tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-07-2017

  • Cập nhật : 15/07/2017

Alipay, Wechat cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến giá trị 2,9 nghìn tỉ USD

Tại Trung Quốc, các công ty đã tiến hành xây dựng thanh toán trực tuyến dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội sẵn có nhằm thúc đẩy việc sử dụng thanh toán trực tuyển.

den nam 2016, alipay hien dang xu ly 175 trieu giao dich moi ngay

Đến năm 2016, Alipay hiện đang xử lý 175 triệu giao dịch mỗi ngày

Tiêu biểu như Alipay được tung ra lần đầu năm 2004 và phát triển ứng dụng cho điện thoại di động vào năm 2009, đóng vai trò là công cụ thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ được phát triển trên tảng thương mại điện tử của Alibaba.Đến năm 2016, Alipay hiện đang xử lý 175 triệu giao dịch mỗi ngày. Tencent, thành lập năm 1998, cung cấp phương thức thanh toán trực tuyến qua hai ứng dụng xã hội hiện có là QQ và Wechat, có tổng số người dùng hoạt động hằng tháng là 846 triệu vào năm 2016.

Có thể thấy, Alibay và Wechat đang thống trị thị trường thanh toán trực tuyến ở Trung Quốc và mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thanh toán trực tuyến những năm gần đây, từ hơn 1 nghìn tỉ RMB (81 tỉ USD) vào năm 2012 lên 20 nghìn tỉ RMB vào năm 2016 - tăng gấp 20 lần trong 4 năm.(thanhnien)
----------------------------

Sản lượng đường giảm liên tục ba niên vụ

Hiện tại, niên vụ mía đường 2016-2017 về cơ bản đã kết thúc vì không còn nhà máy nào hoạt động. Sản lượng đường niên vụ này là 1,227 triệu tấn, thấp hơn niên vụ trước. Đây là lần thứ 3 liên tiếp  lượng đường sản xuất bị giảm trong các niên vụ.

Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 30-6 tất cả các nhà máy đường trong cả nước đã kết thúc niên vụ 2016-2017. Lượng đường sản xuất được đạt gần 1,227 triệu tấn đường, trong đó hơn 401.000 tấn đường tinh luyện (RE).

Như vậy, so với niên vụ 2015-2016, lượng đường vụ này thấp hơn một chút. Cụ thể, vụ trước, sản lượng đường cả nước đạt hơn 1,237 triệu tấn, trong đó đường luyện là 700.000 tấn. Đối chiếu với số liệu thống kê qua từng niên vụ mía thì đây là niên vụ thứ 3 liên tiếp sản lượng đường giảm.

Ngoài ra, nếu so sánh với kế hoạch đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì sản lượng đường niên vụ 2016-2017 cũng thấp hơn. Vào thời điểm này năm ngoái, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, niên vụ năm nay sẽ đạt sản lượng đường 1,52 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 800.000 tấn. Tính ra, so với kế hoạch, sản lượng đường thực tế thấp hơn gần 300.000 tấn, còn đường tinh luyện chỉ bằng 50% kế hoạch.

Vào đầu vụ mía, sau khi tính toán cân đối cung cầu, Bộ NN&PTNT dự báo lượng đường còn trong kho của các nhà máy, công ty thương mại sau khi kết thúc vụ mía 2016-2017 khoảng 231.000 tấn. Tuy nhiên, báo cáo của VSSA cho thấy, lượng đường tồn kho tại các nhà máy, công ty thương mại đến ngày 11-7 khoảng 681.000 tấn, tức là cao gần 3 lần so với tính toán ban đầu.

Tuy nhiên, dù lượng tồn kho cao nhưng giá bán đường tại các nhà máy nhìn chung ổn định hơn so với niên vụ trước.

Vụ mía 2015-2016, giá đường trên thị trường có biến động phức tạp. Đầu vụ giá đường trắng loại một đã có thuế giá trị gia tăng (VAT) tại kho nhà máy hầu hết dao động trong khoảng 13.600-14.500 đồng/kg, giữa vụ là 14.500-15.500 đồng/kg, cuối vụ 15.500-16.500 đồng/kg, tức là tăng dần vào cuối vụ. Còn giá đường trong niên vụ 2016-2017, thống kê từ các báo cáo hàng tháng của VSSA cho thấy, giá đường dù có thời gian biến động nhưng vẫn ở mức ổn định trên dưới 16.000 đồng/kg.(TBKTSG)
--------------------------

TTCK nửa đầu năm: Tổng huy động đạt 131 nghìn tỷ đồng, thanh khoản mỗi phiên tăng 33%

Về tình hình chung của TTCK 6 tháng đầu năm 2017, tính đến ngày 03/07/2017, VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016. HNX-Index đóng cửa ở mức 100,33 điểm, tăng 25,2% so với cuối năm 2016.

Mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm trước.

Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 131 nghìn tỷ. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục vào ròng. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 5 tăng 28% so với cuối năm 2016.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBCKNN đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán: hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), chủ động nghiên cứu các chính sách mới để dự kiến đưa vào bộ Luật (sửa đổi); hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống để đưa TTCK phái sinh vào vận hành; đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; trình Bộ Tài chính ban hành 5 Thông tư.

Về quản lý các công ty chứng khoán, hoạt động tái cấu trúc về vốn, cổ đông chiến lược, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự, tổ chức tiếp tục được thúc đẩy. Hoạt động của các thành viên thị trường ngày càng tốt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại đã xử lý được 28 CTCK thông qua việc chấm dứt hoạt động CTCK; đình chỉ hoạt động; chấp thuận giải thể (05 công ty) và hợp nhất cho 08 CTCK; rút nghiệp vụ môi giới (13 CTCK). Hiện nay trên TTCK còn 74 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm được 28% tổng số CTCK.

Hoạt động niêm yết diễn ra sôi nổi, trên cả 2 sàn HOSE và HNX đã có 714 công ty và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 640 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2016. Thị trường UPCoM cũng cho thấy nhiều kết quả tích cực, cuối tháng 5, toàn thị trường có 532 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị đăng ký giao dịch đạt 186 nghìn tỷ, tăng 42,6% so với cuối năm 2016. Trong 06 tháng đầu năm, 2 Sở GDCK đã tổ chức 32 phiên đấu giá cổ phần. Tổng khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 176,4 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về đạt 2.927 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt gần 90%.

Công tác chuẩn bị cho sự vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản đã hoàn tất như các quy chế và quy trình phục vụ quản lý vận hành TTCK phái sinh đã được hoàn thiện và ban hành đầy đủ. Về hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ, đã thử nghiệm đầy đủ các chức năng và hiệu năng hệ thống kết nối giữa Sở, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các thành viên thị trường. Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho sự vận hành TTCK phái sinh đã sẵn sàng để đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN tập trung một số trọng tâm công việc như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đối với TTCK; triển khai xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ trình Bộ, tổ chức soạn thảo Dự thảo lần 1 của Luật Chứng khoán (sửa đổi); song song tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế.

Tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty; triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, cho giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant)...; tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu.

Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; tiếp tục tái cấu trúc, tăng cường quản lý tổ chức trung gian thị trường; triển khai giải pháp tái cơ cấu tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.(NDH)
--------------------------

Thu hút được 383 triệu USD, HEPZA vẫn lo giá đất cao

Đặt chỉ tiêu cả năm 500 triệu USD, 6 tháng đã thu hút được hơn 383 triệu, nhưng HEPZA vẫn lo sức cạnh tranh yếu do giá thành thuê đất cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. 

Ngày 14-7, Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết 6 tháng đầu năm 2017, thu hút vốn đầu tư, kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng thêm, đạt 384,32 triệu USD.

So với chỉ tiêu đề ra 500 triệu USD của cả năm 2017 thì con số này trong 6 tháng đã đạt 76,86 kế hoạch.  

Trong số đó đầu tư nước ngoài đạt 159,98 triệu USD, tăng 24,14% so với cùng kỳ năm 2016, còn đầu tư trong nước đạt 224,34 triệu USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng đầu với 55,8 triệu USD, trong đó riêng dự án nhà máy thực phẩm của CJ Cầu tre đã chiếm 50 triệu USD.

Đứng thứ 2 là các nhà đầu tư Đài Loan, số vốn chủ yếu đến từ dự án linh kiện phụ trợ của ngành da giày của công ty Paiho, khoảng 34 triệu USD trong khi nhà đầu Nhật Bản đứng 3 với 5 dự án.

Về ngành nghề, các dự án tập trung vào ngành thực phẩm, phụ trợ dệt may, các ngành về dịch vụ và cơ khí.

Trong 6 tháng đầu năm, trong tổng số 71 dự án được cấp mới, có 7 dự án đã hoạt động, 10 dự án đang cải tạo nhà xưởng và 54 dự án đang khảo sát, lập thiết kế để xin giấy phép thực xây dựng.

Đáng lưu ý, có 10 dự án trong nước và 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, được các nhà đầu tư thực hiện chấm dứt dự án.

HEPZA đã chấm dứt hoạt động 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngưng hoạt động, và không còn liên lạc với nhà đầu tư.

HEPZA cũng đã từ chối những dự án cần quỹ đất lớn và sử dụng lao động đông, không phù hợp với mục tiêu thu hút đầu tư của TP.HCM.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Ban quản lý HEPZA, cho biết đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp trong việc trả tiền thuê đất một lần để nhà đầu tư thực hiện kế hoạch triển khai các dự án đầu tư của mình.

Đại diện HEPZA cho rằng giá thuê đất cao do chi phí giải phóng đền bù mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn là một nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào TP.HCM kém cạnh tranh hơn so với các tỉnh thành. 

HEPZA đang làm việc với các quận huyện để tiến hành làm việc với các khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời xóa quy hoạch một số khu nhỏ và tập trung vào những khu lớn.

“Trước đây thành phố muốn rải các khu công nghiệp ở các quận, huyện với quy mô từ 100 - 200ha nên rất khó phát triển. Do đó, với tinh thần mới, HEPZA xóa ba khu nhỏ để thành lập một khu lớn có diện tích 500ha, giảm chi phí đầu tư hạ tầng”, ông Phước cho biết thêm. (Tuoitre)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục