tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tóm tắt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (3)

  • Cập nhật : 18/03/2016

TÓM TẮT HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo)

19.  Lao động

Tất cả các Thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại. Trong TPP, các Thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Các Thành viên cũng đồng ý có luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những cam kết này áp dụng cả với các khu chế xuất. 12 Thành viên TPP đồng ý không miễn trừ hoặc giảm hiệu lực của luật lệ quy định việc thực thi các quyền cơ bản của người lao động để thu hút thương mại hoặc đầu tư, và sẽ thực thi hiệu quả luật liên quan đến lao động một cách bền vững hoặc đều đặn có thể có ảnh hưởng tới thương mại hoặc đầu tư giữa các Thành viên TPP. Bên cạnh các cam kết của các Thành viên xóa bỏ lao động cưỡng bức trong nước mình, chương Lao động bao gồm cả những cam kết không khuyến khích việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em, hoặc sử dụng đầu vào được sản xuất ra bằng lao động cưỡng bức, bất kể nước xuất xứ có nằm trong TPP hay không. Mỗi Thành viên TPP đều cam kết bảo đảm khả năng tiếp cận với hệ thống thủ tục hành chính và tư pháp công bằng, không thiên vị và minh bạch và sẽ cung cấp các biện pháp khắc phục hiệu quả những vi phạm luật lao động của mình. Các Thành viên cũng đồng ý cho phép sự tham gia của công chúng vào việc thực thi chương Lao động, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế tiếp nhận ý kiến đóng góp của công chúng và đáp ứng các yêu cầu về thông tin.

Các cam kết tại chương này là đối tượng điều chỉnh của các thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại chương Giải quyết tranh chấp. Để thúc đẩy việc giải quyết nhanh các vấn đề về lao động giữa các thành viên TPP, chương Lao động cũng xây dựng cơ chế đối thoại mà các Thành viên có thể lựa chọn áp dụng để cố gắng giải quyết bất cứ vấn đề nào về lao động trong chương này giữa các Thành viên. Cơ chế đối thoại này cho phép việc xem xét nhanh các vấn đề và cho phép các Thành viên cùng nhất trí với chương trình hành động để xử lý vấn đề. Chương Lao động tạo ra một cơ chế hợp tác về các vấn đề về lao động, bao gồm cả các cơ hội để các bên đóng góp xác định phạm vi hợp tác và tham gia, nếu phù hợp và các Thành viên cùng tham gia, trong các hoạt động hợp tác.

20.   Môi trường

Với tư cách là ngôi nhà đối với của một phần quan trọng của thế giới hoang dã, các giống cây trồng và sinh vật biển, các Thành viên TPP chia sẻ một cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm cả việc các thành viên làm việc với nhau nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, ví dụ như ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã, khai thác trái phép, đánh bắt trái phép và bảo vệ môi trường biển. Trong khuôn khổ của Hiệp định TPP, 12 Thành viên nhất trí đối với thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường và không làm suy giảm hệ thống pháp luật về môi trường nhằm mục đích khuyến khích thương mại và đầu tư. Các Bên cũng nhất trí thực thi các nghĩa vụ theo Công ước về Thương mại quốc tế đối với các loài động thực vật nguy cấp (CITES) và thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh và tăng cường hợp tác để ngăn chặn thương mại về động thực vật hoang dã được tiến hành một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, các Thành viên cũng đồng ý thúc đẩy quản lý phát triển rừng bền vững, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã được xác định là nguy cấp trong lãnh thổ của nước mình, trong đó bao gồm cả các hành động mà các Bên tiến hành nhằm bảo tồn toàn vẹn sinh thái của các vùng tự nhiên được bảo vệ đặc biệt, ví dụ như khu vực đầm lầy. Trong nỗ lực bảo vệ vùng đại dương chung, các Thành viên TPP nhất trí đối với quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng, ví dụ như cá mập, đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá. Các hình thức trợ cấp này ảnh hưởng tiêu cực đến dự trữ cá và tiếp tay cho các hoạt động đánh bắt trái phép, không được thống kê và không được pháp luật quy định. Các Bên nhất trí tăng cường tính minh bạch liên quan đến các chương trình trợ cấp và nỗ lực hết sức ngăn chặn việc đưa ra các hình thức trợ cấp mới dẫn đến đánh bắt cạn kiệt và vượt quá trữ lượng các nguồn tài nguyên.

Các Thành viên TPP cũng nhất trí bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm đánh bắt và bảo vệ tầng ô zôn khỏi các chất gây phá hủy. Các Thành viên tái khẳng định cam kết của họ trong việc thực thi Hiệp định nhiều bên về môi trường (MEAs) mà họ là thành viên. Các Thành viên cam kết minh bạch trong các vấn đề khi đưa ra, thực thi và thúc đẩy các quyết định về môi trường. Ngoài ra, các Thành viên nhất trí đối với việc tạo điều kiện cho cộng đồng đóng góp đối với việc thực thi Chương Môi trường thông qua các phiên xem xét và đánh giá việc thành lập Ủy ban về Môi trường nhằm giám sát việc thực thi chương này. Chương này cũng bao gồm cam kết về minh bạch hóa trong việc thực thi và tuân thủ và các đối tượng của quy trình giải quyết tranh chấp được quy định trong Chương Giải quyết tranh chấp. Các Thành viên còn nhất trí khuyến khích các sáng kiến tự nguyện về môi trường, ví dụ như các chương trình hợp tác về trách nhiệm xã hội. Cuối cùng, các Bên cam kết hợp tác và giải quyết các vấn đề thuộc mối quan tâm chung, trong đó bao gồm các khu vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, và thời gian chuyển đổi sang các nền kinh tế có mức khí thải thấp và phát triển bền vững.

21.   Hợp tác và Nâng cao năng lực

12 nền kinh tế thành viên TPP rất đa dạng về trình độ phát triển. Mọi Thành viên đều nhận thức rằng các thành viên kém phát triển hơn của Hiệp định TPP có thể phải đối mặt với các thách thức nhất định khi thực thi hiệp định, tận dụng tối đa lợi thế về cơ hội do hiệp định này tạo ra và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các doanh nghiệp nhỏ hơn, cộng đồng vùng nông thôn, phụ nữ và các nhóm thu nhập xã hội thấp hơn. Nhằm giải quyết các thách thức trên, Chương Hợp tác và Nâng cao năng lực thiết lập một Ủy ban về Hợp tác và Nâng cao năng lực nhằm phát hiện và rà soát các khu vực có tiềm năng hợp tác và xây dựng năng lực trên cơ sở tự nguyện và sự sẵn có của các nguồn lực. Ủy ban này sẽ thúc đẩy trao đổi thông tin nhằm hỗ trợ các yêu cầu về hợp tác và nâng cao năng lực.

22.   Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh

Chương Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh nhằm mục tiêu giúp cho TPP đạt được các tiềm năng của khu vực nhằm phát triển sức cạnh tranh của các thành viên tham gia hiệp định và của cả khu vực nói chung. Chương này tạo nên các cơ chế chính thức nhằm rà soát tác động của TPP lên sức cạnh tranh của các Thành viên thông qua các cuộc đối thoại giữa các chính phủ và giữa chính phủ với doanh nghiệp và cộng đồng, tập trung tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực nhằm đánh giá sự phát triển, tận dụng lợi thế của các cơ hội mới, và giải quyết bất cứ các thách thức có thể nổi lên khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Trong số các giải pháp này có việc thành lập Ủy ban về Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh. Ủy ban này sẽ nhóm họp thường xuyên nhằm rà soát tác động của Hiệp định TPP lên sức cạnh tranh của khu vực và quốc gia, và lên hệ thống kinh tế khu vực. Ủy ban sẽ xem xét các khuyến nghị và đề xuất từ các đối tượng liên quan đối với các cách thức mà Hiệp định TPP có thể thúc đẩy hơn nữa sự cạnh tranh, bao gồm cả việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng khu vực. Chương này cũng thiết lập một khung cơ bản dành cho Ủy ban để đánh giá hoạt động của chuỗi cung ứng theo Hiệp định, trong đó bao gồm các cách thức để thúc đẩy sự tham gia của SME vào chuỗi cung ứng và rà soát đóng góp của các đố tượng liên quan và các chuyên gia.

23.   Phát triển

Các thành viên TPP tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo Hiệp định TPP sẽ là một hình mẫu của sự hội nhập thương mại và kinh tế tiêu chuẩn cao, và đặc biệt nhằm đảm bảo mọi Thành viên TPP có thể thu được các lợi ích từ hiệp định, có đầy đủ năng lực để thực thi các cam kết của mình và nổi lên như các nền kinh tế thịnh vượng hơn và thị trường mạnh mẽ hơn cho tất cả các thành viên. Chương Phát triển gồm có 3 lĩnh vực cơ bản được coi như dành cho các chương trình hợp tác khi Hiệp định có hiệu lực. Các lĩnh vực này bao gồm: (1) tăng trưởng kinh tế toàn diện và cơ bản bao gồm có phát triển bền vững, giảm đói nghèo và thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ; (2) thúc đẩy phụ nữ và kinh tế, trong đó có việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng năng lực và các kỹ năng, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với thị trường, đạt được kỹ năng về công nghệ thông tin và tài chính, thiết lập mạng lưới lãnh đạo nữ giới, và chỉ ra các thực tiễn tốt nhất trong ứng dụng linh hoạt trong môi trường công việc; và (3) giáo dục, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và sáng tạo. Chương này cũng thiết lập Ủy ban TPP về phát triển - là cơ quan sẽ nhóm họp thường xuyên để thúc đẩy các chương trình hợp tác tự nguyện trong các lĩnh vực này và các cơ hội mới khi nó phát sinh.

24.   Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các nước TPP chia sẻ mối quan tâm đến việc thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thương mại và bảo đảm rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ các lợi ích của Hiệp định TPP. Bên cạnh những cam kết tại các chương khác của Hiệp định về tiếp cận thị trường, giảm các công việc giấy tờ, tiếp cận internet, thuận lợi hóa thương mại, chuyển phát nhanh và các nội dung khác, Chương về Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các cam kết của mỗi Bên về thiết lập một trang web thân thiện với người sử dụng dành cho đối tượng sử dụng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để dễ dàng tiếp cận các thông tin về Hiệp định TPP và những cách thức mà các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng Hiệp định này, bao gồm cả việc diễn giải các điều khoản của Hiệp định TPP liên quan tới doanh nghiệp vừa và nhỏ; các quy định và thủ tục liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ; các quy định về đầu tư nước ngoài; các thủ tục về đăng ký kinh doanh; các quy định về lao động và các thông tin về thuế. Ngoài ra, Chương này quy định việc thành lập Ủy ban Doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiến hành họp định kỳ để rà soát mức độ hỗ trợ của Hiệp định TPP cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cân nhắc các cách thức để nâng cao hơn nữa những lợi ích của Hiệp định và giám sát các hoạt động hợp tác hoặc nâng cao năng lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tư vấn xuất khẩu, hỗ trợ, đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; chia sẻ thông tin; cấp vốn thương mại và các hoạt động khác.      

25.   Gắn kết môi trường chính sách

Chương Gắn kết môi trường chính sách của TPP sẽ giúp mở ra một môi trường thông thoáng, bình đẳng và dễ dự đoán dành cho các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường TPP bằng cách khuyến khích minh bạch hóa, công bằng và hợp tác giữa các chính phủ để đạt được một phương thức tiếp cận chính sách một cách gắn kết. Chương này nhằm mục đích tạo thuận lợi về gắn kết môi trường chính sách tại mỗi quốc gia TPP bằng việc thúc đẩy các cơ chế cho quá trình tham vấn và hợp tác giữa các cơ quan nội bộ một cách hiệu quả. Chương này cũng khuyến khích việc chấp nhận rộng rãi các chính sách tốt, ví dụ như các đánh giá tác động của các biện pháp chính sách được đề xuất, trao đổi thông tin của các nhóm nền tảng cho quá trình chọn lựa các chính sách thay thế và bản chất của chính sách được giới thiệu. Chương này còn bao gồm các điều khoản nhằm giúp đảm bảo các chính sách rõ ràng, chính xác về mặt văn bản, theo đó cộng đồng có thể tiếp cận thông tin đối với các biện pháp chính sách mới, nếu có thể thì theo hình thức trực tuyến, và các biện pháp chính sách hiện hành đã được rà soát định kỳ nhằm quyết định xem các biện pháp đó đang còn là các công cụ hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu đề ra. Ngoài ra, chương cũng khuyến khích các chính phủ TPP cung cấp các thông báo thường niên về tất cả các biện pháp chính sách mà chính phủ đó định thực hiện. Cuối cùng, chương cũng thiết lập một Ủy ban mà theo đó sẽ cung cấp cho các quốc gia TPP, doanh nghiệp và cộng đồng tiếp tục có các cơ hội báo cáo về quá trình thực thi, chia sẻ kinh nghiệm về các thực tiễn tốt nhất, và xem xét các khu vực có tiềm năng hợp tác. Chương này, dưới bất kỳ hình thức nào, không ảnh hưởng đến quyền của các Thành viên trong việc đưa ra các chính sách về sức khỏe cộng đồng, an toàn, an ninh và các lý do vì lợi ích công cộng khác.

 26.   Minh bạch hóa và Chống tham nhũng

Chương Minh bạch hóa và chống tham nhũng có mục đích thúc đẩy các mục tiêu, được chia sẻ bởi toàn bộ các Bên tham gia Hiệp định, tăng cường quản trị tốt và xử lý những ảnh hưởng xói mòn của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế. Theo Chương này, các Bên tham gia TPP phải đảm bảo rằng, trong chừng mực có thể, luật pháp, quy định và các quy chế hành chính có liên quan tới bất kỳ vấn đề nào được quy định bởi Hiệp định TPP sẽ được công bố công khai và tiếp nhận các nhận xét. Các Bên sẽ đảm bảo quyền lợi theo quy trình thủ tục đối với tố tụng hành chính cho các bên liên quan đến TPP, bao gồm việc nhanh chóng xem xét thông qua các tòa án hoặc thủ tục tố tụng hành chính hoặc quan tòa công bằng. Các Bên cũng đồng ý áp dụng hoặc duy trì luật hình sự hóa đối với việc cung cấp những lợi ích không chính đáng của một công chức hay những hành động hối lộ khác có ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại quốc tế. Các Bên cũng cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ. Hơn nữa, các bên đồng ý nỗ lực duy trì hoặc áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của các công chức cũng như các biện pháp nhằm xác định và quản lý xung đột lợi ích, qua đó tăng cường đào tạo công chức, tránh việc xử dụng quà tặng, khuyến khích việc thông báo về các hành động hối lộ và có hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp khác đối với các công chức có hành động hối lộ. Trong một Phụ lục của Chương này, các Bên TPP cũng đồng ý với các điều khoản thúc đẩy tính minh bạch và quy trình liên quan đến danh sách và các chi phí cho các sản phẩm dược phẩm hoặc các thiết bị y tế. Các cam kết trong phụ lục này không thuộc đối tượng của thủ tục giải quyết tranh chấp.

27.   Các điều khoản về hành chính và thể chế

Chương về Các điều khoản hành chính và thể chế của TPP xây dựng một khung thể chế thông qua đó các Bên có thể đánh giá và hướng dẫn việc thực hiện hoặc hoạt động của Hiệp định, đặc biệt bằng việc thành lập Ủy ban TPP, bao gồm các Bộ trưởng hoặc các quan chức cấp cao, giám sát hoạt động và quá trình thực thi Hiệp định và định hướng phát triển tương lai. Ủy ban này sẽ rà soát mối quan hệ kinh tế và đối tác giữa các Bên theo định kỳ để đảm bảo duy trì liên kết chặt chẽ với những thách thức mà cách bên gặp phải. Mọi sửa đổi cần có sự đồng thuận và kết luật thông qua các thủ tục pháp lý của các Bên. Chương này cũng cung cấp thông tin về đầu mối liên lạc của các Bên để tạo thuận lợi cho trao đổi và tạo ra một cơ chế để những Bên có thời hạn chuyển đổi cụ thể đối với một nghĩa vụ nào đó có thể báo cáo về tiến trình thực hiện và định hướng nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các nghĩa vụ.

28.  Giải quyết tranh chấp

Chương về Giải quyết tranh chấp có mục tiêu nhanh chóng giúp đỡ các Bên giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định TPP. Các Bên TPP có mục tiêu là giải quyết các tranh chấp thông qua tham vấn và khi cần thiết có thể thông qua các Ban hội thẩm công bằng, không thiên vị. Cơ chế giải quyết tranh chấp đề ra trong Chương này áp dụng cho toàn bộ Hiệp định TPP, trừ một số ít trường hợp đặc biệt. Công chúng có thể theo dõi tiến trình tố tụng từ thời điểm các đệ trình được công bố, công chúng cũng có thể theo dõi phiên điều trần và báo cáo cuối cùng của các Ban hôi thẩm cũng sẽ được công bố. Các Ban hội thẩm cũng sẽ cân nhắc các yêu cung cấp quan điểm tới vụ tranh chấp từ của các đơn vị phi chính phủ hoạt động trong lãnh thổ của bất kỳ Bên tranh chấp nào. Các Bên TPP sẽ nỗ lực hết sức nhằm giải quyết tranh chấp thông qua hợp tác và tham vấn và được khuyến khích sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác nếu phù hợp. Trong trường hợp tham vấn thất bại, các Bên có thể yêu cầu thành lập một Ban hội thẩm, được thành lập trong vòng 60 ngày kể từ khi có yêu cầu tham vấn hoặc 30 ngày đối với hàng hóa mau hỏng. Ban Hội thẩm sẽ bao gồm 3 chuyên gia độc lập về thương mại quốc tế và có liên quan tới lĩnh vực tranh chấp cùng với một quy trình thủ tục để chắc chắn rằng Ban Hội thẩm sẽ được thành lập trong một khoảng thời gian nhất định ngay cả khi các Bên không thống nhất được về thành phần của Ban. Ban Hội thẩm sẽ tuân theo một quy tắc ứng xử chung nhằm đảm bảo tính thống nhất của cơ chế giải quyết tranh chấp. Ban Hội thẩm sẽ có một báo cáo ban đầu trong vòng 150 ngày kể tư khi thành viên cuối cùng của Ban được chỉ định hoặc 120 ngày trong trường hợp khẩn cấp, như là trường hợp liên quan tới các hàng hóa dễ hỏng. Báo cáo ban đầu này sẽ là báo cáo mật và các Bên có thể nhận xét bổ sung. Báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ ngày có báo cáo ban đầu và phải được công báo trong vòng 15 ngày nhưng các thông tin mật sẽ được giữ kín. Để đảm bảo các Bên sẽ tuân thủ, Chương giải quyết tranh chấp cho phép sử dụng trả đũa thương mại (ví dụ như ngừng không cho hưởng lợi ích), nếu một Bên không tuân thủ với nghĩa vụ của mình. Trước  khi sử dụng biện pháp trả đũa thương mại, Bên không tuân thủ có thể thảo luận hoặc yêu cầu một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục các vi phạm của mình.

29.   Ngoại lệ

Chương về Ngoại lệ mang lại các linh hoạt cho các Bên trong Hiệp định TPP để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chung, bao gồm lợi ích an ninh cơ bản và các phúc lợi công. Chương này kết hợp các ngoại lệ chung trong Điều XX của Hiệp định chung về Thương mại và thuế quan 1994 cho các điều khoản liên quan tới hàng hóa thương mại, theo đó Hiệp định TPP sẽ không ngăn cản các Bên áp dụng hoặc thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng, bảo về đời sống hoặc sức khỏe con người, động hoặc thực vật, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực thi các biện pháp liên quan tới các sản phẩm của lao động tù nhân, để bảo vệ tài sản quốc gia giá trị nghệ thuật, lịch sử, hoặc khảo cổ và bảo tồn các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Chương này cũng bao gồm các ngoại lệ chung tương tự như trong Điều XIV của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ liên quan tới các điều khoản liên quan tới thương mại dịch vụ. Chương này bao gồm cả ngoại lệ về tự đánh giá áp dụng chung cho toàn bộ Hiệp định TPP, theo đó một Bên có thể sử dụng các biện pháp mà họ thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh cơ bản. Chương này cũng xác định các hoàn cảnh cụ thể và điều kiện mà theo đó một Bên có thể áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời (ví dụ như kiểm soát vốn) để hạn chế giao dịch - ví dụ như góp vốn, chuyển lợi nhuận và cổ tức, thanh toán lãi hoặc tiền bản quyền - đối với các khoản đầu tư, để đảm bảo chính phủ duy trì linh hoạt để quản lý dòng vốn biến động, bao gồm bối cảnh của cán cân thanh toán hoặc các khủng hoảng kinh tế khác. Hơn nữa, chương này cũng xác định rõ rằng trong Hiệp định TPP không Bên nào bị ép buộc phải cung cấp thông tin nếu đi ngược lại quy định pháp luật trong nước hoặc lợi ích cộng đồng, hoặc phương hại đến lợi ích thương mại hợp pháp của doanh nghiệp cụ thể.

30.   Các điều khoản cuối cùng

Chương về Các điều khoản cuối cùng là về những hình thức mà Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực, những hình thức sửa đổi cam kết, những quy tắc xây dựng tiến trình để các nước và vùng lãnh thổ khác có thể gia nhập TPP sau này, các hình thức rút ra khỏi Hiệp định và ngôn ngữ chính được xử dụng để công bố. Chương này nhằm đàm bảo các cam kết trong Hiệp định TPP có thể được sửa đổi, nhưng chỉ sau khi mỗi Bên đã hoàn tất thủ tục trong nước và nộp lưu chiểu. Chương này cũng quy định rõ rằng Hiệp định TPP mở cho các nước thuộc thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương và những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác gia nhập nếu được các Bên đồng thuận. Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực theo các thủ tục cần thiết được quy định tại Chương này. Chương về các điều khoản cuối cùng cũng quy định rõ quy trình để một Bên có thể rút ra khỏi Hiệp định, chỉ định một cơ quan lưu chiểu để tiếp nhận và cung cấp tài liệu, và cũng xác định tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp là những ngôn ngữ chính đồng thời được sử dụng cho Hiệp định.


Theo Bộ Công Thương

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục