tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-04-2016

  • Cập nhật : 21/04/2016

Tinh giản 2,7 triệu biên chế: Cấp bách, nhưng phải... từ từ

Việc nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức của bộ máy hành chính và hệ thống chính trị, theo TS. Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là cần thiết, nhưng phải làm từng bước mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đội ngũ biên chế nhà nước cồng kềnh, mỗi năm một phình to. Theo ông, tinh giản biên chế có phải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay?

Nói đội ngũ biên chế nhà nước mỗi năm một phình to là nói chung chung. Trên thực tế, thì chỉ có biên chế viên chức tăng mạnh, còn biên chế công chức từ năm 2011 đến năm 2015 tăng không nhiều.

Cụ thể, tổng số biên chế bộ máy hành chính từ cấp huyện trở lên năm 2011 là 269.008 người; năm 2012 là 273.617 người; năm 2013 là 273.637 người; năm 2014 là 174.047; năm 2015 tăng lên 274.970 người và đến năm 2016 giảm còn 270.831 người. Biên chế công chức trong những năm vừa qua tăng lên có nguyên nhân khách quan là chúng ta thành lập thêm một số địa giới hành chính.

ts. bui duc thu, thuong truc uy ban tai chinh - ngan sach cua quoc hoi

TS. Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Tuy nhiên, nếu tính cả viên chức làm việc tại 56.000 đơn vị sự nghiệp công, thì tổng số biên chế lên tới 2,7 triệu người, mỗi năm tiêu tốn 65 - 67% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó chủ yếu là chi trả lương và quản lý hành chính, nên thu ngân sách chỉ đủ cho chi tiêu thường xuyên, một phần để trả nợ, trong khi toàn bộ chi cho đầu tư phải đi vay, thậm chí vài năm gần đây tiền trả nợ cũng không đủ, NSNN đã phải đi vay đảo nợ.

Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ XIV muốn bảo đảm được an ninh tài chính, giữ được bội chi, nợ công, nợ chính phủ bên cạnh cơ cấu lại nguồn thu bắt buộc phải cơ cấu lại nguồn chi theo hướng giảm chi thường xuyên, nên tinh giản biên chế, trong đó có việc nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị là cần thiết, nhưng phải làm từng bước.

Chỉ riêng bộ máy công chức, viên chức mỗi năm “ngốn” 65 - 67% tổng chi NSNN. Như thế, tinh giản biên chế phải được coi là nhiệm vụ cấp thiết, vậy tại sao lại phải làm từng bước, thưa ông?

Hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công quan trọng nhất là hiệu quả công việc, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Nếu cứ ào ạt tinh giản biên chế, có việc không có người làm, kéo dài thời gian xử lý công việc cho doanh nghiệp, người dân có khi lại dẫn tới tiêu cực, người dân phải bôi trơn mỗi khi có việc phải đến cơ quan nhà nước. Thực tế cho thấy, sau khi áp dụng khoán biên chế, khoán chi hành chính, rất nhiều công chức, viên chức chỉ ngồi ở văn phòng, không đi sâu, đi sát cơ sở, không đi thực tế, nên ban hành ra nhiều chính sách “trên trời”, thậm chí còn tạo ra một chính quyền quan liêu, xa rời thực tiễn, làm việc kém hiệu quả.

Vì thế, tinh giản biên chế phải thực hiện đồng thời bằng nhiều cách, kể cả việc nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính trị, như Quảng Ninh đang từng bước thí điểm. Nhưng dù tinh giản biên chế bằng cách nào đi chăng nữa, thì hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước nói chung với xã hội phải được nâng cao.

Tinh giản biên chế làm từng bước, nhưng phải có lộ trình cụ thể, nếu không, 10 - 20 năm nữa, NSNN hàng năm vẫn phải dành 65 - 67% tổng chi chỉ để “nuôi” đội ngũ công chức, viên chức?

Với biên chế viên chức chiếm hơn 90% tổng số biên chế, cần phải giảm ngay bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Nhà nước chỉ trả lương cho biên chế viên chức thực hiện những công việc mà Nhà nước buộc phải làm, còn lại đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy và tài chính, NSNN chỉ trả một phần chi thường xuyên và tiến tới chấm dứt đối với những loại dịch vụ công mà có thể xã hội hóa được, đồng thời xây dựng phí dịch vụ công phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Thế 1/3 đội ngũ công chức hiện… “có cũng như không” sẽ được xử lý thế nào?

Muốn giảm được cần phải rà soát lại xem những cơ quan, tổ chức nào chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan, tổ khác thì phải sáp nhập lại, thậm chí xóa bỏ. Thu gọn đầu mối không chỉ giảm gánh nặng cho NSNN, mà còn thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, tăng sự giám sát của xã hội.

Bởi với bộ máy chồng lấn, trùng lắp, chồng chéo, khi xử lý, giải quyết công việc không biết ai chịu trách nhiệm, bên nọ đùn đẩy trách nhiệm cho bên kia, khiến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc khi phải đến cơ quan công quyền.

Như vậy, việc Quảng Ninh nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức là bước đi đúng đắn, thưa ông?

Quảng Ninh đang thí điểm nhất thể hóa chức chủ nhiệm ủy ban kiểm tra với chánh thanh tra, trưởng ban tổ chức với trưởng phòng nội vụ, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoặc HĐND, trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc, chánh văn phòng huyện uỷ, HĐND và UBND chỉ có 1 người, trưởng ban tuyên giáo kiêm phó chủ tịch HĐND ở một số huyện. Bước đầu cho thấy, cách làm của Quảng Ninh có hiệu quả vì đã tinh giản được hàng ngàn biên chế, mỗi năm tiết kiệm được trên 270 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi tiêu khác phục vụ cho số biên chế này.

Theo tôi, cần phải tổng kết cách làm của Quảng Ninh trước khi nhân rộng ra cả nước xem có thực sự hiệu quả không, vì nếu chỉ tinh giản được biên chế, giảm được chi tiêu NSNN mà không nâng được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không phục vụ kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội thì phải xem lại.(BĐT)


Nhiều công trình giao thông tại TP.HCM động thổ rầm rộ rồi “quên” thi công

Sau khi tổ chức động thổ rầm rộ, nhiều công trình trên địa bàn TP.HCM như cầu đường sắt Bình Lợi, xa lộ Hà Nội mở rộng, hay tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, bãi đậu xe ngầm Lê Văn Tám… bị các chủ đầu tư “bỏ quên” việc thi công.

Rầm rộ động thổ

Khởi công từ tháng 4/2015, với số vốn đầu tư được thông báo lên tới 1.302 tỷ đồng, Dự án xây cầu đường sắt Bình Lợi mới (quận Bình Thạnh - Thủ Đức) cho đường sắt Bắc - Nam, thay thế cây cầu cũ đã hơn 100 năm tuổi, đến nay vẫn im lìm.

Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng (STD) thực hiện với hình thức BOT. Sau lễ động thổ, chủ đầu tư “án binh bất động”. Sau khi bị thúc giục nhiều lần, đại diện chủ đầu tư thông báo tới tháng 10/2015 sẽ triển khai thi công. Tuy nhiên, tới nay Dự án vẫn không được xây dựng, dù cây cầu cũ được cảnh báo có thể sập bất cứ lúc nào.

Một dự án khác, được khởi công cách đây 6 năm, nhưng vẫn chưa xây dựng là Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP.HCM và Cảng Cát Lái.

cau binh loi gia nua van gong minh ganh nhung doan tau vi chu dau tu chua giai toa xong mat bang de xay dung cau moi.

Cầu Bình Lợi già nua vẫn gồng mình gánh những đoàn tàu vì chủ đầu tư chưa giải tỏa xong mặt bằng để xây dựng cầu mới.

Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, mở rộng đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến điểm giao với dự án cầu Đồng Nai, có chiều dài 15,7 km. Tổng mức đầu tư Dự án là 2.286,8 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng là 1.701,5 tỷ đồng. Với việc chậm tiến độ, nhiều khả năng Dự án sẽ bị đội giá.

Ngoài ra, vào đầu tháng 12/2015, Dự án Tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 1.135 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng), được chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công đã hơn 4 tháng, nhưng tới nay công trình này vẫn “ngủ yên”.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty cổ phần Đầu tư - Tư vấn xây dựng Bắc Ái thực hiện. Với chiều dài 2,7 km, tuyến đường đi qua địa bàn phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức), điểm đầu nối với Dự án đường nối Bình Thái - Gò Dưa tại vị trí tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, điểm cuối nối với Dự án cầu vượt nút giao thông Gò Dưa.

Có thể kể thêm một dự án cũng thuộc loại chậm “kỷ lục” nữa, đó là Dự án Xây dựng bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Được khởi công từ tháng 8/2010, nhưng tới nay, sau gần 6 năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Dự án do Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư, có quy mô 5 tầng ngầm, với tổng diện tích hơn 72.000 m2, sức chứa khoảng 2.000 xe máy, 1.250 xe ô tô, 28 xe buýt và xe tải. Ngoài ra, còn có khu thương mại 3 tầng với diện tích khai thác là 30.904 m2. Tổng vốn đầu tư được thông báo lên tới trên 100 triệu USD.

Động thổ chỉ để… lấy ngày

Lý do phổ biến của việc chậm tiến độ các dự án, đó là những công trình này chưa được các chủ đầu tư thực hiện đền bù giải tỏa mặt bằng. Việc động thổ chỉ là để lấy ngày, còn việc thi công sẽ tổ chức sau, nhiều trường hợp vừa thi công vừa tổ chức đền bù giải tỏa.

Đơn cử, Dự án Tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, theo người dân sinh sống tại đây, thì tới thời điểm này, chủ đầu tư vẫn đang tiến hành thương thảo giá đền bù giải tỏa.

Còn tại Dự án xây mới cầu đường sắt Bình Lợi, ngày 24/3 vừa qua, tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội quý I/2016 của UBND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đưa ra thông tin, sẽ khởi công xây dựng cầu Bình Lợi vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn “yên tĩnh” chưa có bất kỳ dấu hiệu nào của sự xây dựng.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn chưa thực hiện xây dựng như Sở GTVT đã thông báo, chúng tôi được biết, dự án này cũng chung tình cảnh vướng giải tỏa mặt bằng, khi phía chân cầu thuộc quận Thủ Đức chưa được giải tỏa.

Đối với Dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc IUS, chủ đầu tư Dự án cho biết, lý do mà công ty ông chưa triển khai xây dựng, dù động thổ từ năm 2010, là vì phải thay đổi thiết kế phòng cháy chữa cháy theo quy định mới.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, những công trình giao thông luôn được Thành phố quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cũng bởi Thành phố ưu đãi mà nhiều doanh nghiệpkhông hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng nhảy vào tham gia. Đơn cử, những chủ đầu tư xây dựng Dự án cầu đường sắt Bình Lợi hay đường Vành đai 2, xa lộ Hà Nội, đều đăng ký hoạt động là xây dựng nhà ở, nhưng đã “sang ngang” làm dự án giao thông, do vậy rất thiếu kinh nghiệm.

“Đối với các dự án giao thông, cần chủ đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, có những kỹ sư giỏi và công nghệ chuyên về xây dựng giao thông thì mới có thể thực hiện được. Nếu cho những công ty “tay ngang” tham gia làm dự án giao thông thì sẽ gặp khó khăn trong thi công và chất lượng công trình chắc chắn sẽ không tốt”, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM nêu ý kiến.


Thanh Hóa: Công bố quy hoạch chi tiết KCN Hoàng Long

Sáng ngày 20/4, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty CP Tập đoàn FLC và UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức Lễ công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp (KCN) Hoàng Long, TP. Thanh Hóa.

Trước đó, KCN Hoàng Long được khởi công từ cuối tháng 9/2015, do FLC làm chủđầu tư, có diện tích 286,82 ha bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long và Hoằng Quang TP.Thanh Hóa; Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Với tổng mức đầu tư 2.317,5 tỷ đồng, KCN Hoàng Long được quy hoạch có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3357/QĐ-UBND ngày 13/10/2011.

cac dai bieu chung kien so xay dung thanh hoa ban giao quy hoach cho ubnd huyen hoang hoa va tap doan flc

Các đại biểu chứng kiến Sở Xây dựng Thanh Hóa bàn giao quy hoạch cho UBND huyện Hoằng Hóa và Tập đoàn FLC

Phần điều chỉnh KCN Hoàng Long được quy hoạch bao gồm các khu chức năng như: Khu trung tâm điều hành, khu sản xuất và không gian cây xanh trong KCN. Khu trung tâm điều hành được xây dựng tập trung, bố trí các công trình có hình thức kiến trúc đẹp và hiện đại, hài hoà với tổng thể kiến trúc cảnh quan, giữ vai trò là không gian trung tâm chính của cả KCN. Bên cạnh đó còn quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường, hệ thống điện, hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc.

Đây là KCN tập trung đa ngành với quy mô vừa và nhỏ, với trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện, điện tử, lắp máy sửa chữa, may mặc, chế biến nông - lâm sản và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc công bố quy hoạch KCN Hoàng Long, TP. Thanh Hóa là cơ hội tạo ra sự đột phá về cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và tỉnh Thanh Hói nói chung...


Hải Phòng sẽ khởi công nhiều dự án lớn trong tháng 5/2016

UBND Hải Phòng sáng nay vừa tổ chức họp báo thông tin về công tác tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2016, mở đầu cho một chuỗi các sự kiện lớn diễn ra trong tháng 5/2016 của thành phố Hải Phòng.

Theo đó, cùng với chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 5 ngày 6/5, từ ngày 6/5 đến 12/5, trên địa bàn Thành phố diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động lớn như: Lễ khởi công dự án 1,5 tỷ USD của  LG Displays (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Tràng Duệ; lễ khởi công Dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu do Công ty cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư tại khu vực đảo Hòn Dấu, quận Đồ Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; lễ khởi công Hợp phần B - Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải. Khu bay sân bay Cát Bi thuộc giai đoạn 1 của dự án nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi cũng sẽ được khánh thành trong dịp này.

Trước đó, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2016 diễn ra trong 3 ngày, từ 6/5 đến 8/5, tại khu vực Quảng trường Nhà hát thành phố và dải trung tâm thành phố Hải Phòng. Trong đó, chương trình nghệ thuật đêm hội khai mạc Lễ hội với chủ đề “Hải Phòng - Nối vòng tay bè bạn” được tổ chức vào 20h ngày 6/5 tại Quảng trường Nhà hát thành phố và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội bao gồm 2 nội dung chính. Trong đó, phần lễ bao gồm chương trình khai mạc lễ hội hoa phường đỏ và đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, cùng bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - Nhà hát thành phố. Phần hội của chương trình là các màn biểu diễn nghệ thuật và diễu hành đường phố với các mô hình quảng bá, giới thiệu về truyền thống lịch sử, các địa danh nổi tiếng, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

ong nguyen xuan binh, pho chu tich ubndtphp tai cuoc hop bao.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBNDTPHP tại cuộc họp báo.

Bên cạnh lễ hội chính, sẽ có khoảng 70 sự kiện khác được diễn ra bên lề lễ hội. Trong đó, có một số hoạt động lớn như: triển lãm nghệ thuật, trưng bày hoa lan, trình diễn âm nhạc đường phố, giải golf hữu nghị Hải Phòng, liên hoan diễn xướng dân gian Chèo sân đình khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng…

"Với chủ đề - Nối vòng tay bè bạn, các màn biểu diễn nghệ thuật và diễu hành sẽ thể hiện được tâm và thế của đất và con người Hải Phòng, cho thấy một Hải Phòng sẵn sàng hội nhập với thế giới, là điểm đến hấp dẫn với du khách và các nhà đầu tư”. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND Hải Phòng khẳng định.


Biến động tỷ giá khiến lợi nhuận Viettel giảm mạnh

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho thấy, biến động tỷ giá và chi phí tài chính tăng cao khiến Viettel Global gặp khó tại thị trường Châu Phi.

Theo Báo cáo, Hợp nhất toàn bộ hệ thống từ 9 thị trường đang kinh doanh tại Lào, Campuchia, Đông Timor (Đông Nam Á), Mozambique, Cameroon, Tanzania, Burundi (châu Phi), Haiti (Mỹ Latin) và Peru, Viettel Global đạt doanh thu gần 14.900 tỷ đồng, lãi sau thuế 500 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2014, khoản lãi sau thuế là 2.300 tỷ đồng. Khoản lãi sau thuế năm 2015 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012 của đơn vị này.

viettel dang gap kho o thi truong chau phi

Viettel đang gặp khó ở thị trường Châu Phi

Doanh thu tại thị trường châu Phi năm 2015 đạt gần 4.900 tỷ đồng (tăng hơn 25% so với 2014). Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ gần 2.600 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần con số năm 2014.  

Thị trường Đông Nam Á tuy không chịu lỗ nhưng doanh thu cũng giảm hơn 9%, còn 6.187 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đem về cho Viettel Global chỉ còn 1.235 tỷ đồng, giảm gần 28% so với 2014. Chỉ có thị trường Mỹ Latinh tăng nhẹ về doanh thu, mức lãi cũng nhờ đó đạt 213 tỷ, vượt trội so với con số lỗ 87 tỷ đồng của năm trước. 

Trong năm, Viettel Global đã ghi nhận lãi tỷ giá 924 tỷ đồng và lỗ tỷ giá 1.522 tỷ đồng – tức lỗ ròng từ tỷ giá hơn 600 tỷ đồng.

Lý giải về điều này, Viettel Global cho biết, hoạt động kinh doanh của đơn vị chủ yếu chịu rủi ro khi có sự thay đổi về tỷ giá, lãi suất và giá hàng hóa. Phần thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, các chi phí tài chính năm 2015 của Tổng công ty đều tăng so với 2014. Trong đó, riêng lỗ chênh lệch tỷ giá gấp hơn 5 lần, chi phí tài chính khác cũng gấp 3,5 lần và chi phí lãi vay cao gấp rưỡi năm 2014.

Nguyên nhân là do một số đồng nội tệ của các quốc gia châu Phi mà Viettel đầu tư đã giảm giá mạnh so với USD. Yếu tố này cộng với việc tăng cường đầu tư vào một số thị trường mới khiến cho Viettel Global lỗ nặng tại châu Phi dù cho doanh thu từ thị trường này tăng trưởng tới 26%.

Đây cũng là điều hoàn toàn bình thường khi kinh doanh viễn thông phải mất 3-7 năm mới bắt đầu hết lỗ. Năm 2015, Viettel mới đầu tư xong và khai trương 2 thị trường Burundi và Tanzania (châu Phi) nên việc lỗ tại thị trường Châu Phi là điều dễ hiểu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục