tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'Liên minh' lũng đoạn giá: Ngành thuế khó tìm bằng chứng hay không muốn tìm?

  • Cập nhật : 02/11/2015

(Phap luat)

Sau bài Liên minh lũng đoạn giá đăng trên Thanh Niên ngày 5.10, phản ánh tình trạng 'Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị' (một hiệp hội tự xưng, không được pháp luật công nhận) thao túng giá xe máy, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về những mập mờ trong việc buôn bán xe máy tại địa phương và đã phản ánh trên Thanh Niên số ra ngày 13.10. Đó là việc các đại lý bán xe máy giá bán cao nhưng giá ghi trên hóa đơn thấp. Đó là một cách trốn thuế.

loai xe nay bi “hiep hoi buon ban xe may quang tri” khong che gia cao gay thiet hai cho nguoi mua - anh: n.phuc

Loại xe này bị “Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị” khống chế giá cao gây thiệt hại cho người mua - Ảnh: N.Phúc

Bà Nguyễn Thị Mai, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận hiện tượng mà phóng viên Nguyễn Phúc (tác giả hai bài viết trên) phản ánh là rất phổ biến, không chỉ xảy ra ở Quảng Trị mà xảy ra ở cả nước, không chỉ đối với xe máy mà còn đối với ô tô... Bà Mai cho rằng số tiền chênh lệch giữa giá thực bán và giá viết trong hóa đơn, doanh nghiệp sẽ bỏ túi và trốn thuế của nhà nước. Vấn đề trong chuyện này nghĩ một cách "nông cạn" thì chính người tiêu dùng cũng không bị thiệt, thậm chí được lợi nên họ không tố giác hành vi trốn thuế của doanh nghiệp. “Cần sự hợp tác, tố giác của chính người tiêu dùng, chứ mỗi cơ quan chức năng thì rất khó”, bà Mai nói.

Một lãnh đạo Chi cục Thuế TP.Đông Hà cũng thừa nhận: “Thông tin về những trường hợp như thế này đã nghe nhiều và chỉ cần có bằng chứng là cơ quan thuế sẽ xử lý. Vấn đề là tìm bằng chứng không dễ”.
 
Ý kiến của hai vị lãnh đạo ngành thuế trích dẫn ở trên là không thỏa đáng. Nếu ngành thuế đã biết thì việc làm rõ không có gì khó.
 
Một là, ngành thuế các địa phương có thể thành lập một tổ điều tra, đóng vai người mua xe máy, hoặc nhờ người dân mua xe máy hợp tác, ắt sẽ làm rõ ngay.
Hai là, khi làm thủ tục đăng ký xe máy, việc đầu tiên là qua chi cục thuế nộp thuế trước bạ. Nếu hóa đơn ghi giá thấp, ngành thuế không khó để biết được giá của các hãng công bố. Trường hợp quá thấp, ngành thuế sẽ áp theo khung giá để thu thuế chứ không thu theo hóa đơn. Điều đó chứng tỏ ngành thuế đã biết các cửa hàng bán xe gian lận. Nếu ngành thuế tập hợp lại những hóa đơn kiểu này rồi truy ngược lại, chắc chắn sẽ tìm ra.
 
Còn những đơn vị thu thuế chỉ căn cứ trên hóa đơn là rất tắc trách, chính họ tiếp tay cho các đơn vị kinh doanh xe máy trốn một phần thuế.
 
Như vậy việc tìm bằng chứng không hề khó chứ không phải “tìm bằng chứng không dễ” như một lãnh đạo Chi cục Thuế TP.Đông Hà giải thích.
 
Không khó nhưng ngành thuế không làm mà để “xảy ra ở cả nước, không chỉ đối với xe máy mà còn đối với ô tô” - như bà Mai nói ở trên, là điều hết sức phi lý.
Nhưng vấn đề sâu xa của tình trạng này lại nằm ở chỗ người tiêu dùng và cả sự bất cập của luật thuế. Nếu người mua xe máy là người dân bình thường, họ chỉ nghĩ đơn giản là ghi hóa đơn giá thấp thì sẽ được nộp thuế trước bạ thấp xuống (chứ không biết ngành thuế áp giá khung để thu). Đối với người thu nhập cao ở mức đóng thuế thu nhập cá nhân, vì họ không được khấu trừ khi nộp thuế nên họ cũng tặc lưỡi cho qua.
 
Ngành thuế biết mà không làm và kêu làm khó là điều không thể chấp nhận. Vì thế người dân có quyền đặt câu hỏi: Ngành thuế khó tìm bằng chứng hay không muốn tìm?

(Theo Báo Thanh Nien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục