tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu ngấm đòn vì tỉ giá

  • Cập nhật : 23/08/2015

(Thuong mai)

Từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng giá mạnh và một số nước sẵn sàng phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy đặc sản Seaspimex, cho biết gần đây đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm mạnh ở các thị trường EU, Nhật... Đồng euro, yen Nhật mất giá so với đồng USD nên đối tác nhập khẩu yêu cầu giảm giá bán khiến lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nhưng vẫn phải sản xuất để nuôi công nhân.

Nguy cơ thua lỗ

Hiện những DN xuất khẩu dệt may, da giày, thủy sản... đều đang “chịu trận” do ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá, đồng nội tệ của nhiều nước sụt giảm mạnh trong khi VNĐ từ đầu năm đến nay chỉ tăng 2%. Điều này khiến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước có giá bán cao hơn nên khó cạnh tranh. Giá cao khó bán, nhà nhập khẩu yêu cầu DN Việt Nam phải giảm giá, nếu không sẽ giảm đơn hàng hoặc từ chối nhập hàng.

“Muốn có lãi, DN phải xem lại giá đầu vào nhưng từ đầu năm đến nay, các chi phí gần như không giảm. Đơn cử như mặt hàng cá tra, cá basa, giá thành nông dân nuôi từ 21.000-25.000 đồng/kg, nếu thu mua thấp hơn người nuôi sẽ bỏ ao, DN không có nguyên liệu để sản xuất cũng không ổn. Vậy là DN phải chấp nhận lỗ, cố gắng duy trì sản xuất để chờ thời. Đáng lo hơn, khi các đối tác ở EU, Nhật yêu cầu giảm giá thì nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ cũng nhìn vào đó đề nghị giảm giá hoặc tìm đối tác khác, vậy là DN gặp khó khăn kép” - ông Vinh bộc bạch.

xuat khau thuy san cua viet nam trong nua dau nam giam manh o hau het cac thi truong anh: thot not

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm giảm mạnh ở hầu hết các thị trường Ảnh: THỐT NỐT

Theo tính toán của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, hàng loạt đồng tiền của các nước cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực xuất khẩu với Việt Nam đã mất giá mạnh thời gian qua. Chẳng hạn so với USD, đồng (BRL) của Brazil đã tăng giá 30,6%, NZD (New Zealand) tăng 19,5%, CAD (Canada) tăng 13,6%, EUR tăng 11,4%... Nhiều quốc gia khác như Nhật, Úc, Ấn Độ, Myanmar, Singapore, Thái Lan cũng giảm giá đồng nội tệ từ 3,9%-11,2%.

“Nếu quy đổi theo giá tương đối thì  giá hàng hóa của các nước nói trên, trong đó có nhiều thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, rẻ hơn rất nhiều. Những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta từ dệt may, thủy sản, nông nghiệp... đều là hàng thiết yếu mà thị trường nhập khẩu cần nhưng lại dễ bị thay thế nếu giá bán cao hơn. DN xuất khẩu lao đao, không cạnh tranh được và bị mất đơn hàng, sản xuất cầm chừng là điều dễ hiểu” - ông Tuấn phân tích.

Cần linh hoạt để nâng sức cạnh tranh

“Chịu trận” là từ được các DN dùng khi nhận xét về việc xuất khẩu liên quan đến đồng USD tăng giá mạnh. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, cho rằng giá bán cao hơn 30% thì không thể bàn đến cạnh tranh nhưng cao hơn chỉ vì tỉ giá! Chẳng hạn, hiện các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu khi đồng USD tăng.

Còn theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Garmex Sài Gòn, việc đồng USD tăng giá đã tác động rất lớn đến hàng hóa của Việt Nam xuất qua EU, Nhật. Chẳng hạn, đồng USD tăng giá 10% so với đồng yen, euro, nghĩa là hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở các thị trường này sẽ đắt hơn 10%.

Đại diện các hiệp hội, DN cho biết đã nhiều lần kiến nghị nhà nước xem lại chính sách điều hành tỉ giá. Xuất khẩu được xem là chủ lực, điểm sáng của nền kinh tế nhưng lại không được ủng hộ từ chính sách tỉ giá. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết ông ủng hộ việc giảm giá VNĐ thêm nữa.

Theo nhóm tác giả của VEPR, nếu lấy năm 2012 làm mốc thì đồng nội tệ đang bị định giá cao 14,5%. Đến cuối năm 2013, VNĐ được định giá cao hơn từ 7%-11% so với mức cân bằng. Việc tiền đồng tăng giá âm thầm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Nghiên cứu của VEPR cho thấy công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỉ giá thiếu sức cạnh tranh. Nếu VNĐ định giá cao 10% sẽ làm giảm sản lượng 7,65% và xuất khẩu giảm 11,64%. Do đó, VEPR cho rằng ảnh hưởng tăng giá thực của VNĐ lên hàng xuất khẩu đang thúc giục sự cân nhắc lại chính sách tỉ giá bởi điều chỉnh với biên độ hẹp như vừa qua là quá thận trọng, làm suy yếu DN trong nước.

Tỉ giá không phải lý do chính (?!)

Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá không phải lý do chính khiến DN gặp khó khăn mà còn nhiều vấn đề liên quan đến thị trường, chất lượng sản phẩm, đối tác, hàng rào phi thuế quan... Giá USD từ đầu năm đến nay có dịch chuyển theo hướng tăng nhưng không nhiều.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỉ giá tăng 2% từ đầu năm đến nay và đến giờ không có nhiều áp lực buộc tiền đồng phải mất giá. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,68%, lạm phát thấp bảo đảm mặt bằng giá trong nước ổn định. Giá thu mua hàng xuất khẩu từ đó cũng được ổn định, chi phí thu mua nguyên liệu đầu vào nội địa không cao.

Các chi phí cho sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam cũng trở lại mức thấp trong gần chục năm qua khi lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%-8%/năm và lãi suất trung dài hạn 10%-11%/năm. Chi phí sản xuất của DN giảm đáng kể đã giúp VNĐ không chịu áp lực mất giá nhiều.

“Sau nhiều năm bất ổn kinh tế vĩ mô, việc ổn định tỉ giá là cần thiết để neo lại lòng tin từ thị trường, nhất là khi các yếu tố lạm phát và lãi suất thấp đang hỗ trợ. Cán cân thanh toán năm nay có thể thặng dư 5 tỉ USD, cán cân vãng lai dù nhập siêu tăng nhưng bù đắp từ kiều hối có thể bảo đảm cho tỉ giá ổn định” - ông Phước nêu quan điểm.

Triệt tiêu động lực sản xuất

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết neo tỉ giá mỗi năm điều chỉnh không quá 2%-3% đang tạo tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỉ giá của thị trường bởi thực tế tiền đồng đang bị định giá cao. Cần phải xóa bỏ tâm lý kỳ vọng này bằng cách có lộ trình cụ thể để đưa tỉ giá về trạng thái cân bằng thực của nó. Chính sách điều chỉnh tỉ giá phù hợp không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn hướng đến thay thế hàng nhập khẩu. Bởi khi tiền đồng bị định giá cao, hàng trong nước sản xuất ra giá cao hơn hàng nhập khẩu đã triệt tiêu động lực sản xuất của DN trong nước.
Kim ngạch thủy sản giảm mạnh

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 92,3 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của các DN trong nước đạt 27,6 tỉ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Nhóm hàng giảm giá và giảm lượng xuất khẩu nhiều nhất là nông lâm thủy sản khi từ đầu năm đến nay chỉ đạt 12 tỉ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Các mặt hàng thủy sản giảm 15%, cà phê giảm 33%, gạo giảm 8,7%. Giá giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này “bốc hơi” khoảng 961 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm đã giảm ở hầu hết các thị trường, trong đó những thị trường trọng điểm giảm 2 con số như Mỹ, EU, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan... Riêng thị trường Hà Lan giảm tới 50%.

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục