tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tự do hóa thương mại trong nông nghiệp: Khi "luật chơi" rõ ràng

  • Cập nhật : 04/09/2015

(Tin kinh te)

Khi hội nhập, Việt Nam sẽ được lợi thế mặt này thì cũng phải nhường lại lợi thế khác, đó là “luật chơi” rõ ràng. Vì vậy, khi mở cửa, Việt Nam cần phải có rào cản bằng kỹ thuật, đồng thời doanh nghiệp cũng phải công bố chất lượng sản phẩm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo hộ sản xuất trong nước.

Sự việc đùi gà Mỹ khi về Việt Nam vừa qua chỉ có giá 20.000 đồng/kg đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về nguồn gốc, sự minh bạch cũng như mức đảm bảo an toàn vệ sinh của sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khi hội nhập, Việt Nam sẽ được lợi thế mặt này thì cũng phải nhường lại lợi thế khác, đó là “luật chơi” rõ ràng. Vì vậy, khi mở cửa, Việt Nam cần phải có rào cản bằng kỹ thuật, đồng thời doanh nghiệp cũng phải công bố chất lượng sản phẩm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo hộ sản xuất trong nước.
 

tu do hoa thuong mai trong nong nghiep: khi "luat choi" ro rang

Tự do hóa thương mại trong nông nghiệp: Khi "luật chơi" rõ ràng

Hiện nay, không chỉ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mà các Hiệp định tự do thương mại khác đều có xu hướng tiến tới cắt giảm hoàn toàn thuế quan.

Các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa. Nhưng trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp được các chuyên gia cho rằng còn rất hạn chế.

Tự do hóa thương mại cũng sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan và một phần phi thuế quan, từ đó dẫn tới thay đổi trong dòng thương mại giữa các quốc gia. Dòng thương mại sẽ có xu hướng chuyển dịch từ những nước có mức giảm thuế quan ít sang nước có mức giảm lớn hơn.

Xét trong ngành chăn nuôi, người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi. Trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào như thịt bò từ Australia, thịt gà, thịt lợn từ Mỹ.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế-Đại học quốc gia Hà Nội, các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình.

Tuy nhiên, trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn rất hạn chế. Biện pháp này chưa được Việt Nam áp dụng chặt chẽ, trong khi một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật do một số nước đặt ra đã bị trả về.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cho biết, nếu nói về sản phẩm có nguồn gốc thực vật, về cơ bản Việt Nam đã có các biện pháp quản lý ngang bằng và tương đồng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo quy định, việc kiểm soát hàng nhập khẩu tại các cửa khẩu trách nhiệm chính thuộc Cục Thú y (đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật) và Cục Bảo vệ thực vật (sản phẩm có nguồn gốc thực vật). Nhưng tại khâu kiểm soát này, nếu năng lực kiểm soát của Việt Nam chưa theo kịp với quốc tế do trang thiết bị kỹ thuật, hay đội ngũ quản lý được bố trí tại các cửa khẩu chưa đáp ứng yêu cầu thì đây cũng là thách thức đối với Việt Nam.

Ông Phùng Hữu Hào cho rằng, xét về an toàn thực phẩm, khi hàng hóa về đến cửa khẩu sẽ được kiểm tra, kiểm soát và chỉ ra những cái không tuân thủ của sản phẩm như có những vi sinh vật gây bệnh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép hoặc có những tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản phẩm và vượt ngưỡng quy định tối đa cho phép…

Khi phát hiện ra những sai phạm, Việt Nam mới có đủ căn cứ để tăng tần suất kiểm tra, áp dụng biện pháp mạnh hơn như dừng nhập khẩu.

Nhưng trong thực tế, có nhà xuất khẩu đã dùng clorin - nước sát khuẩn với nồng độ cho phép trước khi đưa vào bảo quản. Nếu kiểm tra và phát hiện ra chất bảo quản, chất xử lý sát khuẩn mặc dù có trong danh mục được phép sử dụng nhưng nếu vượt ngưỡng cho phép sẽ là lý do để cảnh báo cho cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực kiểm dịch thực vật nhập khẩu, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc lấy mẫu kiểm tra đều được đánh giá dựa trên nguy cơ mất an toàn thực phẩm và có sự phân loại, đánh giá các chỉ tiêu. Việc kiểm tra, đánh giá này để chứng minh những gì nước xuất khẩu đã cam kết với Việt Nam có được bảo đảm hay không.

Về rào cản kỹ thuật liên quan đến hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam, theo ông Phùng Hữu Hào, các rào cản kỹ thuật đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh, cơ bản phù hợp với quy định Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex nhưng để làm tốt các quy định đã có thì phụ thuộc vào năng lực của cơ quan thực thi.

Hiện nay, các trang thiết bị để kiểm tra các mặt hàng có nguồn gốc từ thực vật cơ bản đáp ứng đầy đủ. Các trang thiết bị đòi hỏi phát hiện nhanh, đặc biệt là chuyển hình ảnh về các trung tâm chuẩn đoán, giám định vừa giúp giải phóng hàng hóa nhanh và bảo đảm chính xác vẫn còn thiếu. Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị được tăng cường các trang thiết bị phát hiện nhanh tại các cửa khẩu.

Bên cạnh việc cần làm tốt công tác kiểm tra sản phẩm, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần minh bạch thông tin thị trường và các gian lận thương mại. Khả năng người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng có chất lượng với hàng giả, hàng kém chất lượng còn khó khăn do thông tin về doanh nghiệp và trên nhãn mác sản phẩm còn không đầy đủ.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, đồng thời hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật khi xuất sang các nước.

Ngoài ra, cần nhanh chóng có quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như ngày sản xuất, vùng nuôi trồng, trang trại…. qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Quy chuẩn truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp kiểm soát, quản lý quá trình sản xuất và hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn phát sinh.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục