tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-06-2018

  • Cập nhật : 11/06/2018

192 chi cục thuế sẽ được ghép thành 90 chi cục

Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 20/5/2018, 63 cục thuế đã trình Tổng cục Thuế để thẩm định trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án thành lập chi cục thuế khu vực. Theo đó, 192 chi cục thuế sẽ được ghép thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục)...

viec giam dau moi chi cuc thue, tinh gian bien che, giam chi phi hanh thu, tao dieu kien cho nguoi nop thue...

Việc giảm đầu mối chi cục thuế, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu, tạo điều kiện cho người nộp thuế...

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch triển khai chi tiết; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thành lập từ cấp Tổng cục đến 63 cục thuế tỉnh, thành phố. Đồng thời, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tại cục thuế đại diện cho các vùng, miền trong cả nước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Hướng dẫn các cục thuế xây dựng đề án thành lập chi cục thuế khu vực.

Đến ngày 20/5/2018, 63 cục thuế đã trình Tổng cục Thuế để thẩm định trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án thành lập chi cục thuế khu vực.

Theo Tổng cục Thuế, thông qua việc sắp xếp, sáp nhập để thành lập chi cục thuế khu vực sẽ giải quyết được việc giảm đầu mối chi cục thuế, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu, tạo điều kiện cho người nộp thuế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; là cơ sở sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy.

Việc sắp xếp thu gọn đầu mối chi cục thuế, đội thuế sẽ là nhân tố tác động trở lại đối với ngành Thuế, qua đó, đặt ra bài toán cho ngành Thuế là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý…

Với sự đồng thuận, tinh thần quyết tâm cao, hiện nay các địa phương đang nỗ lực thực hiện các công việc liên quan như thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và chỉ đạo xây dựng đề án của cục thuế... theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền địa phương cũng được duy trì thường xuyên và chặt chẽ nhằm triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch của Bộ Tài chính nhưng cũng để đảm bảo không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách.

Song song với việc sắp xếp các chi cục thuế, ngành Thuế cũng đề ra các giải pháp hữu hiệu để chi cục thuế khu vực đi vào hoạt động thực sự hiệu quả và từng bước tinh giản biên chế.

Có thể khẳng định, việc thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập nhằm đảm bảo việc chi cục thuế mới hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn cả về tổ chức bộ máy, kết hợp sắp xếp lại nguồn nhân lực để tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu của cơ quan Thuế; Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.(TCTC)
------------------------

Kho bạc Nhà nước: Giải thể, sáp nhập 43 phòng giao dịch

Bên cạnh việc tổ chức sáp nhập 43 phòng giao dịch, trong thời gian tới Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ và quy trình nghiệp vụ, để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc sắp xếp tinh gọn đầu mối quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động theo đúng chiến lược đã được phê duyệt.

Trên Cổng Thông tin Điện tử KBNN, ông Tạ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc KBNN cho biết, thực hiện các nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết 04 nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 về việc giải thể 43 phòng giao dịch của KBNN tỉnh.

Trên cơ sở đó, KBNN đã có văn bản gửi các KBNN tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; đồng thời, trình Bộ Tài chính ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) đề nghị các chính quyền địa phương có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị KBNN trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc tổ chức sáp nhập 43 phòng giao dịch, trong thời gian tới KBNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ và quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là về quy trình thu, chi NSNN; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý,… để từ đó, một mặt cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN; mặt khác, tạo điều kiện cho việc sắp xếp tinh gọn đầu mối quản lý và nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống KBNN theo đúng định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Tạ Anh Tuấn, việc giải thể và sáp nhập 43 phòng giao dịch KBNN có cả những thuận lợi và khó khăn nhất định đối với hệ thống KBNN.

Trước hết, việc sắp xếp lại các phòng giao dịch KBNN là phù hợp với Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; đồng thời, phù hợp với xu hướng cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong khu vực công của Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp này cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, cũng như sự quyết tâm thực hiện cải cách của cả hệ thống KBNN, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị từ trung ương đến các địa phương.

Ngoài ra, việc triển khai một loạt các đề án, dự án cải cách của hệ thống KBNN trong thời gian qua cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hệ thống KBNN trong quá trình triển khai.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc sáp nhập 43 phòng giao dịch cũng có một số tác động, ảnh hưởng nhất định đối với KBNN. Cụ thể, do việc thay đổi này liên quan đến tổ chức bộ máy, con người, nên có thể có nơi, có lúc có cán bộ phát sinh những tâm tư nhất định.

Tuy nhiên, đây là những thách thức không lớn. Đồng thời, cùng với sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống KBNN, sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và chính quyền các cấp, hệ thống KBNN chắc chắn sẽ thực hiện tốt chủ trương sắp xếp lại 43 phòng giao dịch KBNN.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, KBNN đã thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian và đã cắt giảm được 122 phòng tại KBNN cấp tỉnh, giảm trên 1.900 tổ tại KBNN cấp huyện. (Baochinhphu)
-----------------------

Yếu kém trong quản lý đất đai gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước

Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay dẫn đến tình trạng đất đai sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước…

nhung han che, yeu kem trong cong tac quan ly va su dung dat dai hien nay dan den tinh trang dat dai su dung khong dung muc dich, lang phi. nguon: internet

Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay dẫn đến tình trạng đất đai sử dụng không đúng mục đích, lãng phí. Nguồn: internet

Nhiều hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ngày 5/6/2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ tình trạng vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như: chậm đưa đất vào sản xuất, sử dụng đất sai mục đích… dẫn đến đất bị lấn chiếm, thất thoát, lãng phí.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch, quản lý đất đai thời gian qua còn yếu kém như hạn chế trong việc quản lý theo quy hoạch; Quản lý đất công chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các phường, xã và các doanh nghiệp nhà nước.

Một số tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đất đai chậm hơn thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành; Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai ở các địa phương thực hiện còn hạn chế, hầu hết là vẫn giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, tình trạng giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, dẫn đến nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí đất đai.

Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển đô thị chưa sát với giá thị trường làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong các dự án nhà ở, dịch vụ, các dự án đầu tư bằng hình thức BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục tiêu dự án theo đúng quy hoạch; Thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện; Đấu thầu công khai, đảm bảo cạnh tranh trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển đô thị nhà ở, dịch vụ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai

Phát biểu kết thúc phần chất vấn của tư lệnh ngành Tài nguyên – Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước và được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Trước những bất cập nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; Rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí để chấn chỉnh.

Đồng thời, xử  lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, trái phép sử dụng sai mục đích, giao đất không đúng thẩm quyền; Kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; Nghiên cứu đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn…(TCTC)

Trở về

Bài cùng chuyên mục