tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sơ lược các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho thị trường Châu Âu

  • Cập nhật : 04/09/2015

(Cam nang xuat khau)

Tiêu chuẩn hoá

CENELEC, CEN và ETSI là 3 cơ quan tiêu chuẩn hoá của Châu Âu được coi là đủ năng lực trong việc tiêu chuẩn hoá kỹ thuật. Ba cơ quan này đã đưa ra các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) trong từng lãnh vực riêng biệt và tạo ra “hệ thống tiêu chuẩn hoá Châu Âu”.

Hiện tại EU đang tạo ra các tiêu chuẩn thống nhất và hài hoà cho toàn EU đối với các lãnh vực sản phẩm chính nhằm thay thế hàng ngàn các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau. Tuy nhiên các quốc gia thành viên được phép đưa ra thêm các yêu cầu cho ngành công nghiệp của mình. Tuy nhiên, nếu sản phẩm nào đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu sẽ được cho phép lưu hành tự do tại EU. 
Sức khoẻ và an toàn

  • Nhãn CE
  • Chứng nhận HACCP
  • Chứng nhận ISO 9000
  • Các tiêu chuẩn EN/ISO

Trách nhiệm xã hội

  • Nhãn hiệu Xã hội công bằng
  • Chứng nhận SA 8000

Môi trường

  • Nhãn Green dot (ở một số quốc gia)
  • Nhãn sinh thái
  • Chứng nhận ISO 14000

1. Sức khỏe và an toàn

Nhãn CE (European Conformity)

Mục đích của nhãn CE là đặt ra yêu cầu chung đối với các nhà sản xuất nhằm chỉ đưa ra những sản phẩm an toàn tại thị trường EU. Nhãn CE được coi là 1 giấy thông hành của nhà sản xuất lưu thông nhiều sản phẩm công nghiệp như máy móc thiết bị, các thiết bị điện có hiệu điện thế thấp, đồ chơi, các thiết bị an toàn cá nhân, các thiết bị y tế… trên thị trường EU.

Đối với các sản phẩm thực phẩm

HACCP (the Hazard Analysis Critical Control Point System) được áp dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm. Chỉ thị về vệ sinh thực phẩm (93/43/EC) có hiệu lực từ tháng 1/1996 xác định rằng “các công ty thực phẩm sẽ xác định từng khía cạnh của các hoạt động ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và bảo đảm rằng các biện pháp an toàn có thể sẽ được thiết kế, áp dụng, thực hiện và kiễm tra lại trên cơ sở của hệ thống HACCP

2. Trách nhiệm xã hội

Tại nhiều quốc gia Châu Âu, nhiều thỏa thuận mang tính tình nguyện và mang tính pháp lý được thông qua giữa các chính phủ và các nhà sản xuất. Các thỏa thuận không chỉ áp dụng cho sản phẩm mà còn áp dụng cho bao bì của sản phẩm. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ những quy định về môi trường để được xuất khẩu vào EU, do đó các nhà nhập khẩu sẽ chuyển những yêu cầu này cho nhà xuất khẩu.

Theo đó, các nhà xuất khẩu buộc phải xem xét ảnh hưởng môi trường của sản phẩm của mình, của quá trình sản xuất và đóng gói. Người tiêu dùng yêu cầu các sản phẩm phải mang tính môi trường. Do vậy các nhà xuất khẩu Việt Nam phải hiểu rằng việc tuân thủ các quy định về sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng EU là điều quan trọng để thành công tại thị trường EU.

Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Social Accountability)

SA 8000 được giới thiệu lần đầu năm 1997, và đã phát triển dưới sự bảo trợ của CEPAA (Council on Economic Priorities Accreditation Agency) và một nhóm các tổ chức bao gồm: các tổ chức lao động, các tổ chức về quyền con người và quyền trẻ em, các học viện, nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà thầu, cùng các nhà tư vấn, kế toán và công ty kiểm định.http://www.sa-intl.org/Accreditation/CertifiedFacilities.htm

CEPAA là cơ quan điều hành, nay được gọi là SAI (Social Accountability International), được quyền uỷ nhiệm cho các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá và giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn đề ra. Việc ủy nhiệm có giá trị trong vòng 3 năm, cùng với việc giám sát và kiểm định 6 tháng một lần. Các tổ chức kiểm định này được cung cấp tài liệu hướng dẫn và các khoá đào tạo chuyên môn.

Quản lý chất thải bao bì đóng gói

Chỉ thị 94/62/EEC về đóng gói và chất thải bao bì đóng gói: có quy định các mức độ tối đa của các kim loại nặng trong bao bì và mô tả các yêu cầu đối với sản xuất và thành phần của bao bì:

·         Bao bì được sản xuất bằng phương pháp phù hợp sao cho thể tích và cân nặng được giới hạn ở mức thấp nhất nhằm duy trì mức độ an toàn, vệ sinh cần thiết và sự chấp thuận của người tiêu dùng cho sản phẩm đóng gói. 

·         Bao bì được thiết kế, sản xuất và thương mại hoá sao cho có thể được tái sử dụng hoặc thu hồi, bao gồm tái chế, và để giảm thiểu ảnh hưởng về môi trường khi chất thải bao bì hoặc những phần dư từ chất thải bao bì được vất bỏ.

·         Bao bì phải được sản xuất để giảm thiểu sự hiện diện của các chất độc hại và các chất nguy hiểm khác và các chất tro, bức xạ khi bao bì hoặc các phần dư được thiêu hủy hoặc chôn.

Việc thực hiện Chỉ thị đã được nhiều quốc gia thành viên đưa vào luật tuy nhiên các quy định ở mỗi quốc gia có thể khác nhau.

3. Các tiêu chuẩn quản lý môi trường

Các tiêu chuẩn quản lý môi trường cho phép các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu cơ hội giới thiệu cho các đối tác bên ngoài rằng việc sản xuất được thực hiện theo phương pháp than thiện với môi trường. Các tiêu chuẩn quản lý môi trường là các tiêu chuẩn mang tính tự nguyện. Hiện nay tiêu chuẩn môi trường cho các quốc gia đang phát triển được áp dụng nhiều nhất là ISO 14001.

Nhãn sinh thái (Ecolabelling)

Nhãn sinh thái của quốc gia và EU dựa trên cơ sở đánh giá trên toàn chu kỳ sống của sản phẩm và áp dụng cho nhiều loại sản phẩm. Trong khi những nhãn hiệu cho từng sản phẩm có thể có những giới hạn và chỉ được áp dụng cho 1 sản phẩm, 1 nhóm sản phẩm hoặc 1 tiến trình sản xuất riêng biệt.

Những nhãn hiệu sinh thái quốc gia được thấy ở các quốc gia Tây bắc EU như

·         Nhãn Mileukeur tại Hà Lan.

·         Nhãn Blue Angel tại Đức.

·         Nhãn Swan tại các quốc gia vùng Scandinavia.

·         Nhãn sinh thái EU (EU ecolabel): Áp dụng cho 14 nhóm sản phẩm. Nhà sản xuất hoặc người nhập khẩu áp dụng một dấu xác nhận môi trường của E.U trên cơ sở tự nguyện. Để có được dấu xác nhận môi trường của EU, các doanh nghiệp phải trả 1 khoản phí và tùy thuộc vào doanh nghiệp nhập khẩu hoặc doanh thu của công ty sản xuất. Khoản phí này không giống nhau giữa các quốc gia.

Quản lý chất lượng

Tổ Chức Quốc Tế Tiêu Chuẩn Hoá (International Organization for Standardisation – ISO) phát triển và chấp nhận sê ri ISO 9000 liên quan đến quản lý và bảo đảm chất lượng.

Các nhà sản xuất xem chứng nhận ISO 9001, ISO 9002 như là một tài sản quan trọng và như 1 điểm bắt đầu để cạnh tranh trong thị trường EU. Chứng nhận ISO sẽ tạo 1 niềm tin mạnh mẽ của đối tác.

Giấy chứng nhận ISO chỉ có giá trị trong 3 năm, do vậy để tiếp tục duy trì ISO, các đợt kiểm toán nội bộ (1-2 lần/năm) và kiểm toán từ bên ngoài (2 lần trong năm) cần được thực hiện. Điều này có nghĩa là công ty cần phải có 1 người quản lý chịu trách nhiệm về các chính sách quản lý chất lượng.

Sê-ri ISO 9000

ISO 9000:2000 mô tả cơ sở của các hệ thống quản lí chất lượng và quy định các thuật ngữ dùng trong các hệ thống quản lí chất lượng thuộc nhóm này

ISO 9001:2000 quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lí chất lượng khi một tổ chức muốn chứng tỏ năng lực của mình trong việc cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các yêu cầu chế định tương ứng và nhằm nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng.

Đây là tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá hệ thống quản lí chất lượng của một tổ chức và cấp chứng chỉ phù hợp.

ISO 9004:2000 cung cấp các hướng dẫn xem xét, cải tiến tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống quản lí chất lượng. Bộ tiêu chuẩn này mở rộng mục tiêu nhằm tới là thỏa mãn khách hàng và cả các bên liên quan.

Một hệ thống quản lí chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2000 là một hệ thống được thiết lập, được văn bản hóa và phải chứng tỏ được tính hiệu lực (có bằng chứng khách quan, có thể kiểm tra xác nhận) trong việc duy trì thực hiện, liên tục cải tiến và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Các yêu cầu của ISO 9001:2000 bao gồm:

·         Yêu cầu chung đối với hệ thống quản lí chất lượng (Mục 4, ISO 9001:2000)

·         Trách nhiệm lãnh đạo (Mục 5, ISO 9001:2000)

·         Quản lí nguồn lực (Mục, ISO 9001:2000)

·         Tạo sản phẩm (Mục 7, ISO 9001:2000)

·         Đo lường, phân tích, cải tiến (Mục, ISO 9001:2000)

Để biết thêm thông tin về ISO 9000

  • Tổ chức ISO, http://www.iso.org/
  • Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam, http://www.tcvn.gov.vn/

Một số tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá chứng nhận:

·         QUACERT, Việt Nam, Website: http://www.quacert.gov.vn/

·         Bureau Veritas (Tên cũ BVQI), Anh, Website: http://www.bureauveritas.com/

·         SGS, Thụy Sỹ, Website: http://www.sgs.com/

·         TUV, Đức, Website: http://www.tuv.com/

·         DNV, Na Uy, Website: http://www.dnv.com/

·         Intertek, Mỹ, Wesite: http://www.intertek.com/

·         AFAG, Pháp, Website: http://www.afag.com/

·         PSP, Singapore, Website: http://www.psp.com/

·         DAS, Anh, Webiste: http://www.das.com.vn/

·         QMS, Úc, Website: http://www.qms.com

Võ Hoàng Bích Ngọc

Phòng Xúc tiến Thương Mại – ITPC

Email: pttt@hcm.vnn.vn

(Theo itpc.gov)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục