tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Biến động tỷ giá cản trở thị trường phát điện cạnh tranh

  • Cập nhật : 29/08/2015

(Tin kinh te)

Việc đàm phán giá chính thức cho nhà máy điện kéo dài hơn 5 năm nhưng vẫn chưa kết thúc. Nhà máy kí hợp đồng cho giai đoạn vận hành thương mại từ tháng 1/2009 nhưng từ đó đến nay vẫn thanh toán bằng giá tạm tính, chưa đàm phán xong giá chính thức.

Sau ba năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nguồn cung điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, các đơn vị phát điện vẫn gặp khó khăn với quy định của thị trường, cũng như việc tính giá phát điện. 

bien dong ty gia can tro thi truong phat dien canh tranh

Biến động tỷ giá cản trở thị trường phát điện cạnh tranh

 

Bên lề Hội nghị tổng kết Thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn từ 1/7/2014 đến 30/6/2015 diễn ra ngày 26/8,  Vinanet đã ghi lại các ý kiến của các đơn vị phát điện đã đi đầu trong việc tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

 

Thủy điện Geruco - Sông Côn ngại rủi ro tiền tệ và thời tiết

Bà Trần Thị Oanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Geruco - Sông Côn cho rằng, mục tiêu vận hành thị trường điện là tạo chi phí thấp nhất và làm thế nào để phân bổ thị phần các nhà máy để tạo ra giá thành nhỏ nhất. Thực tế, thành phần hưởng lợi nhất từ thị trường phát điện cạnh tranh không phải EVN hay các nhà phát điện, mà đó là cộng đồng.

"Tuy nhiên, với hạ tầng cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, vẫn có một số vấn đề khó khăn cho việc vận hành thị trường phát điện. Trong thời điểm hiện tại, việc xây dựng các khung giá cũng mang tính tương đối"- Bà Oanh chia sẻ.

Theo vị này, thực tế giá công suất (giá CAN) bị ảnh hưởng nhiều từ nền kinh tế vĩ mô. Ví dụ năm nay, tỷ giá tăng đến 3% ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của cộng đồng. Hơn nữa, khi một thành phần giá tăng, không có nghĩa giá điện bán lẻ tăng. 

Vì giá điện bán lẻ phụ thuộc bằng nhiều yếu tố. Nếu như giá điện được tính đúng và đủ, thì thì sẽ tác động tích cực cho đơn vị phát điện cũng như các nhà đầu tư. Và khi cân bằng giữa cung và cầu tốt, giá điện tự nhiên sẽ bình ổn, an ninh thị trường cũng tốt. 

 

 


PV Power "vướng" ở quy định thị trường

 

Ông Lê Trung Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power) cho biết, PV Power cũng là một trong Tổng Công ty phát điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh ngay từ những ngày đầu tiên. Việc tham gia thị trường của các nhà máy thuộc PV Power ngoài những thuận lợi thì doanh nghiệp này cũng gặp một số khó khăn vướng mắc liên quan đến các quy định của thị trường hoặc các điều kiện khách quan khác.

Ông Dũng cho hay, sản lượng hợp đồng năm (Qc) được phân bổ cho các nhà máy nhiệt điện tương đương 90% sản lượng phát bình quân nhiều năm của các nhà máy trong hợp đồng mua bán điện (theo quy định, tỉ lệ này có thể cho phép giảm tới 81% trong điều kiện hiện nay). 

Điều này có nghĩa rằng nhà máy chỉ được đảm bảo thu hồi 90% chi phí cố định thông qua giá hợp đồng, 10% chi phí cố định còn lại nhà máy cần phải thu hồi trên thị trường thông qua phần sản lượng bán trên thị trường (sản lượng phát ngoài hợp đồng).

Tuy nhiên do giá thị trường thông thường thấp hơn giá hợp đồng của các nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 nên phần doanh thu trên thị trường của phần sản lượng phát ngoài hợp đồng sẽ không đủ thu hồi chi phí cố định cho nhà máy.

Ngoài ra, giá khí đối với hai nhà máy này cao hơn giá khí cho các nhà máy trong cùng khu vực. Thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay hoạt động theo mô hình thị trường điện tập trung chào giá theo chi phí biến đổi. 

Do giá khí áp cho nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 cao hơn so với giá khí các nhà máy điện khác trong cùng hệ thống cấp khí Nam Côn Sơn đến hơn 35%. Trong khi chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng chủ yếu trong chi phí biến đổi (hơn 90%) khiến giá chào của hai nhà máy này cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. 

"Thực tế, từ tháng 9/2013, nhà máy phải sử dụng nguồn khí Hải Thạch – Mộc tinh với giá cao hơn nhiều giá khí cũ (>6,54 USD/tr.BTU) cũng như giá khí thay đổi thường xuyên khi áp dụng theo giá dầu FO thế giới thì việc cạnh tranh ngày càng khó khăn hơn.

Tính đến hiện nay, việc đàm phán giá chính thức cho nhà máy điện Nhơn Trạch 1 đã kéo dài hơn 5 năm nhưng vẫn chưa kết thúc. Cụ thể, Nhà máy kí hợp đồng cho giai đoạn vận hành thương mại từ tháng 1/2009 nhưng từ đó đến nay vẫn thanh toán bằng giá tạm tính, chưa đàm phán xong giá chính thức. 

"Lý do chậm trễ này xuất phát từ vướng mắc trong quá trình đàm phán như trải qua nhiều giai đoạn hiệu lực của các thông tư, quy định liên quan đến tính giá điện nên các bên gặp lúng túng", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, quan điểm của PV Power là chỉ đàm phán lại các thông số tạm tính nhưng trong quá trình đàm phán, các bên phải đàm phán lại nhiều nội dung trước đây đã thống nhất như lãi suất, mức đầu tư, khấu hao,…điều này mất nhiều thời gian và công sức cho các bên. 

Từ đó ảnh hưởng đến công tác ghi nhận doanh thu, nộp thuế TNDN, quản lý chi phí,…gây ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Từ đó, PV Power kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét sớm hòa giá khí để giảm sức ép về giá thành cao cho các nhà máy điện của PVN. Đồng thời, đề nghị EVN chỉ đạo Công ty mua bán điện thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình đàm phán giá điện cho nhà máy điện Nhơn Trạch 1.

Cục Điều tiết sẽ ban hành thêm các văn bản hướng dẫn quy định tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương):

Sau 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Thứ nhất, thị trường được vận hành theo đúng quy định của Nhà nước ban hành và đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây là thành công lớn, căn bản trong công tác vận hành thị trường điện cạnh tranh.

Việc vận hành thị trường đã tạo ra sự công khai minh bạch trong việc huy động các nhà máy điện, hệ thống phát điện. Các đơn vị phát điện chủ động trong việc chào giá, tạo sự công khai minh bạch trong vận hành. 

Các nhà máy phát điện chủ động hơn tham gia thị trường điện, nâng cao hiệu quả kinh doanh điện. Thành công nữa là đã có được thông tin về thành viên tham gia thị trường điện, cung cấp thông tin thị trường cho khách hàng. 

Tuy nhiên, vận hành thị trường phát hành cạnh tranh trong điều kiện khó khăn là một hạn chế. Hệ thống điện còn nhiều điểm bất cập, hành lang pháp lý chưa hoàn toàn đầy đủ. 

Những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy tích cực tham gia thị trường điện. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố ràng buộc nên chưa thể đưa toàn bộ các nhà máy tham gia vào thị trường điện. Đây cũng là điểm tồn tại. 

Theo đó, Cục Điều tiết điện lực cũng đưa nhiều giải pháp để tăng tối đa các nhà máy tham gia thị trường để các đơn vị chuẩn bị tốt hơn khi tham gia thị trường điện. Sẽ ban hành thêm các văn bản hướng dẫn các quy định cho các đơn vị khi tham gia thị trường điện góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục