tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-06-2018

  • Cập nhật : 09/06/2018

Tổng thống Nga khẳng định Trung Quốc là đối tác thương mại số 1

Thương mại Nga - Trung Quốc đang tăng đều và có dấu hiệu tăng cao hơn trong những tháng đầu năm nay, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.

tong thong nga vladimir putin (trai) va chu tich trung quoc tap can binh trong mot cuoc gap - anh: reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp - ẢNH: REUTERS

Russia Today dẫn lời ông Putin cho hay: “Thương mại của chúng tôi trong năm qua tăng lên đến 87 tỉ USD, và bốn tháng đầu năm nay chứng kiến mức tăng bằng cả năm ngoái. Đây là tốc độ rất tốt và chúng tôi phải giữ nó, đẩy nó đi lên nhanh hơn nữa”. Ông Putin phát biểu như trên trong buổi phỏng vấn với China Media Group trước chuyến đi của ông tới Đại lục.

Tổng thống Nga đề cập mối quan tâm của các đối tác Trung Quốc đối với hoạt động trên tuyến đường biển Bắc. Trung Quốc đã là đối tác thương mại nước ngoài số một của Nga.

Nhắc đến thỏa thuận Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga dẫn dắt với Trung Quốc được ký hồi tháng trước, ông Putin cho hay: “Về bản chất, chúng tôi đang thực hiện các bước quan trọng tiến đến việc dỡ bỏ hạn chế về hợp tác kinh tế”.

Theo ông Putin, phát kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc “phù hợp nỗ lực của chúng tôi để xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu”. “Chúng tôi thấy phát kiến này hữu ích, quan trọng và đầy hứa hẹn”, Tổng thống Nga nói. Vành đai, Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy cách đây 5 năm, có triển vọng và sẽ có kết quả tốt khi kết hợp với việc thực hiện ý tưởng về EEU.

Lãnh đạo Nga cũng lưu ý các kế hoạch đầy hứa hẹn trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp cũng như kế hoạch cơ sở hạ tầng cho vận tải đường sắt. “Ý tưởng của ông Tập, theo như chúng ta có thể thấy, vẫn có tầm nhìn toàn cầu hơn vì nó ngụ ý mở rộng hợp tác với tất cả quốc gia và châu lục. Chúng tôi có ý tưởng hợp tác kinh tế Á - Âu nói chung và tôi nghĩ chúng phù hợp với nhau, có thể đem đến kết quả tốt”, ông Putin nói.

Trước đó, Tổng thống Nga cho hay nước này ủng hộ dự án của Trung Quốc và sẽ tham gia tích cực vì nó quan trọng trong sự hội nhập của không gian Á - Âu dựa trên nhiều quy tắc và tính minh bạch được công nhận chung. Ông Putin sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến 10.6, có cuộc hội đàm với ông Tập và tham gia hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải.(Thanhnien)
-----------------------

Giá lợn tăng bất thường, lợn Trung Quốc “vượt biên” vào Việt Nam

Trước tình trạng giá lợn tăng cao bất thường thời gian vừa qua, lợn Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kể cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh.

Giá lợn tăng bất thường, lợn Trung Quốc “vượt biên” vào Việt Nam

Ảnh minh họa.

Giá lợn hơi thời gian vừa qua tăng bất thường, thậm chí có nơi giá lên đến 50.000 đồng/kg. Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá lợn tăng một phần là do nguồn cung giảm trong thời gian qua. Ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017. Mức giá 50.000 đồng/kg được một số thương lái cho là mức giá khá cao và khó bền vững.

Dự báo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đưa ra cũng cho biết, giá thịt lợn trong tháng 6/2018 sẽ không tăng nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi.

Trước đây, người chăn nuôi đổ xô nuôi lợn, đặc biệt là lợn mỡ để xuất đi Trung Quốc dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá thịt lợn rớt thê thảm khiến người dân lao đao, nhưng do giá lợn hơi trong nước tăng mạnh, thương lái lại thu mua lợn Trung Quốc mang về bán tại thị trường Việt Nam.

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 6/6/2018, tại bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phát hiện xe ô tô tải mang BKS 14C–170.92 do Nguyễn Văn Quảng (Quảng Thành, Hải Hà) điều khiển, vận chuyển 5 con lợn thịt thương phẩm và 8 con lợn sữa với trọng lượng 420kg từ khu vực biên giới vào nội địa tiêu thụ.

Qua kiểm tra, Nguyễn Văn Quảng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không có giấy kiểm dịch và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số lợn nói trên.(Bizlive)
----------------------------

Ngành mía đường lao đao

Chưa bao giờ các nhà máy đường (NMĐ) rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay... ĐBSCL từ chỗ có 10 NMĐ, nhưng hiện đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được; nhiều nhà máy bán đường bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.

Đường lậu tung hoành, đường tồn kho chồng chất, các nhà máy đường đang cầu cứu Chính phủ can thiệp!

Cần cuộc “cách mạng” về giống mía

Tính đến đầu tháng 6-2018, đã có 18/37 NMĐ của cả nước kết thúc niên vụ sản xuất. Các NMĐ cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Giá mía phổ biến 850.000 đồng/tấn với chữ đường đạt 10 CSS tại ruộng. Riêng miền Bắc và Bắc Trung bộ trên 1 triệu đồng/tấn. Giá đường liên tục giảm từ đầu vụ đến nay. Đến tháng 6, giá đường tiếp tục giảm 2.000 - 2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Các nhà máy bán đường gần sát với giá đường lậu Thái Lan. Lượng đường tồn kho 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so với cách đây 2 tháng.

Một trong những điểm đặc biệt của các NMĐ trong vùng ĐBSCL mà không nơi nào có được đó là: Sông ngòi chằng chịt và thuận lợi cho việc vận chuyển mía nên từ lâu đã hình thành vùng mía nguyên liệu chung, thời gian xuống giống và thu hoạch mía của các địa phương không giống nhau, nên các NMĐ có điều kiện chia sẻ mía nguyên liệu để có thể sản xuất liên tục với khoảng thời gian kéo dài trong năm (từ 5 - 7 tháng /vụ).

Những năm gần đây, công tác chuyển đổi giống mía có chất lượng cao được nông dân tích cực thực hiện, đặc biệt là giống ROC16, năng suất mía có nơi đạt bình quân trên 100 tấn/ha với chữ đường đạt trên 11 CCS. Đặc biệt, nhiều nông dân ở Hậu Giang trồng mía với năng suất mía đạt trên 200 tấn/ha với chữ đường đạt 11 CCS.

Với hàng loạt giải pháp năng suất mía bình quân của ĐBSCL từ 50-60 tấn/ha thì giờ đã đạt 90 tấn/ha và chất lượng mía từ mức 8,0 CCS nay đã đạt mức bình quân 10 CCS. Tuy đã nâng được chất lượng cây mía lên nhưng với mức 10 CCS là vẫn còn thấp hơn so với các khu vực khác trong nước và thấp nhiều so với các nước sản xuất mía đường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO): Cần thực hiện cuộc “cách mạng” về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của ĐBSCL là nắng nhiều, đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào, để chọn ra được các giống mía có năng suất cao, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa năng suất mía bình quân ≥ 100 tấn/ha và CCS bình quân đạt ≥ 12 CCS. Các công ty đường cần phối hợp với các cấp chính quyền và nông dân trồng mía tổ chức lại giao thông nội đồng để giúp tưới tiêu, thoát nước tốt và giúp cho việc thu hoạch, vận chuyển mía được thuận lợi, từ đó giúp giảm chi phí thu hoạch - vận chuyển mía. Do chưa có máy thu hoạch phù hợp với nền đất yếu ta cần từng bước nghiên cứu chế tạo để có thể cơ giới hóa khâu làm đất, đào hộc, chăm sóc mía trong điều kiện nền đất yếu của ĐBSCL.

Đau đầu vì đường lậu thành hàng Việt Nam

Hiện các NMĐ trong nước đang đau đầu với đường buôn lậu. Theo một số NMĐ phản ánh: Từ sau khi phá thành công chuyên án tỷ đường (An Giang), tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam, mà đã có cả đường tạm nhập tái xuất…

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân tồn kho do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm ngoái. Thậm chí có xu hướng gia tăng, công khai thách thức cơ quan chức năng. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát đang có xu hướng gia tăng.

Cụ thể các NMĐ rất bức xúc về tình trạng hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (ngày 14-4-2017) về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức. Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước. Điều khó hiểu đối với các NMĐ là cơ quan có thẩm quyền tại một số địa phương cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp, tổ chức được “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng như: Về chất lượng, thường ghi đường mía Việt Nam chất lượng cao, đường luyện xuất khẩu, hàng cát và in nhãn thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; về nơi sản xuất, ngày sản xuất thường ghi tại các NMĐ Việt Nam, không ghi ngày sản xuất…

Trước vấn nạn “hợp thức hóa đường lậu thành đường Việt Nam” từ các cơ sở chế biến, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị: Cục Phòng vệ thương mại điều tra và có biện pháp phòng vệ đối với đường lòng (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác đặc biệt 334 tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng đường. Đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thực hiện các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, nhất là biên giới các tỉnh phía Nam. Các NMĐ đang mong chờ các giải pháp can thiệp để hỗ trợ ngành đường trong nước. Vì nhiều kiến nghị của họ đã phát đi từ năm ngoái nhưng đến nay chưa có phản hồi. Bản thân các NMĐ và nông dân đang nỗ lực để cải thiện các quy trình sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Nhưng nếu không có giải pháp căn cơ can thiệp hỗ trợ - nhất là ngăn chặn đường lậu và nạn “sang chiết” hợp thức hóa đường lậu, nguy cơ phải “giải cứu” 300.000ha mía, 33.000 hộ nông dân và 1,5 triệu lao động ngành mía đường là rất gần!(SGGP)
---------------------

Dư nợ nước ngoài của Việt Nam tăng đột biến 73%

Dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hàng năm chỉ được phép tăng tối đa 10%. Tuy nhiên năm 2017, mức tăng này là 73% so với 2016.

Thương vụ tỉ phú người Thái thâu tóm Công ty Sabeco thông qua Công ty Vietnam Beverage ảnh hưởng rất nhiều đến nợ công của Việt Nam năm 2017 và dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu nợ công 2018 về ngưỡng an toàn.

Thương vụ trị giá 4,8 tỉ đô la Mỹ này dã làm cho chỉ tiêu dự trữ ngoại hối nhà nước so với dư nợ nước ngoài ngắn hạn năm 2017 ở mức 235%, giảm so với 2016 do dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp tăng nhanh trong năm 2017. Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 2017, kế hoạch 2018 do Chính phủ gửi Quốc hội mới đây cho biết.

Nó cũng tác động đến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với 2016 (tăng 6,3%), vượt giới hạn cho phép dưới 25%; chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng năm 2017 tăng mạnh. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.

Chính phủ cho biết, hết năm 2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.451 triệu tỉ đồng, bằng 49% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép là dưới 50% GDP. Tuy nhiên, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả tăng nhanh. Theo đó, tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm trước đó.

Vay ngắn hạn nước ngoài đã cán mốc 21,9 tỉ đô la trong năm 2017, trong số này có 4,8 tỉ đô la Mỹ của Vietnam Beverage để thanh toán cho Bộ Công Thương trong thương vụ mua cổ phần của Sabeco. Khoản ngoại tệ này được ngân hàng Vietcombank thu xếp.

Tuy nhiên, theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018 thì hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm tối đa 10%/năm.

Hiện mức tăng ngắn hạn năm 2017 đã là 73% nên ảnh hưởng đến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài, ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo.

Do đó, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài quốc gia (không vượt ngưỡng 50% do Quốc hội phê duyệt), Thủ tướng phê duyệt hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả năm 2018 không vượt quá 5 tỉ đô la Mỹ. Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không vượt quá số dư nợ vào thời điểm hết 2017 là 5 tỉ đô la Mỹ.(TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục