tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 08-03-2016

  • Cập nhật : 08/03/2016

Hà Nội: Hiệu buôn kim cương lớn có tiếng bất ngờ đóng cửa

Tiệm Phú Cường, một cửa hiệu vàng bạc, đá quý và kim cương lớn có tiếng ở Hà Nội, bất ngờ đóng cửa từ sáng 7-3 khi đang bị điều tra vì có nghi vấn liên quan tới việc buôn lậu kim cương.

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, sáng nay 7-3, cửa hiệu vàng Phú Cường thuộc Công ty Cổ phần thương mại Phú Cường (địa chỉ số 29A phố Trần Bình Trọng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đóng cửa im lìm, không có nhân viên bán hàng bên trong như mọi khi.

Công ty này được biết đến là nơi cung cấp dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý và là nhà cung cấp, mua - bán kim cương lớn ở Hà Nội.

hieu buon vang, kim cuong phu cuong dong cua sang 7-3

Hiệu buôn vàng, kim cương Phú Cường đóng cửa sáng 7-3

Thông tin ban đầu cho hay chiều tối 6-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP Hà Nội) đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp tại cửa hàng này.

Việc khám xét này xuất phát từ dấu hiệu nghi vấn Công ty Phú Cường buôn lậu kim cương.

Được biết, Công ty Phú Cường được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh chính là xuất/nhập khẩu, gia công, chế tác và kinh doanh vàng, trang sức, đá quý.


Nông sản năng suất thấp, giá cao không thể vào siêu thị

Sáng 6-3, nhiều người dân đến từ các xã xây dựng nông thôn mới đã lên tiếng phản ánh về đời sống còn bấp bênh tại chương trìnhLắng nghe và Trao đổi tháng 3 với chủ đề “xây dựng nông thôn mới”, do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức.

Ông Võ Văn Sành, đến từ xã Tam thôn hiệp, huyện Cần Giờ cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, điều khiến bà con Cần Giờ chưa yên tâm là đời sống vẫn còn bấp bênh. Chăn nuôi thủy sản xưa nay vẫn là nghề chủ lực nhưng hiện ngành này còn quá nhiều khó khăn. Từ đó, ông kiến nghị TP xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng nước cho nông dân nuôi tôm.

Còn ông Phạm Tấn Ngoan, đến từ huyện Bình Chánh kiến nghị TP cần quan tâm đưa nước sạch về cho người dân ngoại thành. Ông cho rằng huyện Bình Chánh hiện vẫn còn 49% hộ dân phải dùng nước mưa, nước giếng khoan. Ông Ngoan cũng phản ánh nông dân trồng rau sạch theo chuẩn VietGAP vẫn phải bán giá ngang ngửa với rau ngoài thị trường, chỉ khi vào siêu thị mới có giá tốt mà không dễ bán được hàng cho siêu thị.

Ông Võ Văn Lang, đến từ huyện Hóc Môn cũng phản ánh còn tình trạng người dân tạm trú phải xài nước với giá gấp đôi người có hộ khẩu thường trú. Có hộ phải trả tiền nước với giá khoảng 13.000 đồng/m3.

Trả lời người dân, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết thị trường tiêu thụ nông sản ở TP rất lớn nhưng đây là thị trường khắt khe, đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi sẵn sàng đứng ra kết nối, hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ. Nhưng không thể bán hàng cho siêu thị nếu nông sản của mình năng suất thấp, giá thành cao. Nông dân cần chú ý vấn đề này” - ông Hòa nói. Về ý kiến phản ánh giá nước cao, đại diện ngành cấp nước TP cho biết đã chụp lại hóa đơn tiền nước của người dân và sẽ yêu cầu kiểm tra lại. Nếu thu sai phải trả lại tiền cho người dân.

Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng cho rằng việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài. Các yếu tố về thu nhập người dân, xây dựng hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất vẫn luôn phải chăm lo. Những vấn đề còn tồn đọng do người dân phản ánh sẽ được ghi nhận, làm cơ sở để TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm giải quyết. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống của người dân ngoại thành, gia tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp TP.


Hãy xót tiền của dân!

Con số hơn 57.000 tỉ đồng mà ngành giao thông tiết giảm được từ các dự án khiến nhiều người giật mình. Lẽ ra, nó đã “nằm” dưới lớp nhựa đường nếu Bộ Giao thông Vận tải không tổ chức kiểm tra quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, thiết kế phù hợp... tại các dự án hạ tầng giao thông.

Ngàn tỉ hay 1 đồng cũng đều là những đồng tiền của người dân đóng thuế. Mà người dân hiện nay đa phần cuộc sống còn khó khăn nên khi sử dụng những đồng tiền này càng phải cân nhắc. Nó có thể từ mồ hôi của những nông dân trên cánh đồng, từ những đêm dài trằn trọc của doanh nhân, là tấm áo phong phanh của các em nhỏ... nên càng phải đắn đo khi đưa vào sử dụng. Biết thận trọng khi xài những đồng tiền của dân chính là một trong những phẩm chất, tư cách đạo đức của người cán bộ, dù ở bất cứ vị trí nào, bất cứ công việc nào.

Đáng tiếc, chuyện tốt đẹp nêu trên không được diễn ra thường xuyên và rộng khắp ở các ngành, các địa phương. Nhiều công trình ngàn tỉ vẫn đang được lãnh đạo một số địa phương đua nhau trình lên Chính phủ để thực hiện dù chúng chẳng phục vụ cho người dân được mấy mà chỉ để khoe mẽ là chính. Xây quảng trường khổng lồ khi người dân chưa đủ ăn, xây trụ sở hoành tráng khi phải xin ngân sách hằng năm để nuôi bộ máy cán bộ, xây cổng chào bề thế khi trường học chưa đủ... vẫn đang phổ biến và những người chủ trương thực hiện chẳng mảy may áy náy, xấu hổ.

Người dân sẽ cảm ơn một con đường bê tông dù nhỏ, ngắn nhưng hữu dụng, giúp họ nhẹ bước chân ra đồng. Họ sẽ mỉm cười khi nhìn một mái trường đơn sơ nhưng được các cơ quan chức năng tiết kiệm xây dựng. Và đẹp biết bao khi có địa phương còn nghèo nhưng cũng lo được cho những người cơ nhỡ. Khi cuộc sống còn nhiều lo toan, chẳng ai hồ hởi đứng giữa quảng trường ngàn tỉ mà không cau mày. Lưng còng trên mảnh ruộng thì chẳng thể ngẩng đầu dưới cổng chào trăm tỉ mà lòng không quặn nỗi xót xa...

Ở các nước tiên tiến, nhiều quan chức sẵn sàng đi xe buýt đến nhiệm sở. Nếu sử dụng xe công vào việc riêng, họ phải trả tiền. Sẽ có người cho rằng đây là chiêu trò chính trị. Có thể! Nhưng qua cách làm đó, họ muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng, rằng bản thân sẽ không tiêu phí tiền đóng thuế của người dân. Ở vị trí càng quan trọng càng phải luôn nhớ yêu cầu của người dân là phải sử dụng đồng tiền mà họ đóng một cách hiệu quả nhất. Đó là sự sòng phẳng, minh bạch đôi khi đến nghiệt ngã nhưng phải chấp nhận nếu là người muốn cống hiến vì dân.

Các vị cán bộ đừng xài tiền của người dân với tư cách mình là người có quyền ban phát, có quyền ra lệnh. Quyền đó không thật và nếu có chăng nữa cũng do chính người dân trao cho.


Hàn Quốc vẫn nỗ lực tìm sáu người Việt Nam mất tích

Liên quan đến sáu thuyền viên Việt Nam trên tàu cá Dongkyeong 201 của Hàn Quốc bị phát hiện lật úp hôm 3-3, ngày 6-3, phía Hàn Quốc tiếp tục huy động các phương tiện và nhân lực để mở rộng tìm kiếm các thuyền viên còn bị mất tích.

Điều kiện thời tiết trong ngày 6-3 tại khu vực biển này không thuận lợi khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. TTXVN dẫn tin từ lực lượng bảo vệ bờ biển thành phố Pohang, tính đến thời điểm trưa cùng ngày - giờ địa phương (9 giờ - giờ Việt Nam) vẫn chưa phát hiện dấu tích nào của sáu thuyền viên Việt Nam bị mất tích. Trước đó, đến 16 giờ ngày 5-3, cơ quan này đã kết thúc công tác tìm kiếm phía bên trong con tàu bị đắm.

Tàu Dongkyeong 201 (trên tàu có một thuyền trưởng người Hàn Quốc và sáu thuyền viên Việt Nam) bị mất liên lạc với Trung tâm Kiểm soát thông tin ngư nghiệp thành phố Pohang vào tối 29-2, ba ngày sau tàu bị phát hiện lật úp tại một địa điểm trên biển Nhật Bản.


7 thủy đài khổng lồ bỏ hoang ở Sài Gòn sẽ bị đập

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang lên kế hoạch tháo dỡ 7 trong 8 thủy đài khổng lồ, hình nấm bị bỏ hoang hơn 45 năm.

Sau khi tháo dỡ, diện tích của các tháp nước được sử dụng làm nơi chứa nước phòng cháy chữa cháy; xây các trạm châm clo, nâng cao chất lượng nguồn nước.Ngoài thuỷ đài nằm trong khuôn viên công ty cấp nước trên đường 3 Tháng 2, gần vòng xoay Dân chủ được giữ lại, 7 tháp nước sẽ bị tháo dỡ nằm rải rác tại: góc đường Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (quận 11), gần Trung tâm Văn hóa quận 5, hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) và Phạm Phú Thứ (quận 6) và ngã 4 Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành (quận 4).

thuy dai hinh nam khong lo nam tren duong hoang dieu - nguyen tat thanh. anh: son hoa

Thủy đài hình nấm khổng lồ năm trên đường Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Sơn Hòa

Những tháp nước này do người Mỹ thiết kế, xây từ năm 1965 đến 1969 và nằm chung một hệ thống. Chúng được thi công đồng loạt với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức (hoàn thành năm 1966) như Gò Vấp, quận 11, quận 6....

Các thuỷ đài có cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, bồn nước mà người Pháp xây dựng trước đây, chỉ khác là được đưa lên độ cao gần 30 m.

Theo thiết kế, các thủy đài được xây dựng để điều áp nguồn nước. Buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra một lượng nước lớn, phần nước dư này sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Còn ban ngày người dân xài nhiều, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp.

Tuy nhiên, khi xây xong các thủy đài (có tổng dung tích gần 50.000 m3 và công suất bơm khoảng 480.000 m3 một ngày) không vận hành được do bị rò rỉ. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành. Sau khi tiếp quản, việc sửa chữa được TP HCM xem xét nhưng không thực hiện được nên bỏ hoang đến nay

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề nghị Sawaco nếu có nhu cầu sử dụng các thủy đài phải tổ chức kiểm định chất lượng, làm cơ sở để phục hồi. Đối với các tháp nước không có nhu cầu sử dụng phải lập thủ tục thanh lý, tháo dỡ, chuyển mục đích sử dụng đất.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục