tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 01-07-2016

  • Cập nhật : 01/07/2016

Gần 85% người lao động không hài lòng với việc làm hiện tại

Theo một khảo sát của JobStreet.com Việt Nam-Mạng việc làm số 1 Đông Nam Á, có đến 85% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại. Đáng chú ý, có đến gần 90% đối tượng mới tốt nghiệp chưa hài lòng với việc làm hiện tại. 

Con số này giảm dần theo độ tuổi cũng như cấp bậc của người lao động, 87% ở cấp độ nhân viên từ 1-3 năm kinh nghiệm và giảm còn 76% ở cấp độ quản lý/quản lý cấp cao. Xét trên giới tính, lao động nữ có xu hướng không hài lòng với công việc cao hơn so với nam giới (lần lượt là 87% ở nữ và 82% ở nam).

Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động chưa hài lòng với việc làm hiện tại, ba nguyên nhân chính được chia sẻ là: Việc làm nhàm chán, không có hướng đi sự nghiệp rõ ràng (chiếm 55%); Mức lương chưa phù hợp (54%) và Không học hỏi được từ việc làm (37%).

Ngoài ra, việc thiếu các khoản phúc lợi, phụ cấp hỗ trợ và phạm vị giao việc thiếu rõ ràng cũng là những lý do khiến người lao động chưa hài lòng với công việc. Đáng chú ý, đối với người lao động mới tốt nghiệp, trên 42 % cho biết họ chán nản với công việc vì không được làm việc đúng chuyên môn. Xét riêng về yếu tố mức lương, 33% ứng viên cho rằng họ phải làm việc nhiều hơn mức được trả và hơn 39% cho rằng lương họ không đủ sống.


Chủ tịch VCCI: Sau ngày 1/7 tiếp tục rà soát loại bỏ điều kiện kinh doanh lỗi thời

Ngày mai, 1/7, hàng loạt nghị định về điều kiện kinh doanh sẽ có hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn kiến nghị tiếp tục rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh.

Thưa ông, trong số hơn 300 kiến nghị của VCCI tới các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, có một số đề nghị dừng ban hành, như trường hợp với nghị định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ, điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm…?

VCCI đề nghị bỏ, với những phân tích trên cơ sở phân tích điều 7.1 Luật Đầu tư và thực tiễn kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh được đưa ra trong các dự thảo nghị định trên không đáp ứng các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, án toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng…

Nhưng, vì các ngành này có trong danh mục 267 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư, nên theo đúng luật, Chính phủ vẫn sẽ phải ban hành.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã kiến nghị tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, bao gồm tất cả điều kiện kinh doanh đang quy định tại các nghị định, luật, ngay từ ngày 1/7, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  Có thể có những sửa đổi ngay sau đây, chứ không phải là “ván đã đóng thuyền”.

VCCI sẽ chủ động rà soát để có kiến nghị kịp thời khi phát hiện ra những quy định không phù hợp, không hợp lý… Trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị loại bỏ một số ngành, nghề chuyển sang quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn thay vì điều kiện kinh doanh.

Cũng phải nói thêm, phần lớn những kiến nghị của chúng tôi với các bộ, ngành đều đã được tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo.

Nhưng, nếu như vậy, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực?

Chúng tôi đã đề nghị phương án tối giản nhất cho các điều kiện kinh doanh được đưa ra trong những dự thảo nghị định này. Nội dung các điều kiện này cũng sẽ theo hướng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tự quyết định.

Với một số vấn đề còn chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và ý kiến doanh nghiệp về áp dụng điều kiện kinh doanh hay tiêu chuẩn, quy chuẩn, chúng tôi cũng đề nghị áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, áp dụng hậu kiểm…

Phương án này, nếu được chấp thuận, sẽ không gây xáo trộn lớn tới doanh nghiệp, cũng như không ảnh hưởng tới việc quản lý nhà nước của các bộ, ngành này khi buộc phải có sửa đổi liên tục.

Song song với đề nghị này, chúng tôi cũng kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành nghề, như với ngành kinh doanh mũ bảo hiểm mô tô, xe máy, để đảm bảo trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành cũng như trách nhiệm phải tuân thủ quy định của các doanh nghiệp.

Có thể hiểu rằng, công việc rà soát điều kiện kinh doanh vẫn chưa thế kết thúc sau ngày 1/7, thưa ông?

Theo tôi thì từ ngày 1/7 mới bắt đầu hành trình cởi trói doanh nghiệp khỏi các điều kiện kinh doanh vô lối. Giai đoạn vừa qua mới chỉ là khởi động, thống nhất nhận thức, cách làm… Ngay cả VCCI, trong thời gian ngắn sau khi nhận được dự thảo từ các bộ, ngành cũng chưa thể đưa ra hết các kiến nghị cần thiết. Rất nhiều ý kiến doanh nghiệp chưa kịp được ghi nhận.

Vì vậy, tôi tin là các công việc rà soát quyết liệt sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong vòng 6 tháng tới, để từ năm 2017, chúng ta sẽ có hệ thống điều kiện kinh doanh sát với thông lệ tốt của quốc tế.

VCCI sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình này. Vì khi nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bỏ điều kiện kinh doanh thay bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài.

Thậm chí, trong cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp không phải chịu rào cản gia nhập thị trường, nhưng sẽ phải tự dựng lên rào cản cho chính mình trước đòi hỏi của xã hội, của thị trường. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ như công bố, họ sẽ bị thị trường tẩy chay, đào thải. Áp lực phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật lúc nào cũng ở trên đầu.

Khác với khi tiền kiểm, doanh nghiệp chỉ cần xin được cái dấu chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước là xong…

Tôi cho rằng, cách quản lý này mới thực sự win – win cho các đối tượng liên quan, từ nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.(BĐT)


Ngành Ngân hàng và Kế hoạch hành động

Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Sau những chỉ đạo tại Chỉ thị 04 nhằm triển khai quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 28/6/2016, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng NHNN đã ban hành hai kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai tại Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

 

nganh ngan hang tiep tuc thuc hien dong bo cac giai phap tien te nham gop phan cai thien chi so tiep can tin dung

Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ nhằm góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng

Trong giai đoạn 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, cải thiện và minh bạch hệ thống thông tin tín dụng…

Thống đốc yêu cầu các đơn vị phải tạo điều kiện cho DN nhất là DNNVV, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó, nâng cao năng lực trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Mục tiêu quan trọng nữa của NHNN nhấn mạnh tại Chỉ thị 05 là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN... Kế hoạch hành động của NHNN được Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá là tích cực. Theo TS. Ngân, việc cải cách chính sách của ngân hàng sẽ tác động tích cực đối với môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN.

Để thực hiện các mục tiêu lớn trên, trong kế hoạch hành động, NHNN đã đưa ra những giải pháp, mục tiêu cụ thể, được nêu rõ trong Quyết định 1355/QĐ –NHNN: Giải pháp nhằm góp phần nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia; Giải pháp nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ NH, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế; Giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thông qua lành mạnh hóa hệ thống TCTD.

Đặc biệt, NHNN rất chú trọng đến các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là DNNVV. Cùng với đó NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng...

Theo Quyết định 1355, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh...

Tình hình thế giới đang khá bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, vì vậy, NHNN thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối và vàng để có những giải pháp quản lý kịp thời, hiệu quả khi thị trường có biến động. NHNN sẽ chủ động triển khai, hoàn thiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận các lợi ích kinh tế từ các hoạt động này của các tổ chức, cá nhân góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống TCTD

NHNN xác định để nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, cần thiết phải lành mạnh hóa hệ thống các TCTD. Theo đó, các TCTD phải tăng cường năng lực tài chính bảo đảm đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị NH hiện đại, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Việc khẩn trương xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD được nhấn mạnh trong kế hoạch hành động của NHNN. “Đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế...” – Quyết định 1355 nêu rõ.

Thống đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là nợ xấu của TCTD yếu kém; Phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của Việt Nam...

Trong các vấn đề liên quan đến hỗ trợ DN, theo TS. Trần Hoàng Ngân, vốn ngân hàng có vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc NHNN đưa ra nhiều ra giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhất là DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng rất có ý nghĩa. NHNN đã đưa ra yêu cầu khá chi tiết để cụ thể hóa mục tiêu này.

Cụ thể, Thống đốc yêu cầu rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về cho vay của TCTD đối với khách hàng cho phù hợp quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn... tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng trong các giải pháp, NHNN luôn yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả là điều cần thiết. Vì an toàn trong hoạt động ngân hàng có tác động lớn đến nền kinh tế. Một vấn đề khác, mặc dù thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp, nhưng để hỗ trợ nhiều hơn cho DN, Thống đốc yêu cầu các TCTD trên cơ sở khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Ngoài ra, một trong những nội dung được các chuyên gia cho là cần thiết trong thời gian tới đã được đưa vào trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đó là cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng. Đây là xu thế đã được triển khai nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ tích cực trong việc hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu.

Ngay trong năm 2016, Thống đốc yêu cầu các đơn vị vụ, cục trực thuộc NHNN đảm bảo cắt giảm tối đa 10% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, DN; Hoàn thành kế hoạch triển khai nâng cấp 14 TTHC của NHNN lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; Duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong nhóm 30 nước đứng đầu theo đánh giá của World Bank. Năm 2017 tiếp tục cắt giảm tối đa 10% chi phí tuân thủ TTHC... Giai đoạn xa hơn 2018 – 2020, NHNN yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đề xuất khuôn khổ pháp lý về ổn định tài chính và hoàn thành cơ chế thực thi nhiệm vụ về ổn định tài chính của NHNN. Đây cũng là giai đoạn phải triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN đối với thủ tục hành chính “Cấp giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt từ xuất khẩu sang Campuchia”, tiếp tục nâng cấp cải cách thủ tục hành chính trong nghiệp vụ ngoại hối...(BĐT)

Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hơn 100 thủ tục hành chính

Bộ Tư pháp vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, sửa đổi bổ sung 60 TTHC.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu độc lập và ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp (DN), Bộ Tư pháp vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 TTHC không cần thiết, sửa đổi bổ sung 60 TTHC. 

Như vậy tổng số TTHC đề nghị đơn giản hóa là 103 (số thủ tục bãi bỏ là 43 TTHC; số đề nghị sửa đổi, bổ sung là: 60 TTHC) trong tổng số 105 TTHC rà soát, đồng thời cũng đề xuất bãi bỏ 11 thủ tục con phát sinh do quá trình chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ... của chuỗi TTHC liên quan đến xuất khẩu thủy sản mà chưa được Bộ NN&PTNT thống kê.

Nội dung các phương án đơn giản hóa mà Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung tập trung theo hướng như sau: Thay đổi cơ chế, phương thức quản lý nhằm cắt giảm các TTHC không cần thiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho DN.

 

Các nội dung đơn giản hóa của Bộ NN&PTNT cùng với việc bổ sung những sáng kiến cải cách trong kết quả rà soát độc lập của Bộ Tư pháp sẽ có tác động lớn trong việc tháo gỡ các rào cản trong sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội, thách thức của việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới (TPP, ASEAN, FTA,…), cũng như yêu cầu tăng cường sức mạnh nội lực của nền kinh tế. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục