tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hết tiền, Venezuela phải bán vàng trả nợ

  • Cập nhật : 01/11/2015

(Tai chinh)

Theo hãng tin CNN, dự trữ ngoại hối của Venezuela đang cạn dần và nước này đã bắt đầu phải bán lượng vàng dự trữ của mình để trả nợ.

 

Quốc gia Châu Mỹ Latinh này có thể vỡ nợ vào năm tới khi nhiều khoán nợ đáo hạn. Kho dự trữ ngoại hối của Venezuela, chủ yếu được tích trữ bằng vàng, đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay do nước này cần tiền để trả nợ và thanh toán chi phí phúc lợi xã hội.

Hiện Venezuela đang có khoản nợ khoảng 15,8 tỷ USD phải thanh toán từ nay đến cuối năm 2016. Tuy nhiên dự trữ ngoại hối của nước này chỉ còn 15,2 tỷ USD, mức thấp nhất từ năm 2003 và phần lớn trong số đó là vàng ròng trong khi chỉ có chưa đến 1 tỷ USD là ngoại tệ.

Chính quyền Caracas hiện không cho biết nước này có bao nhiêu lượng vàng trong kho dự trữ. Tính đến tháng 5/2015, Venezuela có khoảng 11,7 tỷ USD dự trữ ngoại hối và 70% trong số đó là vàng ròng, nhưng kho dự trữ này đang suy giảm nhanh chóng do tình hình kinh tế khó khăn của đất nước. Trong tháng 2/2015, lượng dự trữ vàng của nước này còn ở mức 14 tỷ USD.

Chuyên gia Edward Glossop của Capital Economics nhận định quốc gia này sẽ phải bán vàng dự trữ để thanh toán nợ đáo hạn do lượng ngoại tệ dự trữ đã dần cạn kiệt.

 

Nền kinh tế Venezuela vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ và đây cũng là nguồn thu chính để nước này trả nợ, nhưng với giá dầu vẫn ở mức thấp như hiện nay, doanh thu từ dầu mỏ của nước này không đủ để trang trải các chi phí. Theo nhiều chuyên gia, chính quyền Caracas sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán vàng dự trữ để thanh toán nợ.

Dù là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, việc bán vàng dự trữ để trả nợ cho thấy Venezuela là nền kinh tế có biểu hiện tồi tệ nhất thế giới trong thời gian qua. Đồng tiền của nước này mất giá kỷ lục, tỷ lệ lạm phát tăng hơn 100% và chính phủ thậm chí không thể thanh toán các mặt hàng nhập khẩu đơn giản như giấy vệ sinh hay khoai tây chiên. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế nước Châu Mỹ Latinh này dự kiến sẽ suy giảm 10% trong năm 2015.

Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục tăng chi tiêu công để hỗ trợ hệ thống lương hưu, trợ cấp cho các cửa hàng tạp hóa và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miến phí cho người dân. Mặc dù vậy, những chính sách này khó có thể suy trì lâu dài khi giá dầu vẫn ở mức thấp như hiện nay.

Hãng Brown Brothers Harriman nhận định với mức giá dầu dưới 50USD/thùng, khả năng chi tiêu của Venezuela sẽ không được duy trì ổn định như trước và chính quyền Caracas cần phải kiềm chế việc chi tiền. Theo Harriman, Venezuela cuối cùng cũng sẽ phải cắt giảm chi tiêu để tránh vỡ nợ, nhưng không may là tất cả các nhà đầu tư trên thị trường tài chính đều đã dự đoán nước này sẽ vỡ nợ trong tương lai gần.

 

Hiện nhiều chuyên gia cho rằng Venezuela chỉ có thể được cứu trong 2 trường hợp. Đầu tiên là giá dầu tăng trở lại khiến nước này có đủ nguồn thu để trả nợ, nhưng khả năng này khó xảy ra trong ngắn hạn.

Trường hợp thứ 2 là những đồng minh của Venezuela như Trung Quốcvà Brazil đồng ý hỗ trợ quốc gia này. Tuy nhiên nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, còn Trung Quốc đã cho Venezuela vay nhiều tỷ USD vào năm 2014. Dù chính quyền Bắc Kinh có thể cho nước này vay thêm, nhưng với tình hình kinh tế đang giảm tốc hiện nay thì Trung Quốc cũng không thể giúp nhiều.

Việc bán vàng dự trữ đang ngày càng khiến nhiều chuyên gia phàn nàn về khả năng quản lý yếu kém của chính phủ Venezuela dưới thời Tổng thống Maduro.

“Kiểu chính phủ nào mà lại đưa một quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới rơi vào vỡ nợ?”- chuyên gia Russ Dallen của hãng LatInvest nói.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục