tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-06-2018

  • Cập nhật : 10/06/2018

Giá thép tiếp tục tăng

Một số doanh nghiệp thép tại TP.HCM cho biết từ ngày 11.6 giá bán lẻ các loại thép xây dựng sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tấn.

Như vậy giá thép các loại sau thuế giá trị gia tăng giao tại nhà máy của Pomina, Vina Kyoeil… sẽ lên gần 16,9 triệu đồng/tấn. Trước đó, giá thép cũng gia tăng ở mức tương tự vào cuối tháng 5 vừa qua. Sau đợt tăng này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở khu vực TP.HCM và các vùng lân cận sẽ áp sát mức 18 triệu đồng/tấn. Lý do tăng giá được các nhà sản xuất cho biết vì giá nguyên vật liệu thế giới vẫn tiếp tục đi lên buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán ra. Hiện phế liệu thép nhập khẩu về VN có giá 355 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với trước hay giá phôi thép hiện khoảng 570 USD/tấn, cao hơn 30 - 40 USD/tấn.(Thanhnien)
-----------------------

NHNN sẽ siết nhân sự cấp cao ở các ngân hàng không tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD.

Theo đó, trước ngày 30/06/2019, tổ chức tín dụng khác phối hợp với cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Sau thời hạn chuyển tiếp đối với các trường hợpchưa tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), NHNN áp dụng các biện pháp đối với tổ chức tín dụng có cổ đông lớn và tổ chức tín dụng khác có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn như sau:

- Không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng.

- Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định; các biện pháp xử lý khác.(CafeF)
---------------------

Thịt heo trở thành 'vũ khí' trong cuộc chiến thương mại

Khoảng hơn 14% trong tổng số 140 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ hàng năm có thể bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc và Mexico, một nhà đàm phám thương mại Mỹ cho hay.

thit heo tro thanh "vu khi" trong cuoc chien thuong mai

Thịt heo trở thành "vũ khí" trong cuộc chiến thương mại

Thứ Ba (5/6), Mexico tuyên bố áp lệnh thuế lên nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong đó có thịt heo, rượu nặng. Động thái này nhằm đáp trả lệnh thuế thép và nhôm của Mỹ.

Các bang có tỷ lệ nông dân ủng hộ tổng thống Donald Trump nhiều nhất trong kỳ bầu cử cuối năm 2016 như Iowa và Kansas có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh trả đũa.

Mexico là thị trường nhập khẩu thịt heo lớn nhất của Mỹ. Năm ngoái, khoảng 25% lượng thịt heo xuất khẩu của Mỹ đã đến Mexico. Tuy nhiên, đây lại là mặt hàng nằm trong tầm ngắm trả đũa của Mexico trước lệnh thuế nhôm và thép của tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc, thị trường nhập khẩu thị heo lớn thứ hai của Mỹ, cũng áp lệnh thuế lên mặt hàng này và một số nông sản khác của Mỹ.

Ông Gregg Doud, trưởng nhóm đàm phán nông nghiệp của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nhận định “Thẳng thắn mà nói, thịt heo đang trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc chiến thương mại này”.

Bên cạnh đó, khoảng 46% sản phẩm rượu mạnh xuất khẩu của Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ thua thiệt vì các biện pháp trả đũa.

Theo ước tính, lượng rượu mạnh xuất khẩu trị giá 759 triệu USD của nước này sẽ là mục tiêu đánh thuế của các đối tác thương mại chủ chốt - điều sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất, người nông dân và các ngành công nghiệp liên quan.

Trước đó, ông Trump đe dọa áp mức thuế lên tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc như một lệnh trừng phạt nước này việc vi phạm luật bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Năm ngoái, ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này được đề xướng bởi Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ thịt bò hàng đầu của Mỹ. Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp thịt nhập khẩu từ châu Âu cạnh tranh hơn.

“Tôi cảm thấy quan ngại tình hình thương mại với Nhật Bản”, ông Doud nói.

Nhằm tăng cường thương mại, Mỹ kỳ vọng sẽ duy trì các cuộc đàm phán với Anh sau khi nước này rút khỏi EU. Thỏa thuận hồi tháng 4 đã giúp thịt heo Mỹ lần đầu tiên có mặt tại thị trường Argentina.

Ty Rosburg, một lái buôn heo giống tại bang Iowa cho biết ông lo ngại rằng căng thẳng thương mại có thể làm tổn hại đến nông dân và khách hàng của ông. Mặc dù vậy, ông vẫn kỳ vọng các quan chức Mỹ sẽ cố gắng cải thiện tình hình thương mại.

“Tôi cho rằng xét về khía cạnh đó, họ [giới chức] đang nỗ lực tìm ra giải pháp tốt nhất thay vì khiến tình hình thêm tồi tệ”, ông nói. (KT&TD)
--------------------------

Bayer hoàn tất thương vụ sáp nhập lớn bậc nhất lịch sử ngành nông nghiệp

Ngày 7.6 tại Leverkusen (Đức) tập đoàn Bayer đã thực hiện thành công giao dịch mua lại Monsanto. Đây cũng là thương vụ mua bán và sáp nhập lớn nhất lịch sử của tập đoàn này.

Bayer hoàn tất thương vụ sáp nhập lớn bậc nhất lịch sử ngành nông nghiệp

Bayer là chủ sở hữu duy nhất của Công ty Monsanto

Theo thông tin từ Tập đoàn Bayer, thương vụ giao dịch thành công, cổ phiếu của Monsanto sẽ không còn được giao dịch trên Sàn chứng khoán New York. Và Bayer là chủ sở hữu duy nhất của Công ty Monsanto. Các cổ đông của công ty này đã được chi trả 128 USD/cổ phiếu. J.P. Morgan hỗ trợ Bayer trong việc thanh toán giao dịch sáp nhập này. Theo quyết định phê duyệt có điều kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, việc sáp nhập Monsanto vào Bayer có thể được thực hiện ngay khi Bayer hoàn thành việc chuyển nhượng một số tài sản cho BASF. Dự kiến, việc sáp nhập này sẽ mất khoảng 2 tháng.

“Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt đối với khách hàng của chúng tôi, những nông dân trên toàn thế giới mà chúng tôi có thể giúp đảm bảo và cải thiện vụ mùa hiệu quả hơn nhiều; đối với các cổ đông của chúng tôi, bởi giao dịch này có thể tạo ra giá trị tương đối lớn; và đối với khách hàng hay nói rộng ra là đối với toàn xã hội, bởi chúng tôi sẽ có cơ sở tốt hơn để giúp nông dân trên toàn thế giới sản xuất nhiều thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe, an toàn, bền vững hơn với giá cả phải chăng” Werner Baumann, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bayer phấn khởi phát biểu.

“Trước đó, Bayer công bố ý định mua lại Monsanto vào tháng 5.2016. Theo dự tính, giao dịch này sẽ tạo ra các giá trị đáng kể vào thu nhập chính trên mỗi cổ phiếu bắt đầu từ năm 2019. Từ năm 2021 trở đi, đóng góp này được dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức hai con số. Hơn nữa, Bayer mong đợi giao dịch này sẽ góp phần giảm chi phí hoạt động qua đó góp phần tăng thu nhập trước thuế hàng năm là 1,2 tỉ USD kể từ năm 2022”, đại diện tập đoàn Bayer cho biết thêm.

Về phía Monsanto, Hugh Grant, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Monsanto cho biết: “Tôi tự hào về con đường chúng tôi đã đi qua với Monsanto và mong muốn công ty sáp nhập sẽ phát triển ngành nông nghiệp hiện đại hơn nữa”.

Hướng tới xây dựng công ty hàng đầu trong nông nghiệp

Bayer hoàn tất thương vụ sáp nhập lớn bậc nhất lịch sử ngành nông nghiệp  - ảnh 1

Cũng theo ông Hugh Grant nhìn nhận: “Giao dịch hoàn thành ngày hôm nay là cột mốc quan trọng hướng tới tầm nhìn xây dựng một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả và bền vững hơn vì quyền lợi của hành tinh xanh và khách hàng thân yêu của chúng tôi”. Theo thông tin từ Tập đoàn Bayer, Liam Condon, thành viên của Hội đồng Quản trị của tập đoàn này sẽ dẫn dắt Bộ phận Khoa học Cây trồng sáp nhập khi quá trình này được bắt đầu. Từ nay đến thời điểm đó, Monsanto vẫn sẽ hoạt động độc lập với Bayer.

“Sáng tạo là yếu tố quan trọng để sản xuất các loại thực phẩm an toàn, dinh dưỡng với giá cả phải chăng để cung cấp cho dân số toàn cầu đang gia tăng một cách bền vững hơn. Việc sáp nhập của hai công ty sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi đưa ra các sáng tạo nhanh hơn và cung cấp các giải pháp phù hợp cho các nhu cầu khác nhau của nông dân trên toàn thế giới”, ông Liam Condon nhấn mạnh.

Theo ông Werner Baumann, Bayer trong vai trò là động cơ cải tiến hàng đầu trong ngành nông nghiệp sẽ tạo việc làm và trao cơ hội phát triển hấp dẫn cho các nhân viên trên toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh định hướng về phát triển bền vững: “Mục tiêu phát triển bền vững cũng quan trọng như các mục tiêu tài chính của chúng tôi. Chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao trách nhiệm cần có của một công ty dẫn đầu trong ngành nông nghiệp đồng thời tăng cường đối thoại sâu hơn với xã hội”, ông Werner Baumann chia sẻ.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục