tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-06-2018

  • Cập nhật : 09/06/2018

Hồ sơ nhà đất tiếp tục bị 'ngâm'

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng việc giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân thời gian qua tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM vẫn tiếp tục bị 'ngâm'.

ho so nha dat tai cac quan huyen deu bi cham tre - anh: dinh son

Hồ sơ nhà đất tại các quận huyện đều bị chậm trễ - ẢNH: ĐÌNH SƠN

H.Củ Chi là nơi có lượng hồ sơ bị “ngâm” nhiều nhất với 3.158 hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, huyện này đã chuyển lên Văn phòng đăng ký đất đai TP 3.190 hồ sơ để ký, nhưng chỉ có 32 hồ sơ đúng hạn, chiếm tỷ lệ 1%, số lượng còn lại 3.158 hồ sơ trễ hạn, chiếm 99%. Tại H.Bình Chánh còn khoảng 6.000 hồ sơ nhà đất chưa được giải quyết do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, Q.9, Hóc Môn, Q.12… cũng xảy ra tình trạng hồ sơ bị “ngâm” quá lâu khiến người dân vô cùng bức xúc.

Giải thích về nguyên nhân khiến hồ sơ nhà đất ở hầu hết các quận, huyện bị “ngâm”, chậm trễ so với quy định, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP, cho biết hiện chỉ giám đốc văn phòng được ủy quyền ký giấy chứng nhận trong khi lượng hồ sơ từ các địa phương chuyển về quá nhiều đã gây nên nhiều bất cập. Không những vậy, khi ký xong, văn phòng phải mất thêm thời gian chuyển hồ sơ về Sở TN-MT TP đóng dấu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho rằng có sự phân cấp và ủy quyền tiếp cho giám đốc các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được ký giấy thì mới giải quyết phần nào sự ách tắc hiện nay. Hiện Bộ TN-MT đã chấp thuận cho Sở được ủy quyền cho giám đốc các chi nhánh ký giấy, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do Sở đang chuẩn bị hoàn thiện quy trình thủ tục. Dự kiến trong tháng 6 này sẽ triển khai việc ủy quyền cho giám đốc các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được ký cấp giấy.(Thanhnien)
-------------------

Nhập phế liệu chứa tạp chất vượt ngưỡng, công ty con Thép Pomina bị phạt 4,8 tỷ đồng

Trong đó, CTCP Thép Pomina 2 chịu án phạt 3,4 tỷ đồng và Nhà máy luyện phôi thép, chi nhánh CTCP thép Pomina (Pomina 3) bị phạt 1,4 tỷ đồng.

Nhập phế liệu chứa tạp chất vượt ngưỡng, công ty con Thép Pomina bị phạt 4,8 tỷ đồng

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với công ty con và nhà máy của CTCP Thép Pomina (mã POM).

Cụ thể, UBND tỉnh đã phạt 3,4 tỷ đồng với CTCP Thép Pomina 2 do có 17 hành vi nhập khẩu phế liệu chứa tạp chất đi kèm phế liệu vượt quá tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Cũng với lỗi này, UBND tỉnh đã phạt 1,4 tỷ đồng với Nhà máy luyện phôi thép, chi nhánh CTCP thép Pomina (Pomina 3).

Ngoài ra, 2 đơn vị này còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong 09 tháng.

Tuy nhiên, do giấy phép cũ của doanh nghiệp đã hết hạn và chưa được cấp mới nên không thể áp dụng hình thức phạt bổ sung trên.

Được biết, Pomina hiện có hai chi nhánh là nhà máy luyện phôi thép và nhà máy thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp có một công ty con duy nhất là CTCP Thép Pomina 2 với tỷ lệ sở hữu 99,5%.

Kết thúc quý I/2018, Pomina ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 209 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 2,3% so với cùng kỳ 2017.(Bizlive)
---------------------------

WB cảnh báo thuế quan đưa thế giới về lại khủng hoảng 2008

Việc tăng tốc và phạm vi đánh thuế quan giữa các nước có thể đưa kinh tế thế giới về lại khủng hoảng năm 2008 xét về mặt mức độ thương mại toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.

Đậu nành nhập khẩu tại Trung Quốc /// Ảnh: Reuters

Đậu nành nhập khẩu tại Trung Quốc - ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, WB đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất được công bố hôm 5.6. Tổ chức tài chính đa quốc gia này đưa ra dự báo bi quan cho cả thị trường mới nổi lẫn thị trường phát triển trong trường hợp các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục lên cao.

“Sự gia tăng rộng rãi về thuế quan áp trên toàn thế giới có thể để lại nhiều hậu quả bất lợi lớn cho thương mại và hoạt động toàn cầu. Việc leo thang thuế quan có thể khiến dòng chảy thương mại toàn cầu suy giảm đến 9%, tương tự như mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009”, báo cáo viết.

Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai thuế quan thương mại trả đũa Mỹ, đáp trả tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước rằng các nền kinh tế trên không bị miễn trừ khỏi thuế thép, nhôm mà Mỹ áp lên các nước với lý do an ninh quốc gia.

Ngoài ra, còn một loạt lời đe dọa Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau, bắt nguồn từ cáo buộc hoạt động giao dịch “thiếu công bằng” và thặng dư thương mại lớn của Nhà Trắng dành cho Bắc Kinh. Hai nước đang đàm phán liên tục nhằm tránh hoặc giảm thuế quan.

Lúc này, các cuộc đàm phán để đại tu Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng thất bại trong việc đưa ra nhiều thỏa thuận toàn diện, khiến NAFTA - hiệp định giúp thương mại dễ dàng giữa ba nước Mỹ, Canada và Mexico trong 24 năm qua - cũng bị đe dọa.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp chủ nghĩa bảo hộ dâng cao là các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. WB cho hay các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm sẽ là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong khi đó, bất kỳ trở ngại nào trong hoạt động thương mại ở Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, “cũng sẽ gây tác động tiêu cực lan tỏa đến phần còn lại của thế giới thông qua thương mại, tài chính, niềm tin nhà đầu tư và các kênh thị trường hàng hóa”, WB viết. Xu hướng tự do hóa thương mại đã và đang chậm lại trong một thời gian, với số lượng các thỏa thuận thương mại mới chạm mức thấp nhất trong 18 năm vào năm 2017.

Cảnh báo của WB lặp lại dự báo của hãng S&P Ratings và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hai bên dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại đến 1% nếu thuế quan thương mại mở rộng. Các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế đồng thuận trong việc cảnh báo hậu quả của các trở ngại thương mại.

Một số nhà phân tích thị trường đã dự báo sự khởi đầu của một cuộc suy thoái xảy đến trong hai năm tới, với nợ chồng chất, lãi suất tăng cao, các yếu tố chu kỳ và căng thẳng thương mại gia tăng là những mối lo ngại lớn. Một số nhà kinh tế khác thì duy trì quan điểm cho rằng thế giới không hướng đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, và cho rằng mối lo ngại đang bị thổi phồng.(Thanhnien)
-----------------------

Người nước ngoài bắt đầu vào Nhật ồ ạt từ khi nào?

Người Nhật nổi tiếng với quan điểm khắc nghiệt về vấn đề nhập cư, thế nhưng cuối cùng họ cũng đã phải chấp nhận mở cửa nếu không muốn nhiều ngành kinh tế tê liệt.

6h30 phút sáng khi mà phần lớn người dân vùng Koto của thủ đô Tokyo, Nhật vẫn chỉ vừa thức giấc, Dang Ngoc Hoang và 4 đồng nghiệp người Việt Nam đã đến công trường xây dựng. Cùng với các đồng nghiệp người Nhật, trong ngày hôm nay, họ sẽ cùng vận chuyển nhiều vật liệu nặng, đồng thời đổ bê tông móng tòa nhà 7 tầng.

Công việc không hề dễ dàng, thế nhưng chàng thanh niên 22 tuổi này coi những gì đang làm là để đặt nền móng cho tương lai sau này khi anh muốn đi làm công ty ở Nhật, nơi anh đã sống trong 2 năm vừa qua.

Bằng giọng tiếng Nhật trôi chảy, Hoang giải thích: “Tôi đã lựa chọn ngành xây dựng bởi ngành cần phải giao tiếp nhiều và giúp tôi cải thiện được tiếng Nhật”. Hoàng muốn sau này sẽ trở thành biên dịch ở Nhật và rằng người vợ tương lai một ngày nào đó sẽ có thể đoàn tụ với anh trên đất Nhật. 

Người chủ của Hoang, anh Yasutake Maeda thuộc công ty Saiseki Katawaku Kogyo, nhận xét những tu nghiệp sinh như Hoang đã trở thành một phần không thể thiếu trong công ty 32 nhân viên của anh: “Người nước ngoài học nhanh hơn người Nhật. Họ nghiêm túc, chăm chỉ hơn và ít nghỉ hơn. Họ thích học và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền. Giờ đây, it người trẻ Nhật có ngần đó đức tính”.

Ở Nhật giờ đây người ta chứng kiến ngày một nhiều người công nhân xây dựng như Hoang. Trong một xã hội đang già hóa nhanh chóng, ngành xây dựng đang tuyệt vọng cần lao động. Hiện tại khoảng 1/3 lực lượng lao động ngành xây dựng đã trên 55 tuổi hoặc già hơn. 

Trong ngành xây dựng, số người làm việc dưới 29 tuổi chỉ khoảng 11%. Khi mà những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em về hưu, tình trạng thiếu hụt lao động, trong ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung, sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Sau 2 năm nữa, Nhật sẽ chính thức đăng cai Olympic 2020 và Hoang là một trong số 274 nghìn tu nghiệp sinh đến Nhật theo chương trình đào tạo nghề của chính phủ Nhật, chương trình này đã trở thành một kênh đưa người lao động trình độ tay nghề thấp mà lẽ ra theo luật sẽ không được phép. 

Được triển khai từ năm 1993, chương trình đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, chính vì vậy trong thập kỷ qua, số người lao động nước ngoài tại Nhật đã tăng gần gấp 4 lần.

Khi mà số lượng người lao động đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines vào Nhật tăng chóng mặt, có thể thấy một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra tại Nhật nếu nói đến chính sách tiếp nhận người lao động. 

Dù tổng số người lao động nước ngoài tại Nhật còn nhỏ so với khoảng hơn 3 triệu người lao động nước ngoài tại Anh và Đức, mức tăng trưởng đang lên cao - điều này đánh dấu sự chuyển mình ấn tượng đối với một đất nước bao lâu nay vốn luôn có quan điểm không chấp nhận nhập cư.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục