tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vốn rút ra khỏi Trung Quốc trong 3 tháng qua tương đương GDP Hy Lạp

  • Cập nhật : 05/01/2016

(Tai chinh)

Năm nay, dòng vốn tháo chạy và những đợt bán tháo trên TTCK có thể sẽ lại gây áp lực buộc NHTW Trung Quốc (PBOC) tiếp tục phải hành động để duy trì tỷ giá ổn định.

Sau 1 năm chứng kiến Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thập kỷ, năm 2016 bắt đầu với một cú ngã khá đau đớn. Cơn bán tháo trên TTCK toàn cầu cho thấy có vẻ như các nhà hoạch định chính sách chỉ có chút ít tự tin khi đối mặt với những thách thức sắp tới.

Ngoài các báo cáo kinh tế bi quan của Trung Quốc và căng thẳng ở Trung Đông leo thang, một trong những nhân tố khiến chứng khoán Trung Quốc có một khởi đầu tồi tệ và kéo theo cả chứng khoán thế giới lao dốc là diễn biến của đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này đã liên tiếp giảm giá từ cuối năm ngoái, phản ánh các nhà đầu tư nội địa tiếp tục có nhu cầu mang tiền ra nước ngoài.

Theo số liệu của Bloomberg, số vốn bị rút ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 3 tháng vừa qua đã lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Hy Lạp.

Mặc dù mấy năm gần đây các lãnh đạo Trung Quốc đã phát tín hiệu chấp nhận mức “bình thường mới” trong tăng trưởng kinh tế, sự biến động quá mạnh của thị trường đã buộc họ phải có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Năm nay, dòng vốn tháo chạy và những đợt bán tháo trên TTCK có thể sẽ lại gây áp lực buộc NHTW Trung Quốc (PBOC) tiếp tục phải hành động để duy trì tỷ giá ổn định.

Hôm nay (5/1), PBOC thừa nhận đã bơm khoảng 130 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng nước này thông qua các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày. Ngoài cam kết sẽ cải thiện hệ thống tự ngắt, động thái can thiệp của PBOC giúp thị trường hồi phục trong phiên sáng nay.

Sự trồi sụt của thị trường càng nhấn mạnh thêm những thách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt khi đang cố gắng hoàn thành cam kết sẽ để cho các yếu tố thị trường có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế.

Theo Louis Kuijs, chuyên gia đến từ Oxford Economics, duy trì tăng trưởng ở mức 6,5% là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Trong khi đó ông Tập từng nói tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 là vấn đề mang tính sống còn đối với Trung Quốc. Quá trình này càng khó khăn hơn khi Trung Quốc phải loại bỏ phần sản lượng dư thừa trong các ngành công nghiệp nặng và thực hiện quá trình giải chấp.

Kujis cho rằng triển vọng cải cách đáng ra đã sáng sủa hơn nếu như Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn.

Lần này sẽ khác?

Chỉ cách đây một vài năm, nếu phải đối mặt với một thị trường tài chính rung lắc và các số liệu kinh tế yếu ớt, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ dễ dàng đối phó bằng cách cắt giảm chi phí đi vay và đẩy tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, 12 tháng qua, tình hình đã trở nên phức tạp hơn vì những biện pháp cải tổ thủ tục tại PBOC và khả năng huy động vốn của các chính quyền địa phương.

Ví dụ, tháng trước PBOC đã quyết định tăng cường hạn chế khả năng sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính. Do đó giờ đây sẽ có rất ít khả năng Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng.

Cam kết cắt giảm nợ cũng đối mặt với khó khăn sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc khó có thể vừa thúc đẩy cải cách vừa giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục