tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thể hiện trí tuệ cảm xúc khi phỏng vấn như thế nào?

  • Cập nhật : 15/11/2021

Ngày nay, bên cạnh chỉ số thông minh IQ thì EQ hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc giúp bạn thăng tiến và thành công trong công việc. Trong quá trình tuyển dụng, các công ty luôn chú ý quan sát và tìm kiếm những ứng viên có trí tuệ cảm xúc cao.

Nhưng làm thế nào để thể hiện bản thân là người có trí tuệ cảm xúc cao trong buổi phỏng vấn tuyển việc làm nhanh? Dưới đây là một số gợi ý để bạn tham khảo, hy vọng sẽ hữu ích với bạn.

 

Thể hiện sự chủ động trong giao tiếp

Trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ không tránh được cảm xúc căng thẳng, lo lắng, hồi hồi. Nhưng không phải vì thế mà bạn rụt rè và bị động trong quá trình giao tiếp. Cũng không phải vì quá căng thẳng mà bạn gồng mình để trở thành một người khác.

Thay vào đó, bạn hãy thể hiện sự chủ động, sự cởi mở trong giao tiếp với nhà tuyển dụng. Đó vừa là cách để bạn phá vỡ không khí căng thẳng, vừa giúp bạn kiểm soát được cảm xúc cá nhân. Khi tự tin và làm chủ cảm xúc, bạn sẽ có được sự thiện cảm, sự gắn kết cần thiết với nhà tuyển dụng, từ đó có được sự thuận lợi nhất định trong suốt buổi phỏng vấn.

Lắng nghe tích cực

Buổi phỏng vấn không đơn giản là hỏi và trả lời. Bạn đừng quá tập trung vào việc tìm ra đáp án của câu hỏi. Bởi có thể, nhà tuyển dụng đặt câu hỏi nhưng lại không quan tâm quá nhiều tới câu trả lời, mà họ thực sự muốn quan sát cách bạn phản ứng.

Để hiểu được mong muốn nhà tuyển dụng, bạn phải thực sự lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là lời nói mà bạn cần quan sát cả ngôn ngữ hình thể, cảm xúc. Chỉ có như thế bạn mới hiểu được cảm xúc thật sự của họ và tất nhiên, nhà tuyển dụng đánh giá cao khả năng bạn hiểu cảm xúc và mong muốn của người khác.

Hiểu rõ năng lực của bản thân

Ai cũng có hành trình phát triển bản thân. Quan trọng không phải xuất phát điểm của bạn mà là quá trình bạn đã nỗ lực và hoàn thiện bản thân như thế nào, bạn hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân ra sao. Bởi vậy, khi trình bày kinh nghiệm hay kỹ năng bản thân, bạn hãy trung thực.

Bạn có thể kể về điểm yếu của mình và bạn đang cố gắng sửa chữa, thay đổi nó ra sao. Bạn có thể kể về một sai lầm đã gây ảnh hưởng đến kết quả công việc và sau đó là cách bạn xử lý cũng như nỗ lực để không phạm phải sai lầm tương tự. 

Không đổ lỗi cho người khác, cũng không giấu sai lầm của mình, ứng biến linh hoạt để xử lý tình huống, điều này sẽ giúp bạn được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Vì vậy việc của bạn khi được hỏi về hạn chế hay những sai lầm là thẳng thắn và trung thực đồng thời thể hiện sự nỗ lực trong hình trình hoàn thiện các kỹ năng.

 

Hòa đồng và có khả năng thích nghi nhanh

Một ứng viên sở hữu trí tuệ cảm xúc cao không chỉ là người xuất sắc trong giao tiếp, thấu hiểu người khác mà còn là người biết cách tạo động lực cho đồng đội và ứng xử hợp tình hợp lý trong mối quan hệ công sở. Đó cũng là người luôn công nhận vai trò, sự hỗ trợ của đồng đội khi đạt được thành quả.

Hòa đồng và có khả năng thích nghi nhanh chóng với mọi hoàn cảnh, đội nhóm là điểm mạnh chứng tỏ bạn là người có trí tuệ cảm xúc cao. Vì thế khi được hỏi về kỹ năng làm việc nhóm hay mối quan hệ công sở, đừng ngại ngần chia sẻ quan điểm cũng như khả năng của bạn.

Thể hiện sự quan tâm tới giá trị và văn hóa công ty

Ngày nay, các công ty đặc biệt coi trọng việc xây dựng văn hóa. Nhân sự gắn bó với công ty không chỉ là thu nhập, là vị trí công việc mà còn là giá trị văn hóa của công ty đó. 

Trong buổi phỏng vấn, bạn nên thể hiện sự quan tâm tới giá trị văn hóa công ty. Có thể là đặt câu hỏi trực tiếp về nội dung này, cũng có thể quan sát không gian công ty và khéo léo đưa ra câu hỏi phù hợp như lịch sử công ty, thành tích công ty, các hoạt động văn hóa…

Điều này cho thấy, ngoài công việc, thu nhập, bạn còn quan tâm tới các yếu tố khác như sự phù hợp, văn hóa… Đây là những giá trị giúp cho sự gắn kết của một nhân viên với công ty trở nên lâu dài, bền vững và sâu sắc hơn. Điều này cũng giúp chính bạn và nhà tuyển dụng đưa ra quyết định chính xác và phù hợp nhất.

Một buổi phỏng vấn ngắn ngủi với khoảng thời gian hạn chế rất khó để bạn thể hiện được trí tuệ cảm xúc trước nhà phỏng vấn. Tuy nhiên chỉ 1-2 câu hỏi nhà tuyển dụng đã có thể nhận biết được chỉ số EQ của bạn ở mức nào nên bạn đừng chủ quan. Hi vọng với một số cách gợi ý trên, bạn sẽ luôn tự tin, chủ động thể hiện tốt chỉ số trí tuệ cảm xúc để không chỉ thành công trong buổi phỏng vấn mà còn trong công việc và cuộc sống.

 

 Nguyễn Lý

Trở về

Bài cùng chuyên mục