tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 07-03-2016

  • Cập nhật : 07/03/2016

Có thất thu 85.000 tỷ đồng từ dầu thô, thu ngân sách vẫn sẽ tăng đều!

Theo một dự báo gần đây, trong kịch bản xấu nhất với giá dầu, ngân sách có thể hụt thu 85.000 tỷ đồng. Nhưng theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, dầu không còn là điểm quan ngại của ngân sách.

Theo công bố số liệu hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, thu từ dầu thô trong 2 tháng qua chỉ đạt 5.700 tỷ đồng, không bằng một nửa số thu cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tổng thu ngân sách sau 2 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ khi đạt hơn 160.000 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% cùng kỳ.

Thu nội địa là điểm sáng duy nhất khi tăng tới 12,8%, đạt gần 140 nghìn tỷ đồng. Giá dầu giảm giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tươi sáng hơn nhờ chi phí đầu vào giảm, dẫn đến số thu nội địa tăng lên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng thừa nhận: Với chục ngàn tỷ hụt thu do giá dầu giảm, ngân sách trung ương chắc chăn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số hụt thu này sẽ chuyển dịch sang ngân sách địa phương do giá dầu giảm dẫn đến giá đầu vào giảm, các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Mặc dù thu ngân sách vẫn tăng, nhưng trong 2 tháng đầu năm, với số chi trong gần 185.600 tỷ đồng, ngân sách bội chi 25.470 tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm.


Bình Dương: Trao giấy phép đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn 695 triệu USD

Ngày 4/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy phép đầu tư đợt 1 năm 2016 cho 32 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn trong nước, với tổng vốn 695 triệu USD, bao gồm 21 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn.
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong các dự án được cấp phép, Đài Loan (Trung Quốc) có 4 dự án với số vốn nhiều nhất là 205 triệu USD, Singapore có 4 dự án với 188,2 triệu USD, Hàn Quốc có 6 dự án với 64 triệu USD, Nhật Bản có 2 dự án với 54,5 triệu USD…

Nhiều dự án mới có vốn đầu tư lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp De Licacy Việt Nam 100 triệu USD chuyên sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt; in ấn, may trang phục; Công ty trách nhiệm hữu hạn Fovoline Global Trading PTE 88 triệu USD; Công ty trách nhiệm hữu hạn Chain Yarn Việt Nam 87 triệu USD chuyên sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt; in ấn; sản xuất sợi nhựa tổng hợp, nhựa và nhân tạo; Công ty trách nhiệm hữu hạn UR Coffe 65,82 triệu USD chuyên sản xuất và chế biến cà phê; Công ty trách nhiệm hữu hạn Lumens Vina 30 triệu USD…

Các dự án tăng vốn lớn như nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn điện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yasaki Esd Việt Nam tăng 35,5 triệu USD; Công ty trách nhiệm hữu hạn Kho vận C.Steinweg (Việt Nam) tăng 30 triệu USD…

Tính đến cuối tháng 2/2016, tỉnh có 2.623 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 24,1 tỷ USD; trong đó đầu tư trong các khu công nghiệp là 1.561 dự án với 15,75 tỷ USD, chiếm 65% số vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành luôn sẵn sàng chia sẻ những ý kiến đóng góp và tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư để có những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Song song đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh góp phần cho tỉnh Bình Dương tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy, là điểm đến hấp dẫn đối với tất cả các nhà đầu tư.

Tỉnh Bình Dương đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ Bình Dương. Trung tâm cung cấp các loại hình dịch vụ đối ngoại nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương và các đối tác nước ngoài.

Tại buổi lễ đã diễn ra ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm dịch vụ đối ngoại với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và Chi hội thương gia Đài Loan.


Nhà đầu tư BOT không muốn minh bạch việc thu phí

Trạm thu phí tự động không dừng được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch quá trình thu phí đường bộ tại các trạm BOT hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh trạm thu phí BOT dày đặc trên các tuyến quốc lộ thì việc minh bạch về mức thu, thời gian thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, sau một thời gian Bộ GTVT ráo riết chỉ đạo đến nay, kế hoạch vẫn chưa thể triển khai.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.


Nhập nhèm thu phí thủ công

Kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho thấy nhiều vi phạm như hệ thống dữ liệu thu phí bị lỗi, cơ quan chức năng không thể hậu kiểm việc thu phí. Dư luận cho rằng, lưu lượng xe qua trạm mỗi ngày rất lớn nhưng thời gian thu phí hoàn vốn của trạm này lại kéo dài tới hơn 16 năm. 

Ngoài ra, theo phản ánh của rất nhiều lái xe, qua nhiều trạm BOT, nhân viên chỉ thu tiền mà “quên” xé vé, chỉ đến khi lái xe đòi vé thì nhân viên mới đưa. Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá, việc thu phí qua các trạm BOT bằng thủ công như hiện nay rất lèm nhèm, thiếu minh bạch. 

Trong khi đó, công nghệ thu phí không dừng (ETC) đã được chứng minh giúp tiết kiệm thời gian cho lái xe, giảm nhân lực xé vé, giảm ùn tắc, đặc biệt là công khai, minh bạch được tài chính tại các trạm BOT. Đến nay, Bộ GTVT đã lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng loạt công nghệ ETC. Theo đó, việc triển khai lắp đặt trạm thu phí không dừng là bắt buộc với các nhà đầu tư BOT.

Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình đối với các nhà đầu tư BOT, đến 30-6-2016 phải hoàn thành lắp đặt trạm thu phí không dừng tại trạm BOT trên các tuyến đường xây dựng trong năm 2014 và 2015; đến 2018 cơ bản hoàn thiện trên tất cả tuyến quốc lộ cả nước và đến 2020, tất cả trạm thu phí toàn quốc (gồm cả cao tốc) sẽ thu phí tự động không dừng không dùng barie chắn. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ này sẽ làm việc với Bộ Tài chính để cân đối mức chi phí mà các nhà đầu tư BOT phải trả hàng năm cho nhà đầu tư trạm thu phí không dừng. 

Không ký hợp đồng sẽ dừng thu phí

Nếu các nhà đầu tư BOT còn chây ỳ như hiện tại thì tiến độ sẽ khó đạt. Theo tiến độ của Bộ GTVT, sẽ có 28 trạm thu phí BOT buộc phải lắp đặt công nghệ ETC trước ngày 30-6, nhưng mới có 10 nhà đầu tư ký hợp đồng. Mặc dù đại diện các nhà đầu tư BOT đều cho rằng, họ ủng hộ chủ trương lắp đặt công nghệ thu phí ECT nhưng lý do chậm trễ đưa ra khá mập mờ. 

Một số nhà đầu tư cho rằng, chưa biết thu xếp số nhân lực dôi dư như thế nào nếu lắp đặt công nghệ ETC hay chế độ bảo dưỡng, duy tu như thế nào để không rơi vào tình trạng độc quyền và đòi “bôi trơn”… Hay tiền thu phí hàng ngày của các nhà đầu tư BOT sẽ được chi trả như thế nào, có tình trạng can thiệp vào hệ thống máy móc để gian lận phí…? 

Ông Vũ Quang Lâm - Tổng Giám đốc VETC (Công ty CP Tasco - đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn làm nhà thầu lắp đặt công nghệ ETC) Việt Nam khẳng định, việc chi trả tiền thu phí hàng ngày cho các nhà đầu tư BOT sẽ được thực hiện theo những điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên và tùy thuộc vào nhu cầu của nhà đầu tư BOT. 

Bên cạnh đó, nếu thất thoát trong việc VETC không thu được phí thì VETC sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư BOT. “Không bao giờ có chuyện con người can thiệp vào hệ thống máy móc để làm sai lệch số liệu thu phí. Vì hệ thống thu phí ETC sẽ được giám sát bởi một số bên liên quan như Bộ GTVT, Bộ Công an…”, ông Vũ Quang Lâm cho hay.

Theo đánh giá việc triển khai lắp đặt trạm thu phí không dừng gặp khó không phải bởi kinh phí hay công nghệ, mà do phần lớn các nhà đầu tư BOT không muốn minh bạch việc thu phí qua trạm BOT. Đây cũng chính là điểm khúc mắc, mập mờ gây bức xúc bấy lâu nay trong việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông. 

Buộc các nhà đầu tư BOT phải lắp đặt trạm thu phí không dừng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ra tối hậu thư: “18 nhà đầu tư BOT trong tuần này phải ký kết hợp đồng lắp đặt công nghệ thu phí ECT. Sang tuần sau, nếu đơn vị nào chưa ký kết Bộ GTVT sẽ ra quyết định dừng thu phí, tránh trường hợp các doanh nghiệp cứ đi họp, nghe chỉ đạo rồi để đấy”. 

Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà đầu tư công nghệ thu phí ECT phải ngồi lại với nhau, cùng thống nhất về công nghệ thu phí ETC để mỗi lái xe chỉ phải dán một loại thẻ thu phí lên xe là có thể lưu thông qua tất cả các trạm, dù trạm thu phí đó là của nhà đầu tư nào, công nghệ ra sao.

Khánh Hòa: Xây cụm công nghiệp rộng 40ha tại thành phố Cam Ranh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý chủ trương đầu tư cụm công nghiệp với quy mô 40ha tại 2 xã Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, tại cuộc họp với UBND TP. Cam Ranh chiều ngày 3/3, ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đã đồng ý chủ trương đầu tư cụm công nghiệp tại TP. Cam Ranh.
Ông Trần Sơn Hải cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu quy hoạch cụm công nghiệp này với diện tích 75ha; giao Sở Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục lập hồ sơ để ra quyết định chủ trương đầu tư; trong quá trình xem xét lựa chọn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và đầu tư cần lưu ý nghiên cứu hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ trước tháng 6/2016 để kịp thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung vào danh mục các dự án Nhà nước thu hồi đất.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, sau khi khảo sát, đơn vị và UBND TP. Cam Ranh đã thống nhất chọn địa điểm đầu tư cụm công nghiệp tại thôn Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông) và thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) với diện tích khoảng 40ha (cách quốc lộ 1A khoảng 2km). Tổng kinh phí đầu tư cụm công nghiệp này dự kiến khoảng hơn 230 tỷ đồng, trong đó kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 30 tỷ đồng. Hiện đã có một nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh đăng ký đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp này.

“Nhà nước đang nợ doanh nghiệp rất nhiều!”

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, Chính phủ đang nợ doanh nghiệp. Năm 2016, Chính phủ nên chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp nội địa.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Các hiệp định thương mại tự do FTAs và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giày, thủy sản… và đang đặt ngành phân phối trong nước đứng trước nhiều nguy cơ bị tập đoàn nước ngoài đánh bật ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, không chỉ mỗi ngành phân phối bán lẻ, ngành thực phẩm trong nước cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi mà sự nội lực của chuỗi sản xuất trong  nước còn yếu và tâm lý sính ngoại, niềm tin của người tiêu dùng cho thực phẩm nội đang giảm.  

Chia sẻ tại tại hội thảo “Kịch bản bản kinh tế Việt Nam 2016 – Tăng trưởng kinh tế và Phát triển Đầu tư trong bối cảnh hội nhập”, ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Vissan cho rằng, sau khi AEC có hiệu lực, thị trường sát cạnh Việt Nam đầy cạnh tranh, người tiêu dùng có lợi nhất. Cơ hội đến với người tiêu dùng rất nhiều, nhưng hệ quả đến đối với nhà sản xuất là tương phản ngược lại. Với thực trạng hiện nay về vốn, công nghệ, nhà đầu tư….thì rõ ràng nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

“Ngành thực phẩm là ngành dễ bị tổn thương nhất. PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện Trưởng Viện Kinh tế Trung ương từng nói Vissan nên đi vào chăn nuôi nhiều hơn, nhưng chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi không nhất thiết làm tất cả, chúng tôi tiêu dùng và phải định hướng cho nhà sản xuất sản xuất theo yêu cầu của chúng tôi” – ông Văn Đức Mười chia sẻ.

AEC có hiệu lực, ta có thị trường lớn, TPP lại lớn hơn, nhưng với TPP thì đòi hỏi cao cấp hơn. Khi TPP hiệu lực, hàng thực phẩm Việt Nam chưa chắc xuất khẩu được do chưa đáp ứng được các yêu cầu/quy ước của 12 nước thành viên nội khối TPP về chất lượng. Điều này đồng nghĩa ngành thực phẩm bị nhập khẩu tác động đến.
Do đó, ông Văn Đức Mười cho rằng, chúng ta cần đánh giá đúng đắn tác động của TPP đối với ngành thực phẩm, đặc biệt là từ góc nhìn thị trường đến nhà sản xuất để có những chính sách, ứng phó phù hợp.

Vissan cho biết doanh nghiệp hiện đang phải mua heo (lợn) của doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI nuôi để giết mổ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang tận dụng cơ hội, và chúng ta phải công bằng về vai trò của vốn FDI. Dù muốn hay không thì khối FDI thì họ cũng là một hợp phần của nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra rằng, tại sao Vissan phải mua con heo của doanh nghiệp đó để giết mổ?

Khối FDI đã được Chính phủ ưu đãi trong một thời gian dài để tạo ra khoảng trống nhất định, có thế lực trên thị trường nội địa. Vì vậy, trong một môi trường kinh tế có thiên vị, các doanh nghiệp tư nhân nội địa sẽ bị làm yếu đi, rất khó để vươn lên trở thành những tập đoàn lớn mạnh. Do đó, Việt Nam không có những doanh nghiệp lớn thỏa mãn cho những điều này để tạo sự kết nối trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm.

Theo ông Văn Đức Mười, Nhà nước đang nợ doanh nghiệp rất nhiều. Năm 2016 làm năm doanh nghiệp nhưng Chính phủ nên chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nội địa không nên để doanh nghiệp phải làm đơn xin tháo gỡ khó khăn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục