tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 01-07-2016

  • Cập nhật : 01/07/2016

Đề xuất đổi cách tính CPI cho phù hợp quốc tế

Sáng 28/6, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đơn vị này đã nhiều lần trình Chính phủ đề xuất thay đổi gốc tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Theo đó, Việt Nam đang tính CPI làm cơ sở tính lạm phát năm là tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước. Điều này, theo ông Lâm, CPI sẽ phụ thuộc vào giá cả tháng 12, trùng thời điểm lễ tết nên giá thường tăng mạnh, trong khi giá cả các tháng khác trong năm không được tính tới.

Cùng với đó, hiện các nước trên thế giới đều dùng CPI bình quân năm để so sánh. Do đó, các năm 2009, 2014 và năm nay, Tổng cục Thống kê đều đề nghị Bộ KH&ĐT, Chính phủ, Quốc hội thay đổi gốc tính CPI, để lạm phát phản ánh đúng bản chất giá cả năm và phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo ông Lâm, nếu dùng CPI bình quân cả năm làm gốc so sánh, số liệu lạm phát sẽ thay đổi. Như giai đoạn 2011-2015, nếu tính CPI bình quân cả năm sẽ thấy số liệu lạm phát Việt Nam các năm đều cao hơn so với dùng CPI tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước.

“Chỉ tiêu lạm phát được dùng làm cơ sở điều hành lãi suất, thời điểm và mức tăng lương… nên chúng tôi phải có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh cách tính cho hợp lý. Lần này Chính phủ đã cho phép nghiên cứu, báo cáo”, ông Lâm nói. Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chuẩn bị báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 này về việc thay đổi cách tính CPI làm cơ sở tính lạm phát hằng năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2016 đạt 5,52% (thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, chỉ có khu vực công nghiệp và xây dựng; và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn, với mức giảm tới 0,18%.

“Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế xuất hiện dấu hiệu chững lại, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp song có dấu hiệu tăng trở lại”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2016, trong những tháng cuối năm GDP phải đạt mức tăng trưởng gần 7,6%. CPI bình quân 6 tháng đầu tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm trước.(TP)


Doanh nghiệp bán lẻ Việt thua thiệt so với doanh nghiệp nước ngoài

Đó là thông tin được các doanh nghiệp (DN) cho biết tại diễn đàn rủi ro chính sách đối với bán lẻ tổ chức ngày 28-6 tại TP.HCM.

doanh nghiep ban le viet dang phai chiu suc ep canh tranh rat lon tu cac dn ban le nuoc ngoai ngay tren san nha. anh: nguyen hue

Doanh nghiệp bán lẻ Việt đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các DN bán lẻ nước ngoài ngay trên sân nhà. Ảnh: Nguyễn Huế

Các DN bán lẻ trong nước đang thua ngay trên sân nhà do các DN bán lẻ ngoại đang nhận được nhiều ưu ái từ các địa phương. 

Trong đó điển hình là việc sử dụng công cụ đánh giá nhu cầu và hiệu quả kinh tế (ENT) của các địa phương còn rất lỏng lẻo dù đây được xem như là một rào cản kỹ thuật đối với DN bán lẻ ngoại cũng như là một chính sách hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho DN bán lẻ nội phát triển. Theo đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài muốn khi muốn mở địa điểm bán lẻ thứ 2 thì phải được các địa phương đánh giá nhu cầu và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế đang có sự quá dễ dãi của các địa phương trong việc sử dụng công cụ ENT đối với DN bán lẻ ngoại xuất phát từ tình trạng chạy đua thu hút đầu tư DN vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ VCCI, hơn 50% trong tổng số 500 DN được VCCI khảo sát cho biết, các chính quyền địa phương đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho DN bán lẻ ngoại hơn DN bán lẻ nội. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đã có những trường hợp cùng một mặt bằng, Saigon Co.op tham gia đàm phán chính quyền địa phương về việc đầu tư siêu thị trước nhưng kết quả vẫn là giao cho DN bán lẻ khối ngoại đầu tư. 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ về chính sách ưu đãi mặt bằng, DN bán lẻ khối ngoại còn được ưu đãi giảm thuế khi đầu tư trong khi DN bán lẻ nội lại không được hưởng các chính sách này. Về vốn đầu tư, dù DN nội luôn yếu thế về vốn trước DN ngoại nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ gói hỗ trợ vốn nào được Chính phủ thiết kế riêng cho lĩnh vực này.

Hệ thống bán lẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định đầu ra và sự phát triển của DN nội. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống bán lẻ của các DN nội đang phát triển rất èo uột. Theo ông Phạm Trung Kiên, thực tế cho thấy DN bán lẻ ngoại đang thâm nhập rất nhanh và mạnh vào thị trường phân phối. 

Tính đến nay, tổng doanh thu DN bán lẻ ngoại kênh hiện đại đạt hơn 45 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 58% trong khi khối nội chỉ đạt khoảng 32.000 tỉ đồng. Dự kiến đến năm 2020, doanh thu DN khối ngoại sẽ đạt 187.500 tỉ đồng chiếm gần 72,4%, còn DN bán lẻ khối nội chỉ đạt 71.500 tỉ đồng chiếm 27,6%. 

Các DN cho rằng, thu hút FDI ở một khía cạnh nào đó rất quan trọng trong việc tạo  động lực phát triển kinh tế. Thế nhưng, với chính sách thiên lệch ưu đãi đầu tư theo hướng có lợi cho DN ngoại sẽ vô hình chung triệt tiêu DN nội vốn đã yếu về vốn, nội lực quản trị . Do vậy, nếu không đẩy mạnh thắt chặt chính sách thu hút đầu tư, triệt để tận dụng những rào cản kỹ thuật để hỗ trợ DN nội phát triển, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, không chỉ thị trường bán lẻ bị DN ngoại thâu tóm mà ngay cả thị trường sản xuất trong nước cũng không giữ được. 

Để hỗ trợ DN bán lẻ nội phát triển theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện VCCI, có 4 vấn đề vốn cốt lõi là nguồn cung hàng hoá, lao động, mặt bằng và vốn, nhà nước hoàn toàn có thể tham gia can thiệp về mặt chính sách mà không vi phạm những cam kết trong các hiệp định thương mại. 

Cụ thể, với nguồn cung hàng hoá, hơn 50% DN đánh giá là thuận lợi. Số còn lại đánh giá khó khăn. Điều này cho thấy vấn đề lưu thông hàng hoá chưa được thông suốt mà nguyên nhân do chi phí logistich của Việt Nam quá cao. Những giải pháp chính sách mà nhà nước có thể can thiệp tại phân khúc này là phải tăng cường đầu tư kho trung chuyển, tận dụng ưu thế giao thông thuỷ… giảm chi phí đường bộ không cần thiết, thắt chặt quy định xã hội hoá đầu tư đường bộ… , để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá thành sản phẩm trong quá trình phân phối nội. 

Về vấn đề lao động, nhà nước cũng có thể can thiệp bằng cách hỗ trợ DN bán lẻ nội nâng chất và chuẩn hoá đội ngũ nhân công lao động thông qua chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục. Riêng về vấn đề mặt bằng, đây là vấn để sống còn với mỗi DN bán lẻ, dù nhà nước không thể tham gia can thiệp vào chi phí thuê mặt bằng tuy nhiên, nhà nước có thể điều chỉnh về chính sách thuế, chính sách hạ tầng theo hướng ưu tiên hơn cho DN nội và đặc biệt tại các địa phương phải thực hiện chặt chẽ công cụ ENT, tránh tình trạng thiên vị cho DN ngoại hơn DN nội. Tương tự, về vốn nhà nước cũng có thể hỗ trợ các DN bằng cách thiết kế gói vốn vay phù hợp với ngành bán lẻ. 


Nuôi cá tra chưa có dấu hiệu phục hồi

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm 2016 chưa có dấu hiệu phục hồi, hàng loạt các khó khăn như thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cá không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã làm cho diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm.

Diện tích cá tra 6 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 3.757 ha, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 526.683 tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ.

Trong đó, một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra có sản lượng giảm như sản lượng cá tra tại tỉnh Vĩnh Long đạt 38.000 tấn (giảm 4%), Bến Tre 82.575 tấn (giảm 12%), An Giang 121.437 tấn (giảm 7%), Đồng Tháp 184.004 tấn (giảm 1%).

Thị trường cá tra nguyên liệu trong tháng 6-2016 tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng, các hộ nuôi liên tục chào giá ở mức thấp. Các nhà máy hầu như không thu mua cá từ bên ngoài mà chủ yếu bắt cá trong vùng nuôi hoặc từ các hộ nuôi liên kết.

Thời điểm này, nhiều hộ hạ giá chào bán cá tra trong size (700-900 gram/con) xuống mức 18.000-18.500 đ/kg (trả chậm) nhưng các nhà máy vẫn không có nhu cầu mua.(ĐĐK)


Chính phủ cam kết loại trừ các quy định có biểu hiện lợi ích nhóm

Tại Nghị định số 54/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ cam kết sẽ kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân…

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ khẳng định quyết tâm hành động nhằm thể chế hóa quan điểm về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; bảo đảm thực hiện bằng những hành động quyết liệt trong tổ chức thực thi pháp luật của cả hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ cũng cam kết luôn đồng hành, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ giao các Bộ, ngành thường xuyên theo dõi, đánh giá, đề xuất sửa đổi các quy định bất hợp lý về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, không hợp lý; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm Thông tư của các Bộ không quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính; Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Kể từ ngày 1/7/2016, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trình dự án Luật phải chủ động, khẩn trương xây dựng, trình ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, không để khoảng trống pháp lý trong quản lý điều hành và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp.

Kiên quyết gỡ bỏ rào cản hoạt động đầu tư kinh doanh

Về các Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2016 và các Nghị định thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Nghị quyết nêu rõ, Dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh mũ bảo hiểm và dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, quản lý, vận hành nhà chung cư và điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản, Chính phủ thống nhất giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, sự cần thiết của việc quy định các điều kiện, xác định rõ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đưa các quy chuẩn, tiêu chuẩn vào Nghị định; hoàn thiện dự thảo Nghị định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉnh lý dự thảo Nghị định theo hướng giảm diện tích kho bãi cho phù hợp với thực tế; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế, Chính phủ thảo luận và thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định điều kiện để hoạt động kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, rà soát, chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm tính minh bạch của các điều kiện; chỉ quy định điều kiện an ninh trật tự, không quy định điều kiện kinh doanh casino trong Nghị định này; loại bỏ các quy định chưa phù hợp về trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh; bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong quá trình cấp phép và quản lý hoạt động của cơ sở kinh doanh trong dự thảo Nghị định; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý tên gọi của dự thảo nghị định theo ý kiến Thành viên Chính phủ; không quy định quản lý, điều kiện hoạt động đánh giá sự phù hợp thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã được quy định trong các luật chuyên ngành và Phụ lục 4 Luật đầu tư năm 2014; Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ quản lý các Tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với các hoạt động liên quan đến tổng hợp đa ngành; giảm điều kiện về số lượng chuyên gia; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định quy định điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề (giáo dục nghề nghiệp), Chính phủ thảo luận, thống nhất chỉ ban hành một nghị định hợp nhất nội dung các dự thảo nghị định trên. Về thẩm quyền quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan, xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn, thống nhất giải pháp phù hợp báo cáo thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉnh lý dự thảo Nghị định theo hướng quy định minh bạch điều kiện cấp giấy phép; cắt giảm thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục; thống nhất một đầu mối tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính; giảm thời gian cấp giấy phép xuống dưới 15 ngày; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự thảo nghị định theo hướng không quy định thêm giấy phép, giảm thời gian cấp giấy phép xuống dưới 15 ngày; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ về các quy định liên quan đến trách nhiệm xác định giá khởi điểm để đấu giá đất; quy trình phối hợp giữa cơ quan tài nguyên môi trường và tài chính; bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất và thuận lợi về thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, Chính phủ thảo luận, cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị định theo hướng bảo đảm tính chặt chẽ, tính thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, phù hợp với thực tiễn để xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã kết thúc trước ngày 30/11/2013 bảo tính khả thi, phù hợp với Luật đất đai, Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định pháp luật hiện hành; không can thiệp hành chính vào nội dung giao dịch phiếu; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, rà soát, chỉnh lý các thuật ngữ, làm rõ các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng bảo đảm an toàn thông tin; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế, Chính phủ thảo luận, thống nhất với dự thảo Nghị định. Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, tiếp thu ý các Thành viên Chính phủ; quy định hoạt động chi ngân sách nhà nước cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế là chi thường xuyên; bổ sung nội dung chi về đánh giá tính tương thích của Điều ước quốc tế với pháp luật trong nước; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện quy định hành vi vi phạm và chế tài xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về các dự thảo: Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật an toàn thông tin mạng về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Nghị định quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa; Nghị định quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị định quy định bậc trình độ kỹ thuật nghề, điều kiện nâng bậc của công nhân quốc phòng; Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp, Chính phủ thảo luận, thống nhất nội dung dự thảo các nghị định trên. Giao các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ; khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Đối với các Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm chất lượng, không để xảy ra sai sót. Riêng đối với các dự thảo nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cập nhật công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, rà soát kỹ các điều kiện tác động đến người dân, doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gỡ bỏ các rào cản hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo các Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.(VnMedia) 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục