thu hút và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có năng lực về nguồn tài chính để đầu tư thành lập kho ngoại quan kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh để giúp tận dụng được lợi thế các cảng biển nước sâu cũng như làm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ nguồn hàng nhập khẩu và nội địa.(TCTC)
-------------------------

Bộ Tài chính phản hồi về khung giá tính thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng

Bộ Tài chính lý giải những băn khoăn của cử tri tỉnh Yên Bái về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau, trong đó bao gồm đá hoa trắng.

 

khai thac da hoa trang tai yen bai. (anh: hung vo/vietnam+)

Khai thác đá hoa trắng tại Yên Bái. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau đã gây khó khăn về lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cụ thể, sản phẩm đá khối hiện thu 700.000 đồng/m3 so với trước đây mức thu là 250.000 đồng/m3, tăng 280%; Đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat hiện thu 42.000 đồng/m3 so với trước đây mức thu là 24.000 đồng/m3, tăng 175%. Do vậy, cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy định này cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định: Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, sau khi xin ý kiến và tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, Khung giá tính thuế tài nguyên tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính được xây đựng dựa trên: Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành; Nguồn thông tin từ tờ khai thuế tài nguyên có sẵn thể hiện trên Hồ sơ khai thuế tài nguyên do người nộp thuế kê khai; Báo cáo kế toán, tài chính của doanh nghiệp; Nguồn thông tin từ nguồn khác (các nguồn thông tin do cơ quan thuế thu thập do các cơ quan khác có liên quan cung cấp đã được kiểm chứng mức độ tin cậy). Tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC hướng dẫn khung giá tính thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng. Căn cứ Khung giá do Bộ Tài chính ban hành, đến nay, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên tại địa phương.

Bên cạnh đó, Điều 6 Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn: Sở Tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin đối với các trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên theo quy định gửi văn bản về Bộ Tài chính để làm căn cứ điều chỉnh Khung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có phát sinh các trường hợp điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Qua phản ánh từ thực tế về thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng, ngày 07/11/2017, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 5127/TCT-CS gửi Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh Yên Bái đề nghị Sở Tài chính tỉnh Yên Bái chủ trì phối hợp Cục Thuế cung cấp các thông tin có liên quan đến kiến nghị mở rộng khung giá tính thuế tài nguyên, phân chia đá hoa trắng thành các loại khác nhau, cơ sở xác định các mức giá. Ngày 15/01/2018, Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 20/UBND-TNMT của UBND tỉnh Yên Bái và ngày 08/01/2018, Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 3746/STC-QLG&CS của Sở Tài chính tỉnh Yên Bái báo cáo.

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái và Sở Tài chính tỉnh Yên Bái đối với đá hoa trắng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC.(TCTC)
----------------------

Giao dịch đất đặc khu: Không có cơ hội cho giới đầu cơ

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng sốt đất là vấn đề nghiêm trọng, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, hoạt động này giao dịch ngầm không đúng pháp luật.

Trước thực trạng thị trường đất đai tại 3 đặc khu trong tương lai Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc sốt ảo phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội, tại phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, sốt đất là vấn đề nghiêm trọng, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, hoạt động này giao dịch ngầm không đúng pháp luật. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thanh tra để đảm bảo sự công bằng cho người dân, đồng thời có biện pháp ngăn chặn giới đầu cơ mua đất trái pháp luật.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp nào để lập lạo trật tự đất ở ba đặc khu trong tương lai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, trên thực tế các cơ quan quản lý chưa đưa ra biện pháp phòng ngừa.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi đầu tư, nhà đầu tư luôn có những kỳ vọng, đương nhiên quy luật thị trường đó đều có sự thay đổi.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã biết quy luật đó nhưng trên thực tế các cơ quan đều chưa đưa ra được biện pháp phòng ngừa mà chỉ thay bằng các chỉ thị hành chính.

Đơn cử như trước đây đất tại sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có chỉ thị dừng giao dịch đất nông nghiệp, nhưng người dân vẫn dùng nhiều biện pháp để giao dịch ngầm.

Với 3 đặc khu và những địa phương có tình trạng sốt ảo khác, việc đưa ra chỉ thị là đúng đắn. Tuy nhiên, hình thức ra chỉ thị là không phù hợp với pháp luật, luật hiện nay. Nên nếu để thực hiện có tính khả thi thì phải quy định các biện pháp, đặc biệt là có cơ chế, quy chế đặc biệt.

Sắp tới, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết để có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai khu vực này, Bộ trưởng cho rằng các cơ quan Trung ương và địa phương cần phải tính toán thật kỹ Luật Sở hữu đất đai, tiên lượng được trước tình trạng sốt đất ảo như thời gian qua. Hiện nay, vấn đề nghiêm trọng nhất đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, hoạt động giao dịch này thường diễn ra ngầm, không tuân thủ pháp luật.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các cơ quan chức năng cần phải có những thông báo kịp thời nếu các giao dịch đất trái pháp luật, khi nhà nước tiến hành quy hoạch, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp để đảm bảo sự công bằng cho người dân, đồng thời nhằm mục đích cảnh báo cho giới đầu cơ không có cơ hội được đền bù.

“Ở khâu này tôi cho rằng cần thanh tra, kiểm tra, tập trung xem lại hồ sơ đất đai để quản lý được hiện trạng đất đai. Từ đó khi mà chúng ta tính toán đền bù cho người dân thì chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được công bằng, người xứng đáng được đền bù là người có đóng góp khai hoang ở khu vực đó. Còn người đầu cơ không có cơ hội nào ở trong khu vực đất đai này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.(TBKD)

Trở về

Bài cùng chuyên mục