tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Châu Âu e ngại về nguồn vốn Trung Quốc

  • Cập nhật : 09/05/2018

Trong giai đoạn năm 2008-2018, gần 320 tỷ USD vốn của Trung Quốc đã đổ vào lục địa già.

Trung Quốc "thu mua" những gì của châu Âu?

Theo nghiên cứu của hãng tin Bloomberg, trong 10 năm, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào châu Âu nhiều hơn so với của Mỹ vào "Lục địa già", với đỉnh điểm là năm 2016, khi ChemChina thông báo chi hơn 46 tỷ USD để mua lại Syngenta AG, tập đoàn hóa chất và chuyên bán hạt giống của Thụy Sĩ.

Như vậy, theo bảng tổng kết của Bloomberg, ngoài các cơ sở hạ tầng như  hải cảng hay sân bay, trong lĩnh vực công nghiệp, ngành hóa chất đứng đầu trong số các mục tiêu đã lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư Trung Quốc. Công nghệ tin học, viễn thông bị đẩy xuống xa phía sau trong bảng xếp hạng của hãng tin Bloomberg.

Dù vậy, trong vỏn vẹn 1 thập niên, nguồn vốn của Trung Quốc đã đổ vào các lĩnh vực kinh tế được coi là then chốt của châu Âu từ bất động sản đến các công ty chế tạo robot  để phục vụ cho guồng máy sản xuất công nghiệp, từ hãng xe hơi nổi tiếng của Thụy Điển Volvo đến ngành năng lượng hạt nhân, điện lực, dầu khí.

Ai đứng đằng sau các thương vụ mua bán bạc tỷ đó?

Theo nghiên cứu của hãng tin Bloomberg, câu trả lời khá đơn giản: tất cả các dự án đều do các công ty Nhà nước Trung Quốc hay các quỹ đầu tư của Nhà nước Trung Quốc tiến hành.

Công luận châu Âu bắt đầu phải quen với những cái tên như CNOOC, CNPC trong lĩnh vực dầu khí, Dalian Wanda trong ngành giải trí, các hệ thống khách sạn, du lịch, Fosun trở nên quen thuộc hơn với dân Pháp khi mà tập đoàn này đã mua lại hãng du lịch cao cấp Club Med… trong ngành xây dựng, HNA Group Co đã “cắm dùi” vào châu Âu. Phần lớn các hoạt động giao thông vận tải trên biển xung quanh khu vực Địa Trung Hải do Tập đoàn Cosco của Trung Quốc điều hành sau khi đã mua lại được Piraeus, hải cảng lớn nhất của Hy Lạp.

Chau Au e ngai ve nguon von Trung Quoc

 

Nghiên cứu của hãng tin Bloomberg cho rằng 8 trong số 10 dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu đều có “bàn tay” của Nhà nước Trung Quốc.

 

Trong bối cảnh tham vọng bắt rễ vào Lục địa già của các tập đoàn Trung Quốc tưởng chừng như vô hạn, sự hiện diện của các cổ đông Trung Quốc trong những lĩnh vực mang tính chiến lược như năng lượng, tài chính, giao thông… của châu Âu bắt đầu gây lo ngại. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, trong 2 năm 2016 và 2017, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào EU tăng 77% mà EU lại “không có phương tiện để bảo vệ những lĩnh vực kinh tế mang tính chiến lược”.

EU không có cơ chế tự vệ

Cuối tháng 2/2018, công luận Đức choáng váng khi biết tin 1 nhà tỷ phú Trung Quốc mua lại cổ phần của hãng xe Daimler AG, vốn làm nên tên tuổi của nền công nghiệp Đức. Với thương vụ hơn 9 tỷ USD, tập đoàn xe hơi Geely Holdings của Trung Quốc trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn Daimler AG.

Bộ trưởng Kinh tế Đức coi vụ thâu tóm vốn của hãng xe Daimler AG là nhằm phục vụ “cho chính sách công nghiệp của một Nhà nước” và đó là điều “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, sau tuyên bố mạnh mẽ đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trấn an đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Berlin rằng nước Đức “mở rộng cửa với tất cả mọi đối tác” và không có gì bất hợp lệ trong vụ hãng xe Geely mua lại gần 10% cổ phần của hãng Daimler AG.

tap doan geely cua trung quoc moi day tro thanh co dong lon nhat cua daimler, cong ty me cua hang xe duc noi tieng mercedes-benz. anh: deutsche welle

Tập đoàn Geely của Trung Quốc mới đây trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ của hãng xe Đức nổi tiếng Mercedes-Benz. Ảnh: Deutsche Welle

Từ năm 1975, Mỹ đã có Cơ quan giám sát các dự án đầu tư nước ngoài (CFIUS). Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của cơ quan này. Nhật Bản, Canada hay Australia đều có các cơ chế kiểm soát vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ấn Độ và Trung Quốc cũng có những công cụ để bảo vệ các lĩnh vực kinh tế “nhạy cảm”.

Trong khi đó, EU lại không có. Hiện chỉ có 12 trong số các nước thành viên EU có cơ quan tương tự như CFIUS. Nói cách khác, tham vọng EU có được một công cụ chung để bảo vệ từ công nghệ cao đến những dịch vụ trong ngành tài chính ngân hàng, ngành bảo hiểm, hệ thống cung cấp điện lực, đất canh tác… còn rất xa vời.


Nguồn Bloomberg
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục